9 mẹo nuôi dưỡng lá lách và dạ dày - nâng cao sức khoẻ hệ tiêu hoá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc sống hiện đại bận rộn dẫn đến một chế độ ăn uống bất thường. Thêm vào đó là những căng thẳng trong công việc khiến các phòng khám thường xuyên gặp những bệnh nhân đến điều trị các bệnh liên quan đến lá lách và dạ dày. 

Các triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân này gồm đau dạ dày, đầy hơi, trào ngược axit dạ dày và ợ hơi. Xét từ quan điểm trị liệu thì cả Đông và Tây y đều có thể nhanh chóng cải thiện các vấn đề này.

Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh về lá lách và dạ dày thường bị tái phát sau lần hồi phục ban đầu. Nguyên nhân chính là do họ không thực hiện thói quen sinh hoạt và ăn uống điều độ. Họ khó tuân thủ theo một chế độ và thói quen ăn uống lành mạnh. Trong khi đó, đây là vấn đề cốt lõi để trị khỏi những bệnh này. Vì ngay cả đối với vấn đề dạ dày nghiêm trọng, chỉ cần sự kiên trì trong thói quen sinh hoạt và ăn uống hợp lý là có thể chữa khỏi bệnh một cách hiệu quả, thậm chí không cần dùng thuốc.

Quan điểm của Trung y về lá lách và dạ dày

Theo thuyết ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) của Trung y, lá lách và dạ dày thuộc về hành thổ, nơi điều khiển mọi biến đổi và chuyển hóa vật chất. “Thổ” là nền tảng của tất cả các thành phần cần thiết trong cơ thể con người. Lá lách (tỳ) dùng để chỉ hệ tiêu hóa và hấp thụ của cơ thể. Vì vậy, khi nói tỳ yếu tức là hệ tiêu hoá và hấp thụ kém.

Trung y tin rằng lá lách có chức năng sinh lý là chuyển hoá nước và thức ăn thành những vi chất dễ hấp thụ và vận chuyển chúng đến các phủ tạng của toàn cơ thể. Từ đó duy trì các chức năng sinh lý của cơ thể.

Ngoài ra, lá lách còn có chức năng điều hòa, kiểm soát dòng máu bình thường trong tĩnh mạch, tránh rò rỉ ra ngoài tĩnh mạch. Trong khi đó, dạ dày tiếp nhận nước và thức ăn. Sau đó phân hủy chúng và hấp thụ các chất dinh dưỡng thu được để chuyển đến lá lách.

Lá lách và dạ dày có 2 đặc điểm sinh lý tương phản cần đặc biệt chú ý khi điều trị bệnh và duy trì sức khỏe. Đó là, "lá lách là bộ phận chi phối nâng khí lên cao và nó ưa sự khô ráo hơn là ẩm ướt", trong khi "dạ dày điều khiển dòng chảy xuống một cách êm dịu, và ưa sự ẩm ướt hơn là khô ráo".

Bệnh tật sẽ xảy ra khi 2 đặc điểm sinh lý này trở nên bất thường.

Bổ sung khí cho lá lách có thể chữa được bệnh sa nội tạng

Một ví dụ là nếu khí lá lách bị yếu, chất dinh dưỡng không thể chuyển hoá thì các bộ phận trên cơ thể sẽ không được “tinh chất nuôi dưỡng”. Khi đó chúng ta sẽ có cảm giác chóng mặt, tinh thần mệt mỏi. Phần giữa cơ thể sẽ có ứ tắc dẫn đến cảm giác căng bụng và đau nhức nhẹ. Phần dưới cơ thể sẽ bị tinh khí di chuyển xuống dẫn đến phân lỏng và tiêu chảy.

Chức năng nâng khí của lá lách cũng có thể ổn định vị trí của các cơ quan nội tạng và ngăn ngừa chúng bị sa xuống. Vì vậy, nhiều bệnh lý sa nội tạng như dạ dày, tử cung, sa bàng quang, v.v. có thể phục hồi về vị trí ban đầu bằng cách nuôi dưỡng lá lách mà không cần phẫu thuật.

Ảnh hưởng của việc uống nước lúc sáng sớm với lá lách và dạ dày

Từ lâu, người ta đã lưu truyền rộng rãi rằng uống nhiều nước đun sôi khi bụng rỗng vào buổi sáng có thể làm giảm loãng máu, ngăn ngừa huyết khối não, thúc đẩy nhu động ruột để thải phân và tốt cho sức khỏe. Nhưng liệu nó có tác dụng tốt như vậy không? Tôi đã từng uống khoảng 250ml (8,5 fl. ounce) nước ấm khi bụng đói vào buổi sáng trong 2 tuần liên tiếp.

Vì tôi thường đi tiêu dễ dàng mỗi ngày nên tôi không cảm thấy có sự khác biệt nào về mặt này. Thay vào đó tôi có cảm giác đầy hơi và nấc suốt ngày, gây ra một chút khó chịu. Vì vậy, tôi chỉ đơn giản là từ bỏ việc uống nước khi bụng đói vào buổi sáng. Kết quả là sau 3 ngày, các triệu chứng đầy hơi và nấc cụt đã biến mất.

Sau trải nghiệm cá nhân này, tôi bắt đầu khảo sát các bệnh nhân tại phòng khám của mình và hỏi những người thường bị đầy hơi và khó tiêu xem họ có uống nhiều nước vào buổi sáng không. Hóa ra, trên thực tế có rất nhiều người có thói quen này (tất cả đều uống ít nhất 200-500ml (6,8-17 fl. ounce). Câu trả lời chung của họ là phương pháp này tốt cho sức khỏe!

Vì vậy, tôi yêu cầu họ không uống nước khi bụng đói trong một tuần để so sánh và không kê đơn thuốc nào cho họ. Kết quả là hầu hết bệnh nhân đều cho biết tình trạng đầy hơi và nấc cụt của họ đã được cải thiện.

Tại sao uống nước đun sôi khi bụng đói vào buổi sáng lại làm tổn thương lá lách và dạ dày? Điều này có thể giải thích bằng cách xem xét các đặc điểm sinh lý cơ bản của lá lách từ góc độ y học cổ truyền.

Bản chất của tỳ khí (lá lách) là “thích khô hơn ẩm”. Một trong những điều kiện để tỳ khí đạt được công dụng nâng khí lên trên (thăng thiên) là phải khô ráo, không bị đờm và nước cản lại. Nếu lá lách bị suy yếu, chức năng vận chuyển và chuyển hóa nước sẽ bị suy giảm. Khi đó, đờm và nước sẽ phát triển bên trong cái gọi là “sự ẩm ướt trong lá lách”. Độ ẩm tăng cao ảnh hưởng tới cả Tỳ khí và Tỳ dương, khiến Tỳ dương bị suy giảm, từ đó gây ra suy nhược Tỳ.

Khi vừa thức dậy vào buổi sáng, dương khí của lá lách giống như mặt trời còn non nớt. Nếu uống nhiều nước (hoặc nước ép rau sống và lạnh) lúc bụng đói sẽ phá hủy dương khí của lá lách, dẫn đến thiếu hụt dương khí. Mức khí thấp có thể gây đầy hơi, khó tiêu, phù nề, mệt mỏi, chóng mặt, đánh trống ngực, mờ mắt và nhiều bệnh khác. Khi lá lách bị suy yếu, nhu động ruột yếu, gây táo bón.

Vì vậy, theo điều tra lâm sàng cá nhân, vẫn có nhiều người uống nhiều nước đun sôi khi bụng đói vào buổi sáng và tình trạng táo bón không được cải thiện nhiều, số ít thậm chí còn bị táo bón. Do vậy, yếu tố then chốt là có nên để năng lượng dương của lá lách bị tổn hại hay không.

7 cảm xúc gây tổn thương nội tạng, dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa

Trung y cho rằng, ngoài chế độ ăn uống không phù hợp, sự biến động bên trong của 7 cảm xúc (tức giận, vui mừng, lo lắng, suy nghĩ quá mức, đau buồn, sợ hãi và kinh hãi) có thể dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. Cụ thể, “lo lắng suy nghĩ quá nhiều làm tổn thương lá lách”, “suy gan gây ảnh hưởng dạ dày”, “khí của gan ảnh hưởng đến lá lách”, “gan (thuộc hành mộc) ức chế lá lách (hành thổ)”, v.v. Vì vậy, hiệu quả của thuốc và chế độ ăn uống trong điều trị bệnh đường tiêu hóa chỉ đóng vai trò nhỏ.

Người bệnh cần điều chỉnh những rối loạn tâm lý để cải thiện tình trạng. Nếu bạn có xu hướng luôn lo lắng, buồn bã, tức giận hoặc căng thẳng, và nếu những yếu tố tâm lý này không được điều chỉnh, thì ngay cả khi tình trạng được cải thiện sau khi dùng thuốc, bạn rất dễ tái phát và không bao giờ loại bỏ được hoàn toàn.

Vì vậy, việc “tu dưỡng tâm hồn” quan trọng hơn nhiều trong việc cải thiện các bệnh về đường tiêu hóa. Chúng ta không bao giờ nên bỏ qua điều này.

9 cách nuôi dưỡng lá lách và dạ dày

Dưới đây là một số cách gợi ý để nuôi dưỡng lá lách và dạ dày, bạn đọc có thể tham khảo:

  1. Nhai kỹ và nuốt chậm. Duy trì thời gian ăn uống ít nhất 20 phút. Nhiều người bị đầy hơi và đau dạ dày dường như có chung một thói quen là ăn quá nhanh. Nên nhai hơn 50 lần mỗi miếng khi ăn để nước bọt trong miệng tiết ra nhiều hơn, thức ăn được nghiền mịn và đủ ẩm để hỗ trợ tiêu hóa.
  1. Tập trung nhai trong khi ăn. Tránh các hoạt động khác như xem TV, đọc sách, sử dụng điện thoại di động, nói chuyện và suy nghĩ về những thứ khác trong khi ăn. Vì những phiền nhiễu như vậy có thể gây khó tiêu ở lá lách và dạ dày.
  1. Giảm chất lỏng và ăn ít thức ăn chứa nước. Uống nhiều canh hoặc ăn quá nhiều đồ ăn chứa nước sẽ làm loãng dịch vị, gây khó tiêu. Nếu bạn muốn uống súp, nên uống một ít trước bữa ăn.
  1. Tránh nằm và ngủ ngay sau khi ăn. Thông thường, phải mất khoảng 2 giờ để dạ dày tiêu hóa thức ăn. Không nên nằm ngay sau khi ăn và nên đi ngủ ít nhất 2-3 giờ sau khi ăn để tránh trào ngược axit dạ dày và gây khó chịu cho dạ dày.
  1. Vận động nhẹ sau khi ăn. Hãy thử đi bộ chậm trong 10-15 phút sau khi ăn. Dạ dày điều khiển dòng chảy đi xuống nên nó thích một dòng chảy êm dịu và trơn tru. Nếu ngồi sau bữa ăn có thể chặn khí dạ dày, trong khi đi bộ chậm sau bữa ăn giúp khí dạ dày chạy theo hướng ưa thích và giúp tiêu hóa.
  1. Giảm ăn các thực phẩm khó tiêu. Ăn ít mì ướt, bánh mì, đồ ngọt, đồ cay, rượu và đồ ăn chua, thô. Thức ăn “thô” ở đây ám chỉ gạo lứt, gạo ngũ cốc và các loại thực phẩm khó tiêu khác. Gạo lứt và ngũ cốc thô tuy có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại khó tiêu hóa. Những người có vấn đề về dạ dày và ruột có thể làm bệnh nặng hơn khi ăn những thực phẩm như vậy, vì vậy nên tránh chúng.
  1. Tránh ăn đồ sống, lạnh và chỉ ăn trái cây sau bữa ăn. Rau sống, thịt sống, đồ ăn đồ uống lạnh có thể làm tổn thương lá lách và dạ dày. Hầu hết các loại trái cây đều có tính lạnh. Ăn chúng khi bụng đói có thể làm tổn thương lá lách và dạ dày, vì vậy cũng nên tránh. Nếu bạn muốn ăn trái cây thì nên ăn sau bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ. Ngoài ra, cơ thể đầy khí dương vào ban ngày và khí âm vào ban đêm nên bữa tối không nên ăn trái cây, tránh cho cơ thể bị lạnh và ẩm gây ảnh hưởng sức khoẻ.
  1. Ăn uống đều đặn và với số lượng tương tự. Sự tiết dịch vị có tính chất sinh lý đều đặn. Ngay cả khi bạn không ăn trong khung giờ bình thường hoặc quá đói, dịch dạ dày vẫn sẽ tiết ra và làm tổn thương niêm mạc thành dạ dày trong những tình huống như vậy. Vì vậy, việc ăn uống đều đặn là rất quan trọng. Ngoài ra, nếu ăn quá nhiều sẽ làm tổn thương lá lách và dạ dày, điều này cần lưu ý.
  1. Hạt kê là thức ăn quý nuôi dưỡng lá lách và dạ dày. Hạt kê có tính mát, vị ngọt và mặn, có tác dụng bổ tỳ, vị, thận. Khi bị sôi bụng, dạ dày đau nhức, đầy hơi hoặc viêm dạ dày ruột tiêu chảy, nấu kê thành cháo đặc giúp chữa bệnh tốt hơn bất kỳ loại thuốc nào mà không hề có tác dụng phụ.

Theo The Epoch Times

Cát Mộc biên dịch

Tác giả: Kuo-Pin Wu (Ngô Quốc Bình)

Ngô Quốc Bình là giám đốc Phòng khám Hành trình mới, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học y học cổ truyền Trung Quốc và lấy bằng cử nhân của Đại học Y tại Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

9 mẹo nuôi dưỡng lá lách và dạ dày - nâng cao sức khoẻ hệ tiêu hoá