Giới siêu giàu Trung Quốc dùng 'ly hôn giá cao' để rút tiền chạy khỏi quê nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người giàu tại Trung Quốc muốn chạy trốn, nhưng phần lớn tài sản của họ nằm ở thị trường chứng khoán, vậy họ phải làm thế nào? Giải pháp là ly hôn để tẩu tán tài sản.

Các cặp vợ chồng siêu giàu của Trung Quốc đang sử dụng ly hôn như một cách để rút tiền từ cổ phiếu và tránh những hạn chế giao dịch chặt chẽ. Một loạt các vụ chia tay đáng chú ý - được gọi là "những vụ ly hôn giá cao ngất ngưởng" vì chúng gắn liền với giá trị cổ phần chuyển nhượng cao - đã xuất hiện trên báo chí, với một lượng lớn cổ phiếu được chuyển nhượng trong các vụ ly hôn.

Các nhà phân tích cho rằng, các cổ đông của công ty đang sử dụng chiến lược này vì nhiều lý do. Các lý do bao gồm tình trạng lung lay của nền kinh tế Trung Quốc và gọng kìm sắt của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Câu thần chú “thịnh vượng chung” của ông Tập đã khiến nhiều người Trung Quốc giàu có lo sợ cho cả sự an toàn về tài chính và cá nhân của họ.

Đối với các giám đốc điều hành kiểm soát các công ty khổng lồ của Trung Quốc, những hạn chế trong việc bán cổ phiếu hạng A – cổ phiếu của các công ty đại lục giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến – khiến việc rút tiền mặt trở nên khó khăn. Dàn xếp ly hôn cung cấp một cách lách qua những hạn chế đó.

Vào ngày 20/06, Maxscend Technologies thông báo rằng, ông Tang Zhuang, người nắm quyền kiểm soát, giám đốc và phó tổng giám đốc của công ty, đã trao 6,1% cổ phần của mình cho vợ cũ của ông, bà Yi Gebing, như một phần của cuộc ly hôn của họ. Thỏa thuận dàn xếp trị giá khoảng 3,4 tỷ CNY (nhân dân tệ) (473 triệu USD) chiếm tổng cộng hơn 80% cổ phần của Tang trong công ty. Cổ phiếu của doanh nghiệp chip đã giảm sau khi tin tức về vụ dàn xếp được đưa ra.

Trước động thái này, ông Tang đã nắm giữ hơn 40 triệu cổ phiếu của Maxscend, chiếm 7,67% tổng vốn cổ phần của công ty; vợ cũ của ông Tang không phải là cổ đông. Sau khi dàn xếp, bà Yi từ bỏ quyền biểu quyết của mình, vì vậy ông Tang vẫn là người kiểm soát công ty.

Giới siêu giàu Trung Quốc dùng 'ly hôn giá cao' để rút tiền chạy khỏi Trung Quốc
Các nhà đầu tư nhìn vào màn hình hiển thị các biến động của thị trường chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc vào ngày 03/02/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vụ chia tay 1,25 tỷ USD

Hai tháng trước, một cuộc chia tay thậm chí còn kịch tính hơn đã xuất hiện trên truyền thông, liên quan đến người sáng lập và chủ tịch của gã khổng lồ an ninh mạng Trung Quốc 360 Security Technology Inc.

Ông Zhou Hongyi đã đồng ý chuyển nhượng 446 triệu cổ phiếu, tương đương gần 6,3% tổng số cổ phần của công ty, cho vợ cũ của ông, bà Hu Huan. Tổng giá trị dàn xếp đạt gần 9 tỷ CNY, tương đương khoảng 1,25 tỷ USD.

Giới siêu giàu Trung Quốc dùng 'ly hôn giá cao' để rút tiền chạy khỏi Trung Quốc
Ông Zhou Hongyi, người sáng lập 360 Security, phát biểu trong Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2023 tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 25/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Ông Zhou từng nắm giữ khoảng 800 triệu cổ phiếu của 360 Security, chiếm gần 12% tổng vốn cổ phần của công ty.

Bà Hu không sở hữu cổ phần của công ty trước đó. Bà ấy không tham gia vào công ty; do đó, sự thay đổi vốn chủ sở hữu không có tác động đáng kể đến hoạt động vận hành và quản lý của nó.

Tổng cộng, ba tháng qua đã chứng kiến ít nhất năm vụ ly hôn giá cao, liên quan đến số cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD. Các giám đốc điều hành tại Tongcheng New Materials, Shenzhen Kexin Communication Technologies, và Hubei Forbon đều đã chuyển một lượng lớn cổ phiếu như một phần của dàn xếp ly hôn.

Quy đổi ra tiền

Sau những vụ dàn xếp kếch xù, nhiều người vợ cũ giàu có đã cắt giảm bớt cổ phần hoặc quy đổi hết ra tiền.

Ví dụ mới nhất là bà Li Qiong, vợ cũ của tỷ phú Zhou Yahui. Ông Zhou đã làm nên sự nghiệp với tư cách là người sáng lập công ty phát triển trò chơi Kunlun Tech. Năm 2016, cặp đôi ly hôn và bà Li ra đi với 298 triệu cổ phiếu Kunlun của Zhou. Lượng cổ phần bà nằm giữ đã tăng lên 26%, trị giá gần 7,5 tỷ CNY (khoảng 1 tỷ USD).

Kể từ khi ly hôn, bà Li bắt đầu bán cổ phần của mình trong công ty nhưng vẫn nắm giữ 11% cổ phần công ty, theo Yicai Global. Vào ngày 21/06, Kunlun Tech thông báo rằng bà Li có kế hoạch giảm lượng cổ phiếu nắm giữ đi khoảng 35 triệu cổ phiếu, tương đương 3% cổ phần của công ty. Cổ phiếu của công ty đã giảm giá trị sau thông báo.

Lách quy định

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gây chú ý với các vụ ly hôn đình đám, với những vụ dàn xếp cổ phần khổng lồ.

Chẳng hạn, năm ngoái, trong một trong những vụ ly hôn được theo dõi nhiều nhất, ông Bill Gates của Microsoft đã chuyển 2,4 tỷ cổ phiếu cho vợ ông, bà Melinda, sau khi họ ly hôn.

Và vào tháng 07/2019, ông Jeff Bezos của Amazon đã chuyển 38 tỷ USD cho vợ cũ của ông, bà MacKenzie. Đây là vụ dàn xếp ly hôn lớn nhất trong lịch sử và ngay lập tức đưa cựu phu nhân của Bezos trở thành người phụ nữ giàu thứ tư thế giới.

Bà MacKenzie Bezos hứa sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản của mình. Vào tháng 01/2020, Forbes đưa tin rằng bà ấy đã bán, tặng hoặc chuyển nhượng khoảng 350 triệu USD cổ phiếu Amazon.

Tuy nhiên, tình hình ở Trung Quốc là có khác biệt. Các cổ đông lớn của các công ty niêm yết trên sàn không thể tự ý giảm cổ phần của họ, vì các cơ quan quản lý của ĐCSTQ có những quy định nghiêm ngặt về vấn đề này. Tuy nhiên, các cổ đông lớn có thể lách qua những hạn chế này bằng cách chuyển nhượng cổ phần của họ cho vợ hoặc chồng cũ của họ, những người thường được miễn trừ hạn chế, nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Nhật Bản Li Yiming nói với The Epoch Times vào ngày 24/06.

Ông Li cho biết, một người bạn đời cũ “có thể không làm việc cho công ty, hoặc thậm chí không liên quan gì đến nó”. Là một nhà đầu tư bình thường, vợ/chồng cũ “có thể bán… cổ phiếu bất cứ lúc nào để rút tiền”, ông Li nói.

Mặt khác, đôi khi một cuộc ly hôn là nhằm giữ lại cổ phần.

Vào tháng 05/2017, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành các quy định yêu cầu các cổ đông lớn, giám đốc, giám sát viên và giám đốc điều hành của các công ty niêm yết đại chúng phải giảm lượng cổ phiếu nắm giữ. Tháng tiếp theo, năm công ty niêm yết thông báo rằng các giám đốc điều hành cấp cao của họ đã san sẻ bớt cổ phiếu như một phần của dàn xếp ly hôn - trong vòng một tuần. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng chú ý, với Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh nêu lên mối lo ngại về “ly hôn giả để kiếm tiền thật”.

Giới siêu giàu Trung Quốc dùng 'ly hôn giá cao' để rút tiền chạy khỏi Trung Quốc
Biển hiệu của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) tại trụ sở chính ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/11/2020. (Ảnh: VCG qua Getty Images)

Rời bỏ con tàu chìm

Ông Li nói rằng, mặc dù không phải tất cả các cuộc ly hôn "giá cao ngất ngưởng" đều chỉ đơn giản là để rút tiền, nhưng động cơ của nhiều cuộc chia tay “có thể hiểu được ngay lập tức”.

Ông nói: “Tình hình kinh tế ở Trung Quốc rõ ràng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn." “Nhiều người giàu muốn chạy trốn, nhưng phần lớn tài sản của họ nằm ở thị trường chứng khoán, vậy làm thế nào họ có thể chuyển tài sản của mình? [Họ] phải tìm cách giảm lượng cổ phần nắm giữ và rút tiền mặt ra”.

“Con thuyền ĐCSTQ sẽ chìm, nhưng trước khi chìm, ai cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Đó là điều mà toàn bộ xã hội Trung Quốc đang nghĩ”.

Trong khi đó, Trung Quốc được dự đoán sẽ một lần nữa dẫn đầu thế giới về việc di cư của cải.

Theo ước tính từu Henley Private Wealth Migration Report 2023, do công ty tư vấn Henley & Partners của Anh công bố ngày 13/06, Trung Quốc sẽ mất 13.500 cá nhân giàu có trong năm nay, con số cao nhất thế giới. Đó là sự gia tăng thêm 2.700 triệu phú rời đi vào năm 2023, tăng 25% so với tổng số của năm ngoái.

Các số liệu không bao gồm Hong Kong, nơi dự kiến sẽ mất thêm 1.000 triệu phú trong năm nay.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giới siêu giàu Trung Quốc dùng 'ly hôn giá cao' để rút tiền chạy khỏi quê nhà