Nền công nghiệp ô tô toàn cầu có nhiều liên hệ với vi phạm nhân quyền ở Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo mới đây, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu tiếp tục bị ràng buộc một cách phức tạp với chuỗi cung ứng ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, qua đó đóng góp một phần vào các hành vi vi phạm nhân quyền.

Báo cáo được công bố vào tháng 12 bởi Trung tâm Công lý Quốc tế Helena Kennedy tại Đại học Sheffield Hallam đã xác định 96 công ty khai thác, chế biến gia công hoặc sản xuất liên quan đến lĩnh vực ô tô ở khu vực Tân Cương. Hơn 40 nhà sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô lấy nguồn cung cấp từ Tân Cương hoặc từ các công ty đã nhận chuyển giao lao động người Duy Ngô Nhĩ. Khi nói đến các các nhà sản xuất ô tô quốc tế, con số này là 50.

Hơn 100 công ty quốc tế có tiếp xúc nào đó với hàng hóa có được từ hoạt động cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ. “Một số nhà sản xuất ô tô quốc tế lớn - bao gồm Tập đoàn Volkswagen Audi, Honda, Ford, General Motors, Tập đoàn Mercedes-Benz, Toyota, Tesla, Renault, NIO và Tập đoàn Stellantis - có chuỗi cung ứng có liên hệ với khu vực Tân Cương”, báo cáo nêu rõ.

Baowu có trụ sở tại Trung Quốc, nhà cung cấp thép lớn nhất thế giới, là nhà sản xuất thép lớn nhất ở khu vực Tân Cương. Tân Cương sản xuất khoảng 6,6 triệu tấn nhôm mỗi năm, chiếm 1/10 nguồn cung toàn cầu.

Khu vực này cũng là nơi đặt trụ sở của một số nhà chế biến đồng lớn nhất thế giới như Tập đoàn khai thác Zijin và Công ty kim loại màu Tân Cương. Một lượng đáng kể hoạt động xử lý lithium của Trung Quốc - nguyên liệu quan trọng trong pin xe điện - được tiến hành ở Tân Cương.

Kể từ năm 2017, Bắc Kinh đã cho phép năm nhà sản xuất pin chì-axit nấu chảy chì và sản xuất pin trong khu vực. Tập đoàn Lạc đà, tập đoàn lớn nhất trong số những nhà sản xuất đó, trước đó đã phải chịu các lệnh trừng phạt do "các sự cố nhiễm chì trong máu thường xuyên”.

Báo cáo cho biết tất cả các ngành công nghiệp và các lĩnh vực khác như điện tử ở Tân Cương đều chứng kiến công nhân người Duy Ngô Nhĩ bị ngược đãi. Có những trường hợp người lao động phải làm việc trong điều kiện độc hại, bị giam giữ trong những nơi ở dưới chuẩn, bị trừng phạt tập thể và bị tách khỏi gia đình của họ. Nhiều cơ sở trong số này hoạt động nhờ những công nhân Duy Ngô Nhĩ được chuyển từ nơi khác đến.

Khuyến nghị, biện pháp

Báo cáo khuyến nghị các chính phủ ban hành luật rà soát nhân quyền bắt buộc, theo đó các công ty được yêu cầu giải quyết rủi ro vi phạm nhân quyền vượt ra ngoài các nhà cung ứng cấp một.

Báo cáo nêu rõ, bất kỳ hoạt động nhập khẩu nào liên quan đến lao động cưỡng bức đều phải bị cấm. Ngoài ra, các chính phủ phải đảm bảo rằng tất cả các ô tô được mua sắm để sử dụng chính thức không được chứa các bộ phận đến từ Tân Cương.

Đối với các công ty, báo cáo yêu cầu các hãng ô tô làm việc riêng lẻ và tập thể để điều tra sự liên kết của chuỗi cung ứng của chính họ với Tân Cương.

Vào tháng 6, Mỹ đã cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương với việc ban hành Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ.

“Chúng tôi đang tập hợp các đồng minh và đối tác của mình để loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, lên tiếng chống lại sự tàn ác ở Tân Cương và cùng chúng tôi kêu gọi chính phủ CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Trung Quốc] ngay lập tức chấm dứt sự tàn ác và hoạt động vi phạm nhân quyền, bao gồm cả lao động cưỡng bức”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó.

Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới, xuất khẩu lượng hàng hoá trị giá hơn 45 tỷ USD vào năm 2021. Mỹ đã nhận được một phần tư số hàng xuất khẩu này vào năm ngoái trị giá khoảng 11,5 tỷ USD.

Bảo Nguyên

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Nền công nghiệp ô tô toàn cầu có nhiều liên hệ với vi phạm nhân quyền ở Tân Cương