Bình luận: Các nhà xuất khẩu Trung Quốc từ chối đồng CNY

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng CNY sẽ còn một chặng đường dài để thay thế đồng USD. Muốn đạt được điều đó, đầu tiên các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tích cực nắm giữ đồng CNY, điều mà họ hiện không muốn làm.

Bài bình luận

Khi đồng nhân dân tệ (CNY) suy yếu, người dân và doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm mọi cách để tránh sử dụng đồng tiền của nước mình.

Kể từ khoảng năm 2014, đồng USD đã liên tục mạnh lên so với đồng CNY của Trung Quốc. Năm 2014, tỷ giá hối đoái là khoảng 6,1 CNY đổi 1 USD. Việc tỷ giá vượt qua mốc 7 CNY đổi 1 USD tương đương với việc phá vỡ một rào cản tâm lý, điều mà Bắc Kinh muốn tránh. Nhưng trong năm qua, tỷ giá vẫn liên tục ở mức trên 7.

Lợi ích của đồng tiền yếu là xuất khẩu trở nên rẻ hơn. Một USD bây giờ mua được nhiều CNY hơn, vì vậy hàng hóa định giá bằng CNY trở thành món hời đối với người Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là hàng nhập khẩu vào Trung Quốc phải được thanh toán bằng USD. Điều này bao gồm gần như tất cả hàng hóa cơ bản và năng lượng. Do đó, đồng CNY yếu khiến các nhà máy Trung Quốc phải mua nguyên liệu thô và năng lượng cho máy móc của họ với chi phí đắt hơn.

Các nhà xuất khẩu và các doanh nhân khác đang cố gắng giữ tiền mặt của họ bằng thứ khác ngoài đồng CNY và chỉ chuyển đổi sang CNY những gì họ cần. Họ có hai lý do để có thái độ tiêu cực với đồng CNY. Đầu tiên là nền kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu sớm phục hồi. Các chỉ số thể hiện tích cực hơn một chút trong vài tháng vừa qua, với hoạt động của nhà máy có phần khởi sắc, nhưng đây có thể không phải là xu hướng. Và sẽ cần nhiều hơn một sự tăng trưởng nhẹ trong lĩnh vực sản xuất để tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên thất nghiệp.

Trong tháng 3, xuất khẩu đã giảm 7,5% so với một năm trước đó (mặc dù đã tăng trở lại 1,5% vào tháng 4). Đây là tin xấu đối với nền kinh tế, nhưng nó đặc biệt xấu đối với những người muốn thoái vốn khỏi đồng CNY, vì xuất khẩu là một trong những phương tiện chính để kiếm được USD. Ngoài ra, mặc dù chi phí đi vay chỉ là 1,5% nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ không thể kiếm đủ tiền lãi để trang trải lãi vay.

Lý do khác khiến có rất ít hy vọng về sự phục hồi của đồng CNY là do đồng USD đang ở mức quá cao và rất có thể sẽ vẫn ở mức đó trong tương lai trước mắt. Khi lãi suất ở Mỹ cao, như thời gian qua, đồng USD sẽ tăng giá trị. Dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và các nước khác khi đầu tư vào Hoa Kỳ trở nên sinh lợi hơn. Các nhà đầu tư Trung Quốc có thể kiếm được 5% bằng cách gửi USD của họ vào Hoa Kỳ. Họ sẽ chỉ nhận được lãi suất 1,5% nếu đổi sang đồng CNY và gửi chúng tại quê nhà.

Dòng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và các nước khác và vào Hoa Kỳ khiến đồng CNY và các loại tiền tệ khác mất giá trong khi đồng USD tiếp tục mạnh lên. Đồng USD có thể mất giá nếu lãi suất giảm. Tuy nhiên, do lạm phát dai dẳng ở Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khó có thể cắt giảm lãi suất. Vì vậy, dòng vốn thông minh đang được chuyển ra khỏi đồng CNY và chuyển sang USD hoặc vàng.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tăng cường mua vàng và người dân Trung Quốc đang mua đồ trang sức như một phương tiện lưu trữ tiền mặt bằng vàng, trái ngược với việc rời xa đồng CNY mất giá. Vàng cũng là một giải pháp thay thế cho thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn đã mất 6 nghìn tỷ USD giá trị trong 3 năm qua. Trong 18 tháng liên tiếp, PBOC đã bổ sung thêm dự trữ vàng của mình. Nhu cầu gia tăng về vàng đã khiến giá vàng đạt mức cao kỷ lục. Giá vàng tăng là thông tin cả tốt cả xấu đối với các ngân hàng và nhà đầu tư Trung Quốc, những người phải sử dụng đồng CNY mất giá để mua vàng đang tăng vọt về giá.

Không chỉ người dân Trung Quốc và các nhà xuất khẩu Trung Quốc không muốn nắm giữ đồng CNY, mà cả phần còn lại của thế giới cũng vậy. Tỷ trọng dự trữ tiền tệ toàn cầu của đồng CNY của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm. Sau khi đạt mức cao 2,83% vào năm 2020, tỷ trọng CNY do các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nắm giữ đã giảm dần, xuống còn 2,29% vào cuối năm 2023. Đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ được ưa chuộng. Hơn nữa, mặc dù PBOC mua vàng hàng tháng trong 18 tháng qua, tỷ lệ vàng so với USD trong dự trữ của họ vẫn không thay đổi.

Khi đồng CNY được thêm vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm 2016, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng ông đã thực hiện một bước quan trọng hướng tới quốc tế hóa đồng CNY và mục tiêu thay thế đồng USD trong vai trò đồng tiền thế giới. Tám năm sau, đồng CNY vẫn chưa trở thành đồng tiền dự trữ chính, khi mà tỷ trọng sử dụng của nó trong thanh toán thương mại chỉ đạt 4,6%.

Đồng CNY sẽ còn một chặng đường dài để thay thế đồng USD, và bước đầu tiên sẽ là việc tích cực nắm giữ đồng CNY của các nhà xuất khẩu Trung Quốc, điều mà họ hiện không muốn làm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách "Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion" (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Các nhà xuất khẩu Trung Quốc từ chối đồng CNY