Trung Quốc bước vào thời kỳ nóng nhất trong năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắt đầu từ ngày 11/7, Trung Quốc bước vào thời kỳ nóng và ẩm nhất trong năm 2023, sẽ kết thúc vào ngày 19/8. Đây là năm thứ 9 liên tiếp kể từ năm 2015, thời kỳ nóng nhất trong năm kéo dài 40 ngày.

Kể từ đầu tháng 6, nhiều nơi ở Trung Quốc đã trải qua kiểu thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cực cao. Hôm qua ngày 11/7, nước này chính thức bước vào thời kỳ nóng nhất, gọi là “Tam phục thiên”, tức 30 - 40 ngày nóng nhất trong mùa hạ, được chia thành Sơ phục, Trung phục, Mạt phục.

Tam phục thiên là gì, được tính thế nào?

“Tam phục thiên” được người Trung Quốc cổ đại tính toán theo hệ thống Can Chi. Người xưa có câu: "Hạ Chí tam canh thì tính Phục”. Có nghĩa là ngày Canh thứ ba sau Hạ Chí là ngày đầu tiên của Sơ phục.

Năm nay ngày Hạ Chí là ngày 21/6 Dương Lịch, ngày Canh thứ nhất là Canh Mậu (ngày 21/6), ngày Canh thứ hai là Canh Thân (ngày 1/7), ngày Canh thứ ba là Canh Ngọ (ngày 11/7), cho nên ngày 11/7 năm nay là ngày bước vào Sơ phục.

Thời gian của Sơ phục được cố định là 10 ngày, vì vậy Sơ phục năm nay bắt đầu từ ngày 11/7 đến ngày 20/7.

Mạt phục được tính từ ngày Canh đầu tiên sau Lập Thu. Lập Thu năm nay rơi vào ngày 8/8 và ngày Canh đầu tiên là ngày 10/8 (Canh Tí). Thời gian của Mạt phục cũng được cố định là 10 ngày, vì vậy Mạt phục năm nay rơi vào ngày 10/8 đến ngày 19/8.

Thời gian giữa Sơ phục và Mạt phục là Trung phục. Tùy theo ngày Canh đến sớm hay muộn, khoảng thời gian ở giữa của Trung phục luôn là 10 hoặc 20 ngày. Do đó, toàn bộ thời gian của Tam phục thiên luôn là 30 hoặc 40 ngày. Trung phục năm nay diễn ra từ ngày 21/7 đến ngày 9/8, kéo dài trong 20 ngày. Tổng cộng, mùa nóng nhất năm nay kéo dài 40 ngày.

Cảnh báo kép: nắng nóng và mưa lớn

Theo tin tức tổng hợp từ Đài quan sát khí tượng Trung Quốc, trong thời kỳ “Sơ phục”, nhiệt độ ở các nơi như đồng bằng Hoa Bắc sẽ giảm xuống sau đó lại tăng lên. Trong khi đó một số khu vực ở phía Nam sẽ duy trì thời tiết nhiệt độ cao trên phạm vi rộng.

Nhiệt độ cao sẽ bao phủ một số khu vực ở Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Tân Cương, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Tây, Hải Nam. Trong một số khoảng thời gian nhất định sẽ rất dễ bị say nắng.

Hôm 10/7, cơ quan hữu trách đã đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao màu vàng. Từ ngày 10 - 12/7, Trung Quốc sẽ đón nắng nóng trên diện rộng. Mức nhiệt ở Hà Bắc, Hà Nam, Chiết Giang và Tứ Xuyên có thể lên tới trên 40°C. Trong ngày 11/7, nhiệt độ tại các nơi ở Trung Quốc đều từ 35°C trở lên.

Các tín hiệu cảnh báo thiên tai sớm ở Trung Quốc thường được chia thành bốn cấp độ (cấp 1 là cao nhất), tương ứng là 4 cấp độ màu gồm xanh lam, vàng, cam và đỏ (màu đỏ là nghiêm trọng và khẩn cấp nhất).

Nhiều nơi ở Quảng Đông đã chuyển sang chế độ "xông hơi". Theo dự báo thời tiết của Quảng Đông, do áp cao cận nhiệt đới chi phối, trong ba ngày tới, phần lớn Quảng Đông chủ yếu có nắng và nhiều mây, nhiệt độ dao động từ 35℃ - 37℃, cục bộ có thể có mưa to hoặc dông.

Theo dữ liệu các năm, Tam phục được biết đến là khoảng thời gian nắng nóng, oi bức và ẩm nhất trong năm. So với miền Nam, miền Bắc Trung Quốc sẽ oi nóng hơn do có độ ẩm cao. Sắp tới, khu vực phía Bắc nước này sẽ có mưa kéo dài, đối lưu mạnh, lượng mưa lớn và trên phạm vi rộng.

Sau khi vào hạ, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao khiến thời tiết trở nên oi bức, ngột ngạt. Nhưng đến thời kỳ “Tam phục thiên”, độ ẩm mặt đất tăng lên và hấp thụ nhiều nhiệt hơn là tản nhiệt, nên sau khi tích tụ nhiệt, thời tiết sẽ ngày càng nóng hơn, nhiệt độ ban ngày và ban đêm đều rất cao.

Theo Vision Times

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bước vào thời kỳ nóng nhất trong năm