Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc có dính líu tới bê bối Evergrande?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khủng hoảng Evergrande đang là tâm điểm tại Trung Quốc, không chỉ đối với lĩnh vực bất động sản và kinh tế mà còn có dính líu tới cả chính trị. Gần đây, có thông tin rằng vụ “ngã ngựa" của cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc có thể liên quan tới bê bối tại gã khổng lồ bất động sản này.

Theo tờ The Epoch Times, một bài báo của một hãng tin tài chính Trung Quốc gần đây đã liên kết trường hợp “ngã ngựa" của cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc với vụ việc của chủ tịch của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, nhưng bài báo này đã nhanh chóng bị xóa. Các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra là cái gai đối với lợi ích cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Đường Nhất Quân (Tang Yijun), cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đương kim Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Giang Tây, đã bị điều tra vì nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, theo thông báo của cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của ĐCSTQ vào ngày 2/4.

Vào ngày 4/4, Caixin đã đăng một bài báo cho thấy ông Đường có thể liên quan đến vụ án của ông Hứa Gia Ấn, người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, người đã bị bắt vào tháng 9/2023 với cáo buộc giao dịch tài chính bất chính với nhiều quan chức cấp cao. Evergrande đã bị phá sản, và nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới là một đại diện cho cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.

Bài báo nhanh chóng bị xóa nhưng nó đã được lưu truyền và lưu trữ bên ngoài Trung Quốc.

Được thành lập bởi bà Hồ Thư Lập (Hu Shuli), một trong những “thái tử đảng" (con cháu của giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ), Caixin thường đăng tải những bài viết có quan điểm táo bạo hoặc thông tin nhạy cảm đại diện cho lập trường chính trị và lợi ích của tầng lớp tinh hoa trong đảng, thứ không phải lúc nào cũng phù hợp với quan điểm của lãnh đạo đảng hiện tại, ông Tập Cận Bình.

Cây viết xã luận của Nikkei Asia, ông Katsuji Nakazawa đã viết rằng “Trường hợp của ông Đường có vẻ nghiêm trọng hơn một chút vì nó dường như có liên quan theo cách nào đó đến cuộc khủng hoảng Evergrande”.

Theo ông Nakazawa, vụ thanh trừng cựu bộ trưởng tư pháp Trung Quốc gần đây có thể mang lại “một cái nhìn thoáng qua lỗ khóa về chế độ Tập Cận Bình liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc của đất nước. Nó thậm chí có thể là manh mối cho thấy cuộc khủng hoảng đang tác động đến phe ủng hộ chính trị đầy quyền lực của ông Tập”.

Mối quan hệ của cựu Bộ trưởng và Chủ tịch Evergrande

Theo bài báo, một người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng ông Đường đã bị cắt ngang bởi cuộc gọi từ cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc khi đang tổ chức một cuộc họp nội bộ tại Tỉnh ủy Giang Tây thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào ngày 28/3. Ông ngay lập tức bị đưa về Bắc Kinh.

Người đàn ông 63 tuổi là người gốc Sơn Đông. Ông phục vụ 12 năm tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, trước khi được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh. Vào tháng 4/2020, ông được thăng chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thay thế người tiền nhiệm là ông Phó Chính Hoa. Vào tháng 1/2023, ông trở thành chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Giang Tây.

Bài báo của Caixin cho biết, vụ việc của ông Đường chủ yếu liên quan tới thời kỳ ông phụ trách Liêu Ninh và Ninh Ba.

Theo bài báo, trong nhiệm kỳ ở Ninh Ba, ông Đường đã dung túng cho việc gia đình ông can thiệp vào lĩnh vực kỹ thuật và xây dựng, điều này đã gây ra sự phẫn nộ trong người dân địa phương. Từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2020, ông giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, quyền Tỉnh trưởng và tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh, và mối quan hệ hợp tác của ông với Evergrande ngày càng chặt chẽ hơn.

Vào ngày 15/6/2019, chính quyền Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh và Tập đoàn Evergrande đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Ông Đường đã gặp ông Hứa và cùng tham dự lễ ký kết. Theo thỏa thuận, Tập đoàn Evergrande sẽ đầu tư 120 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 17,4 tỷ USD) vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như bất động sản và phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc có dính líu tới bê bối Evergrande?
Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn tham dự một cuộc họp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 5/6/2017. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Sau khi Evergrande vỡ nợ vì các khoản nợ khổng lồ, chính quyền Thẩm Dương đã can thiệp bằng cái gọi là “giao hàng được đảm bảo”, cố gắng cứu Evergrande thông qua các khoản tín dụng của chính quyền.

Bài báo cũng cho rằng những bức ảnh ông Đường bắt tay ông Hứa, chủ tịch Evergrande, trong nhiệm kỳ của ông ở tỉnh Liêu Ninh, đã nhiều lần được đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc và một số hình ảnh đã bị xóa.

Trong hai năm rưỡi làm thống đốc tỉnh Liêu Ninh, ông Đường đã giúp Evergrande nắm cổ phần kiểm soát tại Ngân hàng Shengjing, ngân hàng thương mại thành phố lớn thứ chín của Trung Quốc và lớn nhất ở khu vực đông bắc.

Một nguồn tin trong Bộ nói với Caixin rằng trong suốt hai năm rưỡi nắm quyền ở Liêu Ninh, ông Đường không chỉ bị cáo buộc đã hỗ trợ ông Hứa giành được cổ phần kiểm soát tại Ngân hàng Shengjing, mà còn bị cáo buộc đã lờ đi nhiệm vụ giám sát cần thiết của mình đối với ngân hàng và Evergrande, “gây ra những khoản nợ khó đòi khổng lồ cho các ngân hàng”. Theo điều tra của các cơ quan quản lý, quy mô số tiền mà Ngân hàng Shengjing chuyển cho Tập đoàn Evergrande thông qua các kênh trực tiếp hoặc gián tiếp đã vượt quá hàng trăm tỷ nhân dân tệ, theo Caixin.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng số nợ của Evergrande đạt 2,39 nghìn tỷ CNY (khoảng 334,3 tỷ USD). Evergrande đã để lại tới 1,62 triệu căn nhà chưa hoàn thiện, ước tính liên quan tới 6 triệu chủ sở hữu bất động sản.

Thay đổi về đường lối kinh tế

Nhà phân tích các vấn đề thời sự có trụ sở tại Hoa Kỳ, ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times vào ngày 18/4 rằng ông Đường Nhất Quân sẽ không phải là quan chức cấp cao duy nhất liên quan đến vụ Evergrande, và phải có các quan chức của cấp bậc cao hơn ông ấy có dính líu đến vụ Evergrande.

“Đối với ông Tập Cận Bình, thảm họa Evergrande không chỉ là thảm họa của một công ty bất động sản mà còn là sự kết thúc của mô hình đòn bẩy cao của ngành bất động sản Trung Quốc, vốn đã dẫn dắt sự mở rộng kinh tế nhanh chóng của đất nước được thúc đẩy bởi một số cựu lãnh đạo ĐCSTQ, từ Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào, với một số tiền lớn được chia riêng cho các gia đình đỏ làm nhiệm vụ môi giới quyền lực của ĐCSTQ”, ông Đường Tịnh Viễn cho biết.

“Nói cách khác, vụ Evergrande không chỉ là một vụ tham nhũng đối với ông Tập Cận Bình, cũng không chỉ là việc bắt giữ một vài quan chức tham nhũng. Nó là về những gì ông Tập đã làm kể từ Đại hội 19, tức là ông ấy đang mở ra con đường để từ bỏ đường lối của Đặng Tiểu Bình và thiết lập đường lối kinh tế của mình”.

Ông Đường Tịnh Viễn cho biết: “Ông Tập khẳng định rằng chính sách ‘cải cách kinh tế’ của ông Đặng đã đi hết con đường của nó từ lâu và đang gây ra mối đe dọa trực tiếp cho sự tồn vong của ĐCSTQ”. Vụ Evergrande phản ánh sự giằng co về đường lối kinh tế giữa ông Đặng và ông Tập, và cách ông Tập đối xử với các gia đình đỏ liên quan đến vụ án bất động sản có thể sẽ rất phức tạp và nhạy cảm.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc có dính líu tới bê bối Evergrande?
Một công nhân nhập cư đi qua Thành phố Evergrande ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 24/9/2021. (Ảnh: Getty Images)

Dấu hiệu của đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ

Ông Đường Tịnh Viễn tin rằng việc Caixin đưa tin về vụ “ngã ngựa" của cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp là một dấu hiệu của cuộc tranh giành quyền lực nội bộ trong ĐCSTQ.

Trong 5 năm đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của ông Tập Cận Bình, Caixin đã công bố một số bài báo vạch trần câu chuyện nội bộ về các cuộc điều tra và trừng phạt các quan chức tham nhũng, nhưng những bài báo này đã sớm bị xóa, theo nhận xét của ông Đường. Ông phỏng đoán rằng ông Tập cho rằng những bài báo đó làm xói mòn hình ảnh của đảng.

Đưa ra một góc nhìn khác, ông Đường Tịnh Viễn chỉ ra rằng đối với một quan chức cấp tỉnh như ông Đường Nhất Quân, nhân vật này không thể tự mình nhận một số tiền lớn như vậy và có lẽ ông này chỉ là một người đại diện ở “văn phòng tiền sảnh”, trong khi đằng sau hậu trường có thể đã có những nhân vật cấp cao hơn thao túng.

Ví dụ, ông Đường Nhất Quân có mối quan hệ chặt chẽ với 'Quân đội Chiết Giang mới' hay phe Chiết Giang của ông Tập Cận Bình. Những người trung thành với ông Tập được thăng chức vào các vị trí chính trị nổi bật trong các cơ quan trung ương của đảng và nhà nước. “Trong trường hợp này, nếu bài báo Caixin được phép lưu hành trực tuyến, điều đó sẽ gây bất lợi cho bản thân ông Tập và một người bạn thân cụ thể mà ông ấy tin tưởng”.

Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn chưa đưa ra tuyên bố cuối cùng về trường hợp của ông Đường Nhất Quân. Ông Đường Tịnh Viễn kết luận: “Từ góc độ này, mục đích đăng bài viết này của Caixin có thể được coi là một phần trong cuộc đấu đá nội bộ của đảng”.

Việc ông Hứa thông đồng với các quan chức đang dần được phơi bày?

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lý Yên Minh, một nhà bình luận thời sự cho biết: “Ông Hứa Gia Ấn và Evergrande có thể sẽ theo bước ông Chen Feng của HNA. Việc Hứa Gia Ấn có thể sống sót hay án tù là bao lâu sẽ phụ thuộc vào số lượng 'tiền đen tối' mà ông ấy sẽ tiết lộ và liệu ông ấy có thể vạch trần vô số quan chức tham nhũng cấp quốc gia và các gia đình tinh hoa đằng sau mình hay không”.

Ông còn chỉ ra thêm rằng ông Hứa không phải là một doanh nhân tư nhân bình thường. Với mối quan hệ chặt chẽ với gia đình Tăng Khánh Hồng và Giả Khánh Lâm, ông cũng từng là “găng tay trắng” cho một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trong các cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc có dính líu tới bê bối Evergrande?
Ông Hứa Gia Ấn phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 4 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 12, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/3/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Ở Trung Quốc, “găng tay trắng” là người trung gian tiến hành hoạt động kinh doanh với sự hậu thuẫn của giới tinh hoa ĐCSTQ. Găng tay trắng “làm công việc bẩn thỉu”, cho phép các quan chức ĐCSTQ giữ tay họ sạch sẽ.

“Các quan chức đằng sau hậu trường của ĐCSTQ đã thao túng hệ thống ngân hàng và quan liêu để kiếm được khối tài sản khổng lồ trên thị trường bất động sản. Cuộc khủng hoảng Evergrande không chỉ phản ánh cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc mà còn phản ánh các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ và sự xáo trộn trong các mạng lưới lợi ích đen tối trong giới cấp cao của ĐCSTQ”, ông Lý nói.

“Do đó, hướng đi của cuộc khủng hoảng Evergrande cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy những xung đột nội bộ trong hàng ngũ cấp cao của ĐCSTQ”.

Sau vụ bắt giữ chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn vào tháng 9/2023, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những tiết lộ về ông trùm này. Ông Hứa được cho là đã thú nhận thông đồng với một số lượng lớn quan chức cấp cao, và ông được cho là đã có các giao dịch tài chính bất hợp pháp với những đối tượng này.

Một nhà phân tích Trung Quốc, ông Gia Cát Dương Minh, tin rằng vụ bắt giữ ông Hứa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mở đường cho một cuộc thanh trừng trên diện rộng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, với mục tiêu đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng bất động sản và làm giảm thiểu những chống đối tiềm tàng đối với ông Tập.

Ở Trung Quốc, để một công ty trở nên lớn như Evergrande, phải có sự thông đồng giữa quyền lực và tiền bạc đằng sau hậu trường. Các quan chức từ nhiều cơ quan chính phủ khác nhau phải bật đèn xanh cho nó.

Nhà bình luận độc lập Gia Cát Dương Minh nói với The Epoch Times rằng nếu những tiết lộ về các giao dịch bẩn thỉu về tài chính của ông Hứa là sự thật thì các quan chức liên quan ở mọi cấp chắc chắn sẽ cảm thấy bất an và tự hỏi liệu họ cũng đã bị vạch trần hay chưa.

Và nếu những tiết lộ được phơi bày theo lệnh của ông Tập, những quan chức kém may mắn đó rất có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc thanh trừng chính trị.

Theo một nguồn tin giấu tên ở Trung Quốc hiểu biết về tình hình, “Tất cả thông tin được đăng lên mạng [tại thời điểm đó] là đúng sự thật, nhưng những gì được biết đến [tương đối] chẳng là gì cả. Rất nhiều điều khác vẫn chưa được công khai. Chúng sốc đến mức người ta không thể chịu đựng được".

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc có dính líu tới bê bối Evergrande?