Một thanh niên Trung Quốc cố gắng vạch trần sự tàn ác của chế độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lin Yangzheng là một thanh niên 19 tuổi. Anh quyết định trở thành nhà bảo vệ nhân quyền chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các hoạt động trực tuyến của anh đã thu hút sự chú ý của chế độ, buộc anh phải trốn khỏi đất nước.

Anh Lin giải thích với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times về quyết định trở thành một nhà hoạt động chống ĐCSTQ rằng, sự độc hại và tàn ác của ĐCSTQ là “không thể diễn tả bằng lời”, “giải pháp duy nhất là hợp lực lại và hạ bệ Đảng, đảm bảo rằng trong tương lai, không ai sẽ trở thành nạn nhân của các thủ đoạn của Đảng”.

Sinh năm 2004 tại thành phố Phúc Châu phía nam Trung Quốc, anh Lin có cha là nhà văn và mẹ là giáo viên.

Năm 2018, anh mất đi cuộc sống được đánh giá là tương đối thoải mái của mình khi ĐCSTQ cấm cuốn sách của cha anh, một cuốn tiểu thuyết dựa trên lịch sử thời Trung Hoa Dân Quốc sau khi nhà Thanh sụp đổ. Anh Lin nói: “Ông ấy đã dành khoảng 10 năm để viết cuốn sách, đó là lĩnh vực ông ấy giỏi, lịch sử”.

Tuy nhiên, lịch sử từ thời Trung Hoa Dân Quốc là điều cấm kỵ đối với ĐCSTQ.

Năm 2018, Bắc Kinh tuyên bố bất kỳ câu chuyện lịch sử nào liên quan đến Trung Hoa Dân Quốc đều là thúc đẩy “chủ nghĩa hư vô lịch sử” (historical nihilism), là “có hại cho việc thành lập một xã hội xã hội chủ nghĩa”.

Sau khi cấm cuốn sách mới, ĐCSTQ cũng hủy bỏ mọi tác phẩm trước đây của cha anh Lin. Bởi thế mà tình hình tài chính của gia đình anh bị ảnh hưởng nặng nề.

Anh Lin nói: “Có lẽ, trải nghiệm bất ngờ này đã khiến tôi bắt đầu suy nghĩ. Sau ngần ấy năm suy nghĩ, tôi đã hiểu khá rõ rằng đây là một đảng chính trị bất hợp pháp”.

Zero-COVID

Vào khoảng năm 2020, các biện pháp kiểm soát dịch zero-COVID hà khắc đã khiến anh bừng tỉnh: “Tôi từng bị nhốt ở nhà 2 lần, cả 2 lần đều trong thời gian hơn một tháng", anh nói. Những người già bị bỏ ở nhà một mình, họ rất ốm yếu, nhưng anh không thể đến thăm họ.

Anh Lin nói: “Nó giống như thời Cách mạng Văn hóa khi mọi người bị đối xử như thể không có chút phẩm giá nào”.

Anh quyết định vượt tường lửa trực tuyến và tìm hiểu thế giới bên ngoài. Anh nhanh chóng nhận ra thủ đoạn tẩy não của ĐCSTQ: “Tất cả những gì bạn thấy ở Trung Quốc là những gì họ [Đảng] cho bạn thấy”.

Biểu tình trên cầu Tứ Thông

Vào ngày 13/10 năm ngoái, một cuộc biểu tình hiếm hoi đã diễn ra trên cầu Tứ Thông (Sitong) tại Bắc Kinh. Biểu ngữ có nội dung “Hãy nghỉ học, hãy dừng làm việc và hãy hạ bệ kẻ phản bội độc tài Tập Cận Bình” khiến anh Lin cảm thấy phấn khích.

Ngay lập tức, anh truyền đi sự phấn khích của mình thông qua mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, đặc biệt là về ý tưởng “hạ bệ Tập”.

Tuy nhiên, hành động này đã khiến anh Lin bị cảnh sát ‘ghé thăm’. Cảnh sát mang anh ra khỏi nhà vào giữa ngày 16/10/2022.

Tại đồn cảnh sát, anh bị đe dọa với các cáo buộc như “phạm tội kích động lật đổ” và có thể sẽ bị “cưỡng bức mất tích” (bị giam giữ bí mật không qua xét xử). Anh nói: “chiến thuật tà ác đó là để làm suy yếu và đe dọa tinh thần chịu đựng của tôi”.

Anh không được thả ra cho đến tận nửa đêm. Anh nói: “Tôi đã hoàn toàn nhận ra ĐCSTQ độc tài và tàn ác đến mức nào”.

Đối với một cậu bé 18 tuổi, đó là một trải nghiệm cực kỳ kinh hoàng. “Tôi biết nếu bị bắt lần nữa, tôi có thể sẽ ra đi mãi mãi", anh nói.

Anh Lin quyết định trốn sang Thái Lan bằng thị thực hợp pháp và tạm giữ cho các bài đăng trực tuyến của mình không thu hút sự chú ý của mọi người.

Tuy nhiên, sau khi anh và mẹ đến Thái Lan, anh nhanh chóng biết rằng mình không hoàn toàn thoát khỏi sự đe dọa của ĐCSTQ.

Không an toàn khi ở Thái Lan

Cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc đã gọi điện cho mẹ anh chưa đầy một tháng sau khi anh tiếp tục các hoạt động trực tuyến ở Thái Lan. Cơ quan này nói với mẹ anh rằng anh sẽ bị bắt vì “phạm tội kích động lật đổ”. Ngay sau đó, anh Lin phát hiện ra các tài khoản của mình trên các trang mạng xã hội Trung Quốc như WeChat, QQ, Zhihu đều đã bị chặn.

Anh nói: “Tôi không biết ĐCSTQ có thể xuyên biên giới mà thực hiện những vụ bắt giữ người ở Thái Lan một cách dễ dàng như vậy”.

Anh Lin đang đề cập đến vụ việc năm 2013, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ĐCSTQ đã thành công bắt giữ 4 “kẻ đào tẩu” người Trung Quốc ở Thái Lan trong một chiến dịch bắt giữ xuyên biên giới vào cuối năm 2012. Kể từ đó, nhiều vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến người Trung Quốc ở Thái Lan đã được phơi bày, bao gồm học giả Gui Minhai - người Thụy Điển, đồng sở hữu Hiệu sách Causeway Bay ở Hong Kong.

Ông Gui được nhìn thấy lần cuối vào ngày 17/10/ 2015 khi rời khỏi căn hộ nghỉ mát của mình ở Pattaya, Thái Lan. Theo Free Gui Minghai - trang web được lập ra để giải cứu ông Gui, kể từ đó ông bị giam giữ ở Trung Quốc mà không được trợ giúp về pháp lý hay tiếp cận lãnh sự.

Xin tị nạn

Anh Lin từng hy vọng sang Đức xin tị nạn, nhưng trong chuyến bay quá cảnh ở Singapore, anh đã thay đổi kế hoạch và đáp chuyến bay sang Hàn Quốc.

“Tại sân bay ở Singapore, họ muốn đưa chúng tôi trở lại Trung Quốc", anh nói. Anh cho rằng sân bay này có những quy định chặt chẽ hơn nhiều so với các sân bay khác trong việc xác định tư cách của người mang hộ chiếu Trung Quốc muốn đến châu Âu.

Thông qua thương lượng với các nhân viên tại sân bay Singapore, nhấn mạnh rằng việc quay trở lại Trung Quốc sẽ chỉ khiến anh và người nhà bị chính quyền đàn áp, cuối cùng anh và người nhà đã được phép lên máy bay tới đảo Jeju, Hàn Quốc.

Vừa trong quá trình xin quy chế tị nạn, anh Lin vừa đang tập trung đi theo con đường thúc đẩy nền dân chủ Trung Quốc với tư cách là tình nguyện viên của “Dự án Danh sách Ác ma” (Evil List Project) - một phong trào bảo vệ nhân quyền người Trung Quốc, do nhà hoạt động Lin Shengliang ở Hà Lan khởi xướng.

Trước đó, một trong những bài đăng của anh ở Thái Lan liên quan đến trải nghiệm bị giam giữ ở Trung Quốc đã được đăng lên mạng xã hội X (Twitter) bởi “Dự án Danh sách Ác ma”.

Theo mô tả từ người sáng lập Lin Shengliang, “Dự án Danh sách Ác ma” ghi lại thông tin cá nhân của những thủ phạm cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ và vạch trần các hành động của họ trên Internet.

Nói về quyết tâm trên con đường chống ĐCSTQ, anh Lin đã đưa ra ví dụ về việc ĐCSTQ tạo ra những món nợ máu trong lịch sử.

“Vào thời Mao Trạch Đông có Cách mạng Văn hóa và 3 năm Nạn đói lớn. Cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và chiến dịch “Trăm ngày không con” (kế hoạch hóa gia đình) là những khoản nợ phát sinh dưới thời Giang Trạch Dân. Những món nợ máu ngày nay đè lên vai Tập Cận Bình bao gồm cuộc đàn áp ở Hong Kong, các trại tập trung Tân Cương, zero-COVID và việc giam giữ tùy tiện những cá nhân bất đồng chính kiến”.

Anh hy vọng rằng nỗ lực chống ĐCSTQ của mình sẽ đánh thức những người Trung Quốc vô tội và khuyến khích họ đứng lên chống lại chế độ.

Anh tin rằng chế độ này đã cố tình làm người dân Trung Quốc nhầm lẫn giữa khái niệm đất nước Trung Quốc và ĐCSTQ.

Anh nói: “Yêu nước không có nghĩa là trung thành với Đảng"; nhưng thật không may, các chiến dịch tẩy não và tuyên truyền của Đảng đã khiến công chúng hiểu lầm.

“Đối với tôi, những người trung thành với Đảng thực sự là những nạn nhân”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một thanh niên Trung Quốc cố gắng vạch trần sự tàn ác của chế độ