Bình luận: Tại sao Bắc Kinh lo lắng về đồng yên Nhật?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay cả khi đồng JPY không phục hồi hoặc giảm giá mạnh, việc đồng JPY được duy trì ở mức thấp sẽ gây áp lực rất lớn lên đồng CNY và điều này vẫn còn chưa tính đến chênh lệch lãi suất mà chúng ta sẽ tiếp tục thấy giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bài bình luận

Thông thường, khi Bắc Kinh chỉ trích Nhật Bản, những lời chỉ trích thường đi theo những lối mòn. Sự gần gũi của Tokyo với quân đội Mỹ và cách hành xử của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai là những lời phàn nàn chính. Tuy nhiên, Bắc Kinh có lý do thực tế và trực tiếp hơn để lo lắng về những gì đang xảy ra ở Tokyo. Sự sụt giảm của đồng yên Nhật (JPY) xuống còn khoảng 160 JPY ăn 1 USD vào thời gian gần đây khiến Bắc Kinh hết sức lo lắng.

Trong phần lớn thế kỷ này, Hoa Kỳ đã thực hiện các chính sách tiền tệ tương tự như chính sách của các nền kinh tế lớn khác như châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Lãi suất nhìn chung tương tự nhau phù hợp với các điều kiện cơ bản của nền kinh tế, khiến tỷ giá hối đoái dao động trong phạm vi có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đợt lạm phát mạnh hậu COVID-19 ở Hoa Kỳ về cơ bản đã thay đổi cơ chế tương quan của tiền tệ quốc tế.

Các quốc gia thực hiện các chính sách tiền tệ giống nhau vì nhiều yếu tố kinh tế cho phép họ thực hiện các chính sách tiền tệ nhìn chung là nhất quán.

Khi Hoa Kỳ và Nhật Bản đều áp dụng lãi suất gần bằng 0, đồng USD và đồng JPY dao động trong khoảng từ 100 đến 120 trong hầu hết thế kỷ này. Tuy nhiên, động lực lạm phát mới ở Mỹ đã làm đảo lộn sự cân bằng mong manh này.

Được thúc đẩy bởi thâm hụt kỷ lục của Hoa Kỳ, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và thị trường lao động thắt chặt, lạm phát vẫn ở mức cao ngay cả sau khi đã suy giảm. Điều này đã dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất và cam kết sẽ giữ chúng ở mức cao. Vấn đề đối với nhiều quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc là khi Hoa Kỳ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế, Nhật Bản và Trung Quốc lại đang có nền kinh tế yếu kém đang chao đảo trước tình trạng giảm phát và rất cần lãi suất thấp hơn.

Giờ đây, vấn đề phân kỳ trong chính sách tiền tệ đang được thể hiện ra ở tỷ giá hối đoái.

Kể từ đầu năm 2021, đồng JPY đã giảm từ 103 ăn một đồng USD xuống mức thấp gần đây là 160. Trong năm qua, nó đã giảm từ mức 135. Đối với các nhà đầu tư, sự lựa chọn rất đơn giản: họ cần quyết định bỏ tiền vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ có lãi suất 5% hay trái phiếu chính phủ Nhật Bản có lãi suất gần bằng 0.

Điều này có tác động tới Trung Quốc. Với dân số trong độ tuổi lao động có chiều hướng suy giảm, nền kinh tế chậm lại và sự phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu, có nhiều điểm tương đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, họ khác nhau về chế độ tỷ giá hối đoái, trong đó Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn và định giá nghiêm ngặt từ ngân hàng trung ương, trong khi tỷ giá hối đoái của Nhật Bản hầu hết là tự do. Trong khi Nhật Bản đã cho phép đồng JPY giảm giá khoảng 50% trong vài năm qua, đồng CNY chỉ giảm khoảng 10%. Sự chênh lệch quá lớn giữa sự sụt giảm của đồng JPY và đồng CNY chỉ có thể gây thêm áp lực cho Trung Quốc bên cạnh sự chênh lệch về lãi suất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trong khi Nhật Bản chọn cách để đồng tiền của mình giảm giá thì Bắc Kinh lại cố gắng duy trì đồng nhân dân tệ ở mức cao giả tạo. Mặc dù chúng ta không thể biết chắc chắn lý do cho con đường chính sách này, nhưng có những lý do có thể giải thích tại sao Bắc Kinh chọn con đường đó.

Đầu tiên, bằng cách vận hành chế độ tỷ giá hối đoái cố định với các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào của đồng tiền đều có thể nhanh chóng trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm khi mọi người đổ xô nắm giữ những đồng tiền mạnh. Đã có những dấu hiệu đáng chú ý cho thấy các công ty Trung Quốc đang cố gắng giữ nhiều đồng tiền mạnh hơn ở nước ngoài thay vì đưa lợi nhuận và USD của họ về nước.

Thứ hai, do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh có thể lo ngại về việc cho phép đồng CNY giảm giá quá nhiều hoặc quá nhanh vì thặng dư thương mại vốn đã lớn của nước này. Trong khi Trung Quốc có thể muốn tăng cường xuất khẩu, Bắc Kinh có thể lo ngại về việc đi quá xa.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm cách khẳng định mình là một nhà quản lý có năng lực mang lại thịnh vượng kinh tế, và bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào của đồng CNY sẽ là dấu hiệu rõ ràng rằng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ tự giao. Mọi người có thể sẽ nhận thấy việc đồng tiền của họ giảm giá 50%, và ở một quốc gia độc tài, sự phàn nàn đó trở thành một vấn đề.

Thứ tư, Bắc Kinh rất cần vốn. Phần lớn nền kinh tế đang đứng trước bờ vực phá sản và các ngân hàng đang thiếu vốn trầm trọng. Bất kỳ khoản tiền nào rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc hoặc tiền không vào Trung Quốc sẽ giúp đẩy đồng CNY xuống giá.

Với áp lực giảm giá đáng kể đối với đồng CNY và việc Bắc Kinh tích cực cố gắng giữ giá của đồng tiền, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc không thể hiện gì mấy về con đường chính sách phía trước. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, sự sụt giảm của đồng JPY đang gây thêm áp lực lên đồng CNY. Ngay cả khi đồng JPY không phục hồi hoặc giảm giá mạnh, việc đồng JPY được duy trì ở mức thấp sẽ gây áp lực rất lớn lên đồng CNY và điều này vẫn còn chưa tính đến chênh lệch lãi suất mà chúng ta sẽ tiếp tục thấy giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Tại sao Bắc Kinh lo lắng về đồng yên Nhật?