Các nhà khoa học Nhật Bản phát triển loại thuốc đột phá giúp mọc răng mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một loại thuốc mới có tác dụng kích thích mọc răng. Đây được xem là loại thuốc mang tính đột phá khi có thể giúp nhiều người khôi phục lại hàm răng bị khiếm khuyết của mình.

Trong suốt sự nghiệp, Tiến sĩ Katsu Takahashi, trưởng nhóm nghiên cứu, đồng sáng lập Toregem Biopharma, đồng thời là trưởng khoa nha khoa và phẫu thuật răng miệng tại Viện nghiên cứu y tế Bệnh viện Kitano ở Osaka (Nhật Bản), đã nghiên cứu cách kích thích sự phát triển của răng mới.

Trong một bài báo trên The Mainichi, ông nói: “Ý tưởng [về một loại thuốc kích thích] mọc răng mới là mơ ước của mọi nha sĩ. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ khi còn là sinh viên tốt nghiệp. Tôi tin rằng mình có thể biến điều đó thành hiện thực”.

Loại thuốc dựa trên kháng thể này nhắm đến một loại protein có tác dụng ức chế sự phát triển của răng mới từ “chồi răng” và trong các thí nghiệm trên động vật trước đây, loại thuốc này đã khiến răng phát triển “thế hệ thứ ba”, ngoài răng sữa và răng trưởng thành vĩnh viễn.

Trong khi cá mập và nhiều loài bò sát được thay răng liên tục, cá sấu thay răng hơn 40 lần trong suốt cuộc đời thì động vật có vú không có khả năng thay răng vô tận như vậy. Cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng con người chỉ có hai bộ răng. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy con người cũng sở hữu các chồi răng này, chúng có khả năng trở thành bộ răng thứ ba.

Trong các thử nghiệm trên chuột và chồn sương, loại thuốc này đã được sử dụng thành công để kích thích mọc răng mới. Các thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tháng 7 năm 2024 để kiểm tra độ an toàn của thuốc ở người trưởng thành khỏe mạnh.

Vào năm 2018, Tiến sĩ Takahashi và nhóm của ông đã cung cấp loại thuốc này cho chồn sương, [có đặc điểm cấu tạo răng] giống như con người, có mầm răng, răng sữa và răng trưởng thành vĩnh viễn. Kết quả cho thấy, chồn sương đã bắt đầu mọc răng mới.

Trong các thí nghiệm tương tự vào năm 2018, nhóm nghiên cứu đã tiêm thuốc cho chuột, chúng cũng mọc răng mới và phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Science Advances vào năm 2021.

Loại thuốc mới này có thể giải quyết vấn đề thiếu răng, tức là toàn bộ hoặc một phần cơ quan không thể phát triển trong quá trình phát triển của thai nhi. Thiếu răng là tình trạng thiếu một hoặc nhiều răng vĩnh viễn. Oligodontia là sự vắng mặt của sáu răng trở lên (không bao gồm răng hàm thứ ba) và anodontia là sự vắng mặt hoàn toàn của răng.

Anodontia là một rối loạn bẩm sinh ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số.

Trẻ sinh ra bị thiếu răng sẽ gặp khó khăn trong các hoạt động cơ bản như ăn uống và nói, điều này có thể làm suy yếu sự phát triển của trẻ. Cho đến nay, các phương pháp điều trị đều tập trung vào việc thay thế những chiếc răng bị mất bằng răng giả và cấy ghép.

Nếu thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở người trưởng thành khỏe mạnh thành công, Tiến sĩ Takahashi cho biết ông và nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng lần thứ hai vào năm 2025 cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi mắc chứng mất răng. Trẻ sẽ được tiêm thuốc để kích thích mọc răng mới.

Thuốc hoạt động như thế nào?

Vào đầu những năm 1990, các nhà khoa học bắt đầu phân lập các gen mà khi loại bỏ sẽ khiến chuột mọc ít răng hơn. Họ phát hiện ra rằng, chỉ bằng cách thao tác với một gen, số lượng răng mọc thay đổi.

Năm 2005, Tiến sĩ Takahashi trở về Nhật Bản sau chuyến du học ở Mỹ. Ông và nhóm nghiên cứu tại Đại học Kyoto bắt đầu nghiên cứu dựa trên việc phát hiện cho thấy sự phát triển của răng phụ thuộc vào gen.

Họ nhận thấy rằng, với việc thiếu một gen cụ thể, những con chuột đã có nhiều răng hơn và một loại protein có tên USAG-1, được gen này tổng hợp, đã làm giảm số lượng răng mọc lên. Họ đưa ra giả thuyết rằng việc ngăn chặn protein USAG-1 sẽ kích thích sự phát triển của nhiều răng hơn… và họ đã đúng.

Vào năm 2018, Tiến sĩ Takahashi và nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại thuốc kháng thể có khả năng ngăn chặn chức năng của protein, thử nghiệm nó trên những con chuột có ít răng bẩm sinh. Những con chuột được cho dùng thuốc và bắt đầu xuất hiện răng mới - đây là loại thuốc đầu tiên có thể tái tạo lại răng. Những phát hiện này được công bố vào năm 2021.

Theo dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2020 và Khảo sát Người tiêu dùng Quốc gia Simmons, tác động của loại thuốc như vậy sẽ rất đáng kể vì các vấn đề về răng - đặc biệt là mất răng - ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên toàn thế giới, bao gồm khoảng 41 triệu người Mỹ đeo răng giả, chiếm khoảng 12% dân số.

Theo Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ, 26% người lớn trên 65 tuổi có 8 răng trở xuống và 17% người từ 65 tuổi trở lên đã mất hết răng - mặc dù con số này đã giảm dần trong những năm gần đây. Số liệu thống kê cũng cho thấy những người lớn tuổi gặp khó khăn về kinh tế, có trình độ học vấn dưới bậc trung học hoặc hút thuốc có nguy cơ bị mất hết răng cao gấp ba lần so với các nhóm khác.

Nếu loại thuốc này được chứng minh là an toàn và hiệu quả, hàng triệu người trên toàn thế giới mắc nhiều bệnh về răng miệng, đặc biệt là trẻ em bị rối loạn bẩm sinh, có thể sớm khôi phục lại hàm răng của mình.

Tiến sĩ Takahashi cho biết ông và nhóm nghiên cứu hy vọng có thể phổ biến loại thuốc này trên thị trường vào năm 2030.

Theo Emma Suttie - The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch

Emma là một bác sĩ châm cứu. Trong 10 năm qua, cô đã viết nhiều bài có chủ đề sức khỏe cho nhiều ấn phẩm. Hiện cô là phóng viên sức khỏe của The Epoch Times, chuyên về y học phương Đông, dinh dưỡng, chấn thương và lối sống.



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học Nhật Bản phát triển loại thuốc đột phá giúp mọc răng mới