Cuộc sống người dân Trung Quốc hiện nay tệ hơn 4 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc liên tục phải gánh chịu những cú sốc trong 4 năm qua. Nhiều người Trung Quốc có cảm giác như 4 năm trước và bây giờ là hai thế giới khác nhau.

Ở Mỹ, các chính trị gia sợ nhất khi nghe cử tri nói rằng cuộc sống của họ bây giờ tồi tệ hơn 4 năm trước. Ở Trung Quốc, đây cũng là một chủ đề gay gắt được bàn luận rộng rãi.

Nhiều người Trung Quốc có cảm giác như 4 năm trước và bây giờ là hai thế giới khác nhau. Trong 4 năm qua, đã liên tục có những cú sốc. Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, việc đàn áp các doanh nghiệp tư nhân và lệnh phong tỏa kéo dài 3 năm vì Covid-19, tất cả đã cản trở sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Bài đăng của một cư dân mạng cho biết: “Tình hình hiện nay là lao động đang rẻ, thị trường trì trệ, và cùng với thất nghiệp, cắt lương, cắt giảm nhân sự, thu nhập của hầu hết người dân hiện đã ở mức thấp và cần mua hàng giảm giá, cùng với giá hàng hóa tăng vọt”.

Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Zhaopin, thu nhập từ lương của gần 1/3 số nhân viên văn phòng cổ cồn trắng đã giảm vào năm 2023, từ ngành bất động sản đến công nghệ và tài chính. Những ngành công nghiệp này đã bị ảnh hưởng bởi cái mà chính quyền Trung Quốc gọi là trấn áp sự phát triển quá mức.

Các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy các nhà máy và văn phòng Trung Quốc hiện tập trung vào việc cắt giảm việc làm hơn là tuyển dụng, thậm chí số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy người dân đang bi quan về triển vọng thu nhập trong tương lai.

Bloomberg đưa tin ông Hồ (Hu), một công nhân di cư ở Thượng Hải, đã rời quê hương và làm việc chăm chỉ ở bên ngoài gần chục năm. Cuối cùng, ông Hồ đã mua được một căn nhà vào năm 2020, sau đó sử dụng số tiền tiết kiệm được nhờ việc sống tằn tiện để mua một chiếc ô tô để làm một công việc phụ là tài xế taxi công nghệ vào cuối tuần. Người tài xế Hồ kiếm tiền để bổ sung thu nhập cho gia đình và ông ấy tràn đầy niềm tin vào tương lai.

Bốn năm sau, giờ đây ông Hồ cảm thấy “tuyệt vọng”. Giá nhà đã giảm gần 1/4 và hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe trực tuyến cũng suy giảm đáng kể.

Khi nói chuyện với các hành khách, ông Hồ chợt phát hiện ra rằng hầu hết mọi người đều giống ông, chật vật mưu sinh và phàn nàn về sự kém cỏi của những người cai trị.

Bong bóng bất động sản, dư thừa công suất công nghiệp, nợ cao và tỷ lệ sinh thấp đều là những sự mất cân bằng lớn mà Trung Quốc phải đối mặt.

Bắc Kinh đã cho thấy những tín hiệu rằng sẽ có nhiều biện pháp kích thích hơn và đã thông báo rằng Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào tháng 7. Nhưng không điều nào trong số này có thể thay đổi được tình hình chung, vì nó liên quan đến cơ cấu nhân khẩu học, nợ nần và dư thừa công suất.

Cuộc sống người dân Trung Quốc hiện nay tệ hơn 4 năm trước
Các tòa nhà đang được xây dựng gần tòa nhà văn phòng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Trùng Khánh, Trung Quốc, vào ngày 29/9/2007. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Người dân sống dưới áp lực lớn

Trên khắp đất nước, bất kể mức thu nhập là bao nhiêu, tình hình tài chính của các doanh nhân và người lao động Trung Quốc đang ngày càng eo hẹp.

Ông Hoàng (Huang), người kinh doanh xuất khẩu thiết bị cung cấp điện ở tỉnh Quảng Đông, cho biết những năm trước khi dịch bệnh bùng phát là thời kỳ thuận lợi của ông. Ông đã mua một chiếc ô-tô điện Tesla Model X và một căn nhà ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến.

Khi nói về công việc kinh doanh hiện tại, ông cho biết, tình hình chưa bao giờ tệ đến thế. Với doanh số bán hàng yếu và tương lai bất ổn, các nhà sản xuất không muốn ký kết các hợp đồng dài hạn.

Ông Hoàng cho rằng, đối với các doanh nghiệp địa phương, năm 2023 khó khăn hơn những năm đầu đại dịch. Ông biết rằng nhiều người đã rơi vào bẫy nợ và phải trả những khoản thế chấp đắt đỏ, và một số người đã bị tịch thu nhà để siết nợ.

Công ty của ông Hoàng đã cho nghỉ việc 5 nhân viên. Ông Hoàng nói đùa rằng mình là kẻ ăn bám và sống bằng tiền thu nhập của vợ.

Một đoạn video ghi lại cảnh những người bảo vệ quyền lợi của mình trước Phòng Giáo dục Quận Phúc Điền ở Thâm Quyến đã được lan truyền trên mạng xã hội X.

Trường tiểu học ngoại ngữ tại Khu thương mại tự do Phúc Điền đã bị thu hồi đất và sẽ ngừng hoạt động trước ngày 20/7. Hậu quả là học sinh trong trường không thể đến trường. Các phụ huynh buộc phải bảo vệ quyền lợi của mình trước Phòng Giáo dục vào ngày 20/5.

Một bà mẹ trẻ nói trong video: “Ở thành phố này, ai mà không sống dưới áp lực lớn? Có lẽ ngày mai tôi sẽ bị yêu cầu nghỉ việc vì có con [và phải chăm lo cho con]".

“Cuối cùng tôi đã tìm được một ngôi trường để ổn định cuộc sống và đây giống như cơ hội cuối cùng đối với tôi”.

"Chúng tôi không phải đến đây để gây rắc rối, chúng tôi muốn hỏi tại sao, tại sao chuyện như thế này lại xảy ra với chúng tôi".

Kể từ khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, chính quyền Trung Quốc ngày càng tăng cường giám sát người dân và duy trì ổn định xã hội.

Cuộc sống người dân Trung Quốc hiện nay tệ hơn 4 năm trước
Một nhân viên an ninh canh gác trên Quảng trường Thiên An Môn, trước phiên khai mạc hội nghị chính trị 5 năm một lần của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 16/10/2022. (Ảnh: Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Theo công ty nghiên cứu Comparitech, các thành phố của Trung Quốc là những khu vực bị giám sát dày đặc nhất trên thế giới, với trung bình cứ hai người thì có một camera giám sát. Theo ước tính của giáo sư Minxin Pei thuộc trường Đại học Claremont McKenna ở California, Hoa Kỳ, có tới 12,7 triệu người Trung Quốc chịu sự giám sát thường xuyên của cảnh sát Trung Quốc.

Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền Ngôi nhà Tự do (Freedom House) của Mỹ, các cuộc biểu tình liên quan đến các vấn đề kinh tế, đặc biệt là sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, đã nổ ra trên khắp Trung Quốc với tần suất ngày càng lớn. Vào năm 2023, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 2.891 vụ việc thể hiện sự bất đồng quan điểm của công chúng, khoảng 80% trong số đó có liên quan đến các vấn đề kinh tế.

Video về các cuộc biểu tình gần đây về những tòa nhà chưa hoàn thiện và các dự án chung cư chưa hoàn thiện xuất hiện khắp nơi trên Internet.

Ông Anthony Saich, giáo sư về chính quyền Trung Quốc tại Đại học Harvard, người thường xuyên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 1976, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy hoặc nghe thấy sự thất vọng và tức giận dữ dội như vậy trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc”.

Điều nghiêm trọng hơn nữa là tâm trạng tồi tệ trong xã hội Trung Quốc đã lan sang thế hệ tiếp theo.

Vào ngày 18/5, ông Peng Zugui, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc Đại học Tứ Xuyên, đã đăng trên Weibo rằng trong số 54 học sinh trong một lớp học ở một trường cấp 2 ở Thành Đô, 18 em bị trầm cảm và 5 em bị trầm cảm nặng.

“Học sinh cấp hai ở Thành Đô bị trầm cảm hơn năm ngoái!”

“Trong lớp trọng điểm này, sự cạnh tranh giữa các học sinh rất khốc liệt. Nếu lơ là một chút, bạn có thể sẽ xếp cuối lớp, ngồi cuối lớp và không nhận được sự chú ý của giáo viên. Việc so sánh điểm số có ở khắp nơi. Nếu thành tích học tập không tốt, học sinh dễ bị cô lập và việc thi trượt có thể gây ra phản ứng dây chuyền, khiến khả năng phòng vệ tâm lý của trẻ dần suy sụp”.

Tuy nhiên, vì bài đăng lan truyền quá nhanh nên vị bác sĩ nổi tiếng này đã nhanh chóng xóa bài viết gốc.

Theo Epoch Times tiếng Trung

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc sống người dân Trung Quốc hiện nay tệ hơn 4 năm trước