Cựu Thống đốc PBC khuyên chính quyền Trung Quốc nên học hỏi Nhật Bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc khuyên chính quyền Trung Quốc nên học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng bất động sản đang tàn phá đất nước này.

Ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), ngân hàng trung ương của nước này, gọi đợt suy thoái gần đây nhất của thị trường bất động sản Trung Quốc (vốn vẫn đang diễn ra) là "chưa từng có" và đề xuất rằng "(các) nhà hoạch định chính sách" nên học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản.

Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp được gọi là chính sách "5·17" vào ngày 17/5 nhằm giải cứu thị trường nhà ở. Sau đó, ba thành phố lớn - Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến - đã làm theo với các chính sách nhằm giảm bớt rào cản đối với việc mua nhà.

Vào ngày 27/5, Thượng Hải, một trong bốn thành phố hạng nhất của Trung Quốc, đã công bố "Chín quy tắc mới của Thượng Hải", trở thành thành phố đầu tiên thực hiện chính sách "5·17". Những thay đổi về chính sách bao gồm giảm thời gian nộp thuế an sinh xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân tối thiểu bắt buộc đối với người mua không phải là người địa phương từ 5 năm xuống còn 3 năm, cho phép những cá nhân độc thân không phải là người địa phương được mua một ngôi nhà cũ trên địa bàn toàn thành phố, giảm khoản thanh toán ngay ban đầu cho lần mua nhà đầu tiên sử dụng khoản vay thương mại xuống còn 20% và hạ lãi suất xuống còn 3,5%.

Tiếp theo Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến cũng đưa ra các chính sách tương tự.

Vào ngày 28/5, Quảng Châu đã giảm thời gian nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc an sinh xã hội tối thiểu tại các khu vực hạn chế mua nhà từ 2 năm xuống còn 6 tháng, mức thấp nhất trong số các thành phố hạng nhất. Quảng Châu cũng hủy bỏ sàn lãi suất đối với các khoản cho vay thương mại đối với ngôi nhà đầu tiên và ngôi nhà thứ hai, giảm tỷ lệ thanh toán ban đầu xuống còn 15% và 25% tương ứng. Những người mua đã thanh toán các khoản vay trước đó có thể vay mua ngôi nhà thứ 3 mà không bị hạn chế về việc bán bất động sản.

Vào ngày 29/5, Thâm Quyến đã công bố việc giảm tỷ lệ thanh toán ban đầu tối thiểu và sàn lãi suất đối với các khoản cho vay mua nhà. Tỷ lệ thanh toán ban đầu đối với ngôi nhà đầu tiên đã được hạ từ 30% xuống 20% và đối với ngôi nhà thứ hai từ 40% xuống 30%.

Theo dữ liệu từ Bất động sản Centaline (Centaline Property), hơn 80% các thành phố ở Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách “5,17”. Trong số hơn 300 thành phố ở cấp địa khu trở lên, hơn 200 thành phố đã áp dụng tỷ lệ thanh toán ngay 15% cho ngôi nhà đầu tiên và hơn 250 thành phố đã hủy bỏ mức sàn lãi suất cho vay mua nhà.

Cựu thống đốc PBC khuyên chính quyền Trung Quốc nên học hỏi Nhật Bản
Các tòa nhà dân cư đang được xây dựng bởi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 31/3/2024. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Học hỏi Nhật Bản

Tuy nhiên, giới quản lý cấp cao của chính quyền Trung Quốc dường như không lạc quan về tính hiệu quả của chính sách '5·17' trong việc giảm bớt tác động của sự sụp đổ trong thị trường nhà ở đối với nền kinh tế Trung Quốc. Họ cũng lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng do cuộc khủng hoảng bất động sản gây ra.

Vào ngày 21/5, chỉ 4 ngày sau khi chính sách "5·17" được đưa ra, ông Hà Lập Phong (He Lifeng), giám đốc văn phòng Ủy ban Tài chính Trung ương, đã cảnh báo về sự cần thiết phải "giữ vững điểm mấu chốt về ngăn ngừa rủi ro hệ thống" để "ngăn ngừa và kiểm soát các rủi ro đan xen như rủi ro bất động sản, rủi ro nợ của chính quyền địa phương và rủi ro của các tổ chức tài chính vừa và nhỏ tại địa phương", tất cả đều liên quan đến sự sụp đổ của thị trường nhà ở.

Ông Chu Tiểu Xuyên, vốn là cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nghỉ hưu vào năm 2018 và không còn xuất hiện trước công chúng kể từ đó, đã bình luận về vấn đề này gần đây. Tỏ ra không lạc quan về "các biện pháp cứu trợ mạnh mẽ nhất từ ​​trước đến nay" do chính quyền Trung Quốc đưa ra, thay vào đó, ông đề xuất "học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản".

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 23/5, ông Chu cho biết sự suy thoái gần đây nhất của thị trường bất động sản Trung Quốc là chưa từng có và thị trường đang suy giảm nhanh hơn dự kiến ​​của (các) nhà hoạch định chính sách.

Trong bầu không khí chính trị hiện tại, nơi mọi vấn đề của Trung Quốc đều phải được "quyết định bởi một người", việc đề cập cụ thể đến "(các) nhà hoạch định chính sách" được một số nhà phân tích và chuyên gia coi là động thái gửi lời nhắc nhở tới nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình của ông Chu. [ĐCSTQ: Đảng Cộng sản Trung Quốc].

"Thực tế là thị trường nhà ở đang suy giảm nhanh hơn dự kiến ​​cho thấy chính quyền của ông Tập đã đánh giá sai tình hình kinh tế của Trung Quốc và xu hướng tương lai của nước này, đồng thời cũng đánh giá quá cao sức mua của người dân", ông Mike Sun, một nhà cố vấn đầu tư tại Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times.

Ông Chu cũng đề xuất học hỏi từ các quốc gia khác, những nước đã mất nhiều năm để xử lý bong bóng bất động sản, đặc biệt là Nhật Bản.

Sau khi bong bóng bất động sản vỡ, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách liên quan. Một biện pháp quan trọng là thành lập Tổng công ty Giải quyết và Thu nợ để tái cấu trúc các tổ chức tài chính và xử lý một lượng lớn tài sản xấu.

Cựu thống đốc PBC khuyên chính quyền Trung Quốc nên học hỏi Nhật Bản
Lá cờ Nhật Bản tung bay trên tòa nhà trụ sở Ngân hàng Nhật Bản tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 27/4/2022. (Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP qua Getty Images)

Năm 2002, Ngân hàng Nhật Bản, ngân hàng trung ương của nước này, đã xây dựng một kế hoạch để giải quyết vấn đề nợ xấu. Không chỉ nhằm mục đích giải quyết di sản tiêu cực của nền kinh tế bong bóng, mà kế hoạch còn tìm cách cải thiện dần cơ cấu công nghiệp. Dưới áp lực của việc chuyển đổi và điều chỉnh đối với các doanh nghiệp, kế hoạch này nhằm mục đích nâng cao khả năng quản lý các khoản nợ xấu mới phát sinh. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế của Nhật Bản, vốn gắn chặt với tài chính và công nghiệp.

Ngân hàng Nhật Bản tin rằng trong khi giải quyết nợ xấu, nước này cần phải tăng cường tỷ lệ sinh lời của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, liên tục rà soát hệ thống tài chính, giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính và cải cách hệ thống thuế. Hơn nữa, để giải quyết vấn đề nợ xấu, việc tăng cường tỷ lệ sinh lời của doanh nghiệp và tái thiết hoạt động kinh doanh theo quan điểm của các chính sách công nghiệp và khu vực là không thể thiếu.

Từng ngầm chỉ trích ông Tập

Lời đề nghị "(các) nhà hoạch định chính sách" nên học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản của ông Chu gợi nhớ đến những bình luận trước đây của ông trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, khi ông bị coi là gián tiếp chỉ trích ông Tập Cận Bình vì "không hiểu kinh tế học", có khả năng làm trầm trọng thêm mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Vào tháng 5/2019, khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có khả năng leo thang, ông Chu đã bình luận về nền kinh tế toàn cầu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh. Ông tuyên bố rằng một số nhà lãnh đạo mới nhậm chức đã hoàn toàn vi phạm các lý thuyết kinh tế và lẽ thường, chủ yếu dựa vào trực giác kinh doanh trong các lựa chọn hệ thống và chính sách của họ. Ông cho biết các hành vi không tôn trọng khoa học và các lý thuyết và kiến ​​thức tích lũy của những người tiền nhiệm cuối cùng sẽ “đâm đầu vào vách".

Trong khi truyền thông Trung Quốc khẳng định rằng ông Chu đang gián tiếp ám chỉ đến Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, thì những phát biểu này được hiểu rộng rãi là ngầm chỉ trích ông Tập Cận Bình vì "chỉ nói về chính trị mà không hiểu về kinh tế".

"Kinh tế học chưa được phổ biến và đào sâu như [người ta đã] tưởng tượng. Nghiên cứu và giáo dục kinh tế vẫn còn một chặng đường dài phía trước", ông Chu cho biết vào thời điểm đó.

Đằng sau những nhận xét của ông Chu là nhiều cuộc thảo luận và suy ngẫm hơn nữa trong cái gọi là tầng lớp tinh hoa ở Trung Quốc sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra. Một số người đã nhận ra rằng Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ của Hoa Kỳ, ông Yang Dali, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết.

Ông Chu từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ năm 2002 đến năm 2018, một nhiệm kỳ kéo dài 16 năm, trải qua các chính quyền của các cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và nhà lãnh đạo hiện tại là ông Tập Cận Bình. Năm 2013, mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu là 65, ông vẫn được bổ nhiệm lại làm thống đốc ngân hàng, phá vỡ quy ước không được phép phục vụ quá hai nhiệm kỳ.

Sức mạnh tàn phá của cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay ở Trung Quốc đang tác động đến nền kinh tế, chính trị và xã hội của nước này theo nhiều cách khác nhau, đạt đến đỉnh điểm then chốt của khủng hoảng.

Ông Chu là một trong những nhân vật có uy tín cao nhất trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Đằng sau lời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách học hỏi từ Nhật Bản vào thời điểm này của ông Chu, có thể suy đoán rằng ông Chu đã thấy trước một cuộc khủng hoảng với thách thức lớn hơn nhiều đang rình rập Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Thống đốc PBC khuyên chính quyền Trung Quốc nên học hỏi Nhật Bản