Mặt tối của ngành năng lượng mặt trời: Lao động cưỡng bức tại Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều công ty năng lượng mặt trời tiếp tục trực tiếp hoặc gián tiếp lấy nguồn nguyên liệu từ Tân Cương mặc dù khu vực này được biết đến với các hành vi vi phạm nhân quyền như lao động cưỡng bức.

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang bị chỉ trích vì mối quan hệ với Tân Cương, một nhà cung cấp polysilicon (silicon đa tinh thể) quan trọng, vật liệu được sử dụng để sản xuất các tấm pin mặt trời. Khu vực này được ước tính chiếm gần một phần ba sản lượng polysilicon toàn cầu và một lượng tương đương sản lượng silicon cấp luyện kim được sử dụng để sản xuất polysilicon.

Trong những năm gần đây, các tổ chức lao động đã kêu gọi chính quyền Biden chặn các sản phẩm năng lượng mặt trời từ Tân Cương vì lo ngại về nhân quyền. Tuy nhiên, phần lớn các mô-đun năng lượng mặt trời được sản xuất trên toàn cầu “tiếp tục có liên quan với Vùng Duy Ngô Nhĩ”, theo một báo cáo được công bố vào thứ 3 (01/08) bởi Đại học Sheffield Hallam của Anh (SHU).

“Sản xuất ở Trung Quốc làm tăng đáng kể mức độ tiếp xúc”, nó nói. “Một số nhà sản xuất mô-đun lớn nhất thế giới dường như đã chia đôi chuỗi cung ứng của họ để tạo ra một dòng sản phẩm mà họ tuyên bố là không có đầu vào XUAR (Tân Cương), mặc dù bằng chứng về những tuyên bố này khác nhau tùy theo nhà cung cấp".

“Hầu hết các công ty đều nói rằng các chuỗi cung ứng này được dành riêng cho thị trường Mỹ hoặc được thiết kế có tính đến việc tuân thủ UFLPA”, nó nói, đề cập đến Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ của Mỹ (UFLPA).

“Phần mô-đun do các công ty có trụ sở tại Trung Quốc sản xuất trên các chuỗi cung ứng chuyên biệt này dường như nằm trong khoảng từ 7–14% tổng năng lực sản xuất của các công ty trên toàn cầu”.

Báo cáo của SHU chỉ ra rằng “các công ty đã tạo chuỗi cung ứng được cho là không có đầu vào XUAR [Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương] tiếp tục lấy nguồn từ các nhà cung cấp hoặc nhà cung cấp phụ có tiếp xúc với Khu vực Duy Ngô Nhĩ cho các dòng sản phẩm khác”.

Trong đánh giá của mình, báo cáo đã xem xét năm nhà sản xuất tấm pin mặt trời hàng đầu trên thế giới cũng như một số thương hiệu nhỏ hơn.

Trong số 10 nhà sản xuất năng lượng mặt trời được đánh giá trong báo cáo, hầu hết trong số họ có rủi ro tiếp xúc “cao” hoặc “rất cao” với các đầu vào từ Tân Cương.

JA Solar, LONGi Solar, Maxeon Solar Technologies, Qcells, REC Group và Trina Solar đã hoạt động với rủi ro tiếp xúc “rất cao”. Canadian Solar, Jinko Solar và Tongwei Solar có xếp hạng “cao”.

UFLPA được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 12/2021 và có hiệu lực vào tháng 06/2022. Theo Đạo luật, tất cả hàng hóa sản xuất tại Tân Cương, dù toàn bộ hay một phần, đều bị cấm nhập khẩu vào Mỹ trừ khi nhà nhập khẩu nhận được giấy phép ngoại lệ.

Kể từ khi Đạo luật có hiệu lực, gần một nửa số lô hàng bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) giữ lại để kiểm tra theo UFPLA là các tấm pin mặt trời và các bộ phận liên quan, tính đến tháng 01/2023.

Điểm tối của ngành năng lượng mặt trời: Lao động cưỡng bức tại Tân Cương
Một công nhân đeo khẩu trang và mặc áo khoác phòng thí nghiệm phân loại các đĩa silicon tại nhà máy của nhà sản xuất pin mặt trời Trina Solar ở Thường Châu, Trung Quốc, vào ngày 28/11/2009. (Ảnh: PHILIPPE LOPEZ/AFP qua Getty Images)

Tính minh bạch và phản hồi của doanh nghiệp

Báo cáo của SHU chỉ ra sự thiếu minh bạch trong việc xác định liệu một dòng sản phẩm có chứa mặt hàng có liên hệ với Tân Cương hay không.

“Đôi khi không thể xác định liệu các dòng sản phẩm chuyên biệt này có thực sự không có đầu vào XUAR hay không vì các công ty không tiết lộ đầy đủ thông tin về chuỗi cung ứng”, nó cho biết.

“Mặc dù có áp lực đáng kể trên toàn cầu về việc tăng tính minh bạch, thông tin liên quan đến nguồn cung ứng của ngành năng lượng mặt trời đang trở nên kém minh bạch hơn theo thời gian, cản trở khả năng tìm nguồn cung ứng một cách có đạo đức của thế giới”.

Trong phản hồi của họ đối với báo cáo, một số công ty tuyên bố rằng chuỗi cung ứng của họ không có đầu vào từ Tân Cương, trong khi một số né tránh vấn đề này. Một số công ty cũng nhấn mạnh rằng có sai sót trong dữ liệu chuỗi cung ứng được sử dụng trong báo cáo.

Jinko Solar cho biết họ “hoàn toàn không dung thứ cho việc sử dụng lao động cưỡng bức và áp dụng các tiêu chí tương tự đối với các nhà cung cấp của mình”. Vào tháng 5, công ty đã thông báo bán cổ phần của mình trong một đơn vị kinh doanh ở Tân Cương.

LONGi Solar cho biết công ty đã “luôn tuân thủ và sẽ luôn tuân thủ các luật hiện hành cũng như đạo đức kinh doanh tại các khu vực pháp lý mà công ty hoạt động”.

Maxeon nói rằng các tấm pin mặt trời do công ty sản xuất “chứa polysilicon được sản xuất ở một số quốc gia bên ngoài Trung Quốc và không có vật liệu thượng nguồn của Trung Quốc”.

Tongwei Solar cho biết họ tuân thủ “sự liêm chính tối đa trong hoạt động kinh doanh của mình và tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các luật và quy định hiện hành ở cả Trung Quốc và từng quốc gia/khu vực nơi chúng tôi có hoạt động”.

Loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Mỹ đã có những động thái đối phó với vấn đề lao động cưỡng bức. Vào tháng 2, hơn 340 công ty đã ký cam kết với Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA) để đảm bảo rằng “chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời không có lao động cưỡng bức và nâng cao nhận thức trong ngành về vấn đề quan trọng này”.

SEIA đã phát triển Giao thức truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời, một tập hợp các khuyến nghị có thể được sử dụng để xác định và theo dõi quá trình di chuyển của các yếu tố đầu vào trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

“Bằng cách thực hiện các nguyên tắc chính của Giao thức, các công ty có thể đáp ứng tốt hơn các nghĩa vụ tuân thủ về nhập khẩu của Mỹ và cung cấp cho khách hàng sự minh bạch trong chuỗi cung ứng".

Trong khi đó, một báo cáo gần đây của một công ty nghiên cứu phi lợi nhuận đã hướng sự chú ý tới lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất pin mặt trời ở Trung Quốc.

Báo cáo từ Environmental Progress tuyên bố rằng các tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất tạo ra lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất cao gấp ba lần so với những gì đã được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tuyên bố.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mặt tối của ngành năng lượng mặt trời: Lao động cưỡng bức tại Tân Cương