Huyện Thọ Xuân có bao nhiêu xã: Tìm hiểu về Thọ Xuân (Thanh Hóa)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một huyện của tỉnh Thanh Hóa, có lợi thế về giao thông - vận tải với Cảng Hàng không Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng tìm hiểu huyện Thọ Xuân có bao nhiêu xã, thị trấn trong bài viết dưới đây!

1. Huyện Thọ Xuân có bao nhiêu xã?

Theo Tổng cục Thống kê, huyện Thọ Xuân có tổng cộng 30 xã và thị trấn; trong đó có 27 xã và 03 thị trấn; với diện tích là 290 km2; dân số: hơn 194.000 người (năm 2019).

>> Xem thêm: Tỉnh Thanh Hóa có bao nhiêu xã, thị trấn, phường?

2. Các xã của huyện Thọ Xuân

Huyện Thọ Xuân có 27 xã và 03 thị trấn với diện tích cụ thể như sau:

Tên Diện tích (Km²)
Thị trấn (03)
Thọ Xuân 4,77
Lam Sơn 8,92
Sao Vàng 18,69
Xã (27)
Bắc Lương 3,92
Nam Giang 5,43
Phú Xuân 7,44
Quảng Phú 17,13
Tây Hồ 3,16
Thọ Diên 4,13
Thọ Hải 7,09
Thọ Lâm 21,45
Thọ Lập 7,17
Thọ Lộc 4,70
Thọ Xương 10,21
Thuận Minh 18,62
Trường Xuân 13,74
Xuân Bái 5,77
Xuân Giang 5,17
Xuân Hòa 6,68
Xuân Hồng 12,33
Xuân Hưng 10,44
Xuân Lai 5,32
Xuân Lập 9,12
Xuân Minh 6,32
Xuân Phong 4,92
Xuân Phú 31,76
Xuân Sinh 17,37
Xuân Thiên 8,02
Xuân Tín 7,36
Xuân Trường 5,13

>> Xem thêm: Huyện Hoằng Hóa có bao nhiêu xã: Tìm hiểu về Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

>> Thanh Hóa có bao nhiêu huyện, bao nhiêu thị xã, thành phố?

3. Khái quát về huyện Thọ Xuân

Vị trí địa lý huyện Thọ Xuân

Huyện Thọ Xuân là một huyện của tỉnh Thanh Hóa; nằm trong vùng tọa độ địa lý từ 19°50' - 20°00' vĩ độ Bắc và từ 105°25' - 105°30' kinh độ Đông.

Huyện Thọ Xuân tiếp giáp với:

  • Phía Bắc và Tây Bắc của huyện Thọ Xuân giáp với huyện Ngọc Lặc;
  • Phía Nam giáp với huyện Triệu Sơn;
  • Khu vực phía Tây giáp với huyện Thường Xuân;
  • Phía Đông - Đông Bắc giáp với huyện Yên Định;
  • Phía Đông - Đông Nam tiếp giáp với huyện Thiệu Hóa.

Nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền khu vực đồng bằng và khu vực trung du miền núi của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi:

  • Đường hàng không: có sân bay quân sự Sao Vàng; sân bay Thọ Xuân.
  • Đường bộ: có các tuyến quốc lộ: 47; 47B; 47C; đường HCM; đường nối dài tới khu kinh tế Nghi Sơn.
  • Giao thông đường thủy: có sông Chu (con sông lớn thứ hai của tỉnh Thanh Hóa) chảy qua từ đầu huyện tới cuối huyện.

Huyện Thọ Xuân cách TP Thanh Hóa gần 40 km; cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 130 km; cách khu kinh tế Nghi Sơn khoảng hơn 60 km.

Với vị trí địa lý của mình, huyện Thọ Xuân có nhiều điều kiện để kết nối giao thương với các địa phương trong tỉnh và cả nước.

Đặc điểm địa hình huyện Thọ Xuân

Huyện Thọ Xuân có địa hình tương đối bằng phẳng, là khu vực đồng bằng nối liền với miền núi và trung du. Địa hình của huyện được phân thành hai dạng là: khu vực vùng trung du đồi núi thấp; và khu vực vùng đồng bằng rộng lớn tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa (đồng bằng sông Chu).

Địa hình của huyện Thọ Xuân có hướng nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Đây là đặc điểm chung của nhiều khu vực, địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa.

- Vùng trung du (khoảng 56,3% diện tích đất đai của toàn huyện): là khu vực vùng đồi bát úp và núi thấp ở phía Tây huyện Thọ Xuân. Khu vực này có độ cao trung bình từ 20 - 150 m; bao gồm hai tiểu vùng là: vùng đồi núi bao quanh ở phía Bắc; và vùng đồi núi thấp bao quanh ở phía Tây Nam.

Khu vực này thích hợp cho việc trồng cây lâm nghiệp; cây công nghiệp; cây ăn quả; tạo điều kiện hình thành vùng cây công nghiệp trồng mía đường và cây công nghiệp cho năng suất cao.

- Vùng đồng bằng (khoảng 43,7% diện tích tự nhiên của toàn huyện): phân bố ở hai phía hữu ngạn và tả ngạn của sông Chu; có độ cao trung bình từ 6 - 17 m. Khu vực này thích hợp cho việc trồng cây lương thực. Khu vực đồng bằng của huyện Thọ Xuân là một trong những vùng trọng điểm năng suất lúa của tỉnh Thanh Hóa.

Điều kiện khí hậu huyện Thọ Xuân

Huyện Thọ Xuân nằm trong vùng khí hậu chuyển tiếp giữa khu vực miền Bắc và miền Trung; nhiệt độ trung bình năm khoảng 24 - 25°C.

Khí hậu trong năm phân thành hai mùa rõ rệt là: mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, lạnh và mưa ít; mùa hè chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam, mưa nhiều; và có gió Tây (gió phơn) khô nóng.

Huyện Thọ Xuân có lượng mưa trung bình năm khoảng 1.800 - 1.900 mm; phân bố không đồng đều. Lượng mưa vào mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 10) chiếm tới 80 - 85% tổng lượng mưa của cả năm. Trong khi đó, lượng mưa vào mùa đông chỉ chiếm 15 - 20% tổng lượng mưa cả năm.

Trên đây là bài viết cung cấp những thông tin giải đáp câu hỏi huyện Thọ Xuân có bao nhiêu xã, thị trấn. Huyện Thọ Xuân đang tiếp tục thực hiện nhiều chính sách để phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.

Mạnh Hùng

Việt Nam Xã hội

Huyện Thọ Xuân có bao nhiêu xã: Tìm hiểu về Thọ Xuân (Thanh Hóa)