Việc thiếu tầm soát thiếu máu khiến người cao tuổi dễ gặp nguy hiểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu cho thấy có một lỗ hổng trong công tác sàng lọc sức khỏe là các nguyên nhân gây thiếu máu có thể điều trị được như thiếu vitamin B12, folate và sắt thường bị bỏ qua.

Thiếu máu là một bệnh lý thường gặp nhưng lại diễn ra âm thầm. Các triệu chứng thiếu máu thường bị bỏ qua hoặc không được chú ý. Thiếu máu có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Do đó việc phát hiện sớm bằng cách sàng lọc thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng giúp kiểm soát và điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Limerick ở Ireland được công bố vào đầu năm 2024 cho thấy các bác sĩ chưa sàng lọc đầy đủ tình trạng thiếu máu. Nghiên cứu thuần tập hồi cứu thực hiện trên 112.181 bệnh nhân người lớn từ 18 tuổi trở lên cho thấy có 12% bệnh nhân bị thiếu máu. Đây là tỷ lệ cao hơn so với dự kiến.

Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ cao hơn đáng kể so với nam giới. Ngược lại, đến độ tuổi từ 55 đến 59, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới sẽ cao hơn nữ giới. Chẩn đoán thiếu máu gia tăng đáng kể theo tuổi tác và lên đến 33,4% ở những người trên 75 tuổi. Nghiên cứu cũng cho thấy “tỷ lệ mắc bệnh theo tuổi ở nam tăng nhanh hơn so với nữ”.

Tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt và vitamin trong hệ thống y tế ở Cộng hòa Ireland: nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu. Tác giả: Conor Cian Clancy, Leonard D Browne, Robert Gilligan, Ophelia Blake, Austin G Stack https://doi.org/10.3399/ BJGPO.2023.0126 Bản quyền © 2024, giấy phép CC BY.

Nghiên cứu này cho thấy có một lỗ hổng quan trọng trong công tác sàng lọc chăm sóc sức khỏe. Các nguyên nhân gây thiếu máu có thể điều trị được như thiếu vitamin B12, folate và sắt thường bị bỏ qua và không được xét nghiệm. Dưới 20% bệnh nhân thiếu máu được sàng lọc tình trạng thiếu vitamin B12 và thiếu axit folic, đồng thời chỉ có một phần ba trong bệnh nhân được xét nghiệm thiếu sắt trong tái khám tiếp theo sau ba tháng.

Ở Hoa Kỳ, dữ liệu mới nhất từ Khảo sát Thăm dò Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy hơn 70% trường hợp thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai và trẻ em bị bỏ sót. Một bài báo được đăng vào năm 2022 trên Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ xác định rằng các hướng dẫn hiện tại của Hoa Kỳ về hoạt động sàng lọc thiếu máu đã lỗi thời hoặc không rõ ràng.

Thiếu máu là gì?

Theo Mayo Clinic, thiếu máu là tình trạng thiếu hụt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu, dẫn đến hiện tượng các mô và cơ quan trong cơ thể không nhận đủ oxy. Hemoglobin là thành phần của tế bào hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể. Sắt là một "thành phần thiết yếu của hemoglobin".

Có nhiều yếu tố có thể gây ra thiếu máu như suy dinh dưỡng, các bệnh lý mạn tính, rối loạn tiêu hóa hoặc nguyên nhân di truyền. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta có thể lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau như thay đổi chế độ ăn, bổ sung vitamin và khoáng chất và trong những trường hợp nặng có thể sẽ cần những biện pháp can thiệp y tế khác.

Các loại và nguyên nhân gây thiếu máu

Thiếu máu có nhiều loại khác nhau. Các loại và nguyên nhân gây thiếu máu phổ biến nhất gồm có:

Thiếu sắt

Đây là loại thiếu máu phổ biến nhất, do tình trạng thiếu sắt, một thành phần thiết yếu để sản xuất hemoglobin, gây ra. Nguyên nhân thường gặp là do mất nhiều máu, chế độ ăn thiếu các thực phẩm giàu sắt, hoặc cơ thể không thể hấp thụ sắt từ thức ăn. Mất máu cấp tính hoặc mất máu mạn tính do các yếu tố như: kinh nguyệt nhiều, xuất huyết tiêu hóa hoặc chấn thương có thể dẫn đến loại thiếu máu này.

Thiếu vitamin

Thiếu máu do thiếu vitamin là tình trạng thiếu các vitamin thiết yếu cần thiết để tạo ra tế bào hồng cầu khỏe mạnh:

  • Vitamin B12 cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu.
  • Folate có vai trò quan trọng trong sự hình thành các tế bào hồng cầu.
  • Tình trạng thiếu vitamin B6 ít gặp hơn, tuy nhiên nồng độ vitamin B6 thấp cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hemoglobin.

Thiếu máu tán huyết

Loại thiếu máu này xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn tốc độ sản xuất, dẫn đến thiếu hồng cầu.

Thiếu máu bất sản

Thiếu máu bất sản là một loại thiếu máu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Loại thiếu máu này xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ hồng cầu do sự tổn thương hoặc suy giảm chức năng của tủy xương.

Hồng cầu hình liềm

Bệnh hồng cầu hình liềm là một dạng thiếu máu di truyền. Trong bệnh lý này, các tế bào hồng cầu cứng và dính hơn, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và giảm lượng oxy cung cấp cho mô.

Các bệnh lý mạn tính

Một số bệnh lý mạn tính như bệnh thận, ung thư và viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến thiếu máu do giảm sản xuất hoặc tăng phá hủy hồng cầu.

Mang thai

Thiếu máu cũng có thể xảy ra do sự tăng thể tích máu và nhu cầu sắt trong cơ thể gia tăng để hỗ trợ quá trình phát triển của thai.

Rối loạn tủy xương

Các bệnh lý ảnh hưởng đến tủy xương như bệnh bạch cầu hoặc hội chứng rối loạn sinh tủy có thể dẫn đến thiếu máu do những bệnh lý cản trở quá trình sản xuất hồng cầu.

Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ gây thiếu máu như:

  • Các thuốc hóa trị và các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị và hóa trị đều có thể gây ra thiếu máu.
  • Thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và aspirin có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.
  • Các thuốc kháng sinh như penicillin hoặc cephalosporin có thể dẫn đến thiếu máu ở một số trường hợp.
  • Thuốc chống động kinh cũng có thể liên quan đến thiếu máu.
  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển được sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến thiếu máu nhẹ.
  • Thuốc kháng virus, một nhóm thuốc dùng để điều trị HIV, cũng là một yếu tố nguy cơ gây thiếu máu.

Thiếu máu ở người lớn tuổi

Các tác giả của nghiên cứu kết luận rằng gánh nặng của bệnh thiếu máu đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe rất quan trọng ở những bệnh nhân lớn tuổi do đây là nhóm bệnh nhân dễ tổn thương.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Blood, thiếu máu là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi như:: giảm chức năng nhận thức và giảm khí sắc, các bệnh về tim mạch, mất ngủ, nằm viện thường xuyên hơn và thời gian kéo dài hơn, giảm khả năng thực hiện các hoạt động phức tạp. Nồng độ hemoglobin thấp cũng liên quan đến nguy cơ té ngã và gãy xương cao hơn thường gặp ở người cao tuổi. Ngoài ra, nghiên cứu này còn cho thấy thiếu máu có thể là dấu hiệu cảnh báo tỷ lệ tử vong cao hơn.

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu

Các triệu chứng thực thể của thiếu máu gồm có: mệt mỏi, yếu, khó thở và nhịp tim không đều. Bác sĩ Ramit Singh Sambyal, bác sĩ đa khoa và trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện & Viện Tim mạch Metro, giải thích qua email cho The Epoch Times rằng: "Thiếu oxy trong máu có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài những người này có thể khó thở ngay cả khi chỉ gắng sức nhẹ. Tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bơm thêm máu giàu oxy".

Da xanh xao hoặc vàng nhạt do giảm nồng độ hemoglobin, tay chân lạnh và đau đầu cũng là những triệu chứng thực thể thường gặp của bệnh thiếu máu. Rối loạn nhận thức có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu như hội chứng sương mù não,, khó tập trung, choáng váng và chóng mặt. Các rối loạn tâm thần có thể biểu hiện bằng bằng sự thay đổi khí sắc và cáu gắt.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc folate có thể gây ra một số các triệu chứng như đau lưỡi, nứt ở khóe miệng, loét miệng, các vấn đề về trí nhớ và thị giác, rối loạn thăng bằng và phối hợp động tác, tê và châm chích ở tay hoặc chân.

Các loại thực phẩm giúp chống lại tình trạng thiếu máu

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, nếu nguyên nhân gây thiếu máu là suy dinh dưỡng, những biện pháp thay đổi đơn giản trong chế độ ăn có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện tình trạng yếu. Đối với tình trạng thiếu sắt cần bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, đặc biệt là protein từ động vật.

Trong email gửi The Epoch Times, Dan Gallagher, một chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận tại Aegle Nutrition, cho biết: "Bạn cần một nguồn sắt có khả dụng sinh học để cơ thể có thể hấp thụ và sử dụng được. Nhiều dạng sắt bổ sung không ở dạng khả dụng sinh học cao, cơ thể bạn sẽ khó có thể sử dụng nguồn sắt này".

Sắt heme có trong các sản phẩm từ động vật sẽ được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn. Sắt không heme có trong các thực phẩm từ thực vật như đậu lăng và đậu sẽ không được hấp thụ dễ dàng. Kết hợp các nguồn sắt không heme với thực phẩm giàu vitamin C như cam quýt hoặc rau xanh có thể giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt.

Dan Gallagher giải thích rằng: "Thịt đỏ là [loại thực phẩm giàu sắt] tốt nhất. Thịt đỏ chứa dạng sắt có khả dụng sinh học cao nhất. Điều này có nghĩa cơ thể bạn sẽ có thể sử dụng toàn bộ lượng sắt trong loại thịt này".

Cần tránh một số loại đồ uống khi ăn các thực phẩm giàu sắt. Cà phê và trà chứa phytate có thể ức chế quá trình hấp thụ sắt. Một số đồ uống giàu canxi như sữa bò cũng có hiện tượng tương tự. Nấu ăn bằng dụng cụ bằng gang cũng là một cách làm tăng thêm hàm lượng sắt trong thức ăn.

Tầm quan trọng của việc sàng lọc và phát hiện sớm bệnh thiếu máu

Thiếu máu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy giảm sức bền thể chất, suy giảm chức năng nhận thức, suy đa tạng và thậm chí là tử vong. Bác sĩ Sambyal cảnh báo: "Thiếu máu có thể dẫn đến tình trạng nhịp tim nhanh hoặc không đều, cuối cùng dẫn đến các tình trạng nặng hơn như suy tim. Thiếu máu nặng làm tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân [ở phụ nữ mang thai] và thiếu máu mạn tính có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và nhận thức ở trẻ em".

Hiểu biết về các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và triệu chứng thường gặp của thiếu máu là một bước chủ động để duy trì sức khỏe tổng thể cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Ngoài việc bác sĩ tầm soát thiếu máu, xét nghiệm kiểm tra sự thiếu hụt vitamin B12, B6 và folate cũng sẽ rất hữu ích để phát hiện thiếu máu.

Theo Jennifer Sweenie, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch

Jennifer Sweenie là phóng viên y tế có trụ sở tại New York. Cô là một bác sĩ trị liệu dinh dưỡng và là đầu bếp hỗ trợ sức khỏe được đào tạo tập trung vào dinh dưỡng chức năng và sức mạnh của thực phẩm nguyên chất, tự nhiên. Jennifer phục vụ trong ban giám đốc của Slow Food NYC và là cựu thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Nông trại đến Người tiêu dùng.



BÀI CHỌN LỌC

Việc thiếu tầm soát thiếu máu khiến người cao tuổi dễ gặp nguy hiểm