Hai người tử vong do sốc nhiệt tại Hà Tĩnh vào dịp nghỉ lễ 30/4: Bác sĩ khuyến cáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vừa qua, hai người cao tuổi ở Hà Tĩnh bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong do đi ngoài đường dưới thời tiết nắng nóng gay gắt, bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu cần chú ý.

Những ngày qua, nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân. Cụ thể, thời tiết nắng nóng gay gắt này đã khiến 2 người đàn ông cao tuổi tại Hà Tĩnh bị sốc nhiệt, tử vong sau khi đi ngoài đường.

Hai người tử vong trên là ông N.H.O (80 tuổi) và ông N.H.T (70 tuổi), đều ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Vào khoảng 12h ngày 28/4, cụ ông N.H.O đi thăm người thân ở thị xã Hồng Lĩnh về. Đúng thời điểm nắng nóng gay gắt, khi đi đến đoạn đường thuộc địa phận xã Thanh Bình (huyện Đức Thọ) cụ bất ngờ ngất xỉu, gục xuống đường.

Ngay sau đó, người đi đường phát hiện, và kịp thời đưa cụ ông N.H.O đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do bị sốc nhiệt nặng, cụ ông đã không qua khỏi.

Tương tự, trưa ngày 27/4, ông N.H.T đi bộ từ nhà con ở cùng thôn về nhà với quãng đường chỉ 500 m cũng bị sốc nhiệt ngất xỉu nằm ra đường và tử vong sau đó.

Trước đó, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị sốc nhiệt, đột quỵ do thời tiết nắng nóng gay gắt.

Liên quan đến tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng, TS.BS. Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, sốc nhiệt có thể được chia thành 2 loại gồm sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức.

Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh hay các rối loạn nội tiết, thường xảy ra sau tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức.

Để phòng ngừa nguy cơ sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng, người dân cần lưu ý:

Một số dấu hiệu giúp người dân nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức: hôn mê, cơn động kinh; rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, đại tiện phân lỏng, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.

Khi người bệnh bị sốc nhiệt cần ngay lập tức phải hạ thân nhiệt và hỗ trợ suy chức năng các cơ quan là hai điều cốt lõi trong cấp cứu và điều trị. Người cấp cứu cần đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, chuyển tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ quần áo, ngay lập tức hạ thân nhiệt bằng mọi cách.

Ngoài ra, cách phòng tránh sốc nhiệt có thể áp dụng như phân loại các nhóm có nguy cơ: trẻ em, người già, người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, chuyển hóa, cơ thể suy kiệt. Từ đó có các biện pháp phòng chống và kế hoạch rèn luyện phù hợp. Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.

Mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện để thích nghi với không khí nóng, không nên ngồi điều hoà quá lâu vì cũng dẫn đến sốc nhiệt khi bước đột ngột ra môi trường bên ngoài có nhiệt độ cao. Lập thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng.

Trường hợp bắt buộc phải lao động sinh hoạt dưới thời tiết nắng nóng, người dân cần uống đủ nước và muối, che kín cơ thể bằng cách mặc quần rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Cấp cứu người sốc nhiệt tại chỗ

Khi phát hiện bản thân hoặc người bên cạnh có biểu hiện bị sốc nhiệt. Ngay lập tức, nên hạ thân nhiệt và hỗ trợ suy chức năng các cơ quan là hai điều cốt lõi trong cấp cứu và điều trị. Người cấp cứu cần đưa người có biểu hiện sốc nhiệt ra khỏi môi trường nóng, chuyển tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài, ngay lập tức hạ thân nhiệt bằng các cách sau:

- Đặt bệnh nhân trong phòng lạnh 20-22 độ C và quạt

- Xối nước lạnh 25-30 độ C vào bệnh nhân hoặc phủ gạc ướt, lạnh 20-25 độ C vào bệnh nhân và quạt, có thể ngâm bệnh nhân vào nước lạnh 20-25 độ C, để đầu trên mặt nước, theo dõi sát chức năng sống.

- Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.

Việc hạ thân nhiệt bệnh nhân cần được thực hiện ngay, tuy nhiên không được gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân.

Bộ Y tế khuyến cáo

Trước đó, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cũng cảnh báo vào mùa nắng nóng, một số vấn đề sức khỏe thường gặp là say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi, tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống từ 1,5-2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày.



BÀI CHỌN LỌC

Hai người tử vong do sốc nhiệt tại Hà Tĩnh vào dịp nghỉ lễ 30/4: Bác sĩ khuyến cáo