Bình luận: Đừng tin câu chuyện đẹp đẽ về BRI

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp sự phô trương từ ông Tập và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc xung quanh Diễn đàn Vành đai và Con đường vào tháng trước, BRI thực ra không đẹp đẽ như vẻ bề ngoài.

Bài bình luận

Vào tháng 10, thế giới đã phải hứng chịu làn sóng tuyên truyền từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của ông Tập Cận Bình. Đây là một chương trình phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng quốc tế quy mô lớn được bắt đầu rầm rộ vào năm 2013.

Bất chấp các câu chuyện vui vẻ và lạc quan trong Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba vừa mới kết thúc ở Bắc Kinh, BRI không đẹp đẽ như vẻ bề ngoài. (BRI còn được gọi là sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”).

BRI là gì?

Được công bố rộng rãi vào năm 2013 như là sáng kiến lớn đầu tiên của ông Tập, BRI bao gồm hai thành phần chính: Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Mục tiêu chính là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông toàn cầu bao gồm đường bộ, bến cảng, đường sắt, cầu, v.v. do Trung Quốc kiểm soát, với nhiều “con đường” khác nhau đóng vai trò là nan hoa trong một bánh xe phục vụ trục trung tâm (Trung Quốc đại lục). Những con đường hai chiều này nhằm mục đích vận chuyển các tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước của Trung Quốc đồng thời hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa thành phẩm của Trung Quốc sang thị trường nước ngoài trên toàn thế giới.

Trong 10 năm tồn tại, các xúc tu của BRI đã lan rộng tới 149 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc. Về quy mô của sáng kiến này, Statista báo cáo rằng “tổng đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã giảm xuống còn khoảng 67,8 tỷ USD [cho năm 2022], giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước [do đại dịch COVID-19]” với đầu tư trực tiếp nước ngoài thực tế của Trung Quốc vào các quốc gia BRI là 24 tỷ USD vào năm 2021.

Kỷ niệm 10 năm

Diễn đàn Hợp tác Quốc tế BRI năm nay tại Bắc Kinh đã kỷ niệm 10 năm thành lập sáng kiến này. Vào ngày 26/10, ông Tập đã đưa ra những lời hứa bổ sung cho BRI, theo thông tin của The Conversation, bao gồm phát triển xanh trong tương lai và sự thúc đẩy “hợp tác dựa trên tính liêm chính” (chia sẻ các chi tiết về BRI và thông tin về tuân thủ).

Cùng lúc đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tô vẽ cho câu chuyện đẹp đẽ về 10 năm BRI để làm nổi bật diễn đàn BRI:

Vào ngày 16/10, Global Times đã ca ngợi “mười năm phát triển BRI thần kỳ”.

Vào ngày 21/10, Global Times nhắc lại lời hứa của ông Tập về “một ‘thập kỷ vàng’ khác của hợp tác BRI”.

Vào ngày 24/10, Nhân dân Nhật báo đã mạnh mẽ tuyên bố rằng “Hợp tác Vành đai và Con đường nằm ở phía đúng đắn của lịch sử”.

Phía sau câu chuyện đẹp đẽ

Các vết nứt đang hình thành ở dự án hào nhoáng BRI. Nhiều quốc gia đang nhận ra rằng các khoản đầu tư BRI của Trung Quốc nghiêng nhiều về lợi ích của Trung Quốc chứ không phải lợi ích của các nước tiếp nhận. Khoảng một phần ba tổng số khoản đầu tư BRI mỗi năm tới từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực tế của Trung Quốc. Hai phần ba còn lại không phải là các khoản tài trợ FDI mà là các khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc hoặc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc mà các nước tiếp nhận phải hoàn trả.

Các bên tiếp nhận thường bị buộc phải đáp ứng nghĩa vụ vay của mình bằng cách cấp cho Trung Quốc quyền khai thác dài hạn đối với các nguyên tố đất hiếm, hydrocarbon và các hàng hóa khác và/hoặc các thỏa thuận cho thuê dài hạn đối với các cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng khác được phát triển bằng các khoản vay BRI đó.

Điều thứ hai chính xác là những gì đã xảy ra tại cảng Hambantota của Sri Lanka khi Trung Quốc nhận được cổ phần kiểm soát trong 99 năm tại cảng vào năm 2017, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Tất cả đều là “sự phát triển kỳ diệu” từ BRI, với lợi ích nghiêng về Bắc Kinh.

Bình luận: Đừng tin câu chuyện đẹp đẽ về BRI
Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã tiến vào cảng Hambantota do Trung Quốc điều hành của Sri Lanka vào ngày 16/8/2022, bất chấp những lo ngại từ Ấn Độ và Mỹ. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP qua Getty Images)

Các nước khác cũng đang “cau mày” trước BRI.

Ý chính thức rời BRI

Sau 4 năm tham gia, Ý đã rút khỏi BRI theo thông báo của Thủ tướng Giorgia Meloni trong cuộc họp G20 ở New Delhi vào tháng 9 năm nay. Ý là quốc gia đầu tiên chính thức rời khỏi BRI và điều này có ý nghĩa địa chính trị quan trọng đối với thế giới, vì Trung Quốc đang tập trung nguồn lực đáng kể vào việc thâm nhập (và gây ảnh hưởng) vào Liên minh châu Âu. Mục tiêu quan trọng trong bản ghi nhớ tham gia BRI của Ý đã không thành hiện thực: nhằm tái cân bằng cán cân thương mại bất lợi của Ý với Trung Quốc. Thực tế là thâm hụt thương mại song phương của Ý với Trung Quốc hiện lớn hơn 10 tỷ USD so với năm 2019.

Cú sốc từ Bồ Đào Nha

Quan hệ của Bồ Đào Nha với Trung Quốc bắt đầu vào năm 1513, với việc Bồ Đào Nha trả tiền thuê cho nhà Minh để thiết lập một trung tâm thương mại trên đảo Ma Cao. Trung Quốc coi Bồ Đào Nha là trụ cột và cửa ngõ vào châu Âu cũng như các thị trường lớn đại diện cho các thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha ở Nam Mỹ và Châu Phi, bao gồm Brazil, Angola và Mozambique. Vì vậy, hẳn đó là một cú sốc khi, giống như Ý, chính phủ Bồ Đào Nha của Thủ tướng António Costa “đã lặng lẽ quay trở lại hướng tới sự đồng thuận Bắc Đại Tây Dương và rời xa các mối quan hệ thân thiết trước đây với Bắc Kinh”, theo ghi nhận của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu. Một yếu tố góp phần vào thái độ xa lánh là sự đe dọa liên tục của chính quyền Trung Quốc đối với Đài Loan và Philippines.

Sự bất mãn của người dân Lào

Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Lào thông qua BRI với khoản đầu tư ban đầu 5 tỷ USD trải rộng trên 745 dự án vào năm 2013. Giờ đây, theo Japan News đưa tin vào tháng trước, “Lào đang vật lộn với việc hoàn trả hàng tỷ USD đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án đập thủy điện, xe lửa và đường cao tốc, điều đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối của đất nước”. Kết quả là, “Người dân Lào đã bắt đầu bày tỏ sự bất mãn chưa từng có trên mạng, nhắm vào Trung Quốc và chính phủ của họ”.

Mâu thuẫn với Philippines

Khi căng thẳng ở Biển Tây Philippines xung quanh Bãi cạn Scarborough gia tăng, “Philippines đã hủy bỏ thỏa thuận tài trợ được ký với Trung Quốc cho ba dự án đường sắt” với tổng trị giá 5 tỷ USD, theo bài báo của Asia Financial vào ngày 30/10. Asia Times lưu ý thêm rằng “gần như tất cả Các sáng kiến đầu tư quan trọng của Trung Quốc tại Philippines hiện đang bị nghi ngờ do cả yếu tố kinh tế và chính trị”. Địa chính trị đã lấn át mặt kinh tế của BRI ở Philippines.

Sự thực về BRI

Theo một bài báo của Forbes được Washington Standard trích dẫn, bất chấp sự phô trương từ ông Tập và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc xung quanh Diễn đàn Vành đai và Con đường vào tháng trước, BRI đã trở thành “một uyển ngữ cho việc chi tiêu lãng phí, hủy hoại môi trường và các khoản nợ không thể duy trì”. Thêm vào đó là nạn tham nhũng tràn lan, như một nghiên cứu năm 2017 của McKinsey tập trung vào quan hệ Trung Quốc với Châu Phi cho thấy “từ 60% đến 80% công ty Trung Quốc ở Châu Phi thừa nhận đã đưa hối lộ” để nhận được các điều khoản hợp đồng có lợi.

Cuối cùng, kể từ năm 2015, Trung Quốc đã phải gia hạn các khoản vay khẩn cấp cho các quốc gia BRI - như Mông Cổ, Ai Cập, Pakistan, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ - với một số khoản vay đó được gia hạn trong vài năm liên tiếp, theo bài báo của Zero Hedge vào ngày 31/10. “Tỷ lệ bên đi vay của Trung Quốc gặp khó khăn đã tăng mạnh trong những năm gần đây đến mức 60% danh mục cho vay nước ngoài của nước này được dùng để hỗ trợ các quốc gia này vào năm 2022, tăng từ mức chỉ 5% vào năm 2010”.

Hãy cẩn thận nếu bạn đã tin những câu chuyện vui vẻ và đẹp đẽ về BRI!

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Stu Cvrk là Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đừng tin câu chuyện đẹp đẽ về BRI