Đòn 'ăn miếng trả miếng' mới của Mỹ sẽ làm chậm bước tiến công nghệ của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào một số lĩnh vực công nghệ Trung Quốc là động thái ăn miếng trả miếng mới nhất giữa hai nước. Nó chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh trả đũa.

Cuối cùng, chính quyền Biden đã ban hành một sắc lệnh được chờ đợi từ lâu nhằm ngăn cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc. Tòa Bạch Ốc nói rằng nó đã được suy tính trong hơn một năm và phản ánh tất cả các loại thỏa hiệp trong chính phủ và ngành công nghiệp.

Lệnh cấm đầu tư song song với một sắc lệnh ban hành vào cuối năm ngoái nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu một số loại công nghệ nhất định của Mỹ sang Trung Quốc. Sắc lệnh mới này, nếu có hiệu lực, chắc chắn sẽ làm chậm tốc độ phát triển công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên nó sẽ không thể ngăn cản được sự phát triển đó. Là động thái ăn miếng trả miếng mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington, nó chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh trả đũa.

Một số người trong Quốc hội sẽ thích một cái gì đó nghiêm trọng hơn những gì Tòa Bạch Ốc đã ban hành. Hạ nghị sĩ Mike Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin) và ủy ban Hạ viện dành riêng cho Trung Quốc muốn phạm vi đầu tư bị cấm rộng hơn nhiều. Ngành công nghiệp đầu tư, rất dễ hiểu, muốn có ít ràng buộc hơn. Dù sao đi nữa, đây cũng là lần đầu tiên Washington áp đặt lệnh cấm đầu tư ra nước ngoài đối với các công ty Mỹ.

Thông tin có sẵn vào thời điểm ban đầu này cho thấy sắc lệnh này sẽ cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực điện toán lượng tử, vi điện tử, cảm biến và mạng, chất bán dẫn tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI). Nó nhằm mục đích hạn chế nguồn hỗ trợ cho việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và sử dụng khái niệm an ninh quốc gia của Mỹ như là lời biện minh. Các lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng cho các khoản đầu tư mới, không phải các thương vụ hiện có và sắc lệnh sẽ yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính. Sắc lệnh này nhằm vào các công ty cổ phần tư nhân, hoạt động đầu tư mạo hiểm và các liên doanh của Mỹ tại Trung Quốc. Những bên vi phạm lệnh này sẽ bị phạt tiền và buộc phải thoái vốn khỏi các hoạt động bị cấm.

Washington đã hết sức nhấn mạnh rằng những hạn chế chỉ tập trung vào một phạm vi hẹp. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã mô tả sắc lệnh này là “có tính nhắm mục tiêu cao”. Nhưng như mọi khi, các lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh doanh và đầu tư hơn so với nội dung nghiêm ngặt của sắc lệnh. Doanh nghiệp nhận thức rõ rằng ngay cả luật được viết chặt chẽ nhất cũng chừa lại không gian giải thích luật cho các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt khi có liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia. Ngay cả những người xây dựng luật cũng cho biết họ gặp khó khăn trong việc xác định những gì cấu thành nên AI. Do đó, các nhà đầu tư sẽ tránh xa mọi hoạt động gần với danh sách bị cấm.

Lệnh cấm sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc

Ít nhất một công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ, Sequoia Capital, đã tách rời hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm vào năm ngoái xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua là 8,2 tỷ USD. Các khoản đầu tư vốn mạo hiểm đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm chỉ còn 1,3 tỷ USD. Thực ra, các nhà đầu tư Mỹ đang tỏ ra cân nhắc trước thị trường Trung Quốc vì một số lý do khác, có ít liên quan đến sắc lệnh mới của Tòa Bạch Ốc. Nhưng động thái này của Tổng thống Mỹ, kết hợp với những lo ngại về cách giải thích mở rộng của Washington, sẽ chỉ củng cố thêm những lo ngại và đẩy nhanh việc tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Các lệnh cấm đầu tư sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc, quốc gia phụ thuộc phần lớn vào kiến thức kỹ thuật do dòng vốn đầu tư nước ngoài mang lại. Thiệt hại sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc chịu áp lực từ Washington để đưa ra các lệnh cấm tương tự. Nhật Bản và Đức đã cho thấy dấu hiệu áp đặt các quy định tương tự. Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia khác noi gương Mỹ, thì ở mức tối đa, những hạn chế này chỉ có thể làm chậm quá trình làm chủ công nghệ của Trung Quốc. Lịch sử cho thấy rằng những nỗ lực hạn chế sự lan truyền của công nghệ luôn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trong khi chờ đợi, tất cả - Mỹ, các quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc - đang chờ đợi sự trả đũa không thể tránh khỏi của Bắc Kinh.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Đòn 'ăn miếng trả miếng' mới của Mỹ sẽ làm chậm bước tiến công nghệ của Trung Quốc