Đánh giá tình trạng sức khỏe dựa vào độ mòn của đế giày (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc đế giày bị biến dạng không chỉ do tư thế đi lại khác nhau mà còn do cơ thể có phản ứng bệnh tật nhất định.

Ai quan tâm sẽ phát hiện ra một hiện tượng: giày khi mua về đều có hình dáng giống nhau, sau khi sử dụng một thời gian thì nó bắt đầu biến dạng, mỗi người một hình thù khác nhau.

Việc đế giày bị biến dạng không chỉ do tư thế đi lại khác nhau mà còn do cơ thể có phản ứng bệnh tật nhất định.

Về mặt lâm sàng, những bệnh nhân cần chỉnh sửa cột sống thắt lưng, chân dài ngắn không đồng đều, bàn chân lệch vòm và các bệnh khác ít nhiều có vấn đề về biến dạng ở đôi giày họ đi.

Bàn chân là bộ phận quan trọng giúp nâng đỡ trọng lượng của toàn bộ cơ thể, nó liên quan mật thiết đến sức khỏe. Bằng cách quan sát hình dáng của đế giày, có thể phán đoán được thân thể có vấn đề hay không.

Làm thế nào để đánh giá tổn thương bàn chân qua hình dạng của đế giày?

Hình dạng bàn chân của con người sẽ thay đổi do trọng tâm khác nhau, nó cũng biểu hiện ở lòng bàn chân. Thông qua các trạng thái khác nhau của đế giày có thể phán đoán sơ bộ bàn chân có bị tổn thương hay không.

Khi mặt trong của đế bị mòn nghiêm trọng, trong khi phần còn lại của giày vẫn còn nguyên vẹn. Điều này cho thấy phần trong của bàn chân là điểm trọng tâm khi di chuyển. Đây có thể là dấu hiệu của bàn chân bẹt hoặc chân vòng kiềng.

Bàn chân bình thường có hình vòng cung, giúp đàn hồi, đóng vai trò đệm khi tiếp xúc xuống mặt đất. Đồng thời, vòng cung này có thể chịu một phần trọng lượng của cơ thể, đây là cấu trúc quan trọng của bàn chân.

Ở những bệnh nhân có bàn chân bẹt, vòm bàn chân bằng phẳng hoặc thậm chí biến mất. Do đó, nó không thể phát huy khả năng đệm, trong trường hợp nghiêm trọng, bàn chân sẽ bị đau khi bước đi.

Đối với người có bàn chân bẹt, mặt trong của bàn chân chạm đất trước khi đi và sau khi chịu lực ma sát, mặt trong của giày sẽ là nơi bị mài mòn nhiều nhất.

Bàn chân bẹt có thể gây co cứng cơ ở chân và sưng khớp háng bên trong, đồng thời có thể gây nghiêng khung chậu trước hoặc đau lưng dưới.

Đây là một dị tật, có thể khắc phục chủ yếu thông qua vận động cơ thể, đi giày, dép chỉnh hình hoặc điều chỉnh hình dạng bàn chân theo cách khác. Theo thời gian, nó sẽ có hiệu quả nhất định.

Bệnh nhân cũng có thể tập bước vào lúc bình thường, có tác dụng rất lớn đối với việc điều trị chứng bàn chân bẹt.

Hiện tượng mài mòn ở phần đầu đế giày cũng tương đối phổ biến. Đây là do bàn chân của người đó tương đối to, trong khi giày lại nhỏ và lực tác động lên bàn chân trước không đồng đều.

Mang những đôi giày như vậy trong thời gian dài rất có hại cho đôi chân. Bạn chỉ cần thay thế chúng bằng những đôi giày rộng và thoáng hơn.

Nếu mặt ngoài của đế bị mòn nhiều, có nghĩa là mặt ngoài của bàn chân chịu nhiều lực. Một phần lớn nguyên nhân liên quan đến vòm chân cao và trọng lượng nghiêng ra bên ngoài bàn chân.

Lý do vòm bàn chân cao có thể liên quan đến tư thế đi bộ không đúng trong thời gian dài, cơ thể bị căng thẳng quá mức liên tục làm mòn đầu gối và sụn. Ngoài ra còn có nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp.

Trong trường hợp mặt ngoài đế giày bị mòn nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên đến chuyên khoa chỉnh hình để khám, tránh làm biến dạng cấu trúc xương và gây hậu quả nghiêm trọng.

Tình trạng của đế giày có thể phản ánh bệnh lý của bàn chân, và một số thay đổi bệnh lý trong cơ thể cũng có thể khiến hình dạng của bàn chân thay đổi.

Những bệnh nào của cơ thể sẽ làm biến dạng bàn chân?

Một trong những nguyên nhân khiến bàn chân bị biến dạng có liên quan đến sự thay đổi cấu trúc xương.

Còn một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là hiện tượng đau nhức do một số tổn thương trên cơ thể khiến người bệnh đi lại yếu hoặc lệch, nên gây ra biến dạng bàn chân.

Cụ thể, một số tổn thương của cơ thể sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến biến dạng bàn chân, chẳng hạn như:

Ngón chân cái thường bị sưng đau, xương khớp dày lên và sưng nghiêm trọng. Phần lớn là do bệnh Gout gây ra.

Bệnh Gout là bệnh chuyển hóa, nguyên nhân có thể do rối loạn chuyển hóa purin và tăng acid uric. Nó là bệnh rất thường gặp đối với những người ăn các thực phẩm giàu calo, hải sản và thường xuyên uống rượu bia.

Các cơn đau do Gout gây ra rất dữ dội, người bệnh thường rất đau đớn. Khi cơn đau tăng dần, xương khớp ở khu vực này dần to ra làm thay đổi hình dạng bàn chân.

Đôi khi một khối u ở bên ngoài bàn chân có thể liên quan đến một khối u bên trong cơ thể. Các khối u có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào, và khi phát triển, chúng sẽ dần xuyên qua xương rồi xâm nhập ra bên ngoài, tạo ra một cục nổi trên bề mặt.

Những cục u ở chân thường kèm theo một số cơn đau, tê hoặc dày lên một phần trong lòng bàn chân. Những cục u này có độ dày mỏng khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân khiến bàn chân bị biến dạng.

Biến dạng của các ngón chân, đặc biệt là móng tay, có thể là do cơ thể thiếu sắt. Sắt là thành phần quan trọng tạo nên huyết sắc tố của cơ thể, thiếu sắt lâu dài có thể dẫn đến thiếu máu.

Thiếu máu có nhiều nguyên nhân khác nhau, đối với người trung niên và cao tuổi nếu có hiện tượng này thì cần xem xét có phải là phản ứng của bệnh ung thư đại trực tràng hay không.

Nói chung, hình dáng bàn chân của trẻ em là bình thường nhất. Nếu thiếu hụt canxi trong quá trình tăng trưởng sẽ dễ gây biến dạng bàn chân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chiều cao.

Đặc biệt, một số thanh thiếu niên có vòm bàn chân sụp xuống và lệch ngón chân, cần phải điều trị can thiệp càng sớm càng tốt.

Để quan sát xem trẻ có bị biến dạng bàn chân hay không, cần xem có các biểu hiện như không nhấc chân lên được, vai lắc lư từ bên này sang bên kia, đau chân… khi trẻ đang bước đi.

Bàn chân là bộ phận xa tim nhất, một số bệnh tật trên cơ thể sẽ được phản ánh ở đây trước tiên, nên lúc bình thường cần chú ý quan sát, nếu thấy hình dáng của đế giày có sự thay đổi lớn thì phải chú ý.

(Còn tiếp)

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Đánh giá tình trạng sức khỏe dựa vào độ mòn của đế giày (Phần 1)