Chuyên gia: Rắc rối chưa dừng lại cho dù Evergrande bị thanh lý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho dù tâm điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, gã khổng lồ Evergrande, đã được ra lệnh thanh lý, nhưng các vấn đề nghiêm trọng của kinh tế Trung Quốc vẫn còn đó.

Việc gã khổng lồ Evergrande bị thanh lý tạo ra một tin tức đáng chú ý đối với quốc tế. Tuy nhiên, đây không phải là điểm kết thúc đối với Evergrande và các vấn đề bất động sản cũng như các rắc rối đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đó là nhận định của chuyên gia Milton Ezrati trong bài báo “Evergrande bị bãi bỏ: Còn xa mới đến điểm kết thúc", đăng trên tờ The Epoch Times vào ngày 12/2. Ông Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở ở New York.

Hơn hai năm sau khi nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande lần đầu tiên thừa nhận rằng họ không thể đáp ứng nghĩa vụ đối với khoản nợ 300 tỷ USD, tòa án Hong Kong cuối cùng đã ra lệnh thanh lý công ty. Động thái này đã gây xôn xao khắp thế giới, và đã có nhiều suy đoán về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Cổ phiếu của công ty ở Hong Kong ngay lập tức giảm 20% trước thông tin này. Thực tế mà nói, câu trả lời cho câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khá đơn giản: sẽ không có nhiều thay đổi. Những gì tòa án Hong Kong tuyên bố chẳng có ý nghĩa gì mấy đối với những gì sẽ xảy ra ở phần còn lại của Trung Quốc, nơi tập trung phần lớn tài sản của Evergrande. Nó cũng không có nhiều ảnh hưởng đến các khu vực pháp lý ở nước ngoài. Trong khi đó, không có an bài pháp lý nào có thể làm giảm bớt các vấn đề kinh tế và tài chính nghiêm trọng của Trung Quốc đối với ngành bất động sản và tình hình nói chung.

Sau nhiều tháng trì hoãn với việc ban quản lý và luật sư của Evergrande hứa sẽ tổ chức lại hiệu quả mớ hỗn độn, Thẩm phán Linda Chan tại tòa án Hong Kong vào ngày 29/1 đã tuyên bố: “Mọi việc thế là đủ rồi” và ra lệnh thanh lý công ty.

Chuyên gia: Rắc rối chưa dừng lại cho dù Evergrande đã bị thanh lý
Lối vào khu Evergrande Palace của Tập đoàn Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/1/2024. (Ảnh: PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images)

Giờ đây, những cơ quan thanh lý tạm thời sẽ tiếp quản quyền quản lý công ty ở Hong Kong, kiểm soát tài sản của công ty trong khu vực Hong Kong có thẩm quyền và bắt đầu đàm phán với các chủ nợ của công ty về việc tái cơ cấu nợ. Giống như hầu hết các trường hợp phá sản, các động thái này sẽ tạo ra rất ít thay đổi trong hoạt động hàng ngày của Evergrande. Các vấn đề lớn ở nước ngoài sẽ vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, phần lớn tài sản của Evergrande - khoảng 90% theo ước tính của tòa án Hong Kong - nằm ở Trung Quốc đại lục, nằm ngoài phạm vi quyền hạn của Hong Kong. Việc xử lý những tài sản đó đang phải chờ quyết định dựa trên đơn xin hỗ trợ do các cơ quan thanh lý Hong Kong nộp tại Thượng Hải, Thâm Quyến và Hạ Môn. Nói cách khác, rất nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Cho dù quyết định này có thể làm hài lòng những người yêu cầu bồi thường ở Hong Kong, những người hiện có cơ hội lấy lại được ít nhất một phần tiền của họ, thì hầu hết các chủ nợ và khách hàng của Evergrande, những người đã bỏ tiền vào những căn hộ mà Evergrande chưa bao giờ hoàn thành, vẫn ở trong tình trạng hoang mang không rõ ràng mà họ phải chịu đựng hơn hai năm nay.

Và ngay cả khi các tòa án ở Trung Quốc đưa ra phương án giải quyết một cách nhanh chóng, thì sự sụp đổ của Evergrande sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực tài chính của Trung Quốc nói chung. Những người đã trả tiền cho những căn hộ chưa hoàn thiện sẽ tiếp tục rơi vào tình cảnh eo hẹp về tài chính và phần lớn khoản nợ của Evergrande sẽ vẫn chưa được thanh toán, cũng như các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản khác đã đi theo con đường dẫn đến thất bại của Evergrande, trong đó nổi bật là Country Garden.

Vì điều này, Bắc Kinh sẽ tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề kinh tế và tài chính to lớn. Quy mô và sự phổ biến của quá nhiều khoản nợ đáng ngờ đã hạn chế khả năng của nền tài chính Trung Quốc trong việc cung cấp cho nền kinh tế sự hỗ trợ to lớn như trong quá khứ, khi mà hoạt động phát triển bất động sản chiếm gần 30% toàn bộ hoạt động kinh tế.

Và đó không chỉ là vấn đề với các khoản nợ của các nhà phát triển và khách hàng của họ. Chính quyền địa phương đã tham gia rất nhiều vào hoạt động phát triển bất động sản và mất rất nhiều doanh thu trong vụ sụp đổ của lĩnh vực này. Do đó, họ cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình, làm tăng thêm sức nặng của khối nợ đáng ngờ đang kìm hãm nền tài chính của Trung Quốc.

Hơn nữa, sự sụp đổ của các công ty phát triển và số phận của những người mua trả trước cho những căn hộ có thể không bao giờ được hoàn thiện đã khiến hàng triệu người mua nhà Trung Quốc tiềm năng nản lòng, càng làm suy yếu lĩnh vực từng rất quan trọng này. Theo dữ liệu từ Thông tin Bất động sản Trung Quốc, 100 nhà phát triển lớn nhất đã chứng kiến doanh số bán nhà giảm 34% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá trị các bất động sản tiếp tục giảm. Do việc kiểm soát giá, các số liệu chính thức có vẻ không quá tệ, nhưng đằng sau chúng, những chuyên gia ở Goldman Sachs gần gũi với tình hình ước tính giá có thể giảm 20%. Hậu quả của nó là sự tổn thất trong tài sản ròng của hộ gia đình, điều kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.

Trước sức nặng của những rắc rối này, phản ứng của Bắc Kinh cho đến nay chỉ có thể được mô tả là không đáng kể. Nếu chính quyền hành động kịp thời - chẳng hạn như cung cấp các khoản vay đặc biệt để giúp các công ty hoàn thiện các căn hộ trả trước - để giảm bớt tác động của những đổ vỡ, ngay khi Evergrande lần đầu tiên tuyên bố không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình, thì các vấn đề về tài chính có thể đã không phát triển tồi tệ như bây giờ. Nhưng Bắc Kinh đã lưỡng lự.

Giờ đây, vào năm 2024, sau khi các vấn đề đã trở nên nghiêm trọng sau nhiều năm, Bắc Kinh dường như không thể xây dựng được một kế hoạch đủ mạnh mẽ để giải quyết một vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất, nhưng nó hầu như không đủ để tạo ra nhiều sự khác biệt. Tỷ lệ cắt giảm lãi suất thậm chí còn không theo kịp tình trạng giảm phát tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh cho các nhà phát triển vay đủ tiền để hoàn thiện các căn hộ, nhưng các chủ ngân hàng rõ ràng là không muốn làm như vậy. Các nhà chức trách cũng đã dành số tiền tương đương 49 tỷ USD để xây dựng nhà ở giá rẻ, con số này dường như khó có thể xoay chuyển tình thế vì chỉ riêng Evergrande đã có khoản nợ khoảng 300 tỷ USD không thể đáp ứng.

Ngoài bất động sản, nền kinh tế Trung Quốc chỉ cho thấy dấu hiệu cải thiện rất yếu ớt. Nếu không có hành động quyết đoán hơn từ Bắc Kinh, khó có khả năng nền kinh tế sẽ sớm trở nên tốt hơn, và chắc chắn sự cải thiện sẽ không xuất hiện trong lĩnh vực bất động sản. Nhận thức được những thực tế này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thực tế ở Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,6%, giảm từ mức 5,2% vào năm 2023. Ngân hàng Thế giới đã giảm kỳ vọng tăng trưởng thực tế xuống 4,5% trong năm nay và 4,3% trong năm tới. Đây thậm chí vẫn là các con số lạc quan, ông Ezrati kết luận.

Chuyên gia: Rắc rối chưa dừng lại cho dù Evergrande đã bị thanh lý
Một người quét đường làm việc khi sương mù và ô nhiễm không khí bao phủ các tòa nhà ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 28/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Nếu Bắc Kinh không ủng hộ?

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhà văn kỳ cựu và cộng tác viên cho ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, cho biết phần lớn tài sản của Evergrande đều ở Trung Quốc đại lục và những người mua cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande ở nước ngoài sẽ mất rất nhiều tiền nếu ĐCSTQ không ủng hộ quá trình thanh lý.

Ông nói: “Evergrande sẽ không bị thanh lý ở Trung Quốc đại lục vì đây không chỉ là một công ty bất động sản”. “Nó có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền và ảnh hưởng của nó quá lớn”.

Ông Thạch giải thích rằng ở Trung Quốc, tất cả các nhà phát triển bất động sản phải duy trì các mối quan hệ phức tạp với chính quyền địa phương để mở rộng hoạt động kinh doanh và họ có nhiều mối quan hệ tài chính với chính quyền địa phương. Sau khi quá trình thanh lý được tiến hành, khoản nợ của chính quyền địa phương sẽ cần phải được kiểm toán, điều này sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho các quan chức chính quyền địa phương.

Ông giải thích thêm rằng Evergrande có khoản nợ 300 tỷ USD và một khi bị thanh lý, điều này sẽ khiến giá đất và bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch bán đất trước đây của chính quyền địa phương. Mặt khác, vẫn còn hàng triệu người mua nhà trả trước nhưng chưa được bàn giao. Số phận và những tổn thất của họ vẫn chưa thể dự đoán trước được.

Ông Thạch nói: “Tình hình ở Trung Quốc sẽ rất phức tạp và chắc chắn Trung Quốc sẽ không sớm thanh lý Evergrande”. Ông cho rằng, các chủ nợ nước ngoài muốn tiếp cận tài sản của Evergrande ở Trung Quốc đại lục sẽ gặp nhiều khó khăn nhất và những tài sản tốt đó chắc chắn sẽ bị các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc nuốt chửng trước tiên.

Việc thanh lý Evergrande có thể đẩy nhanh quá trình đàm phán tái cơ cấu các khoản nợ ở nước ngoài của các công ty bất động sản khác.

UBS cho biết trong một báo cáo được công bố một ngày sau khi tòa án Hong Kong ra phán quyết rằng lệnh thanh lý áp dụng đối với các tài sản ở nước ngoài của Evergrande, như Evergrande Services và Evergrande Vehicle, vốn cũng được niêm yết ở Hong Kong. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phán quyết đối với tài sản tại Trung Quốc đại lục là hạn chế. Tòa án Hong Kong và Trung Quốc đại lục có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về vấn đề mất khả năng thanh toán nợ và tái cơ cấu, vốn áp dụng ở một số vùng của Trung Quốc đại lục, như Thượng Hải, Thâm Quyến và Hạ Môn. Vì vậy, lệnh thanh lý có thể liên quan đến tài sản tại các thành phố đó.

UBS tin rằng lệnh thanh lý Evergrande sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán về việc tái cơ cấu nợ bằng USD của các nhà phát triển Trung Quốc khác. Nếu các công ty không đưa ra kế hoạch tái cơ cấu cụ thể, trái chủ có thể mất kiên nhẫn và nộp đơn yêu cầu thanh lý. Một số kế hoạch tái cơ cấu sẽ liên quan đến hoán đổi nợ lấy cổ phần, điều này sẽ làm tăng tính thanh khoản và dẫn đến pha loãng vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu của các nhà phát triển vỡ nợ. Dự kiến, các nhà phát triển này sẽ bán nhiều tài sản hơn để thúc đẩy các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ.

Lo ngại về hiệu ứng domino từ vụ thanh lý

Các nhà phân tích tin rằng việc Evergrande bị thanh lý có thể tạo ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến các công ty bất động sản khác và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc.

Reuters cho rằng sự kiện này có thể tác động lớn hơn đến thị trường vốn và bất động sản vốn đã mong manh của Trung Quốc, gây ra phản ứng tiêu cực dây chuyền trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Truyền thông Hong Kong dẫn phân tích của Phó Chủ tịch Deloitte Trung Quốc Li Jiaen cho rằng việc buộc Evergrande thanh lý có thể gây ra hiệu ứng domino và làm nản lòng một số công ty bất động sản vốn đang phải đối mặt với việc tái cơ cấu nợ.

Chuyên gia: Rắc rối chưa dừng lại cho dù Evergrande đã bị thanh lý
Một khu phức hợp thương mại của Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/1/2024. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Ông Li Zhaobo, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy danh dự tại Viện Nghiên cứu Kinh doanh Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trường Kinh doanh Đại học Trung Quốc Hong Kong (The Chinese University of Hong Kong Business School), tin rằng nếu Evergrande bị thanh lý, không chỉ các cổ đông nhỏ có thể mất tiền mà nhiều chủ nợ cũng sẽ không thể thu hồi vốn của họ.

Ông nói: “Đối với những chủ sở hữu nhỏ mua những tòa nhà chưa hoàn thiện, cuối cùng họ có thể không nhận được nhà”.

Ngoài ra, các nhà phân tích trong ngành tin rằng việc thanh lý Evergrande sẽ không chỉ tác động đến thị trường vốn và ngành bất động sản Trung Quốc mà còn có thể tác động đến ngành xây dựng, xi măng, ngành tài chính, ngành bán lẻ, v.v., có thể cuối cùng dẫn đến việc nhiều công ty bị thanh lý hơn, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà bình luận độc lập Cai Shenkun phân tích trên nền tảng X: “Với sự sụp đổ của các công ty bất động sản hàng đầu như Evergrande, một số lượng lớn công ty bất động sản sẽ sụp đổ, đặc biệt là ở các thành phố lớn và vừa với dân số giảm mạnh…”

Moody's cho biết trong một báo cáo ngày 30/1 được tiếp cận bởi The Epoch Times: “Quyết định này mang tính tiêu cực về uy tín đối với lĩnh vực bất động sản nói chung vì nó sẽ làm suy yếu tâm lý của thị trường và nhà đầu tư vốn đã mong manh [và] có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người mua nhà trong tương lai gần”.

“Sự công nhận trong nước về thẩm quyền của cơ quan thanh lý Evergrande sẽ là một bước đột phá thực sự và rất quan trọng. Hãy cứ nói rằng tôi không nhìn thấy khả năng xảy ra điều đó”, ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của tập đoàn cổ phần tư nhân Hong Kong Kaiyuan Capital, cho biết trong bài đăng trên LinkedIn của mình.

Ông Silvers tin rằng quyết định của tòa án là “tin xấu cho tất cả các bên và là một đòn giáng nữa vào niềm tin vào thị trường vốn của Trung Quốc” vì lệnh thanh lý sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm, rất tốn kém và khó có thể dẫn đến kết quả là một sự bù đắp tổn thất đáng kể.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, cùng với thị trường nhà ở ở trạng thái tồi tệ nhất trong 9 năm và thị trường chứng khoán rơi vào mức thấp nhất trong 5 năm, bất kỳ cú sốc nào nữa đối với niềm tin của nhà đầu tư đều có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang phải đối mặt trong nỗ lực hồi sinh tăng trưởng, các chuyên gia nói.

Chứng khoán Trung Quốc, vốn đã phải chịu đựng tình trạng suy thoái kéo dài trong năm ngoái và thậm chí cả trong năm mới, vẫn đang cho thấy sự bi quan sâu sắc. Mới đây, các nhà đầu tư phá sản vì chứng khoán đã nhảy lầu tự tử, trong khi nhiều người đã lên mạng kêu gọi “nổi loạn", nhờ tới sự giúp đỡ của Mỹ để “loại bỏ căn bệnh ung thư trên trái đất [ý chỉ Trung Quốc]”.

Cấu trúc cơ bản của kinh tế Trung Quốc đã bị phá vỡ

Một nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn do đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản, điều có thể dẫn đến một cuộc suy thoái tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008.

Ông Kyle Bass, người sáng lập và giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 5/2 rằng “phép màu” kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông nói: “Cấu trúc cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc đã bị phá vỡ”. “Nó bị phá vỡ vì nó đã xoay quanh bất động sản”.

Chuyên gia: Rắc rối chưa dừng lại cho dù Evergrande đã bị thanh lý
Nhà sáng lập của Hayman Capital Management, ông Kyle Bass, phát biểu trên sân khấu trong chương trình "Nhà đầu tư đột phá" tại Hội nghị thượng đỉnh về Cơ sở mới của Vanity Fair tại Trung tâm Nghệ thuật Yerba Buena vào ngày 19/10/2016 ở San Francisco, California, Mỹ. (Ảnh: Mike Windle/Getty Images cho Vanity Fair)

“Phần lớn tăng trưởng GDP của Trung Quốc là do bất động sản và các vòng tròn đồng tâm bao quanh bất động sản. Và bây giờ, bạn đang gặp phải sự đảo chiều sau đợt tăng trưởng không được kiểm soát và tăng liên tục trong lĩnh vực bất động sản”.

Theo The Economist, lĩnh vực bất động sản chiếm 70% tổng tài sản hộ gia đình của Trung Quốc và khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong cuộc phỏng vấn, ông Bass đã thảo luận về mức độ khổng lồ của các khoản nợ bất động sản của Trung Quốc, trích dẫn các khoản nợ của Evergrande và Country Garden, hai nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Trong khi Evergrande bị tòa án Hong Kong ra lệnh thanh lý, thì Country Garden đã nhiều lần không trả được nợ tồn đọng.

Evergrande chính là công ty mắc nợ nhiều nhất thế giới. Công ty này đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng bất động sản đang tiếp diễn mà các chuyên gia cho rằng đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Vào tháng 7/2023, công ty công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022.

Năm ngoái, gã khổng lồ bất động sản đang gặp khó khăn đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại New York để bảo vệ mình khỏi các hành động pháp lý tiềm ẩn của các chủ nợ muốn kiện công ty hoặc tịch thu tài sản ở Mỹ.

Ông Bass lưu ý rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, hệ thống ngân hàng Mỹ đã mất khoảng 800 tỷ USD. Để so sánh, khoản thiệt hại có thể có ở hai công ty bất động sản Trung Quốc lên tới 500 tỷ USD.

Ông nói: “Chúng ta đang nói về 500 tỷ USD, đây gần như là khoản tổn thất trong 2 công ty, cùng tất cả các nhà phát triển và sự phá sản còn lại”, ông nói, đồng thời cảnh báo về một viễn cảnh tàn khốc đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Bass lưu ý: “Bây giờ, bạn đang chứng kiến ​​sự sụp đổ của bất động sản”. “Vì vậy, điều này giống như một trường hợp cực đoan hơn khủng hoảng tài chính Mỹ. Họ có đòn bẩy ngân hàng cao gấp ba lần rưỡi so với thời điểm chúng ta [người Mỹ] gặp khủng hoảng. Và họ mới chỉ có vấn đề ngân hàng thế này được vài thập kỷ”.

Ông nói: “Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều cho dù các cơ quan quản lý của họ có nói rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các cá nhân khỏi việc bán khống bất hợp pháp đến mức nào đi nữa”.

Ông Bass cũng cảnh báo về các khoản nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc, vốn đã tăng lên khoảng 13 nghìn tỷ USD, tương đương 76% sản lượng kinh tế của đất nước vào năm 2022, tăng từ mức 62,2% vào năm 2019.

“Trung Quốc quay 20 chiếc đĩa và tất cả các chiếc đĩa đều đang đổ vỡ tan tành”, ông Bass nêu rõ.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Rắc rối chưa dừng lại cho dù Evergrande bị thanh lý