Bắc Kinh thay lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán, ngăn cản bán khống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đang nỗ lực giải cứu thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tình hình dường như đang rất cấp bách, nhưng các biện pháp của Bắc Kinh lại không được hoan nghênh.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thay thế người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán, khi sự phẫn nộ của công chúng ngày càng gia tăng trước việc chứng khoán Trung Quốc sụp đổ.

Đồng thời, Bắc Kinh đã dùng đến biện pháp can thiệp hành chính để ngăn chặn tình trạng cổ phiếu lao dốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc kể từ đầu năm mới, gần đây đã đạt mức thấp nhất trong nhiều năm. Thị trường chứng khoán lao dốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái.

Người ta ước tính có 200 triệu người Trung Quốc đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã lợi dụng tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán Mỹ và Ấn Độ để bày tỏ sự tức giận đối với ĐCSTQ và cầu xin sự giúp đỡ để cứu lấy khoản đầu tư của họ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Vào ngày 7/2, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, bất ngờ thông báo rằng ông Yi Huiman, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã bị cách chức và thay thế bởi ông Wu Qing. Đó là quyết định của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Hội đồng Nhà nước.

Các nhà quan sát lưu ý rằng trước khi Tân Hoa Xã đưa ra thông báo, Ban Tổ chức ĐCSTQ không đưa ra bất kỳ thông báo nội bộ nào. Thông thường, Ban Tổ chức vẫn đưa ra các thông báo nội bộ trước khi công bố những thay đổi nhân sự quan trọng. Theo các bài báo, ngay cả các quan chức cấp cao trong Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột này.

Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự làm việc tại Mỹ, chỉ ra rằng khi các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đưa ra quyết định thay thế nhân sự như vậy, họ thường thông báo trước cho Ban Tổ chức và liên lạc trước với các bộ phận liên quan.

Ông nói: “Việc bổ nhiệm và sa thải nhân sự [người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán] cho thấy tình hình đang rất cấp bách”. “Lãnh đạo ĐCSTQ rất lo lắng về tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán nên đã vội vàng thực hiện động thái cách chức ngay lập tức ông Yi Huiman khỏi chức vụ của mình và thực hiện quyết định một cách nhanh chóng. Nói cách khác, quyết định của cấp lãnh đạo cao nhất đã đến tay Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc trong cùng ngày. Vì vậy, nó làm ngạc nhiên các quan chức trong Ủy ban. Điều này cũng cho thấy thị trường tài chính Trung Quốc thực sự đang trong tình trạng khủng hoảng”.

Điều đầu tiên ông Wu làm với tư cách là người đứng đầu mới của cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc là trừng phạt các công ty công nghệ và khoảng 100 chuyên gia chứng khoán bằng các khoản tiền phạt nặng và xử phạt hành chính, theo thông báo vào ngày 9/2 của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc.

Bắc Kinh thay lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán, ngăn cản bán khống
Một nhà đầu tư xem bảng điện tử chứng khoán vào ngày 19/6/2018 tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: VCG/Getty Images)

Đội giải cứu quốc gia

Trong khi đó, ĐCSTQ đã rót một lượng lớn quỹ quốc gia vào thị trường chứng khoán để giúp ngăn chặn sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong thông qua các công ty nhà nước, được mệnh danh là “đội giải cứu quốc gia” của thị trường tài chính Trung Quốc.

Central Huijin Investment, do Bộ Tài chính của ĐCSTQ kiểm soát, một công ty lớn trong “đội giải cứu quốc gia”, tuyên bố trên trang web chính thức của mình vào ngày 7/2 rằng họ “đã mở rộng quy mô mua các ETF [quỹ hoán đổi danh mục] trong những ngày gần đây”. Nó cũng tuyên bố sẽ “liên tục tăng cường hoạt động mua và mở rộng quy mô nắm giữ”, mặc dù không có thêm thông tin chi tiết nào được đưa ra.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã quay trở lại mức trên 2.700 trước khi thị trường chứng khoán đóng cửa một tuần vào ngày 9/2 để nghỉ Tết Nguyên Đán.

Ông Tạ Điền (Frank Xie), phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Nam Carolina Aiken và là cây bút của The Epoch Times, đã viết vào ngày 9/2 rằng mặc dù “đội giải cứu quốc gia” của ĐCSTQ đã vi phạm trắng trợn các nguyên tắc thị trường để giải cứu thị trường chứng khoán, nhưng hành động của họ không có nhiều tác dụng và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục giảm.

Ông nói: “Mặc dù các quan chức cấp cao của ĐCSTQ trực tiếp can thiệp để đưa vốn nước ngoài của Trung Quốc quay trở lại Trung Quốc để giải cứu thị trường chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư vẫn không lạc quan về thị trường và các nhà đầu tư toàn cầu vẫn tiếp tục bán cổ phiếu Trung Quốc”.

Bắc Kinh thay lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán, ngăn cản bán khống
Một nhà đầu tư nhìn vào màn hình hiển thị diễn biến thị trường chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 29/5/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

‘Chỉ được mua, không được bán'

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng ban hành một số lệnh hạn chế bán khống vào ngày 6/2 nhằm ngăn chặn sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán, chỉ cho phép mua cổ phiếu chứ không được bán. Các mệnh lệnh cũng cấm cầm cố trái phiếu và cổ phiếu, cấm cho vay chứng khoán đối với các nhà đầu tư bán cổ phiếu trong cùng ngày và tuyên bố sẽ trấn áp các phương thức bán khống để rời khỏi cuộc chơi và kiếm lợi bất hợp pháp.

Nhà bình luận thời sự Shi Tao ở Mỹ cho biết trong chương trình trò chuyện “Today’s Click” trên NTD: “Mục đích của giao dịch cổ phiếu là kiếm tiền. Thu lợi hoặc rời cuộc chơi bất hợp pháp là gì? Cổ phiếu được bán và bán lại. Chỉ được phép mua nhưng không được phép bán; đó không phải là một thị trường. Vì vậy [lãnh đạo ĐCSTQ] đã sử dụng các phương pháp phi thị trường để đưa nó trở lại mức 2.700 điểm. Đây không phải là một chu kỳ bình thường, giống như người chỉ hít vào mà không thở ra sẽ chết ngạt”.

Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) nói về những hạn chế mới trong chương trình trò chuyện “Giờ Thiên Lượng” trên NTD vào ngày 9/2 rằng ĐCSTQ đang phớt lờ các quy tắc thị trường, đồng thời nói thêm rằng “chỉ cho phép mua nhưng không được bán giống như ăn cướp”.

Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận trên mạng xã hội về quy định “chỉ được mua không được bán”.

Ông Tạ viết rằng một số lượng lớn các nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đến từ tầng lớp lao động. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu của các công ty Trung Quốc được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].

“Một khi thị trường chứng khoán sụp đổ, những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ này sẽ chịu tác động lớn nhất và trực tiếp nhất, dẫn đến việc mất mát tài sản, phá sản và tuyệt vọng trên quy mô lớn”.

Ông Tạ cho biết thêm, trong cơ cấu nhà đầu tư của thị trường châu Âu và Mỹ, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tương đối thấp, chiếm chưa đến 20% giá trị thị trường.

“Số lượng nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc chiếm hơn 95%. Mặc dù tỷ lệ sở hữu của họ không quá cao (cổ phần hầu hết đều do các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ) nhưng các khoản đầu tư này chiếm gần như 100% thu nhập khả dụng của cá nhân và gia đình họ, đồng thời khả năng chịu đựng của họ trước những thăng trầm của thị trường chứng khoán cũng rất mỏng manh”.

Bắc Kinh thay lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán, ngăn cản bán khống
Một người đi bộ đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 4/11/2020. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Nhà đầu tư chứng khoán ‘nổi loạn', kêu gọi Mỹ giúp đỡ

Vào ngày 2/2, tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ đã đăng một tuyên bố nhân kỷ niệm 3 năm cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện (Myanmar), nhưng phần bình luận của bài đăng lại chứa đầy thông tin về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Một cư dân mạng bình luận, đề cập đến tài khoản đại sứ quán ít bị kiểm duyệt hơn: “Tự do ngôn luận đang ở đây. Cảm ơn nước Mỹ”.

Điều tương tự cũng xảy ra vào ngày 3/2 khi tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ đăng bài về việc bảo tồn hươu cao cổ ở châu Phi. Tuy nhiên, những bình luận lại không liên quan gì đến hươu cao cổ mà chủ yếu xoay quanh mối lo ngại của cư dân mạng về thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhiều người còn tố cáo sự tà ác của ĐCSTQ, thậm chí còn yêu cầu Mỹ gửi quân đến “loại bỏ căn bệnh ung thư trên trái đất” và tuyên bố sẽ “dẫn đường cho quân đội Mỹ”.

Cuối ngày hôm đó, Đại sứ quán Mỹ đã công bố một bài đăng video trên blog để chúc mừng năm mới người dân Trung Quốc. Các cổ đông lại đổ xô vào để lại tin nhắn.

Theo ông Lu Yuanxing, một nhà phân tích kinh tế và chính trị Trung Quốc làm việc tại Mỹ và là cựu giám đốc điều hành của một công ty Trung Quốc, có vẻ như tài khoản của Đại sứ quán Mỹ đã trở thành nơi duy nhất trên mạng Internet của Trung Quốc mà mọi người có thể bày tỏ các hình thức chỉ trích nhằm tới các chính sách của ĐCSTQ.

Ông nói: “Điều này cho thấy hoạt động tuyên truyền chống Mỹ của ĐCSTQ đã hoàn toàn thất bại”.

Ông Lu lưu ý, bất chấp sự kiểm soát thông tin chặt chẽ của ĐCSTQ, người dân Trung Quốc đang tìm hiểu về thế giới bên ngoài thông qua các phương tiện khác. Ông nói thêm rằng trong khi Bắc Kinh khoe khoang về “nền kinh tế đang bùng nổ” của Trung Quốc, thì người dân không còn tin vào những lời tuyên truyền của ĐCSTQ và, do đó, việc tuyên truyền của nó đã trở nên kém hiệu quả.

Ngoài những nhà đầu tư đăng bài "nổi loạn", cũng có nhiều người từng là "nhà đầu tư phấn hồng" để lại tin nhắn xin lỗi nước Mỹ, đối tượng mà trước đây họ thường thóa mạ và nói rằng họ đã thức tỉnh trước bàn tay sắt của thị trường chứng khoán và nhận ra sự xấu xa của hệ thống của Bắc Kinh.

Ngoài tài khoản chính thức của Đại sứ quán Mỹ, các bài đăng trên blog của các tài khoản Big V (những người có ảnh hưởng trực tuyến) về thị trường chứng khoán cũng trở thành nơi để các nhà đầu tư thể hiện sự “nổi loạn”. Dưới một trong những bài đăng trên blog, bình luận phổ biến nhất là "Toàn bộ Internet đang kêu gọi Chen Sheng và Wu Guang" [hai nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy đầu tiên ở triều đại nhà Tần]. Bình luận phổ biến thứ hai là những lời mắng nhiếc Bắc Kinh vì chỉ biết khoe khoang hàng ngày.

Một video của Oriental Fortune phân tích xu hướng thị trường chứng khoán từng bị tràn ngập bởi thông điệp từ các nhà đầu tư mắng mỏ chính quyền và kêu gọi nổi dậy. Sau đó Oriental Fortune buộc phải hủy các nội dung.

Trên nền tảng Toutiao, nhiều cư dân mạng không trực tiếp nói về thị trường chứng khoán mà hướng sự tức giận của họ vào những quan chức trong ĐCSTQ. Một số người đã đăng các bài viết theo cách uyển ngữ có nội dung “phản đối việc ông Viên Thế Khải [Yuan Shikai] khôi phục chế độ quân chủ”. [Ông Viên Thế Khải tự phong làm Tổng thống suốt đời và sau đó tuyên bố thành lập một triều đại đế quốc mới ở Trung Quốc với tư cách là hoàng đế vào năm 1915-1916. Điều này có thể được dùng để ám chỉ những động thái tương tự của ông Tập Cận Bình].

Bắc Kinh thay lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán, ngăn cản bán khống
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc tụ tập để kiểm tra giá cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 31/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh có giải cứu chứng khoán thành công?

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang lao dốc một cách đáng báo động. Bắc Kinh dường như đang tìm cách thay đổi tình hình, nhưng liệu họ có thành công? Đây là câu hỏi được tác giả Milton Ezrati giải đáp trong bài báo “Liệu ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] có cứu [được] thị trường chứng khoán Trung Quốc”, đăng ngày 5/2, trên tờ The Epoch Times. Chuyên gia Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York.

Ông Ezrati cho biết, sau nhiều năm thất bại trong việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc hoặc chống lại những trở ngại khác đối với tăng trưởng kinh tế, giờ đây những nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh dường như đã vào cuộc để hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc bằng cách ra lệnh cho các công ty nhà nước mang vốn ở nước ngoài về nước và mua cổ phiếu. Tin đồn cho rằng nỗ lực này sẽ liên quan tới khoản tiền trị giá 2 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 280 tỷ USD).

Với những vấn đề kinh tế cơ bản chìm trong rắc rối, không có gì ngạc nhiên khi chứng khoán Trung Quốc có kết quả tồi tệ. Những khó khăn cơ bản về kinh tế và tài chính này cũng đảm bảo rằng kế hoạch mua cổ phiếu của Bắc Kinh sẽ không có tác dụng lâu dài. Nếu tin đồn là chính xác thì lượng mua tăng vọt sẽ đủ để gây ra một sự thay đổi nhỏ.

Nhưng trừ khi ĐCSTQ cũng đồng thời đưa ra một kế hoạch thuyết phục để khắc phục những vấn đề cơ bản hơn, cổ phiếu sẽ lại nhanh chóng sụt giảm. Đó là điều đã xảy ra vào năm 2015 khi Bắc Kinh sử dụng một chiến lược sai lầm tương tự. Vào lúc đó, giá cổ phiếu sụt giảm thậm chí trước khi chương trình mua vào kết thúc.

Đối với những đối tượng đang cân nhắc đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, tình huống này cho thấy mối nguy hiểm đáng kể. Bất kỳ sự gia tăng ban đầu nào về giá cổ phiếu do việc mua vào này sẽ lôi kéo nhiều người tham gia mua để kiếm lợi nhuận. Nhưng nếu không có các biện pháp khắc phục mang tính cơ bản, đợt giảm giá tiếp theo có thể sẽ diễn ra nhanh chóng và làm hỏng kế hoạch của Bắc Kinh cũng như gây tổn hại cho các nhà đầu tư đã tham gia, ông Ezrati kết luận.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh thay lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán, ngăn cản bán khống