Thiếu Lâm Tự mua đất làm bất động sản, Trụ trì Thích Vĩnh Tín kiểm soát 18 công ty

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài ngày trước, một công ty trực thuộc chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã trúng thầu một khu đất thương mại ở thành phố Trịnh Châu và sẽ đầu tư xây dựng một dự án bất động sản. Thông tin này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet Trung Quốc. Phương trượng Thích Vĩnh Tín (Shi Yongxin), trụ trì Thiếu Lâm Tự, bị chế giễu là "hòa thượng chính trị", hiện ông này nắm quyền kiểm soát của 18 công ty.

Sáng thứ Tư ngày 6/4, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, bán đấu giá khu đất thương mại, dịch vụ tại quận mới Trịnh Đông. Công ty TNHH Công nghệ Kỹ thuật số Thiết Tung Hà Nam (Henan Tiesong Digital Technology Co., Ltd.) đã trúng thầu với giá 452 triệu nhân dân tệ (71 triệu USD).

Khu đất rộng khoảng 38.200 mét vuông. Vào ngày 3/12/2020, Ủy ban Quản lý Quận mới Trịnh Đông đã xác định khu đất này sẽ được dùng để xây dựng một trung tâm văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật, một phòng triển lãm nghệ thuật, một khu công nghiệp văn hóa và sáng tạo, một khách sạn năm sao quốc tế, và căn hộ dịch vụ để bán.

Theo nền tảng tìm kiếm thông tin công ty Tianyancha của Trung Quốc, Công ty TNHH Công nghệ Kỹ thuật số Thiết Tung Hà Nam, đơn vị trúng thầu dự án này, được thành lập vào ngày 22/3/2022 với vốn đăng ký 452 triệu nhân dân tệ. Công ty này có 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH Phát triển Tổng hợp Thiết Đầu Hà Nam (Henan Tietou Comprehensive Development Co., Ltd.) và Công ty TNHH Công nghiệp Nguyên Hàn Hà Nam (Henan Yuanhan Industry Co., Ltd.), với tỷ lệ cổ phần lần lượt là 51% và 49%. Trong đó, người hưởng lợi cuối cùng của Công ty Nguyên Hàn là phương trượng Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm.

Phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc

Tin tức này đã lọt vào danh sách tìm kiếm nóng của Baidu hôm 7/4. Cư dân mạng nói chung đều tỏ ra không hài lòng.

Cư dân mạng "Wo xin feixiang" cho rằng: "Xã hội loạn thật rồi, hòa thượng không còn làm đúng chức trách của mình nữa".

"➹♠Liu" nói, "Hòa thượng không chuyên tâm nghiên cứu Phật Pháp, mà lại bắt đầu nghiên cứu bất động sản?".

Cũng có cư dân mạng thắc mắc không hiểu tại sao Thiếu Lâm Tự có nhiều tiền như vậy.

"Guilin Moli hua kai" bình luận: "Một hòa thượng mà lại có nhiều tiền đến thế".

"Xing Huan Feng 65" nói: "Ai có thể cho tôi biết tiền của Thích Vĩnh Tín đến từ đâu không?".

"I-AM Wei Chen" bày tỏ, "Tại sao một người xuất gia vào chùa lại tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như vậy? Hay là vì nếm được vị ngọt của đồng tiền nên biến tướng tu hành?”.

Cũng có cư dân mạng cho rằng phần lớn hòa thượng hiện nay đều không chuyên tâm tu hành, có những người là hòa thượng giả.

“Hui” cho rằng: “Đều là hòa thượng giả, là hòa thượng thật thì đều phải đi hóa duyên (khất thực)”.

“Xiatian hen leng gaoxiao shipin" nói: "Đáng buồn thay, thật làm mất mặt Phật giáo".

"Zhongguo quan wang" nhắc nhở cư dân mạng để ý tới ngày đăng ký và vốn của công ty, và đặt nghi vấn về giao dịch này: "Vốn đăng ký là 452 triệu nhân dân tệ, giá đấu thầu cuối cùng cũng là 452 triệu nhân dân tệ, hãy xem ngày đăng ký thành lập công ty!".

Ông Thích Vĩnh Tín và hàng loạt công ty dưới thương hiệu “Thiếu Lâm”

Theo trang web chính thức của Thiếu Lâm Tự, ông Thích Vĩnh Tín có tên thật là Lưu Ứng Thành (Liu Yingcheng), sinh năm 1965, quê ở huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy. Ông này bị cáo buộc là một nhà sư chính trị do một tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhào nặn ra. Ông Thích Vĩnh Tín được cựu Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Triệu Phác Sơ (Zhao Puchu) của ĐCSTQ đề bạt và bắt đầu chủ trì công việc của chùa Thiếu Lâm từ năm 1997, đến năm 1999 trở thành trụ trì.

Ông ta cũng được ĐCSTQ trao cho các chức danh như Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Hà Nam; từng là đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc và ủy viên Ủy ban Liên hợp Thanh niên Toàn quốc Trung Quốc.

Ông Thích Vĩnh Tín thành lập Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Thiếu Lâm Tự Hà Nam (Henan Shaolin Temple Industrial Development Co., Ltd.) vào năm 1998. Ngày nay, hoạt động kinh doanh của công ty này trải dài trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, dịch vụ ăn uống, dược phẩm, quần áo và trang sức, v.v., đồng thời đã đăng ký nhiều công ty và nhãn hiệu dưới thương hiệu “Thiếu Lâm” (Shaolin).

Trong số đó, Công ty TNHH Quản lý Tài sản Vô hình Thiếu Lâm (Shaolin Intangible Assets Management Co.,Ltd.) được thành lập vào năm 1998 với nhiệm vụ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thương hiệu Thiếu Lâm. Kể từ khi thành lập, công ty này đã đầu tư vào 16 công ty trong các lĩnh vực như trà (chè), văn hóa, du lịch, v.v. với tổng số tiền gần 80 triệu nhân dân tệ (12,5 triệu USD); khoản đầu tư lớn nhất lên tới 16 triệu nhân dân tệ (2,5 triệu USD). Ông Thích Vĩnh Tín nắm giữ 80% cổ phần của công ty này.

Thông tin trên Tianyancha cho thấy, ông Thích Vĩnh Tín hiện đang nắm quyền kiểm soát thực tế của 18 doanh nghiệp, chẳng hạn như Công ty TNHH Phát triển Du lịch Văn hóa Tung Đỉnh Hà Nam, Công ty TNHH Trà Thiếu Lâm Tự Tung Sơn Hà Nam, v.v.

Các vụ bê bối của Thích Vĩnh Tín

Thích Vĩnh Tín đã nhiều lần bị người khác dùng tên thật để tố giác việc ông ta "có con ngoài giá thú, bỡn cợt phụ nữ, tham ô tài sản của Thiếu Lâm Tự", v.v.

Ví dụ như vào tháng 7/2015, một bài đăng về Thích Vĩnh Tín đã được lan truyền mạnh trên Internet. Người tố giác là Thích Chính Nghĩa (Shi Zhengyi) cáo buộc Thích Vĩnh Tín có quan hệ nam nữ hỗn loạn, có con ngoài giá thú, chiếm dụng tài sản của chùa Thiếu Lâm và đã bị khai trừ khỏi tăng tịch (sổ ghi chép tên tuổi, quê quán của tăng ni). Thích Chính Nghĩa đã yêu cầu nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và cung cấp nhiều bằng chứng bằng văn bản, thậm chí còn mạnh dạn hét lên: "Thích Vĩnh Tín, ông có dám làm xét nghiệm quan hệ cha con không? Có dám phơi bày sổ sách không?".

Tuy nhiên, dù vướng nhiều scandal nhưng đến nay ông này vẫn chưa bị điều tra. Tờ Caixin của Đại lục từng đăng một bài báo với tiêu đề "Thích Vĩnh Tín: Con đường thăng tiến phong ba nơi cửa Phật". Bài báo tiết lộ rằng một trong những người chống lưng cho Thích Vĩnh Tín là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lý Trường Xuân (Li Changchun).

Ngoài ra, cựu Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Triệu Phác Sơ, người đã đề bạt Thích Vĩnh Tín, chính là thân tín của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Theo lệnh Triệu, Thích Vĩnh Tín đã thành lập Học viện Thư pháp và Hội họa Thiếu Lâm, Công ty Điện ảnh và Truyền hình Thiếu Lâm Tự v.v. trên danh nghĩa thúc đẩy nghiên cứu văn hóa Thiếu Lâm. Vào tháng 7/1999, sau khi tập đoàn Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công, Thích Vĩnh Tín đã có nhiều phát ngôn phỉ báng môn tu luyện này.

Xem thêm: Pháp Luân Công là gì?

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Thiếu Lâm Tự mua đất làm bất động sản, Trụ trì Thích Vĩnh Tín kiểm soát 18 công ty