Bắc Kinh đã quay lưng, Evergrande khó tránh bị thanh lý tài sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc tái cơ cấu nợ đối với Evergrande là rất khó khăn. Một tổ chức nghiên cứu kế toán khẳng định Evergrande chưa bao giờ hoạt động có lãi. Việc thanh lý tài sản dường như là khó tránh khỏi, và thực ra, chính quyền Bắc Kinh vốn đã chấp nhận hy sinh Evergrande.

Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn hai năm của Tập đoàn Evergrande Trung Quốc có thể sắp đạt đến điểm giới hạn, trong lúc nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới tạm thời trì hoãn được việc thanh lý tài sản có thể sắp xảy ra. Phiên điều trần về thanh lý đã được trì hoãn vào phút cuối, được dời đến tháng 1/2024, cho phép công ty có thời gian hoàn tất đề xuất tái cơ cấu nợ được sửa đổi.

Nhưng ngay cả khi thời hạn điều trần được nới lỏng, việc tái cơ cấu dường như không thể thực hiện được từ quan điểm kế toán, trong khi việc thanh lý dường như sắp xảy ra, các nhà phân tích cho biết.

Họ cũng nói rằng Evergrande chưa bao giờ kiếm được lợi nhuận và mục đích chính của nó là tạo ra doanh thu để tài trợ cho bảng cân đối kế toán ngày càng phình to.

Ông Nigel Stevenson, một nhà phân tích tại GMT Research có trụ sở tại Hong Kong, nói với The Epoch Times: “Các vấn đề của [Evergrande] đã được tích lũy trong nhiều năm, và nhà phát triển đã thổi phồng doanh thu và lợi nhuận trong nhiều năm”. "Do đó, nó có khoản lỗ lũy kế gần một nghìn tỷ nhân dân tệ. Với khoản lỗ khổng lồ, nợ phải trả vượt quá tài sản của nó ở mức rất lớn và với thực tế là các chủ nợ khó có thể miễn trách nhiệm trả nợ cho nó, việc tái cơ cấu là vô cùng khó khăn và có vẻ gần như không thể nào”.

“Evergrande [cũng] đã ghi giảm giá trị rất nhiều tài sản, điều này cho thấy chất lượng của các tài sản đó có vấn đề”.

Trong khi nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn phải đối mặt với thời hạn trong việc đưa ra đề xuất tái cơ cấu nợ sửa đổi “cụ thể” cho các chủ nợ nước ngoài, công ty đã được cho thêm thời gian trước khi phiên điều trần thanh lý diễn ra. Phiên điều trần đã được hoãn lại cho đến ngày 29/1/2024, theo một tuyên bố của công ty vào ngày 4/12.

Theo Evergrande, việc gia hạn này được đưa ra mà không có sự phản đối của các chủ nợ. Evergrande đang có khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

Trong lần tạm hoãn trước đó vào ngày 29/10, Tòa án Cấp Cao Hong Kong đã tuyên bố rằng phiên điều trần ngày 4/12 sẽ là phiên điều trần cuối cùng trước khi đưa ra quyết định về việc có nên thanh lý Evergrande hay không trong trường hợp không có kế hoạch tái cơ cấu “cụ thể”.

Evergrande vỡ nợ khoản vay nước ngoài vào cuối năm 2021, trở thành đại diện tiêu biểu cho vấn đề nợ nần trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Theo Reuters, tuần trước họ đã vội vã sửa đổi kế hoạch tái tổ chức để tránh bị thanh lý.

Bắc Kinh đã quay lưng, Evergrande khó tránh bị thanh lý tài sản
Một khu phức hợp nhà ở của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande ở Huaian, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 17/9/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Chưa từng có lợi nhuận

Tuy nhiên, theo ông Stevenson và các đồng nghiệp phân tích của ông tại GMT Research, trái ngược với niềm tin phổ biến, Evergrande không phải là nạn nhân của tình trạng thanh khoản thắt chặt hơn hoặc sự suy giảm của thị trường bất động sản do COVID-19 gây ra; vấn đề của nó mang tính cơ bản hơn đáng kể: Evergrande chưa từng có lợi nhuận.

Trong một bài đăngThe Epoch Times truy cập, các nhà phân tích của GMT cho biết Evergrande đã thực hiện những điều chỉnh đáng kể về cách ghi nhận doanh thu từ việc bán bất động sản vào năm 2021. Dường như trước năm 2021, công ty trong một số trường hợp đã ghi nhận doanh thu cho các tài sản trả trước, chưa hoàn thiện và chưa giao, thay vì ghi nhận doanh thu khi khách hàng có được quyền sở hữu hữu hình hoặc quyền sở hữu hợp pháp đối với bất động sản đã hoàn thiện.

Sự thay đổi trong việc ghi nhận doanh thu theo hướng thắt chặt hơn, theo thông lệ kế toán hợp lý, lẽ ra phải được thực hiện cùng với việc điều chỉnh lại các báo cáo tài chính giai đoạn trước. Tuy nhiên, Evergrande cho biết họ không thể thực hiện được điều đó do số lượng nhân viên đã rời công ty quá lớn. Do đó, công ty đã áp dụng những thay đổi này bắt đầu từ năm 2021.

Các nhà phân tích viết: “Việc thay đổi cách ghi nhận doanh thu có tác động đáng kể đến tình hình tài chính của Evergrande. Nó dẫn đến sự đảo ngược [công ty mất đi lượng doanh thu và lợi nhuận cũ theo cách ghi nhận doanh thu mới chặt chẽ hơn] doanh thu được ghi nhận trước đó là 664 tỷ CNY (nhân dân tệ) và lợi nhuận ròng 102 tỷ CNY”.

Ngoài khoản ghi nhận giảm 102 tỷ CNY trong lợi nhuận trước năm 2021 này, Evergrande còn phải hứng chịu khoản lỗ 686 tỷ CNY cho năm 2021, khoản lỗ 126 tỷ CNY vào năm 2022 và 39 tỷ CNY trong nửa đầu năm 2023. Tổng cộng, công ty đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế là “một con số đáng kinh ngạc là 954 tỷ nhân dân tệ”.

Chỉ trích việc phóng đại doanh thu, bài đăng cũng cho biết, theo thời gian, mục tiêu chính của Evergrande chuyển sang việc huy động vốn để hỗ trợ bảng cân đối kế toán và “duy trì cuộc vui”.

Bài đăng cho biết thêm, hoạt động kinh doanh bất động sản của Evergrande có thể chưa bao giờ sinh lãi nếu được ghi nhận chính xác về mặt kế toán, ngay cả khi Evergrande đã tìm ra những cách phi thường để huy động vốn, chẳng hạn như phân nhánh sang các lĩnh vực kinh doanh như bảo hiểm, nước đóng chai, chăm sóc sức khỏe, xe điện; và huy động 130 tỷ CNY từ các nhà đầu tư chiến lược bằng cách hứa hẹn niêm yết trong nước.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, việc vay số tiền ngày càng tăng là cách duy nhất mà Evergrande có thể duy trì khả năng thanh toán, ngay cả khi các cơ chế tài trợ đã cạn kiệt.

Do đó, trong bối cảnh có nhiều khả năng các chủ nợ của Evergrande cuối cùng sẽ cắt nguồn cung tài chính, “việc thanh lý dường như sắp xảy ra”, ông Stevenson nói.

Tuy nhiên, trong hồ sơ gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào ngày 4/12, Evergrande tuyên bố rằng cáo buộc của GMT rằng công ty chưa bao giờ có lãi là “không có cơ sở” và họ sẽ đưa ra lời giải thích rõ ràng trong thời gian thích hợp.

Do “Evergrande là một tình huống cực kỳ phức tạp với các vấn đề đang diễn ra trong một miền không xác định, tương lai của nhà phát triển bất động sản này có vẻ rất ảm đạm”, ông Stevenson nói.

Hơn nữa, theo Barclays, 1,6 triệu chủ sở hữu nhà vẫn chưa nhận được những căn nhà có tổng trị giá hàng tỷ USD mà họ đã trả tiền. Nếu công ty tuyên bố phá sản, họ sẽ là người thua cuộc lớn nhất – và chế độ ở Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn dân sự.

Bắc Kinh bỏ rơi Evergrande

Bắc Kinh đã quay lưng, Evergrande khó tránh bị thanh lý tài sản
Ông Hứa Gia Ấn phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 4 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 12, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/3/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Công chúng có thể đã dự đoán trước được số phận ảm đạm của Evergrande ngay từ khi chính quyền Trung Quốc thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn vào cuối tháng 9. Bắc Kinh dường như đã chấp nhận hy sinh ông Hứa cũng như Evergrande.

Theo các chuyên gia phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến ông Tập Cận Bình hy sinh nhân vật Hứa Gia Ấn để tế cờ. Ngoài ông Hứa, nhiều giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của Tập đoàn Evergrande và các công ty con đã bị bắt đi để điều tra. Đồng thời, các kênh tài chính của Evergrande bị chính quyền phong tỏa và việc tái cơ cấu nợ vào thời điểm đó bị tạm dừng.

Evergrande đã đưa ra thông báo vào tối 24/9 rằng Tập đoàn Bất động sản Evergrande đang bị cơ quan quản lý điều tra nên không thể phát hành trái phiếu mới như một phần trong kế hoạch cơ cấu lại nợ. Việc tái cơ cấu nợ ở nước ngoài của Evergrande liên quan đến 30 tỷ USD. Kế hoạch ban đầu là chuyển một số khoản nợ hiện có thành trái phiếu mới để giảm bớt áp lực trả nợ.

Ông Yokogawa, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho biết trên "Yokogawa Viewpoint" vào thời điểm đó rằng có vẻ như việc tái cơ cấu của Evergrande không còn khả thi nữa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bác bỏ kế hoạch tái cơ cấu của Evergrande, điều này cho thấy Bắc Kinh có thể đã từ bỏ Evergrande.

Ông cho rằng việc Bắc Kinh phủ nhận kế hoạch tái cơ cấu Evergrande và việc xử lý ông chủ Evergrande, Hứa Gia Ấn, phản ánh bốn vấn đề lớn: “Thứ nhất, ngành bất động sản Trung Quốc đang trong tình trạng nguy kịch và khó cứu vãn. ĐCSTQ đã bỏ cuộc, ít nhất là ở Evergrande”.

"Thứ hai là giới siêu giàu Trung Quốc, đặc biệt là những người tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đã thông đồng với quyền lực trong quá trình khởi đầu và phát triển. Các công ty bất động sản dựa vào quyền lực, và nhiều người trong số họ là găng tay trắng của những người quyền lực [găng tay trắng: những người trung gian thực hiện các hành động bẩn thỉu như rửa tiền]... Ông [Hứa] đã từng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc trong ba nhiệm kỳ và cũng từng là thành viên của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương". Ông Yokogawa cho rằng việc xử lý ông Hứa “không chỉ có nghĩa là ông ấy đã mất đi sự bảo vệ của các quan chức cấp cao mà còn có nghĩa là thời kỳ trăng mật giữa quyền lực và tiền bạc của Trung Quốc sắp sửa kết thúc”.

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật nổi tiếng sống ở Australia, từng khẳng định Evergrande có quan hệ với gia đình Tăng Khánh Hồng. "Điều này trong giới quan chức Trung Quốc ai cũng biết. Những người có liên hệ với ông Hứa Gia Ấn là em trai của ông Tăng Khánh Hồng, Tăng Khánh Hoài (Zeng Qinghuai), và con trai của Tăng Khánh Hồng là Zeng Wei. Bản thân ông Tăng Khánh Hồng không thể ra mặt. Ông Tăng Khánh Hoài đại diện cho gia đình Tăng Khánh Hồng".

"Sở dĩ việc kinh doanh bất động sản của ông Hứa Gia Ấn ở Trung Quốc trở nên lớn như vậy là do có sự ủng hộ hết mình của ông Tăng Khánh Hoài. Tất nhiên, ông ấy cũng là găng tay trắng của gia đình Tăng Khánh Hồng". Ông Viên cho biết có một câu nói lưu hành trong giới quan chức Bắc Kinh rằng giông bão ở Evergrande là do đích thân ông Tập Cận Bình châm ngòi. Cá nhân ông ra lệnh không cho phép các tổ chức tài chính tiếp tục cho Evergrande vay. Tất nhiên, ông Tập nhắm vào những người có quyền lực đằng sau công ty này.

Bê bối Evergrande nổ ra được khoảng 2 năm. Thế giới bên ngoài từng cho rằng Evergrande “quá lớn để sụp đổ”. Ông Hứa cũng đe dọa chính quyền Quảng Đông bằng một bức thư ngỏ nhằm có được nguồn tài chính.

Ông Yokogawa cho rằng vấn đề thứ ba phản ánh trong vụ việc của ông Hứa là việc Tập Cận Bình có thể đã mất kiên nhẫn với tình trạng “quá lớn để sụp đổ”. "Cái gọi là 'quá lớn để sụp đổ' thực chất là một vụ bắt cóc tống tiền liên quan tới tiền và quyền lực. Bạn phải bảo vệ tôi, nhưng bây giờ đe dọa ông Tập Cận Bình bằng điều này cũng vô ích".

Ông Yokogawa cho rằng vấn đề thứ tư là việc Tập Cận Bình đang trút giận lên ông Hứa và trốn tránh trách nhiệm. Ông cho rằng có hai điều về Evergrande có tác động lớn đến ông Tập. Điều thứ nhất là việc bất động sản là đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc. Gần đây có tin ông Tập Cận Bình đang phàn nàn rằng tình trạng hỗn loạn kinh tế hiện nay là do chính quyền tiền nhiệm để lại, và bất động sản chắc chắn là điểm đen.

Ngoài ra, ông Tập hiện đang bị chỉ trích từ mọi phía. Ông coi những bất mãn và chỉ trích này bắt nguồn từ các vấn đề của triều đại trước. Evergrande là một bộ phận kinh tế của triều đại trước. “Vì vậy ông Tập Cận Bình trút giận lên Hứa Gia Ấn và coi ông ta như vật tế thần”.

Ông Yokogawa cho rằng ở Trung Quốc đại lục, vấn đề bất động sản không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Một khi ngành bất động sản sụp đổ sẽ có vấn đề về tài chính. Kết quả trực tiếp là công chức ở nhiều nơi hiện không được trả lương và toàn bộ hệ thống quan liêu không thể hoạt động.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh đã quay lưng, Evergrande khó tránh bị thanh lý tài sản