Chuyên gia: Người tiêu dùng & nhà đầu tư Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xóa bỏ lao động cưỡng bức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quá trình loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ đòi hỏi nhà nhập khẩu phải nghiêm túc thực thi pháp luật và thẩm định nghiêm ngặt sản phẩm. Ngoài ra, nó cũng phụ thuộc vào nhận thức của công chúng và vào hành động của các nhà đầu tư.

Ông Robert Silvers, Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa phụ trách chiến lược, chính sách và kế hoạch của Mỹ, nói rằng: “Đại đa số công ty Mỹ đều muốn tuân thủ các quy định trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ rằng họ căm ghét việc có thể có lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ”.

Tuy nhiên, họ có thể gặp khó khăn khi tuân thủ luật pháp Mỹ về cấm nhập khẩu hàng hóa do lao động cưỡng bức sản xuất. Trong một diễn đàn tổ chức vào ngày 17/03 tại Viện Hudson ở Washington, ông Silvers cho biết chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp vì nguyên liệu thô đến từ nhiều nguồn khác nhau và có thể bị trộn lẫn vào nhau; ngoài ra, một số chính phủ, đặc biệt là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tỏ ra bất hợp tác.

Bộ An ninh Nội địa (DHS) của Mỹ đã ra các hướng dẫn mới, một danh sách các thực thể bị cấm và bảng thông tin trực tuyến để giúp doanh nghiệp Mỹ tuân thủ Đạo luật Bảo vệ Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) mới ban hành. Đạo luật này nhắm vào hàng hóa được sản xuất bởi lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ - một nhóm dân tộc thiểu số ở vùng Tân Cương, Trung Quốc.

Ông Silvers nói, “Mục tiêu ở đây là xóa bỏ lao động cưỡng bức. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó nếu vẫn xuất hiện những thị trường chấp nhận các sản phẩm được sản xuất bởi lao động cưỡng bức”.

Vũ khí mạnh mẽ hơn

Loại vũ khí mạnh hơn trong cuộc chiến chống lao động cưỡng bức là dư luận.

Ông Silvers cho biết: “Theo thời gian, người tiêu dùng cho thấy họ muốn mua các sản phẩm phù hợp với giá trị của họ". “Tôi nghĩ hầu hết người Mỹ không nghĩ đến việc chiếc áo phông họ đang mặc có nguồn gốc từ đâu. Đó không phải vì họ là người xấu. Đó là vấn đề về nhận thức”.

Ông nói thêm rằng người Mỹ sẽ kinh hoàng khi biết quần áo, thiết bị điện tử hoặc sản phẩm mà họ đang dùng được sản xuất bởi những người sống trong “điều kiện nô lệ”.

Trong khi DHS tập trung vào việc chặn hàng hóa có yếu tố lao động cưỡng bức đi vào nước Mỹ, ông Silvers coi việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là một nỗ lực bổ sung.

Ông nói: “Nếu người tiêu dùng nhận thức được điều đó, nó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm và thực hiện thẩm định kỹ càng hơn”.

Theo ông Nury Turkel, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson và là người sống sót từ một trại lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nhận thức của người tiêu dùng tác động đáng kể đến hành vi của công ty.

Ông Turkel nói: “Người tiêu dùng đã lên tiếng” - ông đề cập đến việc khán giả truyền hình tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022.

Ông Turkel nói thêm: “Người dân Mỹ và Canada đã phản ứng. Kết quả là lượng người xem của NBC đã giảm gần 50%. Đó là một phản ứng rất lớn”.

“Khi người tiêu dùng lên tiếng, các phòng họp tại các công ty sẽ phải lắng nghe và điều chỉnh”.

Ông Silvers cho biết các nhà đầu tư cũng có thể thay đổi hành vi của công ty: “Có những nhà đầu tư ngoài kia có quan điểm chỉ đầu tư vào những công ty có các chương trình thẩm định chặt chẽ và đáng tin cậy về lao động cưỡng bức".

“Đó không phải là những gì chúng tôi làm [tại DHS], nhưng đó là một nỗ lực bổ sung và đang phát triển trong hệ sinh thái rộng lớn hơn, trong đó toàn bộ xã hội tiến tới việc không dung thứ cho sản phẩm do lao động cưỡng bức sản xuất được xuất hiện trong chuỗi cung ứng”.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Người tiêu dùng & nhà đầu tư Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xóa bỏ lao động cưỡng bức