Kinh tế Trung Quốc quý I vượt kỳ vọng, nhưng nguy cơ vẫn còn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp số liệu GDP quý I tích cực, các chỉ số khác cho thấy Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt kết quả vượt kỳ vọng trong quý đầu tiên của năm 2024, làm giảm bớt áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách vốn đang vật lộn với sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và việc gia tăng của nợ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các chỉ số của tháng 3 vẽ nên một bức tranh khác.

Mặc dù khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhưng các nhà phân tích cho rằng đầu tư bất động sản, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp đã có dấu hiệu thể hiện sự yếu kém. Họ lưu ý rằng các chỉ số yếu kém này cho thấy một nền kinh tế đang suy yếu với nhu cầu nội địa yếu ớt, đồng thời lưu ý rằng việc duy trì mức tăng trưởng hiện tại có thể cần hỗ trợ chính sách bổ sung, trong khi việc duy trì động lực kinh tế tổng thể vẫn còn nhiều thách thức.

Trong bối cảnh những thách thức đang diễn ra, các nhà phân tích cho rằng GDP cả năm có thể giảm xuống dưới 4%.

Ông Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao tại Asia Macro Digest, viết trong một ghi chú dành cho khách hàng được The Epoch Times xem: “Mặc dù GDP quý I tốt hơn mong đợi, chúng tôi không nghĩ nền kinh tế Trung Quốc có thể duy trì đà tăng này nếu không có sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn”.

Các nhà phân tích của Nomura đã viết trong một ghi chú: “GDP của [Trung Quốc] tích cực bất ngờ, [ngay cả khi] dữ liệu tháng 3 yếu kém gây sốc".

“Số liệu tăng trưởng quý I cũng để lại một số khoảng trống để báo cáo số liệu tăng trưởng GDP chậm hơn trong thời gian còn lại của năm”.

Dữ liệu chính thức công bố ngày 16/4 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt kết quả vượt quá mong đợi, tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 5,3% từ tháng 1 đến tháng 3. Con số này vượt qua dự báo của các nhà phân tích là khoảng 4,8%. So với quý trước, nền kinh tế có mức tăng trưởng 1,6%.

Tháng trước, tại cuộc họp “Lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bắc Kinh đã công bố mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng khoảng 5% trong năm tới, cùng với một loạt biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế trì trệ của mình.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: tăng trưởng doanh số bán lẻ trong quý đầu tiên, một chỉ số quan trọng về niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc, đã giảm xuống còn 3,1%.

Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng tại ING, nhận xét trong một ghi chú: “Đúng như dự đoán, theo sau đà tăng trưởng của năm 2023, dữ liệu tháng 3 nhấn mạnh khó khăn khi chỉ dựa vào tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay”.

Tương tự như vậy, đầu tư bất động sản trong cùng kỳ báo cáo mức giảm lớn 9,5%, nhấn mạnh những thách thức mà lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang phải đối mặt.

Khi Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản, những con số gần đây cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Theo ước tính, ngành bất động sản chiếm hơn 1/3 nền kinh tế.

Thêm vào mối lo ngại, dữ liệu gần đây cũng cho thấy giá nhà mới giảm mạnh trong tháng 3, trong khi tiến độ giao nhà mất đà vào đầu năm 2024. Số lượng nhà mới hoàn thành ghi nhận giá trị âm đầu tiên kể từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2022.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản đã được nhấn mạnh vào tháng 1 khi Evergrande bị tòa án Hong Kong ra lệnh thanh lý. Biến động này lan sang các nhà phát triển lớn khác, trong đó Country Garden và Shimao Group cũng đang phải đối mặt với các đề nghị giải thể.

Ông Casanova viết: “Có thể vẫn phải mất vài tháng trước khi các chỉ số hoạt động bất động sản ổn định và chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi sẽ chậm sau khi đạt được điểm uốn đó”.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với Trung Quốc xuống “tiêu cực” vào ngày 9/4, chỉ ra các mối đe dọa ngày càng tăng đối với nền tài chính của nước này trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.

‘Chưa thoát khỏi nguy hiểm'

“Rõ ràng là Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm”, HSBC Global Research cho biết trong một ghi chú được The Epoch Times xem.

Theo tập đoàn dịch vụ tài chính Anh, các tác động cơ bản dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại, có khả năng làm giảm đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước trong các lĩnh vực như doanh số bán lẻ và dịch vụ khi Trung Quốc bước vào quý II.

Hơn nữa, dữ liệu xuất khẩu đáng thất vọng gần đây, cùng với nhu cầu toàn cầu không chắc chắn, đã tạo ra sự thiếu rõ ràng về thời điểm những thách thức kinh tế đang diễn ra sẽ giảm bớt, lưu ý của HSBC cho biết thêm.

Lo ngại về dư thừa công suất

Các nhà phân tích cũng lo ngại rằng việc Bắc Kinh tập trung vào lĩnh vực sản xuất trong “Lưỡng hội” có thể làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa công suất.

Theo Natixis Research, thay vì tập trung vào kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc hỗ trợ nền kinh tế nội địa đang gặp khó khăn của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh vào phía nguồn cung và nhắc lại nỗ lực đổi mới của nước này nhằm trở thành “công xưởng của thế giới” trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các lĩnh vực tiên tiến như chip.

Natixis cho biết: “Các lực lượng sản xuất mới của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra bong bóng dư thừa công suất”, đồng thời cho biết thêm rằng với giá xuất khẩu giảm và tăng trưởng xuất khẩu trì trệ, việc hấp thụ năng lực sản xuất bổ sung của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu vẫn chưa chắc chắn. Sự không chắc chắn này làm tăng thêm thách thức trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5% đầy tham vọng của các nhà hoạch định chính sách.

Theo Natixis, “Mục tiêu tăng trưởng 5% của Trung Quốc vào năm 2024 sẽ khó đạt được hơn so với năm ngoái”.

Nomura dự báo mức tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống 3,7% trong cả năm, trong khi cuộc thăm dò của Reuters dự đoán là 4,6%.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Trung Quốc quý I vượt kỳ vọng, nhưng nguy cơ vẫn còn