Trung Quốc: Khủng hoảng cho vay ngang hàng khiến các nạn nhân thức tỉnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khủng hoảng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã khiến các nạn nhân bị thiệt hại nặng nề về tài chính. Không những vậy, các khoản đầu tư từng được chính quyền ca ngợi lại bị dán nhãn là hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Đã hơn 5 năm kể từ khi các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) của Trung Quốc sụp đổ, tuy nhiên nhiều giám đốc điều hành của các nền tảng đã né tránh được trách nhiệm. Hậu quả là, vô số nhà đầu tư bị lâm vào cảnh túng quẫn và không thể đòi bồi thường.

Hiện tượng cho vay P2P của Trung Quốc nổi lên vào khoảng năm 2006, cho phép cho vay trực tiếp giữa các cá nhân thông qua các nền tảng trực tuyến, bỏ qua các trung gian tài chính truyền thống. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), mô hình này đã trở nên phổ biến vào năm 2013 trong bối cảnh bùng nổ hoạt động tài chính dựa trên Internet.

Mới đây, ông Zhao Ting (hóa danh), một cây bút trên diễn đàn trực tuyến tại Trung Quốc, đã kể lại trải nghiệm của mình với sự sụp đổ của một nền tảng tài chính trên Internet ở Trung Quốc. Chứng kiến vô số cá nhân mất tất cả mà không thể nhờ cậy đến công lý, ông Zhao bàng hoàng khi phát hiện ra sự tham gia của nhà nước. Điều này đã khiến ông từ bỏ lòng trung thành với ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), từ một người ủng hộ trở thành một người phản đối mạnh mẽ đối với ĐCSTQ.

Các nạn nhân thức tỉnh

Nhớ lại về trải nghiệm của bản thân, ông Zhao kể lại với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung: “Tôi bắt đầu đầu tư vào P2P vào năm 2016, trong giai đoạn cuối của nó. Các nền tảng như Ezubao và Fanya đã sụp đổ [vào thời điểm đó]. Không thể vượt qua sự kiểm duyệt Internet, tôi đã tìm kiếm những nơi đầu tư được coi là an toàn, chẳng hạn như YinPiaoWang, nơi xử lý giấy nợ ngân hàng và giấy nợ đáo hạn tương tự như tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng”.

Theo ông Zhao, các phương tiện truyền thông nhà nước đã tích cực quảng bá YinPiaoWang: “Các nền tảng như YinPiaoWang đã được các tổ chức nhà nước chứng thực. Chúng tôi đã yên tâm bởi các chuyến thăm của các quan chức cấp cao và sự chứng thực của các cơ quan quản lý”.

Hồ sơ công khai cho thấy YinPiaoWang ra mắt vào tháng 8/2014 với sự ủng hộ đáng kể từ phía chính quyền, nhưng đến tháng 7/2018, Chủ tịch của nền tảng, Yi Deqin, đã thừa nhận thất bại với chính quyền với lý do mất khả năng thanh toán do chuỗi vốn bị gián đoạn.

Ông Zhao cho biết: “Gia đình tôi tin tưởng vào phán đoán của tôi và đầu tư, [dẫn đến] thua lỗ hơn một triệu CNY (nhân dân tệ) (140.000 USD), bao gồm cả tiền tiết kiệm cả đời của chú tôi - gần 800.000 CNY (112.670 USD)”.

Ông Cheng Nuo (hóa danh), một người cho vay trên Nền tảng P2P Huisheng có trụ sở tại Thiên Tân, là một trong số nhiều nạn nhân của cuộc khủng hoảng cho vay P2P, những người đã từ bỏ lòng trung thành với ĐCSTQ kể từ đó.

Nói chuyện với The Epoch Times, ông bày tỏ sự thất vọng: “Số nạn nhân ít nhất là 320 triệu. Tôi là một trong số họ. Ban đầu, tôi tin rằng sáng kiến của chính quyền sẽ có lợi nhưng cuối cùng nó lại bị coi là bất hợp pháp. Khi chúng tôi tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình, chúng tôi đã bị bắt. Tôi đã đấu tranh cho quyền lợi của chúng tôi trong 3-4 năm nhưng vô ích. Họ đàn áp, đe dọa chúng tôi nhưng chúng tôi không thể chấp nhận được điều đó”.

Bà Zhao (hóa danh) đã đầu tư 12,6 triệu CNY (1,74 triệu USD) vào Ezubao và 3 triệu CNY (410.000 USD) vào Cedar International Trust, để rồi mất hết tất cả tiền tiết kiệm. Bất chấp rất nhiều lần khiếu nại, bà vẫn phải đối mặt với sự đàn áp liên tục, điều mà bà cho rằng đã khiến bà nhận ra bản chất tàn ác của ĐCSTQ và từ bỏ ĐCSTQ.

Bà Zhao nói: “Các sản phẩm tài chính P2P là một thảm kịch”. “Khi tôi đầu tư vào Ezubao, nó đã được chính quyền chứng thực. Sau khi được chứng thực, nó đột nhiên bị phân loại là bất hợp pháp. Trong một số trường hợp, mọi người chỉ nhận lại được 10 hoặc 20% [số tiền đầu tư], nhưng hầu hết chẳng nhận được gì. Trong số 100 người, có lẽ 20 người nhận được thứ gì đó. Tôi không nhận được một xu nào cả. Điều tương tự cũng xảy ra với số tiền tôi đầu tư vào Cedar International Trust – tôi cũng không nhận lại được gì. Tôi thường xuyên đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, nhưng họ đã đàn áp tôi. Tôi không thể đi đâu cả; công an địa phương buộc tội tôi đã thỉnh nguyện bất hợp pháp”.

Trung Quốc: Khủng hoảng cho vay ngang hàng khiến các nạn nhân thức tỉnh
Hơn 200 nạn nhân của nền tảng P2P Hàng Châu "Zhuqianmao" đứng biểu tình trước Sở Công an tỉnh Chiết Giang ở Chiết Giang, Trung Quốc, vào tháng 9/2018. (Ảnh: Zhao Ting)

Từ việc được ca ngợi trở thành hoạt động bất hợp pháp

Chính phủ Trung Quốc ban đầu đã ủng hộ hoạt động cho vay P2P, với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường tán thành hoạt động tài chính dựa trên Internet trong báo cáo chính phủ năm 2015 của ông này.

Tuy nhiên, theo sau cảnh báo từ Chủ tịch Guo Shuqing của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc vào tháng 6/2018 là sự sụp đổ của nhiều nền tảng P2P được ngụy trang dưới dạng được hỗ trợ bởi các công ty giao dịch đại chúng hoặc doanh nghiệp nhà nước. Vô số nhà đầu tư đã bị tổn hại nặng nề về mặt tài chính.

Đến tháng 8/2020, hơn 5.000 công ty P2P đã biến mất, khiến các nhà đầu tư quay cuồng vì khoản thiệt hại lên tới hơn 800 tỷ CNY (113 tỷ USD).

Điều khiến các nhà đầu tư càng khó chấp nhận hơn là họ không chỉ mất tất cả tiền mà các khoản đầu tư từng được các quan chức ca ngợi giờ đây bị dán nhãn là hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Diễn biến sau đó là các cuộc biểu tình ở khắp các thành phố lớn và chúng vấp phải phản ứng mạnh tay từ phía chính quyền. Tại Bắc Kinh, một cuộc thỉnh nguyện quy mô lớn vào tháng 8/2018 đã bị đàn áp, dẫn đến các vụ bắt giữ và các cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”.

Theo ông Zhao, cảnh sát đã tấn công những người biểu tình như tội phạm và trong cơn tuyệt vọng, ít nhất 4 người trong số họ đã tự sát.

Ông Zhao, vỡ mộng trước sự phản bội của hệ thống chính quyền, đã cố gắng khiếu nại lên Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ông nói: “Tôi thật ngây thơ khi tin rằng lãnh đạo cấp cao có thể giúp đỡ và đó là lỗi của chính quyền địa phương”.

Ông Zhao cho biết ông đã viết thư một cách tha thiết và nghiêm túc cho ông Lý kể chi tiết về thảm họa tài chính trên khắp đất nước và nỗi đau không thể chịu đựng của người dân, hy vọng chính quyền trung ương có thể giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Zhao chứng kiến nỗ lực của mình bị bóp nghẹt. “Việc lãnh đạo cấp cao không muốn thừa nhận thảm họa tài chính thật đáng thất vọng. Rõ ràng là họ đã đồng lõa”, ông Zhao nói.

Năm 2018, dưới hóa danh Liu Yanlin, một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung, làm sáng tỏ tình hình bấp bênh của các nền tảng cho vay P2P ở Trung Quốc.

Ông Liu nhấn mạnh một thiếu sót nghiêm trọng của hoạt động cho vay P2P: các tổ chức phi chính phủ này thiếu quyền truy cập vào dữ liệu quan trọng của các doanh nghiệp như lịch sử tín dụng, sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Do đó, các doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng kém, không thể có được các khoản vay thông qua các con đường truyền thống, ngày càng chuyển sang dùng nền tảng P2P để có được hỗ trợ tài chính. Dòng khách hàng có rủi ro cao này, cộng thêm với các biện pháp quản lý rủi ro không đầy đủ tại thời điểm trước, trong và sau khi cho vay, đã làm gia tăng theo cấp số nhân các lỗ hổng tài chính. Do đó, bất chấp sự phổ biến của chúng, hoạt động cho vay P2P không có được sức thu hút đáng kể ở các quốc gia có quy định tài chính nghiêm ngặt.

Dữ liệu của ông Liu vẽ nên một bức tranh sống động về sự phát triển bùng nổ của nền tảng P2P ở Trung Quốc. Ban đầu chỉ có con số khiêm tốn là 160 trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2012, quy mô của hoạt động này đã tăng vọt từ năm 2013 trở đi, vượt qua 10.000 vào năm 2018. Trong số này, hơn 6.000 nền tảng đã được chính thức công nhận, và sự gia tăng mạnh mẽ chủ yếu là do sự chứng thực có chủ ý của chính quyền.

Sự gia tăng đột biến này ở Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với quỹ đạo phát triển được quan sát thấy ở các khu vực khác trên thế giới trong lĩnh vực P2P. Theo ông Liu, hiện tượng này không phải ngẫu nhiên; đúng hơn, nó đã được chính quyền tích cực nuôi dưỡng.

Ông cáo buộc: “ĐCSTQ khuyến khích đổi mới tài chính thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước và các tổ chức bán chính thức. Các ngân hàng đã chuyển tài sản tín dụng xấu của họ sang các nền tảng P2P, được chính phủ ngầm cho phép để chuyển đổi mục đích và tìm cách tài trợ cho các khoản nợ này, sau đó được công chúng hấp thụ một cách không nghi ngờ gì. Dòng vốn chảy vào từ đó đã hỗ trợ các ngân hàng trong khi chuyển rủi ro tài chính một cách có hệ thống sang người dân bình thường”.

Ngoài các thao túng tài chính, ông Liu tin rằng động cơ của ĐCSTQ còn mở rộng ra bao hàm các kế hoạch chính trị xã hội rộng lớn hơn, đặc biệt nhắm vào tầng lớp trung lưu – một nhóm nhân khẩu học được coi là gây ra mối đe dọa kép do tư duy độc lập và năng lực kinh tế của họ. Ông Liu khẳng định: “Nó không chỉ đơn thuần là về cho vay P2P”. “Trong các giai đoạn tiếp theo, thông qua các chiến lược tác động đến vốn cổ phần tư nhân, thị trường chứng khoán và bất động sản, ĐCSTQ có ý định gây bất ổn một cách chiến lược và làm nhóm này nghèo đi”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Khủng hoảng cho vay ngang hàng khiến các nạn nhân thức tỉnh