Lần này Trung Quốc ngụy tạo số liệu kinh tế như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền các cấp ở Trung Quốc dường như đã quá quen với việc thao túng dữ liệu. Bất chấp những sự hoài nghi về các dữ liệu được công bố, Bắc Kinh vẫn đang tìm mọi cách để tô vẽ cho bức tranh màu hồng về kinh tế.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố dữ liệu cho thấy mức tăng trưởng kinh tế ổn định, nhưng một số nhà phân tích khẳng định rằng chế độ này không thể chứng minh được cho những con số này.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trên quỹ đạo đi xuống. Nó đang phải đối mặt với những thách thức như khủng hoảng bất động sản, niềm tin người tiêu dùng thấp, giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và suy giảm đầu tư nước ngoài.

Lần này Trung Quốc ngụy tạo số liệu kinh tế như thế nào?
Một người mua nhà đi bộ qua khu vực xây dựng trong khu phức hợp nơi anh ấy mua một căn hộ ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ngày 2/6/2023. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

‘Chiến thuật' để thao túng số liệu

Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập của Trung Quốc, cho biết trên chương trình tiếng Trung “Pinnacle View” (Cái nhìn Đỉnh điểm) của NTD rằng GDP của tỉnh Hà Nam vào năm 2023 được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng âm; tuy nhiên, chính quyền đã thao túng số liệu của năm trước để tạo ra ảo tưởng về mức tăng trưởng tích cực vào năm 2023.

Ông nói: “Vào cuối năm 2022, Hà Nam thông báo rằng GDP [Tổng sản phẩm quốc nội] của họ đạt 6,1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) [khoảng 850 USD], đây là một tin tức lớn và là một thành tựu vào thời điểm đó”. “Bây giờ, họ đã cắt giảm con số đó đi hơn 300 tỷ CNY [khoảng 41,7 tỷ USD] để cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,1% [vào năm 2023]”.

Ông Lý nói vì ĐCSTQ cần thể hiện mức tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 nên chế độ này đã cắt giảm con số GDP cho năm 2022. Ông cho rằng các con số đã bị thao túng.

“Các tỉnh khác đã thực hiện chiến thuật tương tự, như Phúc Kiến, Hồ Nam và Giang Tây, làm giảm con số [tăng trưởng GDP năm 2022] của họ xuống tương ứng là 130 tỷ CNY [khoảng 18 tỷ USD], 110 tỷ CNY [khoảng 15,3 tỷ USD] và 80 tỷ CNY [11,1 tỷ USD]”, ông Lý nói.

“Những con số này tiết lộ một vấn đề khác. Bốn tỉnh này đã cắt giảm tổng cộng GDP năm 2022 đi gần 630 tỷ CNY [khoảng 87,6 tỷ USD]. Tuy nhiên, nhà nước [ĐCSTQ] tuyên bố rằng họ đã tính toán thừa 500 tỷ CNY [khoảng 69,6 tỷ USD] vào năm 2022. Vì vậy, một lần nữa, những con số này cộng lại không tạo ra con số hợp lý”.

Lần này Trung Quốc ngụy tạo số liệu kinh tế như thế nào?
Một người đàn ông đứng bên rào chắn tại một khu chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Tân Trịnh, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Lịch sử thao túng số liệu

Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư kinh doanh tại Đại học Aiken Nam Carolina, cho biết trong chương trình rằng ĐCSTQ bắt đầu công bố những số liệu gian dối trong quá trình “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc vào cuối những năm 1970. Trước đó, Trung Quốc có nền kinh tế kế hoạch, vốn không đo lường nền kinh tế dựa trên tăng trưởng GDP. Sau khi chuyển sang đo lường tăng trưởng kinh tế bằng GDP, ĐCSTQ đã sử dụng các số liệu để đánh giá thành tích chính trị của các quan chức ở cấp địa phương và thu hút đầu tư nước ngoài. Hai yếu tố này đã khuyến khích tất cả các cấp chính quyền thao túng dữ liệu.

Ông Tạ giải thích: “Vì vậy, trong hai đến ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã đưa ra những con số tăng trưởng rất hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, nhưng giờ đây các nhà đầu tư nước ngoài đã không còn tin vào những con số đó và bắt đầu rút lui”.

Ông nói rằng trước khi Liên Xô sụp đổ, các nhà kinh tế Mỹ đã ước tính rằng nền kinh tế Liên Xô tương đương 60% đến 70% nền kinh tế Mỹ. Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta mới nhận ra rằng nền kinh tế Liên Xô chỉ bằng 10% nền kinh tế Mỹ.

Ông Tạ lưu ý: “Kể từ cái gọi là cải cách và mở cửa của Trung Quốc, ĐCSTQ chưa bao giờ cho phép các công ty nghiên cứu thị trường nước ngoài tiến hành nghiên cứu độc lập ở Trung Quốc”. Ông tiếp tục: “Vậy tại sao ĐCSTQ không cho phép các công ty nghiên cứu thị trường nước ngoài tiến hành khảo sát ở Trung Quốc?”

“Đó là bởi vì nếu họ sử dụng các phương pháp khảo sát khách quan và chính xác, họ có thể vạch trần số liệu GDP thực tế của Trung Quốc, số liệu lạm phát thực tế, số liệu thu nhập bình quân đầu người thực tế, v.v. Đây là lý do tại sao ĐCSTQ yêu cầu tất cả các công ty nước ngoài hợp tác với một tổ chức địa phương nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Công an của Trung Quốc. Nó cho phép ĐCSTQ tiếp tục làm sai lệch dữ liệu”, giáo sư Tạ nói.

Bà Quách Quân (Guo Jun), chủ tịch The Epoch Times phiên bản Hong Kong, cho biết trên “Pinnacle View” rằng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc là công cụ chính trị của ĐCSTQ. Giới tinh hoa của ĐCSTQ ở Bắc Kinh đặt ra con số tăng trưởng, và tất cả các cấp chính quyền, ban ngành đều phải tuân thủ.

“Đầu tiên, Bắc Kinh đặt ra các mục tiêu. Sau đó, chính quyền địa phương ở các cấp khác nhau tạo ra số liệu [tăng trưởng GDP] theo mục tiêu. Việc điều chỉnh những số liệu này của các cơ quan thống kê là tùy thuộc vào quyết định của họ”, bà nói.

Bà Quách giải thích rằng ngoài tăng trưởng GDP, số ca sinh, dữ liệu dân số, dữ liệu việc làm và thậm chí cả số người chết đều được lên kế hoạch theo ý đồ của chế độ, cho phép thao túng các thông tin này. Bà nói, quyền lực tập trung và hệ thống phân cấp từ trên xuống của ĐCSTQ thúc đẩy một môi trường trong đó yếu tố chính trị thống trị mọi khía cạnh của chế độ, đồng thời cho biết thêm rằng các quan chức cấp thấp có nghĩa vụ phải tuân theo mệnh lệnh từ cấp trên một cách vô điều kiện, và không có chỗ cho việc đàm phán.

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhà văn kỳ cựu và là cộng tác viên của ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, cho biết trong chương trình rằng luôn có vấn đề về tính hợp pháp đối với các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Ông nói, hệ thống ĐCSTQ không thể mang lại tính hợp pháp cho sự cai trị độc tài của nó, vì vậy nó phải dựa vào tuyên truyền để duy trì quyền lực của mình.

“Dưới thời ĐCSTQ, không có nhà lãnh đạo nào ở cấp cao nhất có đạo đức. Thông tin từ giới tinh hoa ĐCSTQ là bịa đặt, dẫn đến các dữ liệu giả mạo trong toàn chế độ, tạo ra tình trạng hỗn loạn từ trên xuống dưới”, ông nói thêm.

Số liệu tăng trưởng GDP cao của địa phương bị nghi ngờ

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào 17/1 rằng GDP của nước này đã tăng 5,2% trong năm ngoái, một dữ liệu trái ngược hoàn toàn với tình hình trì trệ của kinh tế Trung Quốc. Sau đó, phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tuyên bố rằng có 12 địa phương có tăng trưởng GDP cao hơn mức trung bình quốc gia.

Dữ liệu của ĐCSTQ đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc nói phóng đại về tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ về uy tín của ĐCSTQ và làm tăng tốc việc rút vốn nước ngoài khỏi Trung Quốc.

Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường (Li Qiang) tuyên bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos vào ngày 16/1 rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2023 là 5,2% trước khi số liệu chính thức được công bố, trong nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế mở rộng đầu tư vào Trung Quốc. Cục Thống kê Quốc gia đã chính thức công bố tốc độ tăng trưởng GDP vào ngày 17/1, nhưng số liệu này đã bị nhiều người nghi ngờ vì ĐCSTQ có lịch sử lâu dài về việc công bố dữ liệu kinh tế giả. Theo nghiên cứu của Rhodium Group, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc vào năm 2023 có thể chỉ khoảng 1,5%.

Lần này Trung Quốc ngụy tạo số liệu kinh tế như thế nào?
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong phiên họp toàn thể tại Phòng Hội nghị tại cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 16/1/2024. (Ảnh: LAURENT GILLIERON/POOL/AFP qua Getty Images)

Sau thông báo của chính quyền về tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia 5,2%, truyền thông Trung Quốc The Paper đưa tin vào ngày 23/1 rằng dữ liệu kinh tế địa phương cho năm 2023 đã được công bố cho 21 tỉnh và thành phố trực thuộc trong tổng số 32 khu vực, khẳng định rằng tốc độ tăng trưởng GDP của 12 khu vực trong số đó cao hơn so với mức bình quân cả nước.

12 địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 được báo cáo là cao hơn mức trung bình quốc gia là: Hải Nam (9,2%), Nội Mông (7,3%), Cam Túc (6,4%), Cát Lâm (6,3%), Trùng Khánh (6,1%), Sơn Đông (6,0%), Chiết Giang (6,0%), Tứ Xuyên (6,0%), Giang Tô (5,8%), An Huy (5,8%), Hà Bắc (5,5%) và Liêu Ninh (5,3%), trong khi Bắc Kinh (5,2%) có mức tăng trưởng tương tự như mức trung bình của cả nước.

Trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo, công chúng Trung Quốc đã đặt câu hỏi về những con số chính thức. Một người cho biết trong một bài đăng: “Để giúp mọi người nắm rõ về tình huống, dữ liệu GDP thực sẽ không có cho đến ít nhất là tháng 3. Bây giờ những gì chúng ta đang xem xét là những con số ước tính! Một số là ước tính và một số dữ liệu khu vực chỉ bao gồm từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái”.

Một người khác nói: “Vậy tại sao tôi vẫn nghèo như vậy? Tây Quảng Đông và Bắc Quảng Đông cực kỳ nghèo”.

Một người khác đặt câu hỏi: “Tại sao GDP của Sơn Đông, Tứ Xuyên và Hồ Nam lại cao như vậy? Tôi đã từng đến những nơi này và nhận thấy thu nhập của người dân địa phương không cao, sự phát triển của một số nơi còn khá lạc hậu!”

Lần này Trung Quốc ngụy tạo số liệu kinh tế như thế nào?
Một tấm biến gần một công trường xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Tái hiện ‘Đại nhảy vọt’?

Nhà kinh tế vĩ mô người Đài Loan Henry Wu nói với The Epoch Times rằng dữ liệu địa phương nên có trước dữ liệu quốc gia. “Nhưng hiện tại, chính quyền trung ương đã đặt ra tốc độ tăng trưởng GDP cho năm ngoái là 5,2%, và sau đó chính quyền địa phương phải tìm cách đưa ra dữ liệu này để Cục Thống kê có thể làm cho dữ liệu phù hợp với mục tiêu”.

“Giống như trào lưu khoe khoang, cường điệu hồi đó [thời kỳ Đại nhảy vọt]. Chính quyền địa phương đã báo cáo 'các báo cáo vệ tinh' và làm cho dữ liệu trở nên đẹp đẽ theo yêu cầu của cấp trên. Vì vậy, dữ liệu này không có giá trị phân tích”.

Trong “Đại nhảy vọt”, một chiến dịch do lãnh đạo ĐCSTQ lúc đó là Mao Trạch Đông phát động vào năm 1957 nhằm vượt qua phương Tây về năng lực nông nghiệp và công nghiệp trong vòng 3 đến 5 năm, chính quyền địa phương của ĐCSTQ trên cả nước đã phải làm sai lệch dữ liệu ở quy mô lớn đến mức độ phi thực tế để đáp ứng các mục tiêu, điều được gọi là “phóng vệ tinh”. Chiến dịch này là một thảm họa lớn, gần như phá hủy nền nông nghiệp và kinh tế của đất nước, dẫn đến nạn đói lớn kéo dài 3 năm khiến 30 triệu người Trung Quốc chết đói từ năm 1959 đến năm 1961.

Lần này Trung Quốc ngụy tạo số liệu kinh tế như thế nào?
Các nhân viên của khách sạn Shin Chiao ở Bắc Kinh xây dựng một sân khách sạn và một lò luyện thép nhỏ và thô sơ trong thời kỳ "Đại nhảy vọt" vào tháng 10/1958 ở Trung Quốc. (Ảnh: Jacquet-Francillon/AFP/Getty Images)

Ông Liang Shaohua, cựu giám đốc tuân thủ của Tập đoàn quản lý tài sản Trung Quốc, cũng nhận thấy điểm tương đồng. Ông nói với The Epoch Times: “ĐCSTQ liên tục yêu cầu giới truyền thông nói tích cực về nền kinh tế Trung Quốc và không thể nói những điều tiêu cực về nó. Điều này cho thấy nền kinh tế đang rất tồi tệ và không cho phép người dân nói ra tình hình thực tế. Giờ đây khi chính quyền công bố những số liệu tăng trưởng cao này, rất ít người tin vào chúng. Điều này cũng gợi lại những ký ức lịch sử chung của nhiều thập kỷ trước khi ĐCSTQ thúc đẩy việc “vượt qua người Anh và người Mỹ trong 3 đến 5 năm” khiến các quan chức địa phương báo cáo sai về việc thu hoạch hàng chục nghìn kg ngũ cốc trong 1 mu [0,165 mẫu Anh hay 666.7 mét vuông]”.

Ông Liang cho biết: “Năm 2023, toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, thị trường chứng khoán cũng đạt mức thấp mới, xuất khẩu, bất động sản và các ngành sản xuất không được cải thiện. Bây giờ người ta nói đã có sự phát triển lớn về kinh tế, đây là điều chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Ông Wu cho rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng: khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng nợ và khủng hoảng niềm tin, cuối cùng dẫn đến khủng hoảng thất thoát dòng vốn và khủng hoảng thất nghiệp. “Để thu hút nguồn vốn nước ngoài, chính quyền đã nói dối cộng đồng quốc tế rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tốt nên họ đã tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế không thể tin được là 5,2%”.

Ông Wu chỉ ra rằng nó sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho ĐCSTQ. “Đầu tiên, uy tín của ĐCSTQ sẽ sụp đổ và người dân sẽ không còn tin vào dữ liệu chính thức nữa. Đây là một hậu quả ngay lập tức. Thứ hai, vì không thể tìm thấy dữ liệu chính thức đáng tin cậy nên các tổ chức đầu tư nước ngoài khó đánh giá khách quan triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Khi môi trường kinh doanh của Trung Quốc xấu đi, nguồn vốn bên ngoài sẽ không còn chảy vào nữa”.

Ông Liang cho rằng ĐCSTQ muốn sử dụng dữ liệu đẹp để thu hút vốn nước ngoài, “nhưng các nhà đầu tư rất thông minh và rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc không ngừng gia tăng. Các doanh nhân nước ngoài sẽ không đầu tư chỉ vì ông Lý Cường kêu gọi họ đầu tư ”.

Vào cuối năm ngoái, ĐCSTQ đã đưa nội dung “làm sai lệch thống kê” vào quy định kỷ luật. Ông Liang cho rằng ĐCSTQ đề ra quy định không được phép gian lận và hành vi gian lận phải bị trừng phạt, “nhưng nó vẫn phải phục vụ cái gọi là tình hình chính trị chung. Bây giờ tình hình chung của ĐCSTQ cần có một nền kinh tế có vẻ tốt và cho thấy sự tăng trưởng kinh tế, nên những thứ khác trở nên không quan trọng”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Lần này Trung Quốc ngụy tạo số liệu kinh tế như thế nào?