Bí mật 'bẩn' về pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một phân tích của một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận tuyên bố rằng tổ chức chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã đánh giá quá thấp lượng phát thải carbon của các tế bào quang điện do Trung Quốc sản xuất.

Environmental Progress là một tổ chức phi lợi nhuận do nhà báo điều tra Michael Shellenberger đồng sáng lập. Phối hợp với tờ The Blind Spot và nhà phân tích người Ý Enrico Mariutti, Environmental Progress khẳng định trong một báo cáo được công bố gần đây rằng các tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất bẩn gấp ba lần - xét về lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất - so với những gì đã được tuyên bố bởi Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cơ quan của Liên Hợp Quốc về khoa học biến đổi khí hậu.

“Mọi người nói rằng các tấm pin mặt trời không tạo ra khí thải carbon, nhưng thực tế là có. Và giờ đây, một cuộc điều tra quan trọng mới của Environmental Progress, dựa trên nghiên cứu của @enricomariutti, phát hiện ra rằng các tấm pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc tạo ra lượng khí thải carbon nhiều hơn ít nhất gấp 3 lần so với tuyên bố của IPCC”, ông Shellenberger viết trong một tweet vào ngày 24/07.

Cụ thể, IPCC tuyên bố rằng lượng khí thải carbon của các tấm pin mặt trời - hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc - là khoảng 48 gam carbon dioxide (CO2) trên mỗi kilowatt giờ (kWh). Nhưng Environmental Progress cho biết trong một báo cáo gây chấn động rằng nghiên cứu do ông Mariutti thực hiện cho thấy lượng khí thải carbon thực sự là gần 170 gam đến 250 gam CO2 trên mỗi kWh - cao hơn từ ba đến năm lần so với báo cáo của Liên hợp quốc.

Ông Mariutti cho biết trong một bài đăng trên Twitter vào ngày 24/07: “Trong 10 năm, @IPCC-CH đã đưa ra bằng chứng sai lệch về lượng phát thải carbon của năng lượng quang điện".

'Bí mật bẩn thỉu'

Vào tháng 4, ông Mariutti, một nhà phân tích chuyên về kinh tế cũng như chính sách khí hậu và năng lượng, đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Bí mật bẩn thỉu của ngành năng lượng mặt trời”. Trong báo cáo, ông lập luận rằng IPCC đã đánh giá quá thấp lượng carbon được tạo ra bởi các tế bào quang điện do Trung Quốc sản xuất vì cơ quan này đưa ra các tính toán của mình dựa trên chuỗi cung ứng carbon thấp tại châu Âu thay vì các quy trình sản xuất phụ thuộc vào than đá ở Trung Quốc.

Ông Mariutti cho biết trong phần tóm tắt báo cáo của mình: “Chúng ta đang đầu tư hàng trăm tỷ USD mỗi năm vào các công nghệ có hàm lượng carbon thấp chỉ vì ai đó đã viết nó ra ở đâu đó". “Không có bất kỳ nhà chức trách quốc gia hay quốc tế nào bận tâm tìm hiểu cơ sở vấn đề và làm thế nào ‘kiến thức trên giấy tờ’ này được tổng hợp”.

Vấn đề là hầu hết dữ liệu về phát thải carbon mà IPCC - và các chính phủ - dựa vào liên quan đến các tấm pin mặt trời đều dựa trên một mô hình có khả năng đánh giá quá thấp lượng khí thải carbon của năng lượng mặt trời do sự thiếu minh bạch, hoặc đơn giản là dữ liệu không chính xác hoặc "bịa đặt” từ các nhà sản xuất Trung Quốc, theo báo cáo của Environmental Progress.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã trở thành thế lực thống trị trong việc sản xuất các tấm pin mặt trời. Ví dụ, khoảng 97% nguồn cung đĩa năng lượng mặt trời trên toàn cầu - một thành phần chính của tế bào quang điện - được sản xuất tại Trung Quốc.

Bí mật 'bẩn thỉu' về pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất
Một công nhân đeo khẩu trang và mặc áo khoác phòng thí nghiệm phân loại các đĩa silicon tại nhà máy của nhà sản xuất pin mặt trời Trina Solar ở Thường Châu, Trung Quốc, vào ngày 28/11/2009. (Ảnh: PHILIPPE LOPEZ/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, thị phần ngày càng tăng của Trung Quốc trên thị trường tấm pin mặt trời không phải do đổi mới.

“Phần lớn các chuyên gia tư vấn cho Environmental Progress đồng ý rằng lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc không nằm ở quy trình công nghệ mới sáng tạo, mà nằm ở chính những yếu tố mà quốc gia này luôn sử dụng để vượt qua phương Tây: năng lượng đốt than giá rẻ, trợ cấp hàng loạt của chính phủ cho các ngành công nghiệp chiến lược và lao động con người hoạt động trong điều kiện làm việc tồi tệ”, theo báo cáo của tổ chức.

Khi lần đầu tiên công bố báo cáo độc lập của mình vào tháng 4, ông Mariutti cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng ông có động lực công bố những phát hiện của mình “do sự gia tăng chính sách khí hậu của châu Âu, thứ có nguy cơ khiến Ý rơi vào sự suy giảm không thể đảo ngược”.

Ông ấy nói rằng ông ấy cảm thấy nhiệm vụ của mình là công khai nghiên cứu của mình để cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách công.

“Trong 10 năm qua, IPCC đã đánh giá thấp một cách có hệ thống lượng phát thải carbon của năng lượng quang điện bằng cách giả vờ rằng các mô-đun quang điện được sản xuất ở châu Âu chứ không phải ở Trung Quốc”, ông nói vào thời điểm đó.

“Bằng cách tính toán lại lượng khí thải carbon của hệ thống quang điện trên cơ sở hỗn hợp năng lượng chủ yếu dựa trên than đá, có thể ước tính rằng lượng phát thải carbon trung bình toàn cầu của năng lượng quang điện ít nhất là 200 [gam CO2 trên mỗi kWh]".

Về phần mình, ông Shellenberger từ lâu đã cảnh báo về các tác động môi trường toàn diện của ngành công nghiệp pin mặt trời.

Nguy cơ từ rác thải năng lượng mặt trời

Bí mật 'bẩn thỉu' về pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất
Hình ảnh nhìn từ trên không của Dự án năng lượng mặt trời Crescent Dunes nằm gần Tonopah, cách Las Vegas 310 km về phía tây bắc vào ngày 30/07/2020. (Ảnh: Daniel Slim/AFP qua Getty Images)

Vào năm 2021, ông Shellenberger nói với chương trình “The Nation Speaks” của NTD rằng tính kinh tế của việc sản xuất, triển khai và tái chế tấm pin mặt trời cho thấy công nghệ này có khía cạnh “độc hại” và “nguy hiểm”. Trong khi đó, nó được thúc đẩy bởi khuynh hướng ý thức hệ hơn là bằng khoa học.

“Chúng ta đang ở trong trạng thái thôi miên”, ông Shellenberger nói vào thời điểm đó, đề cập đến những gì ông mô tả là niềm tin sai lầm rằng năng lượng mặt trời là một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho các hình thức phát điện truyền thống như hạt nhân.

“Đó là một sự theo đuổi duy tâm”, ông nói. “Có ý kiến cho rằng… chúng ta sẽ bảo vệ môi trường tự nhiên bằng cách phụ thuộc vào các dòng năng lượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời. Đó không phải là một quan điểm khoa học. Nó thực sự tồi tệ hơn cho môi trường".

Một nghiên cứu của Harvard Business Review đã kết luận rằng các tấm pin mặt trời đang được thay thế nhanh hơn dự kiến do nhiều ưu đãi kinh tế khác nhau, đồng thời cảnh báo về một núi rác tấm pin mặt trời đang ngày càng chất đống “với quy mô gây hại sống còn” trừ khi các biện pháp ưu đãi được áp dụng để giảm chi phí tái chế cao.

Nghiên cứu của Harvard Business Review đã trích dẫn ước tính của ông Garvin Heath, nhà khoa học cấp cao tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia, người đã nói với Tạp chí PV rằng chi phí để tái chế một tấm pin là từ 20 đến 30 USD, so với 1 đến 2 USD để gửi nó đến bãi rác. Harvard Business Review kết luận rằng lời hứa tươi sáng về việc sử dụng năng lượng mặt trời rộng rãi hơn như một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường “sẽ nhanh chóng lụi tàn khi ngành công nghiệp chìm xuống với sức nặng của chính rác thải của nó”.

Khi được hỏi về nghiên cứu, ông Shellenberger xác nhận vấn đề với chi phí tái chế cao nhưng nói rằng chúng chỉ là một phần của vấn đề khi pin năng lượng mặt trời kết thúc vòng đời. Các tấm này chứa các kim loại nặng như chì, có thể giải phóng dưới dạng khí độc hại nếu các tấm bị vỡ trong quá trình thải bỏ.

“Đó là chất thải nguy hại”, ông ấy nói vào thời điểm đó.

Với việc phổ biến các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, tại Mỹ, vấn đề xử lý chất thải là một mối lo lắng đang gia tăng.

Mỹ hiện có khoảng 149,5 gigawatt công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt trên toàn quốc.

Công ty nghiên cứu Wood Mackenzie dự kiến tổng công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt của quốc gia này sẽ đạt 378 gigawatt vào năm 2028.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật 'bẩn' về pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất