Một trụ trì ở Trung Quốc lãnh án tù chung thân vì tội cầm đầu tổ chức xã hội đen, cướp đoạt và hiếp dâm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều ngôi chùa ở Trung Quốc hiện đã trở thành địa điểm kinh doanh, và một số thậm chí còn trở thành “ngành công nghiệp trụ cột” ở địa phương. Ông Ngụy Cương (Wei Gang), Trụ trì chùa Đức An ở thành phố Thao Nam, tỉnh Cát Lâm, gần đây đã bị kết án. Ông Ngụy bị tố cáo trục lợi từ nhiều ngôi chùa do ông này kiểm soát và hiếp dâm 14 người bao gồm cả phụ nữ và trẻ vị thành niên.

Mới đây, nhóm của ông Ngụy Cương đã bị kết án trong phiên tòa sơ thẩm với các tội danh tổ chức, cầm đầu và tham gia các tổ chức mang tính chất xã hội đen, cướp đoạt và hiếp dâm. Trong số đó, ông Ngụy Cương bị kết án tù chung thân và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.

Theo bản án này, một mặt, nhóm của ông Ngụy Cương đã lợi dụng các địa điểm Phật giáo để trục lợi bất hợp pháp thông qua các hoạt động lừa đảo có tổ chức; mặt khác, họ sử dụng bạo lực, đe dọa và các thủ đoạn khác để làm hại quần chúng và hà hiếp người dân, từ đó tạo thành một tổ chức mang tính chất xã hội đen do Ngụy Cương cầm đầu.

Theo cáo buộc, ông Ngụy Cương đã dụ dỗ và hiếp dâm 14 người nữ, trong đó có 3 người là trẻ vị thành niên vào thời điểm gây án, người nhỏ nhất vẫn đang học tiểu học khi bị xâm hại.

Tiểu sử của ông Ngụy Cương

Bản án trên cho thấy, ông Ngụy Cương là người An Huy, hiện 52 tuổi. Ông này từng kinh doanh một khách sạn và làm hướng dẫn viên du lịch bán thời gian ở tỉnh An Huy. Tới năm 1998, ông này kết giao với một nhà sư họ Tạ (Xie) ở chùa La Hán Đôn trên núi Cửu Hoa, và giúp trùng tu ngôi chùa này. Sau đó, ông Tạ đã đưa ông Ngụy Cương đến tỉnh Cát Lâm.

Năm 2001, Hiệp hội Phật giáo tỉnh Cát Lâm, nằm dưới sự quản lý của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tiến cử ông Tạ làm trụ trì chùa Đức An ở thành phố Thao Nam. Bốn năm sau đó, Hiệp hội Phật giáo tỉnh Cát Lâm lại tiến cử ông Tạ làm trụ trì chùa Tịnh An ở thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm. Ông Tạ được cho là đã tiến cử ông Ngụy Cương làm trụ trì chùa Đức An.

Chùa Đức An, tục gọi là miếu Lão Gia, được xây dựng vào năm 1927 và nằm ở ngoại ô phía tây thành phố Thao Nam. Ngôi chùa này đã bị phá hoại nhiều lần trong lịch sử nhưng đã được khôi phục vào năm 1996 và được đổi thành tên như hiện giờ.

Nhà sư dâm loạn có ‘ô dù’?

Phán quyết trên tiết lộ rằng, ông Ngụy Cương và những người khác không chỉ thực sự kiểm soát chùa Đức An ở thành phố Thao Nam và chùa Tịnh An ở thành phố Liêu Nguyên, mà còn kiểm soát chùa La Hán Đôn ở núi Cửu Hoa, chùa Thủy Lạc và chùa Tiến Lâm ở huyện Mi thuộc tỉnh Thiểm Tây. Họ đã ngầm chiếm đoạt số tiền hương hỏa và các khoản được quyên góp cho những ngôi chùa mà họ kiểm soát.

Đáng chú ý là, ông Ngụy Cương còn nhận các quan chức địa phương làm đệ tử, như ông Thái Cảnh Thần (Cai Jingchen) - cựu Phó thị trưởng Thao Nam, ông Trương Văn Cử (Zhang Wenju) - cựu Cục trưởng Cục Cải cách và Phát triển Thành phố Thao Nam, v.v. Những quan chức địa phương này đã quỳ xuống và bái lạy ông Ngụy Cương trước công chúng, họ còn gọi ông Ngụy là "gia" (trong tiếng Trung, từ ‘gia’ này có nghĩa là lão gia, ông lớn; hoặc là cách xưng hô tôn kính với các vị Thần linh, như Thổ Địa gia, Diêm Vương gia).

Theo thông tin công khai, ông Thái Cảnh Thần và ông Trương Văn Cử lần lượt vào đảng năm 1987 và 1994. Cả hai đều giữ các chức vụ cao ở thành phố Thao Nam và cùng bị điều tra vào năm 2022.

Phân tích: Đảng Cộng sản Trung Quốc phá hủy văn hóa truyền thống, biến các địa điểm tôn giáo thành nơi kiếm tiền

Hiện nay, có không ít ngôi chùa ở Trung Quốc đã triển khai hoạt động kinh doanh thương mại. Thậm chí một số ngôi chùa còn trở thành “ngành công nghiệp trụ cột” của địa phương.

Theo thống kê của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, tính đến cuối năm 2020, ở Trung Quốc có 32.600 ngôi chùa và ít nhất 20% trong số đó đã được thương mại hóa.

Trong cuốn sách "Ma quỷ đang thống trị thế giới của chúng ta" có nhắc tới "miếu Bà" ở huyện Dịch, tỉnh Hà Bắc. Đến đây có thể tìm thấy tượng của tất cả các "vị thần" mà người ta muốn thờ cúng. Muốn thăng quan thì có tượng “thần quan”; muốn làm giàu thì có tượng “thần tài” với tiền giấy quấn toàn thân; muốn học lên cấp thì có tượng “thần học” với những nếp nhăn hằn sâu trên trán. Thậm chí nếu muốn xin được lái xe an toàn, còn có cả "thần xe" đang cầm vô-lăng. Người quản lý “miếu Bà” thậm chí còn tuyên bố: “Thiếu vị thần tiên nào, thì tùy ý tạo một vị là xong”.

Trên thực tế, tất cả các địa điểm tôn giáo ở Trung Quốc đều được kiểm soát bởi các hiệp hội tôn giáo lớn trực thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những hiệp hội tôn giáo này không chỉ phải học tập các chính sách tôn giáo của đảng, truyền đạt các chỉ thị của đảng, mà ngay cả khi ĐCSTQ đàn áp các nhóm tín ngưỡng dân gian, họ cũng phải bày tỏ sự ủng hộ và trở thành bên đồng lõa.

Ngoài ra, các trụ trì đảm nhận chức vụ trong hiệp hội tôn giáo do ĐCSTQ kiểm soát, như các ông Thích Vĩnh Tín (Shi Yongxin), Thích Học Thành (Shi Xuecheng)... đều từng dính vào các vụ bê bối dâm loạn. Trong đó, Trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín, còn được gọi là "CEO Thiếu Lâm", bị buộc tội phá hoại Phật giáo. Trước đó ông này từng bị tố cáo là có hành vi dâm loạn và có con ngoài giá thú.

Thiếu Lâm Tự mua đất làm bất động sản, Trụ trì Thích Vĩnh Tín kiểm soát 18 công ty
Trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc Trung Quốc vào tháng 3/2011 ở Bắc Kinh. (Lintao Zhang/Getty Images)

Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Hạ Tiểu Cường (Xia Xiaoqiang) cho rằng sau khi lên nắm quyền, ĐCSTQ đã phá hủy nghiêm trọng văn hóa truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo của Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền này còn tẩy não người dân bằng những tuyên truyền theo thuyết vô Thần, khiến nhiều người không còn tin vào Thần Phật nữa. Vậy nên họ mới dám “làm giả Thần”, các địa điểm tôn giáo đã trở thành nơi phát triển kinh tế và là nguồn thu lợi nhuận khổng lồ.

Ông Hạ nói rằng, tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống của Trung Quốc được truyền thừa qua hàng nghìn năm, và đã gieo hạt giống tín Thần vào trong lòng người dân Trung Quốc. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, mọi người vẫn đang đi tìm kiếm những tín ngưỡng, tôn giáo đích thực và chính thống nhưng chưa tìm được. Các địa điểm kinh doanh đội lốt chùa chiền đã ‘mọc lên như nấm’ để lợi dụng điều này. Đây thực chất là một hiện tượng vừa đáng buồn lại vừa đáng cười.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một trụ trì ở Trung Quốc lãnh án tù chung thân vì tội cầm đầu tổ chức xã hội đen, cướp đoạt và hiếp dâm