Trung Quốc: Người nhà thắng vụ kiện đòi bệnh viện bồi thường vì phẫu thuật cắt bỏ nội tạng bệnh nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một gia đình Trung Quốc đã được bồi thường sau khi bệnh viện chẩn đoán nhầm bệnh ung thư tuyến tụy cho người mẹ 77 tuổi của họ. Bà đã qua đời không lâu sau khi trải qua cuộc phẫu thuật không cần thiết, bao gồm việc bị cắt bỏ ít nhất hai cơ quan nội tạng.

Bà Trương Ngọc Hoa (Zhang Yuhua) ban đầu được chẩn đoán mắc sỏi mật và đã nhập viện để điều trị vào năm 2018. Sau đó, bà được chẩn đoán có khả năng cao mắc “khối u ác tính tuyến tụy” và đã trải qua cuộc phẫu thuật bao gồm cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy và lá lách. Hai tháng sau cuộc phẫu thuật, bà Trương qua đời do suy gan nặng và hội chứng gan thận (suy giảm các chức năng thận).

Tháng 8/2019, gia đình bà Trương đệ đơn kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại y tế lên Tòa án quận Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến.

Tòa án chỉ định một trung tâm giám định tư pháp địa phương tiến hành giám định, kết quả cho thấy bệnh viện chẩn đoán bà Trương bị “ung thư tuyến tụy” chỉ dựa trên kết quả chụp PET-CT từ một bệnh viện khác, trong khi nhiều lần kiểm tra trước phẫu thuật không phát hiện bất kỳ khối u hoặc tế bào u tuyến tụy nào. Trong quá trình phẫu thuật, không có phát hiện rõ ràng nào về khối u hoặc tổn thương tụy, và gia đình không được thông báo kịp thời.

Hơn nữa, vì bệnh nhân đã lớn tuổi và có tiền sử cao huyết áp nên việc thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tụy - mà không có bằng chứng rõ ràng về mô khối u ác tính - đã gây ra tổn thương nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa dinh dưỡng và cân bằng điện giải tổng thể của bệnh nhân, điều này dẫn đến kết luận rằng “việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật có mối liên hệ nhất định với cái chết [của bệnh nhân]".

Trong phiên tòa đầu tiên, tòa án phán quyết rằng bị cáo, Bệnh viện Thâm Quyến Đại học Hong Kong, phải chi trả 80% số tiền bồi thường, lên tới hơn 470.000 CNY (65.417 USD). Không hài lòng với phán quyết, cả hai bên đã kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Trung cấp Thâm Quyến.

Tháng 11/2023, phán quyết cuối cùng kết luận rằng Bệnh viện Thâm Quyến Đại học Hong Kong có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền bồi thường, hơn 620.000 CNY (86.295 USD), cho gia đình bệnh nhân.

Cô Tuân Kiệt (Huan Jie), con gái của bà Trương, nói với The Beijing News rằng cô hy vọng sẽ buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và hành chính. Cô Tuân cho biết cô đã báo cáo vụ việc lên Ủy ban Y tế Thâm Quyến nhưng họ đã quyết định không xử phạt hành chính do “hành vi vi phạm [của Bệnh viện Thâm Quyến Đại học Hong Kong] không được báo cáo [lên Ủy ban] trong vòng 2 năm”. Cô cũng đã đệ đơn lên Phòng Công an Thiên An thuộc Sở Công an Thâm Quyến, trong đó cáo buộc bác sĩ chủ trì ca phẫu thuật cố ý gây thương tích, nhưng cảnh sát vẫn chưa lập hồ sơ vụ việc.

Cách diễn đạt của bệnh viện có thể gây hiểu lầm

Tài khoản “Con gái nạn nhân của Bệnh viện Thâm Quyến - Đại học Hong Kong” trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) đã đăng một số giấy tờ chẩn đoán bệnh của bà Trương. Những tài liệu này cho thấy ban đầu bà được bệnh viện chẩn đoán mắc “sỏi mật và viêm túi mật mãn tính” vào năm 2018. Bà Trương sau đó đã thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) tại bệnh viện này, kết quả không phát hiện bất kỳ tế bào u nào. Sau đó, bà được chuyển đến một bệnh viện ở Quảng Châu để chụp cắt lớp vi tính phát xạ positron (PET-CT), với chẩn đoán có khả năng cao bà có một “khối u ác tính”.

Tài khoản Douyin này cũng đăng công khai “biểu mẫu [bệnh nhân] đồng ý” với cuộc phẫu thuật; biểu mẫu có nhan đề “Phẫu thuật Ung thư Tuyến tụy”, trong đó có phần nói về định nghĩa, phương pháp điều trị, tỷ lệ sống sót và rủi ro phẫu thuật của ung thư tuyến tụy.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn nội dung biểu mẫu, có một đoạn như sau: “Bác sĩ đã thông báo với tôi rằng tôi mắc ung thư tuyến tụy; IPMN?, và đã yêu cầu tôi cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy khi được gây mê toàn thân". Các chữ cái “IPMN” ban đầu có vẻ là tên viết tắt tiếng Anh của ung thư tuyến tụy, tuy nhiên, sau khi điều tra, IPMN được phát hiện là cách viết tắt của cụm từ u nhầy nhú trong ống tuyến tụy. Biểu mẫu chỉ nói về ung thư tuyến tụy mà không đề cập đến tên đầy đủ hoặc lời giải thích bằng tiếng Trung của “IPMN”.

Cô Tuân cho rằng tài liệu này cho thấy “bệnh viện đã quyết định chẩn đoán là ung thư tuyến tụy”, mà dường như bỏ qua khả năng có một khối u lành tính đằng sau bốn chữ cái tiếng Anh “IPMN” theo sau cụm từ “ung thư tuyến tụy”.

Một tuyên bố được bệnh viện đưa ra vào ngày 29/2 giải thích rằng, chẩn đoán trước phẫu thuật là “Ung thư tuyến tụy hay IPMN (u nhầy nhú trong ống tuyến tụy)?” và IPMN là tổn thương tiền ung thư. Kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật cũng cho thấy bệnh nhân quả thực có tổn thương tiền ung thư.

The Epoch Times đã liên hệ với Bệnh viện Thâm Quyến Đại học Hong Kong để xác định xem liệu cách diễn đạt này có gây hiểu lầm hay không, nhưng đến thời điểm xuất bản bài báo vẫn chưa nhận được phản hồi nào.

Gia đình đặt nghi vấn: Các cơ quan nội tạng của bệnh nhân đang ở đâu

Ngoài ra, cô Tuân còn cáo buộc bệnh viện “cưỡng chế lấy 5 bộ phận cơ thể khỏe mạnh của mẹ tôi”. Cô nói rằng: “Bụng của người mẹ tội nghiệp của tôi trống rỗng”. Cô chỉ trích bệnh viện vì đã không cho gia đình xem nội tạng bị lấy đi, khiến họ không biết những nội tạng đó đang ở đâu.

Không rõ 3 cơ quan nội tạng còn lại – ngoài lá lách và tuyến tụy – mà cô Tuân đề cập đến là gì.

Nhà làm truyền thông Trung Quốc Đặng Phi (Deng Fei) đã lên tiếng chỉ trích bệnh viện trong một bài đăng ngày 28/2: “Không phát hiện ra tổn thương của bệnh nhân và không thông báo cho gia đình, một loạt ca phẫu thuật đã cắt bỏ 5 cơ quan khỏe mạnh và bệnh nhân đã tử vong một cách bi thảm”.

Trong văn bản trả lời vào ngày 29/2, bệnh viện khẳng định rằng cáo buộc “cắt bỏ 5 cơ quan khỏe mạnh của mẹ cô [Tuân]” là vô căn cứ. Bệnh viện giải thích do tuyến tụy nằm ở điểm giao nhau của ruột, ống mật và ống tụy, giống như một nút giao, nên để loại bỏ triệt để các tổn thương trong quá trình cắt toàn bộ tụy thì cần phải cắt bỏ một phần hang vị dạ dày, tá tràng, lá lách, túi mật, đoạn dưới của ống mật chung và đoạn đầu của hỗng tràng.

The Epoch Times đã liên hệ với Bệnh viện Thâm Quyến Đại học Hong Kong để hỏi liệu trình tự xét nghiệm xâm lấn và không xâm lấn không phù hợp có dẫn đến chẩn đoán sai hay không, cũng như để biết thêm chi tiết về những cơ quan nội tạng nào của bệnh nhân đã bị cắt bỏ, nhưng đến thời điểm xuất bản bài báo vẫn chưa nhận được phản hồi từ bệnh viện.

Bác sĩ phẫu thuật chính cho bà Trương là bác sĩ Ji Ren - bác sĩ phẫu thuật hội chẩn tại Khoa Phẫu thuật Gan mật và Tụy của bệnh viện.

Phẫu thuật nhiều hơn để kiếm lợi nhuận

Bác sĩ Quan (Guan) - một cựu bác sĩ Trung Quốc hiện sống ở nước ngoài, yêu cầu không công bố họ tên đầy đủ - cho biết việc các bệnh viện ở Trung Quốc thực hiện nhiều ca phẫu thuật hơn để kiếm lợi nhuận là chuyện dễ thấy.

Ví dụ, trong những trường hợp chỉ cần tiểu phẫu, bệnh nhân thường được khuyên nên chấp nhận đại phẫu; trong những trường hợp không cần thiết phải phẫu thuật, bệnh nhân thường được đề nghị thực hiện phẫu thuật; và ngay cả trong những trường hợp không cần phẫu thuật, các bác sĩ vẫn thường tiến hành phẫu thuật, ông nói với The Epoch Times.

Nguyên nhân là do các cơ quan trong chính quyền Trung Quốc đã đẩy các bệnh viện ra thị trường làm ăn kinh tế sau khi thực hiện chính sách bệnh viện tự chủ tài chính. Sự chỉ đạo và quản lý từ chính quyền đã khiến các bệnh viện và bác sĩ chạy theo lợi ích tài chính, đồng thời họ cũng có thể bỏ qua tiểu tiết để theo đuổi số lượng.

“Bệnh nhân ban đầu không cần phải có kiến thức y học cao siêu này. Nếu bác sĩ có y đức cao, xã hội duy trì đạo đức tốt, thì bệnh nhân chỉ cần tin tưởng vào bác sĩ để được chữa trị. Sở dĩ một số bệnh nhân phải tự học kiến thức chuyên môn là vì họ đã mất lòng tin vào bác sĩ”, bác sĩ Quan nói.

“Đây thực chất là kết quả của việc đạo đức toàn xã hội đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc phá hoại. Bệnh nhân không tin tưởng bác sĩ, và bác sĩ cũng đề phòng trước rằng bệnh nhân sẽ có tranh cãi về y tế”.

Nạn mổ cướp nội tạng sống khiến công chúng lo sợ

Mặc dù bác sĩ Quan tin rằng rất khó từ dữ liệu và hồ sơ y tế hiện tại để có thể xác định liệu nạn buôn bán nội tạng có đóng vai trò nào trong trường hợp của bà Trương Ngọc Hoa hay không, ông lưu ý rằng có nhiều bằng chứng cho thấy các nạn nhân gần đây của nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc không chỉ còn giới hạn ở các học viên Pháp Luân Công, và điều này đã khiến công chúng sợ hãi.

Tháng 8/2020, bác sĩ Lục Sâm (Lu Sen) - giám đốc Bệnh viện Nhân dân tỉnh Giang Tô - đã bị kết án vì tội thu hoạch nội tạng của bệnh nhân. Sau khi bác sĩ Lục ra tù, ông tiết lộ với truyền thông Trung Quốc rằng thu hoạch nội tạng là “hành vi được nhà nước bảo trợ”, và nội tạng thu hoạch được gửi đến Bệnh viện Đa khoa PLA 302Bệnh viện Trung ương số 1 Thiên Tân. Theo cuộc điều tra của Tổ chức Điều tra Quốc tế về Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), cả hai bệnh viện này đều bị nghi ngờ đã và đang thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công.

Trung Quốc Người nhà thắng vụ kiện đòi bệnh viện bồi thường vì tiến hành phẫu thuật không cần thiết cắt bỏ nội tạng bệnh nhân
Cuộc diễu hành của các học viên Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) ở Manhattan, New York, Mỹ, ngày 16/5/2019. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Trong những năm gần đây, Bệnh viện Thâm Quyến Đại học Hong Kong cũng đang phát triển các dự án cấy ghép nội tạng. Giáo sư Lư Sủng Mậu (Lo Chung-mau) - viện trưởng thứ hai của bệnh viện - đã đề xuất về việc trao đổi nội tạng người giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong, và cũng đã đề nghị tập trung các ca ghép tạng cho người dân Hong Kong tại bệnh viện của ông.

Sau khi đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu bộ phận y tế của Cơ quan Quản lý Bệnh viện Hong Kong, Giáo sư Lư đã thúc đẩy các hoạt động cấy ghép nội tạng giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong, khiến người dân Hong Kong lo ngại. Sau trường hợp đầu tiên một bệnh nhân Hong Kong được cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc đại lục, hệ thống hiến tạng của Bộ Y tế Hong Kong đã ghi nhận hơn 5.000 lượt hủy đăng ký hiến tạng.

Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật ngăn chặn công dân của họ tiến hành cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Vào ngày 1/3, Utah đã trở thành tiểu bang thứ hai của Hoa Kỳ thông qua dự luật đối phó với nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện, bằng cách cấm các công ty bảo hiểm chi trả cho các bệnh nhân đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng hoặc ký các hợp đồng về chăm sóc sau ghép tạng.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Người nhà thắng vụ kiện đòi bệnh viện bồi thường vì phẫu thuật cắt bỏ nội tạng bệnh nhân