Mỹ có cần phải “bấn loạn” vì con chip 7 nanomet của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc ca ngợi động thái mới nhất của Huawei là “sự trở lại đầy thắng lợi” và một hành động đánh bại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Nhưng các chuyên gia đánh giá như thế nào về diễn biến mới này? Và Mỹ sẽ cần phải làm gì?

Trước diễn biến đáng chú ý mới trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung, Bộ Thương mại Mỹ cam kết sẽ bảo vệ an ninh quốc gia sau bước đột phá của Trung Quốc trong việc sản xuất chip 7 nanomet mà không cần tiếp cận với thiết bị tiên tiến.

“Hãy rõ ràng: kiểm soát xuất khẩu chỉ là một công cụ trong bộ công cụ của chính phủ Mỹ nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia do Trung Quốc gây ra. Những hạn chế được áp dụng kể từ năm 2019 đã hạ bệ Huawei và buộc hãng này phải tự định hình lại – với chi phí đáng kể mà chính phủ Trung Quốc phải chịu”, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua email.

Người phát ngôn nói thêm rằng bộ đang nghiên cứu để có được “đặc điểm và thành phần” của con chip 7 nanomet được công bố.

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi liên tục làm việc để đánh giá và khi thích hợp, cập nhật các biện pháp kiểm soát của mình dựa trên môi trường đe dọa năng động và chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện hành động thích hợp để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo vào tuần trước, Huawei Technologies Co. đã ra mắt một mẫu điện thoại thông minh mới. Mặc dù Huawei giữ im lặng về các thông số kỹ thuật, nhưng những thông tin chi tiết của công ty nghiên cứu TechInsights đã xác nhận rằng Mate 60 Pro của Huawei sử dụng chip 7nm do Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc vốn được nhà nước hậu thuẫn, sản xuất.

Trung Quốc ca ngợi động thái mới nhất của Huawei là “sự trở lại đầy thắng lợi” và một hành động đánh bại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Mỹ có cần phải “bấn loạn” vì con chip 7 nanomet của Trung Quốc?
Một con chip của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) được trưng bày tại Hội nghị Chất bán dẫn Thế giới 2020 ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 26/8/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Mỹ có cần phải thực sự lo lắng?

Kể từ thời chính quyền Trump, Mỹ đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các năng lực sản xuất chip tiên tiến, động lực chính cho kế hoạch thống trị kinh tế và quân sự của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tin tức về sự thành công của Trung Quốc ở cấp độ 7 nanomet, một chỉ số về sức mạnh tính toán của chip, được một số người coi là một cú sốc và một đòn giáng nặng nề lên Mỹ.

Nhưng những người khác nói rằng sự việc đã được đánh giá quá cao. Rốt cuộc, Trung Quốc đã phá vỡ rào cản 7 nanomet 5 năm sau công ty dẫn đầu thế giới là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). TSMC đã đạt được mục tiêu sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet - loại chip tiên tiến nhất thế giới. IPhone 15 mới sẽ được phát hành vào cuối tháng này được nhiều người dự đoán sẽ là thiết bị đầu tiên sử dụng con chip này.

Ông Ray Yang, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành bán dẫn và là giám đốc của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI), một tổ chức tư vấn có ảnh hưởng ở Đài Loan, là một trong số đó.

Ông Yang nói với The Epoch Times rằng mặc dù chip 7 nanomet là một thành tựu quan trọng nhưng nếu không được tiếp cận với thiết bị và công nghệ xử lý tiên tiến, sự phát triển của Huawei sẽ bị đình trệ.

Ông nói rằng những diễn biến mới sẽ tiếp tục diễn ra khi Apple và các đối thủ nội địa của Huawei sử dụng chip Qualcomm của Mỹ với những con chip nhanh hơn và mạnh hơn.

“Nhưng Huawei sẽ dừng lại ở quy trình 7 nanomet. Không có hy vọng về bất kỳ sự tiến triển nào”, ông nói.

Ông James Lewis, giám đốc Chương trình Chính sách công và Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết Trung Quốc đã tìm ra giải pháp thay thế cho công nghệ bị cấm. Ông nói, đây là biện pháp phản ứng tự nhiên đối với các động thái kiểm soát xuất khẩu và điều đó không có nghĩa là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã thất bại.

Ông Lewis nói với The Epoch Times: “Họ không nhận ra rằng [các biện pháp kiểm soát xuất khẩu] có thời hạn sử dụng”, đề cập đến những người cho rằng con chip mới của Huawei là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực ngăn chặn công nghệ của Mỹ.

“Kiểm soát xuất khẩu thực sự có hiệu quả trong vài năm đầu. Và sau đó người ta tìm ra cách để vượt qua chúng”. Ông Lewis ví sự năng động đó giống như một trận đấu quần vợt.

Trong trường hợp này, ông cho rằng Huawei đã nhanh chóng đánh trả lại bóng. “Với mức độ liên kết giữa các nền kinh tế, cuộc sống ngắn hơn nhiều so với trước đây”.

Mối nghi ngờ về gián điệp công nghiệp

Việc Trung Quốc sản xuất chip 7 nanomet không phải là tin mới. Vào tháng 7/2022, SMIC đã sản xuất chip khai thác Bitcoin 7 nanomet. Chip điện thoại thông minh mới nhất còn phức tạp hơn thế.

Ông Yang tin rằng SMIC đã sử dụng máy sản xuất chip in thạch bản tia cực tím sâu (DUV), loại máy này không nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu cho đến năm nay và có khả năng sản xuất chip 7 nanomet, để sản xuất chip cho Huawei.

Với tư cách là nhà nghiên cứu chính của nhóm liên ngành bán dẫn cho cơ quan khoa học chính của Đài Loan, ông Yang theo dõi chặt chẽ các bằng sáng chế toàn cầu.

Ông rất nghi ngờ rằng quy trình công nghệ mà SMIC sử dụng để sản xuất chip 7 nanomet có liên quan tới một số vi phạm sở hữu trí tuệ. Ông nói, một cách để xác minh giả định này là xem liệu Huawei có xuất khẩu mẫu điện thoại thông minh mới của mình sang châu Âu và Mỹ hay không. Nếu đây là công nghệ bị đánh cắp và Huawei xuất khẩu điện thoại mới, hãng sẽ gặp rủi ro pháp lý đáng kể.

Ông Lewis cũng cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu SMIC có được chip 7 nanomet mới nhất thông qua hoạt động gián điệp công nghiệp.

Ông nói: “Trung Quốc rất hung hãn trong hoạt động gián điệp và có lẽ họ là nước hung hãn nhất thế giới về đánh cắp công nghệ”. “Vì vậy [đó] không phải là một điều hoàn toàn bất ngờ”.

Điều gì sẽ ngăn được Trung Quốc?

Nếu không được tiếp cận với máy in thạch bản tia siêu cực tím (EUV), thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới do ASML sản xuất độc quyền, bước tiếp theo của Trung Quốc nhằm có được chip 5 nanomet sẽ khó khăn hơn nhiều. Việc xuất khẩu công nghệ này sang Trung Quốc đã bị hạn chế kể từ năm 2019.

Ông Yang cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tiếp tục cố gắng sản xuất chip 5 nanomet và 3 nanomet bằng thiết bị DUV, vì quyền truy cập của họ vào các hệ thống EUV cao cấp hơn bị chặn.

Chuyên gia này ví cuộc đua chip giống như cuộc đua leo núi. Những người có bình oxy, lều và các thiết bị tiên tiến có thể lên tới đỉnh và quay trở lại một cách an toàn. Tỷ lệ thành công đối với những người không có thiết bị phù hợp sẽ thấp hơn nhiều, khiến hoạt động này không bền vững.

Theo ông, tỷ lệ năng suất – tỷ lệ chip chất lượng trong số tất cả các chip được cắt từ tấm bán dẫn silicon – đối với chip 5 nanomet do DUV sản xuất có thể thấp tới 10 đến 20%. Tỷ lệ sản lượng của chip 3 nanomet do DUV sản xuất có thể bằng 0.

Nhưng tỷ lệ năng suất thấp như vậy sẽ không ngăn cản được ĐCSTQ, do họ khao khát những con chip tiên tiến dành cho các ứng dụng quân sự. Ông Yang dự đoán chế độ này sẽ tiếp tục cố gắng sản xuất chip 5 nanomet, thứ cần thiết cho một loạt công nghệ quân sự, bao gồm các linh kiện máy bay chiến đấu và siêu máy tính giúp cải tiến thiết kế máy bay.

Mỹ cần làm gì tiếp theo?

Ông Lewis cho biết bước đầu tiên của Mỹ là tìm hiểu xem người Trung Quốc chế tạo chip điện thoại thông minh 7 nanomet như thế nào. Sau đó, chính quyền Mỹ nên xem xét các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại và xác định những gì có thể làm để tăng cường chúng.

Mỹ có cần phải “bấn loạn” vì con chip 7 nanomet của Trung Quốc?
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 5/9/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Tại cuộc họp hôm thứ Ba (05/09), cố vấn an ninh quốc gia Toà Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết Mỹ muốn biết các thông tin chi tiết về chip điện thoại thông minh 7 nanomet.

“Tôi sẽ từ chối bình luận về con chip cụ thể được đề cập cho đến khi chúng tôi có thêm thông tin về đặc điểm và thành phần chính xác của nó”, ông nói, trả lời câu hỏi liệu con chip mới có nghĩa là đã có sự vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ hay lệnh kiểm soát xuất khẩu đã thất bại.

“Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, điều mà nó cho chúng ta biết, dù thế nào đi nữa, là Mỹ nên tiếp tục thực hiện một loạt các hạn chế về công nghệ ‘sân nhỏ, hàng rào cao’, tập trung hẹp vào các mối lo ngại về an ninh quốc gia, chứ không phải vào câu hỏi rộng hơn về vấn đề tách rời thương mại”, ông nói thêm. (Sân nhỏ, hàng rào cao: tập trung lập hàng rào thích hợp trong một số lĩnh vực cụ thể được xác định).

Qua nhiều năm, “mảnh sân nhỏ” dường như ngày càng mở rộng.

Vào tháng 5/2020, chính quyền Trump đã chặn Huawei mua chip từ các nhà sản xuất toàn cầu. 7 tháng sau, Mỹ bổ sung SMIC vào danh sách đen thương mại nhằm ngăn chặn SMIC tiếp cận công nghệ chip tiên tiến.

ASML, công ty Hà Lan độc quyền về thiết bị sản xuất chip in thạch bản tiên tiến, đã bị hạn chế bán máy EUV cho Trung Quốc kể từ năm 2019. Vào năm 2023, danh sách được mở rộng để bao gồm các hệ thống DUV tiên tiến, có hiệu lực từ ngày 1/9.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ông Yang cho biết bước tiếp theo của Mỹ có thể là kiểm soát công nghệ đóng gói tiên tiến. Quá trình này xếp chồng các chip để tăng sức mạnh tính toán. Ví dụ: thay vì chip 3 nanomet, người ta có thể xếp chồng các chip 7 nanomet lại với nhau để đạt được mức sức mạnh tính toán tương tự.

Công nghệ đặc biệt là cần thiết để làm cho những con chip xếp chồng lên nhau này hoạt động như một. Vì vậy, khi ĐCSTQ không thể sở hữu thiết bị sản xuất tiên tiến hoặc không có giấy phép thích hợp cho công nghệ đó, một lối thoát có thể là sử dụng công nghệ đóng gói tiên tiến để đạt được kết quả tương tự.

Cục Công nghiệp và An ninh, cơ quan của Bộ Thương mại chịu trách nhiệm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, không bình luận về việc liệu cơ quan này có đang cân nhắc việc đặt ra các hạn chế đối với công nghệ đóng gói tiên tiến hay không.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ có cần phải “bấn loạn” vì con chip 7 nanomet của Trung Quốc?