Iran đã cảnh báo Nga về vụ tấn công khủng bố ở Moscow

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba nguồn tin nội bộ tiết lộ với Reuters rằng, trước vụ thảm sát xảy ra tại nhà hát ở Moscow vào tháng trước, Iran đã thông báo cho Nga về khả năng xảy ra một "hành động khủng bố" lớn trên lãnh thổ của họ.

Ngày 22/3, một vụ xả súng kinh hoàng đã xảy ra tại nhà hát Crocus City Hall ở Moscow, Nga. Đây là vụ tấn công chết người lớn nhất trong 20 năm qua tại quốc gia này, cướp đi sinh mạng của ít nhất 144 người.

Kẻ xả súng sử dụng vũ khí tự động để tấn công khán giả đang tham dự một buổi hòa nhạc. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc.

Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga về khả năng phiến quân Hồi giáo có thể thực hiện một vụ tấn công, nhưng Moscow không tin tưởng vào Washington nên đã phớt lờ thông tin này.

Ngược lại, Nga sẽ khó phủ nhận thông tin tình báo về các cuộc tấn công từ đồng minh ngoại giao Iran. Moscow và Tehran, cả hai đều chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, đã tăng cường hợp tác quân sự và các lĩnh vực khác trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài hai năm.

Nguồn tin tình báo của Tehran

Một trong những nguồn tin nói với Reuters: "Trong những ngày trước vụ tấn công ở Nga, Tehran đã chia sẻ thông tin với Moscow về một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn có thể xảy ra ở Nga. Iran có được thông tin này trong quá trình thẩm vấn những người liên quan đến vụ đánh bom chết người ở Iran".

Iran đã bắt giữ 35 người vào tháng 1, trong đó có một chỉ huy của ISIS-Khorasan (ISIS-K), chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Iran cho biết, những người này có liên quan đến hai vụ đánh bom ở thành phố Kerman, Iran hôm 3/1 khiến gần 100 người thiệt mạng.

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ở Iran, đó là vụ đẫm máu nhất kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Các quan chức tình báo Mỹ cho biết, IS-K đã phát động cuộc tấn công ở Iran vào ngày 3/1 và thực hiện vụ xả súng ở Moscow vào ngày 22/3.

Nhà nước Hồi giáo từng chiếm đóng các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các nước phương Tây và truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công của tổ chức Sói đơn độc, nhưng tổ chức này đã tuyên bố thất bại vào năm 2017 và mất lãnh thổ.

Tuy nhiên, là một trong những nhánh đáng sợ nhất của Nhà nước Hồi giáo, ISIS-K một lần nữa đã nâng cao hình ảnh khủng bố của tổ chức này thông qua việc đổ máu quy mô lớn.

ISIS-K nổi lên ở miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng nổi tiếng là cực kỳ tàn bạo, được đặt theo tên một khu vực cổ xưa bao gồm các phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan.

Một nguồn tin khác cho biết, thông tin mà Tehran cung cấp cho Moscow về cuộc tấn công sắp xảy ra thiếu chi tiết cụ thể về thời gian và mục tiêu chính xác.

Nguồn tin cho biết: "Họ (các thành viên ISIS-K) đã được chỉ thị chuẩn bị cho các hoạt động lớn ở Nga... Một kẻ khủng bố (bị bắt ở Iran) nói rằng một số thành viên của tổ chức đã đến Nga".

Nguồn tin thứ ba của Reuters, một quan chức an ninh cấp cao, cho biết: “Iran là nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố trong nhiều năm và chính quyền Iran đã hoàn thành nghĩa vụ với Moscow bằng cách chuyển giao thông tin thu được từ những kẻ khủng bố bị bắt cho Moscow".

Vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Moscow đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các cơ quan an ninh Nga. Khi được hỏi về thông tin của Reuters cho rằng, Iran đã thông báo thông tin cho Nga, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, hôm thứ Hai (1/4) cho biết: "Tôi không biết gì về điều đó".

Đối với các nguồn tin tình báo Hoa Kỳ, một nguồn tin cho biết, thông tin tình báo này dựa trên “các cuộc trò chuyện” mà Hoa Kỳ chặn được giữa các chiến binh ISIS-K.

Tuy nhiên, Nga đã nghi ngờ thông tin của Mỹ và cho rằng vụ tấn công này có liên quan đến Ukraine mà không đưa ra bằng chứng. Kiev mạnh mẽ phủ nhận những tuyên bố này.

Những công dân từ Tajikistan

Các chuyên gia an ninh cho biết, các vụ tấn công gần đây ở Kerman (Iran) và Moscow đều có liên quan đến người Tajik. Nhóm khủng bố ISIS-K đang tích cực tuyển mộ nhân lực từ Tajikistan, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang gặp khó khăn về kinh tế.

Có thông tin cho rằng Iran đã thảo luận với Tajikistan về vấn đề an ninh. Một nhà ngoại giao Tajikistan xác nhận rằng Tehran gần đây đã thảo luận với Dushanbe (thủ đô Tajikistan) về vấn đề người Tajik ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động vũ trang.

Nhà nước Hồi giáo, với tư cách là một tổ chức Hồi giáo dòng Sunni cứng rắn, nuôi dưỡng lòng căm thù mạnh mẽ đối với người Shiite, giáo phái chính của Iran và coi người Shiite là những kẻ bội giáo. Vì vậy, người Shiite cũng trở thành mục tiêu tấn công của các chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan.

Năm 2022, Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công chết người vào thánh địa của người Shiite ở Iran khiến 13 người thiệt mạng. Tehran xác định những kẻ tấn công là người Tajik.

Các cuộc tấn công trước đây mà Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm bao gồm hai vụ đánh bom vào năm 2017 nhắm vào quốc hội Iran và lăng mộ của Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Iran đã cảnh báo Nga về vụ tấn công khủng bố ở Moscow