Bắc Kinh có cứu được thị trường chứng khoán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những diễn biến hỗn loạn gần đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hẳn đang khiến Bắc Kinh phải đau đầu. Nhưng giải cứu thị trường lúc này là việc không đơn giản, đặc biệt là khi Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng niềm tin trong nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang lao dốc một cách đáng báo động. Bắc Kinh dường như đang tìm cách thay đổi tình hình, nhưng liệu họ có thành công? Đây là câu hỏi được tác giả Milton Ezrati giải đáp trong bài báo “Liệu ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] có cứu [được] thị trường chứng khoán Trung Quốc”, đăng ngày 5/2, trên tờ The Epoch Times. Chuyên gia Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York.

Ông Ezrati cho rằng, tin tức mới nhất từ Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ sự hiểu biết rất ít về kinh tế và tài chính của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh.

Sau nhiều năm thất bại trong việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc hoặc chống lại những trở ngại khác đối với tăng trưởng kinh tế, giờ đây những nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh dường như đã vào cuộc để hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc bằng cách ra lệnh cho các công ty nhà nước mang vốn ở nước ngoài về nước và mua cổ phiếu. Có tin đồn cho rằng nỗ lực này sẽ liên quan tới khoản tiền trị giá 2 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 280 tỷ USD). Trừ khi ĐCSTQ giải quyết các vấn đề cơ bản mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, nỗ lực mới nhất này sẽ thất bại.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hoạt động yếu kém trong một thời gian. Từ tháng 2/2021 đến tháng 1 năm nay, Chỉ số chứng khoán Thượng Hải của nước này đã giảm hơn 21%. Định giá chứng khoán đã giảm tương ứng. Tỷ lệ giá cổ phiếu trên lợi nhuận - một chỉ số về niềm tin của nhà đầu tư vào lợi nhuận cổ phiếu trong tương lai - đã giảm trung bình xuống 10,4 lần lợi nhuận hiện tại, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 12,5 lần trong 10 năm qua. Cổ phiếu Trung Quốc hiện đang giảm sâu so với thời điểm cách đây vài năm.

Bắc Kinh có cứu được thị trường chứng khoán?
Một người đi bộ đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 4/11/2020. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Theo ông Ezrati, giá trị sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc phản ánh một cách hợp lý các vấn đề cơ bản của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể so với mức trung bình trong lịch sử và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, yếu tố hỗ trợ cơ bản cho giá trị cổ phiếu, cũng chậm lại theo đó. Tất nhiên, chiếm phần lớn trong bức tranh xấu xí này là cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở Trung Quốc.

Quyết định của ĐCSTQ khoảng ba năm trước nhằm loại bỏ sự hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực bất động sản nhà ở đột nhiên gây ra vấn đề khi trên thực tế, nó đã dẫn đến sự sụp đổ của các nhà phát triển lớn. Sau đó, Bắc Kinh đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi không hạn chế được hậu quả tài chính của những vụ sụp đổ đó. Kết quả cuối cùng là nền tài chính Trung Quốc mất khả năng cung cấp dòng tín dụng cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng. Tệ hơn nữa, những vụ phá sản bất động sản và những hạn chế tài chính mà các cơ quan quản lý áp đặt đã gây ra sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động mua nhà và theo đó, giá bất động sản cũng giảm.

Đây không phải là tất cả. Sự sụt giảm giá trị bất động sản đã làm giảm giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình đến mức người tiêu dùng Trung Quốc phải giảm chi tiêu. Đồng thời, xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng khi người mua nước ngoài tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và các chính phủ nước ngoài ngày càng thể hiện thái độ thù địch đối với thương mại của Trung Quốc - đáng chú ý nhất là ở Washington, Brussels và Tokyo. Nếu điều này vẫn chưa đủ tồi tệ, thì nỗi ám ảnh ngày càng tăng của ĐCSTQ về an ninh đã làm chậm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc và hạn chế tăng trưởng đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Với những vấn đề kinh tế cơ bản chìm trong rắc rối, không có gì ngạc nhiên khi chứng khoán Trung Quốc có kết quả tồi tệ. Thực tế việc ĐCSTQ thậm chí còn chưa bắt đầu khắc phục những vấn đề cơ bản này giải thích thêm tại sao cổ phiếu không còn có mức định giá lạc quan như trước đây trong những năm nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ gần hai con số sau khi điều chỉnh theo lạm phát và khiến người ta có cái nhìn lạc quan.

Những khó khăn cơ bản về kinh tế và tài chính này cũng đảm bảo rằng kế hoạch mua cổ phiếu của Bắc Kinh sẽ không có tác dụng lâu dài. Nếu tin đồn là chính xác thì lượng mua tăng vọt sẽ đủ để gây ra một sự thay đổi nhỏ.

Nhưng trừ khi ĐCSTQ cũng đồng thời đưa ra một kế hoạch thuyết phục để khắc phục những vấn đề cơ bản hơn, cổ phiếu sẽ lại nhanh chóng sụt giảm. Đó là điều đã xảy ra vào năm 2015 khi Bắc Kinh sử dụng một chiến lược sai lầm tương tự. Vào lúc đó, giá cổ phiếu sụt giảm thậm chí trước khi chương trình mua vào kết thúc.

Đối với những đối tượng đang cân nhắc đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, tình huống này cho thấy mối nguy hiểm đáng kể. Bất kỳ sự gia tăng ban đầu nào về giá cổ phiếu do việc mua vào này sẽ lôi kéo nhiều người tham gia mua để kiếm lợi nhuận. Nhưng nếu không có các biện pháp khắc phục mang tính cơ bản, đợt giảm giá tiếp theo có thể sẽ diễn ra nhanh chóng và làm hỏng kế hoạch của Bắc Kinh cũng như gây tổn hại cho các nhà đầu tư đã tham gia, ông Ezrati kết luận.

‘Loại bỏ căn bệnh ung thư trên trái đất'

​​Trong lúc thị trường chứng khoán Trung Quốc đang lao dốc, các nhà đầu tư tức giận đã để lại tin nhắn trên mạng để trút giận, tố cáo hành động "cắt hẹ" (chiếm đoạt tài sản của người dân) vô đạo đức của Bắc Kinh, thậm chí còn hét lên kêu gọi "nổi loạn".

Vào ngày 2/2, 5.200 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã mất giá và chỉ số Shanghai Composite Index có lúc giảm xuống dưới 2.700 điểm. Nhiều nhà đầu tư đã phá sản và đã tự tử bằng cách nhảy khỏi các tòa nhà. Một số nhà đầu tư đã lên kế hoạch biểu tình tập thể. Nhiều nhà đầu tư bộc lộ cảm xúc trên mạng, thậm chí còn công khai thóa mạ hệ thống của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) và hét lên kêu gọi “nổi loạn”.

Bắc Kinh có cứu được thị trường chứng khoán?
Các nhà đầu tư nhìn vào màn hình hiển thị diễn biến thị trường chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 17/1/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vào ngày 2/2, trang Weibo chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã đăng một bài blog về việc bảo vệ hươu cao cổ. Các nhà đầu tư Trung Quốc tràn vào bài đăng với các lượt thích và để lại tin nhắn cầu xin Mỹ cứu cổ phiếu hạng A (Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết bằng đồng CNY ở Thượng Hải và Thâm Quyến). Nhiều người còn tố cáo sự tà ác của ĐCSTQ, thậm chí còn yêu cầu Mỹ gửi quân đến “loại bỏ căn bệnh ung thư trên trái đất” và tuyên bố sẽ “dẫn đường cho quân đội Mỹ”.

Cuối ngày hôm đó, Đại sứ quán Mỹ đã công bố một bài đăng video trên blog để chúc mừng năm mới của người dân Trung Quốc. Cổ đông lại đổ xô vào để lại tin nhắn.

Quản trị viên Weibo không thể xóa các bài đăng blog của đại sứ quán nên họ bắt đầu cuộc chiến xóa bài đăng đối với các nhà đầu tư chứng khoán, liên tục xóa những tin nhắn thể hiện quan điểm gay gắt. Tuy nhiên, tốc độ quản trị viên xóa bài rõ ràng không thể theo kịp tốc độ các nhà đầu tư đăng bài. Phóng viên sau khi kiểm tra trang thì thấy vẫn còn những bình luận "nổi loạn".

Ngoài những nhà đầu tư đăng bài "nổi loạn", cũng có nhiều người từng là "nhà đầu tư phấn hồng" để lại tin nhắn xin lỗi nước Mỹ, đối tượng mà trước đây họ thường thóa mạ và nói rằng họ đã thức tỉnh trước bàn tay sắt của thị trường chứng khoán và nhận ra sự xấu xa của hệ thống của Bắc Kinh.

Ngoài tài khoản chính thức của Đại sứ quán Mỹ, các bài đăng trên blog của các tài khoản Big V (những người có ảnh hưởng trực tuyến) về thị trường chứng khoán cũng trở thành nơi để các nhà đầu tư thể hiện sự “nổi loạn”. Dưới một trong những bài đăng trên blog, bình luận phổ biến nhất là "Toàn bộ Internet đang kêu gọi Chen Sheng và Wu Guang" [hai nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy đầu tiên ở triều đại nhà Tần]. Bình luận phổ biến thứ hai là những lời mắng nhiếc Bắc Kinh vì chỉ biết khoe khoang hàng ngày.

Một video của Oriental Fortune phân tích xu hướng thị trường chứng khoán từng bị tràn ngập bởi thông điệp từ các nhà đầu tư mắng mỏ chính quyền và kêu gọi nổi dậy. Sau đó Oriental Fortune buộc phải hủy các nội dung.

Trên nền tảng Toutiao, nhiều cư dân mạng không trực tiếp nói về thị trường chứng khoán mà hướng sự tức giận của họ vào những quan chức trong ĐCSTQ. Một số người đã đăng các bài viết theo cách uyển ngữ có nội dung “phản đối việc ông Viên Thế Khải [Yuan Shikai] khôi phục chế độ quân chủ”. [Ông Viên Thế Khải tự phong làm Tổng thống suốt đời và sau đó tuyên bố thành lập một triều đại đế quốc mới ở Trung Quốc với tư cách là hoàng đế vào năm 1915-1916. Điều này có thể được dùng để ám chỉ những động thái tương tự của ông Tập Cận Bình].

Vừa mới trải qua ‘Thứ 2 đen tối'

The Wall Street Journal đưa tin các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về điều kiện kinh tế, và các chỉ số chứng khoán lớn ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều sụt giảm trong nhiều năm liên tiếp.

Tình hình tính từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục rất hỗn loạn.

Mới cách đây hai tuần, vào thứ 2 (22/1), chứng khoán Trung Quốc đã trải qua ‘Thứ 2 đen tối'. Trong toàn bộ thị trường cổ phiếu hạng A, tất cả các ngành và lĩnh vực đều giảm điểm, điều có thể được mô tả là sự “hủy diệt hoàn toàn”. Chỉ số Shanghai Composite Index lại giảm xuống dưới 2.800 điểm. Thị trường chứng khoán Hong Kong cũng tiếp tục sụt giảm với chỉ số Hang Seng một lần nữa tụt xuống dưới mốc 15.000 điểm.

Bắc Kinh có cứu được thị trường chứng khoán?
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc tụ tập để kiểm tra giá cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 31/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tại thời điểm đó, tài khoản @caijingshujuku đăng trên X: “GDP có thể bị thay đổi, dữ liệu thất nghiệp có thể bị thay đổi, nhưng việc thị trường chứng khoán lao dốc tới mức như sụp đổ thì không thể thay đổi, cũng không thể cứu vãn được!”

Người này viết tiếp: “Bây giờ thị trường chứng khoán Mỹ đang bay cao, Đài Loan và Nhật Bản đang bay cao, còn Trung Quốc đang ở trong địa ngục… Tài sản ở Trung Quốc lao dốc không thấy đáy, và không còn rõ điều gì sẽ xảy ra nữa".

Người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Cao Jitw đã đăng trên tài khoản @caojitw của mình rằng sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Hong Kong vào ngày 22/1 cho thấy những sự kiện sau có thể sắp xảy ra: 1) Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ và sự suy giảm của nền kinh tế trong tương lai là không thấy đáy; 2) Khả năng Trung Quốc trở thành Triều Tiên trong tương lai ngày càng cao, nước này sẽ không còn cần đến thị trường chứng khoán…; 3) Khủng hoảng tài chính Trung Quốc sắp bùng nổ; 4) Mâu thuẫn nội bộ giữa các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ ngày càng gay gắt, những chuyện lớn bất ngờ có thể xảy ra, cuộc khủng hoảng bất ổn đang đến gần. Trong trường hợp thiết quân luật toàn quốc, mọi giao dịch sẽ chấm dứt.

Khủng hoảng niềm tin

Đằng sau những tin tức tiêu cực về chứng khoán Trung Quốc là một vấn đề thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Đó chính là sự mất lòng tin của công chúng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Điều này khiến người dân ngần ngại chi tiền, các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư kinh doanh, nền kinh tế trì trệ với giảm phát dai dẳng, và thị trường chứng khoán cũng theo đó lao dốc.

Trong bài báo “Kinh tế Trung Quốc cho thấy các điểm tương đồng với Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng", đăng ngày 21/1 trên tờ The Epoch Times, tác giả Ezrati đã phân tích về khủng hoảng niềm tin trong nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Ezrati cho biết, Trung Quốc chưa trải qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán giống như điều Mỹ đã phải gánh chịu vào năm 1929. Tuy nhiên, điểm chung của Trung Quốc với nước Mỹ vào thời kỳ đó là sự mất niềm tin khủng khiếp vào cấu trúc và tương lai của nền kinh tế. Ông Ezrati cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2024 của Trung Quốc không mấy hứa hẹn.

Bắc Kinh có cứu được thị trường chứng khoán?
Một tấm biến gần một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Tâm lý thị trường vốn đã rất tồi tệ ở Trung Quốc trong thời gian qua. Không những vậy, tình từ đầu năm mới, liên tiếp các sự kiện xuất hiện, tiếp tục tạo ra thêm các ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý chung. Vào ngày 29/1, tòa án Hong Kong đã ra lệnh buộc Evergrande phải thanh lý. Sự kiện đã làm tổn hại tâm lý thị trường và gây ra mối lo ngại về hiệu ứng domino trong nền kinh tế.

Moody's cho biết trong một báo cáo ngày 30/1 được tiếp cận bởi The Epoch Times: “Quyết định này mang tính tiêu cực về uy tín đối với lĩnh vực bất động sản nói chung vì nó sẽ làm suy yếu tâm lý của thị trường và nhà đầu tư vốn đã mong manh [và] có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người mua nhà trong tương lai gần”.

Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của tập đoàn cổ phần tư nhân Hong Kong Kaiyuan Capital, tin rằng quyết định của tòa án là “tin xấu cho tất cả các bên và là một đòn giáng nữa vào niềm tin vào thị trường vốn của Trung Quốc” vì lệnh thanh lý sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm, rất tốn kém và khó có thể dẫn đến kết quả là một sự bù đắp tổn thất đáng kể.

Trước đó, công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, "Tập đoàn Zhongzhi" (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Đây là diễn biến báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh có cứu được thị trường chứng khoán?