Cảnh báo: Bắc Kinh có đến 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối ngầm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nhà kinh tế và cựu quan chức Bộ Tài chính dưới thời Obama, chế độ Trung Quốc đang che giấu hàng nghìn tỷ USD trong “kho dự trữ ngầm”. Điều này có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ông Brad Setser, người từng phục vụ trong Nhóm Đánh giá Cơ quan chuyển tiếp năm 2020 của Tổng thống Joe Biden, gần đây đã cảnh báo rằng, Trung Quốc sở hữu lượng dự trữ ngoại hối lớn hơn nhiều so với những gì chế độ đang báo cáo. Ông ước tính trên The China Project rằng, Bắc Kinh có khả năng có khoảng 3 nghìn tỷ USD "ẩn", và khoản dự trữ này có thể đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

“Trung Quốc quá lớn nên cách nước này quản lý nền kinh tế và tiền tệ của mình có ý nghĩa rất lớn đối với thế giới”, ông nói vào ngày 29/06. “Tuy nhiên, qua thời gian, cách nước này quản lý tiền tệ và dự trữ ngoại hối của mình đã trở nên kém minh bạch hơn nhiều - tạo ra những loại rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu”.

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, Trung Quốc chính thức có 3,204 nghìn tỷ USD tài sản nước ngoài trên sổ sách tính đến tháng Tư. Chúng bao gồm tiền mặt, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, vàng và các loại tiền tệ khác.

Cựu phó trợ lý Bộ trưởng Tài chính phụ trách phân tích kinh tế quốc tế lưu ý rằng, việc nước này đột ngột tạm dừng báo cáo là một gợi ý quan trọng về tình trạng dự trữ hiện tại của Trung Quốc.

Từ năm 2002 đến năm 2012, dự trữ ngoại hối của chính quyền Trung Quốc tăng đều đặn trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua USD để ngăn đồng CNY (nhân dân tệ) tăng giá quá cao và đảm bảo rằng hàng xuất khẩu vẫn ở mức rẻ. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, dự trữ của Trung Quốc đã ngừng tăng lên, bất chấp thặng dư thương mại kỷ lục.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái lên 359,48 tỷ USD. Người ta ước tính rằng có sự chênh lệch khoảng 200 tỷ USD giữa thặng dư hàng hóa của Trung Quốc trong cán cân thanh toán và thặng dư hàng hóa mà hải quan Bắc Kinh báo cáo trong dữ liệu chính thức.

Ông Setser, hiện là thành viên cấp cao về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết ông tin rằng các quan chức đang ngăn chặn việc tiết lộ dữ liệu trên bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương bằng cách dựa vào các ngân hàng do nhà nước điều hành và các quỹ đầu tư quốc gia.

“Giống như Trung Quốc có 'ngân hàng ngầm' - các tổ chức tài chính hoạt động giống như ngân hàng và chấp nhận các loại rủi ro mà một ngân hàng thường có thể gánh chịu nhưng không bị quản lý như ngân hàng - Trung Quốc có [cái] có thể được gọi là 'dự trữ ngầm'. Không phải mọi thứ mà Trung Quốc làm trên thị trường hiện đều xuất hiện trong bảng cân đối kế toán của PBoC [Ngân hàng Trung ương Trung Quốc]”, ông viết, đồng thời lưu ý rằng các quan chức sử dụng hệ thống ngân hàng nhà nước để che giấu các khoản dự trữ này khỏi sự theo dõi của công chúng.

Cuối cùng, điều này có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và gây ra rủi ro lớn, xét đến tầm quan trọng của Trung Quốc đối với thị trường quốc tế, theo ông Setster.

Vành đai và con đường

Ông Setser lưu ý, một trong những mục tiêu chính đằng sau Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc - kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu quy mô lớn được giới thiệu vào năm 2009 - là đa dạng hóa các khoản đầu tư của nước này trong một thế giới hậu khủng hoảng tài chính. Cú hích này đã biến Trung Quốc thành một chủ nợ đáng kể trong nền kinh tế quốc tế.

“Họ đủ mạnh với tư cách là một lực lượng kinh tế đến mức mà toàn bộ kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ theo một cách nào đó chỉ là tác dụng phụ của một quyết định năm 2009 nhằm tìm ra những cách mới để quản lý ngoại hối của Trung Quốc”, ông viết. “Chà, Trung Quốc là một nền kinh tế quá lớn - và một nền kinh tế không cân bằng - đến nỗi tất cả các hoạt động của nó có tác động toàn cầu quá lớn”.

Cảnh báo: Bắc Kinh có 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối ngầm
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc -Trung Á ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vào ngày 19/05/2023. (Ảnh: Florence Lo/AFP qua Getty Images)

Đồng thời, vẫn chưa rõ những diễn biến mới nhất có tác động thế nào đến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Trong năm qua, Bắc Kinh đã giảm tốc độ cho vay nước ngoài khi nhiều nước nghèo đói tiếp tục phải vật lộn với lãi suất cao và lịch trình thanh toán.

Chính phủ Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần trước Quốc Hội nhằm thảo luận về việc Trung Quốc đã trở thành người cho vay đáng kể đối với các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế như thế nào. Các quan chức tin rằng, Washington cần mở rộng khả năng cho vay của mình để ngăn chặn Bắc Kinh có được ảnh hưởng lớn hơn trong các tổ chức toàn cầu này và ngăn các nước nghèo chịu ơn quá mức đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng, các khoản cho vay mới của Trung Quốc dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã giảm 58% so với mức cao chưa từng có vào năm 2018. Vào năm 2022, dư nợ cho vay của Trung Quốc ở mức 170,4 tỷ USD.

Một nhóm các quốc gia lưu ý rằng nhiều dự án cơ sở hạ tầng chưa đóng góp cho nền kinh tế của họ, chẳng hạn như Sri Lanka, quốc gia phàn nàn rằng các con đường ở cảng phía nam của quốc gia vẫn chưa được hoàn thành.

BRI đã cho phép chính quyền Trung Quốc sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình nhằm đạt được nhiều mục tiêu khác nhau, cho dù là gây ảnh hưởng ở các khu vực khác nhau trên khắp đất nước hay phát triển đòn bẩy đối với các chính phủ nước ngoài.

Các chuyên gia đã lưu ý rằng việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của chế độ này có thể khiến các nhà lãnh đạo phương Tây gặp khó khăn hơn trong việc nhắm mục tiêu vào Trung Quốc với các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính trong trường hợp nước này xâm chiếm Đài Loan. Nếu tuyên bố của ông Setser là chính xác và 3 nghìn tỷ USD đang được giấu kín trước công chúng, thì nó sẽ chỉ làm tăng thêm thách thức nếu chiến tranh nổ ra.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh báo: Bắc Kinh có đến 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối ngầm