Vì sao người phụ nữ Trung Quốc lại để thú cưng thừa kế tài sản thay vì cho con?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Thượng Hải, Trung Quốc, bà Lưu, một người phụ nữ tuổi trung niên đã quyết định sửa di chúc để lại toàn bộ tài sản là 20 triệu tệ (hơn 69 tỷ đồng) cho những chú chó, mèo mà bà đang nuôi.

Thông thường cha mẹ sẽ để lại tài sản cho các con sau khi qua đời, nhưng với bà Lưu thì lại khác. Bà Lưu có 3 người con, vài năm trước, bà đã lập di chúc để lại tài sản cho các con. Tuy nhiên, khi bà lâm bệnh nặng các con không đến thăm hỏi, chăm sóc. Thậm chí, rất hiếm khi liên lạc với bà, nên đầu năm nay 2024 bà đã quyết định sửa lại di chúc.

Bà Lưu cảm thấy thất vọng và đau lòng. Bà nhận ra rằng, trong lúc cần các con cần người thân bên cạnh nhất thì chỉ có những chú chó, mèo trung thành luôn ở bên cạnh. Chúng là những người bạn thực sự của bà, và bà muốn đảm bảo rằng chúng sẽ được chăm sóc chu đáo sau khi bà qua đời. Vì vậy, bà đã sửa lại di chúc chuyển hết tài sản cho các con sang cho thú cưng.

Vì thú cưng không được thừa kế tài sản của chủ sở hữu, nhưng có thể ủy thác cho người khác theo luật pháp Trung Quốc, nên bà Lưu đã chọn một phòng khám thú ý địa phương là người quản lý khối tài sản 20 triệu tệ, và chịu trách nhiệm chăm sóc toàn diện cho thú cưng của bà sau khi bà qua đời.

Quyết định của bà Lưu gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người cho rằng, “vì bà Lưu quá thất vọng và đau lòng nên mới có quyết định như vậy”. Một số người khác bình luận “việc để lại tài sản cho thú cưng là một hành động lãng phí, không biết chúng có được chăm sóc tốt không hay những người ở phòng khám đó sẽ lấy hết tài sản”.

Ảnh minh hoạ (Pexels)

Tuy nhiên, cũng có những người ủng hộ quyết định của bà Lưu. Họ cho rằng tình cảm giữa con người và thú cưng cũng đáng quý. Đối với một số người thì thú cưng đã trở thành bạn đồng hành, thậm chí họ coi như là một thành viên trong gia đình.

Trước sự việc lạ đời như vậy, một người thuộc Trung tâm Đăng ký di chúc ở Bắc Kinh, cho biết, di chúc chỉ định một phòng khám thú y ở địa phương là nơi thừa kế toàn bộ tài sản hiện tại của bà Lưu mới chỉ là một chiều. Ông này cũng khuyên bà Lưu, nên nhờ một người thân mà bà tin tưởng để giám sát phòng khám, đảm bảo thú cưng được chăm sóc tốt.

Một người khác trong Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc, cũng khuyên bà Lưu nên cân nhắc và suy nghĩ lại về việc giao toàn bộ tài lớn như thế cho phòng khám thú cưng, cũng như cho các con của bà một cơ hội nếu họ thay đổi thái độ.

Trong cuộc sống có không ít trường hợp người chủ để lại toàn bộ tài sản cho thú cưng của mình. Đây là một hành động ngược đời, nhưng không phải là hiếm gặp. Cũng tại Thượng Hải, vào tháng 12/2023, toà án đã chấp thuận di chúc của một người đàn ông để lại toàn bộ tài sản, cho một chủ hàng bán trái cây tốt bụng, số tài sản có trị giá khoảng 466.000 USD (khoảng 11 tỷ đồng) dù cho con cái của người này không đồng ý.

Lý do là khi người đàn ông này bất ngờ bị đột quỵ trong lúc đang đi chợ, người chủ hàng bán trái cây đã phát hiện kịp thời đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, người này còn nhiệt tình đến thăm hỏi, chăm sóc ông trong thời gian ông nằm liệt giường ở bệnh viện. Vì vậy, ông đã quyết định để lại quyền thừa kế di chúc cho người đã cứu và chăm sóc mình, sau khi ông qua đời.

Qua hai câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy người để lại di chúc quyền thừa kế tài sản cho không phải là con, cũng chẳng phải là cháu hay người thân mà là thú cưng hoặc người đã có ơn với mình không phải hiếm gặp. Vì vậy, không nhất định là “cha truyền con nối”, của cha mẹ tất nhiên sẽ là của con cái.

Cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng những đứa con trưởng thành, ơn sâu nghĩa dày đó báo đáp sao hết. Ngày nay, những người làm con chạy theo vật chất mà quên đi nghĩa tình, theo dục vọng thỏa mãn cá nhân không quan tâm đến người thân, coi nhẹ luân thường đạo lý. Tài sản của cha mẹ cũng là một dạng phúc báo cho con cháu, ai có ơn, chăm sóc họ khi về già họ sẽ để lại tài sản cho người đó. Người xưa cũng có câu: “Kính già, già để tuổi cho” đấy ư! Vậy muốn được hưởng phúc thì cần dày công trau dồi đạo đức, tu sửa bản thân để hưởng trái ngọt.

Cuối cùng, việc để lại tài sản cho ai, người hay thú cưng là một quyết định cá nhân. Không có việc đúng hay sai, và mỗi người cần cân nhắc các yếu tố khác nhau trước khi đưa ra quyết định.

Ngọc Liên - Nguồn: SCMP

 

 

 

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người phụ nữ Trung Quốc lại để thú cưng thừa kế tài sản thay vì cho con?