Báo cáo: Doanh nghiệp Anh tại Trung Quốc chưa thấy ‘sự mở cửa có ý nghĩa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm ngoái, khảo sát của Phòng Thương mại Anh cho thấy các doanh nghiệp Anh vẫn còn bi quan về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Năm nay, niềm tin của các doanh nghiệp Anh vẫn chưa được cải thiện.

Theo một tổ chức thương mại của Anh, các công ty Anh sẽ gặp khó khăn khi kinh doanh tại Trung Quốc trong 5 năm tới vì có nhiều thách thức bất chấp các biện pháp chính sách của Bắc Kinh.

Trong báo cáo thường niên (Doanh nghiệp Anh tại Trung Quốc: Tài liệu quan điểm) được công bố vào ngày 21/5, Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cho biết các chính sách thúc đẩy đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh sau đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 kể từ năm 2023 đã không nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp Anh tại nước này.

Báo cáo cho biết: “Các công ty Anh vẫn chưa thấy các biện pháp của chính quyền chuyển thành ‘sự mở cửa có ý nghĩa’, với dự đoán rằng những trở ngại pháp lý sẽ tăng lên thay vì giảm đi trong 5 năm tới”.

Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 3% tổng vốn đầu tư tại Trung Quốc nhưng nó đã giảm trong hai năm liên tiếp. Nó được coi là tín hiệu phản ánh niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Niềm tin kinh doanh của Anh càng bị hạn chế bởi nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng do môi trường địa chính trị phức tạp, điều này càng không khuyến khích các công ty thực hiện các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng”, phòng thương mại cho biết.

Dữ liệu từ Bộ thương mại Trung Quốc cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 8% trong năm ngoái. Một thước đo rộng hơn từ cơ quan quản lý ngoại hối, bao gồm cả dòng chảy của lợi nhuận được giữ lại, cho thấy mức giảm khoảng 80% vào năm 2023 xuống còn 33 tỷ USD. Đó là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1980.

Báo cáo lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc đã đưa ra Hướng dẫn 24 điểm về thu hút đầu tư nước ngoài để tăng cường tính minh bạch và khả năng dự đoán chính sách.

“Mặc dù vậy, năm nay vẫn tiếp tục chứng kiến các ví dụ về các chính sách được đưa ra mà không có cảnh báo trước và không có đủ sự hỗ trợ để đảm bảo việc tuân thủ. Điều này bao gồm việc đưa ra các mối đe dọa hạn chế thương mại”, báo cáo viết.

“Các biện pháp chính thức được áp dụng mà không có chỉ dẫn đầy đủ cho hoạt động kinh doanh quốc tế chắc chắn sẽ làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch kinh doanh dài hạn tại thị trường Trung Quốc”.

Báo cáo cũng cho biết các công ty Anh muốn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong các lĩnh vực quan trọng của Trung Quốc nhưng họ vẫn thận trọng vì sự không chắc chắn trong môi trường đầu tư hiện tại và khả năng gia tăng các rào cản thương mại. Ngoài ra, các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về khả năng sinh lời thấp trong các lĩnh vực như ô tô và năng lượng, do giá cả đã giảm.

Năm ngoái, một cuộc khảo sát của phòng này cũng chỉ ra rằng các công ty Anh ở Trung Quốc tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh của nước này. 60% báo cáo rằng kinh doanh ở Trung Quốc khó khăn hơn năm 2022, khiến nhiều bên phải trì hoãn đầu tư.

Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu cũng giảm

Niềm tin kinh doanh của các công ty châu Âu tại Trung Quốc cũng đã giảm kể từ năm ngoái, theo một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc trong báo cáo “Khảo sát niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc năm 2024”. Kỷ lục 68% các công ty báo cáo rằng hoạt động kinh doanh đang trở nên khó khăn hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết: “Có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng một số công ty châu Âu đang cô lập hoạt động hoặc giảm bớt tham vọng của họ ở Trung Quốc khi những thách thức mà họ phải đối mặt bắt đầu lớn hơn lợi ích khi có mặt ở đây”.

“Mặc dù Chính phủ Trung Quốc thường xuyên thể hiện ý định cải thiện môi trường kinh doanh nhưng giờ đây chúng ta cần thấy hành động cụ thể để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư”.

Cuộc khảo sát cho thấy các công ty châu Âu tại Trung Quốc đang gặp phải những bất ổn thay vì có được sự phục hồi mạnh mẽ như mong đợi. Báo cáo nêu rõ các vấn đề mang tính cơ cấu của Trung Quốc - chẳng hạn như nhu cầu chậm lại, tình trạng dư thừa công suất ngày càng tăng và sự suy thoái đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản - cũng như các rào cản tiếp cận thị trường và quy định, tiếp tục tác động đến các công ty châu Âu.

Denis Depoux, Giám đốc điều hành toàn cầu của Roland Berger, cho biết: “Các công ty châu Âu đang phải đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng ở Trung Quốc, phần lớn là do biến động kinh tế và định hướng chính sách khó dự đoán hơn”. “Mặc dù có thể quản lý được sự biến động nhưng việc thiếu khả năng dự đoán có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc”.

Cuộc khảo sát lưu ý rằng các chiến lược mà các công ty này sử dụng để thích ứng với môi trường kinh doanh của Trung Quốc có thể tạo ra một chu kỳ kinh tế tiêu cực cho Trung Quốc, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của đất nước này.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang bị rà soát ở châu Âu. Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra về thị trường thiết bị y tế của Trung Quốc trong bối cảnh có những cáo buộc về các hoạt động thương mại không công bằng đối với các công ty EU. Vào tháng 9/2023, Ủy ban châu Âu đã khởi động cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: Doanh nghiệp Anh tại Trung Quốc chưa thấy ‘sự mở cửa có ý nghĩa'