Cuộc chiến chip Mỹ - Trung 'nóng càng thêm nóng'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xung đột về chất bán dẫn đang là tâm điểm của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, đây còn là thời khắc vô cùng nguy hiểm đối với Mỹ.

Cuộc chiến chip Mỹ - Trung đang nóng lên. Hai siêu cường lớn nhất thế giới đang xung đột với nhau về các chất bán dẫn. Đây là thứ ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến cuộc sống của chúng ta, từ chiếc máy nướng bánh mì thông minh hoạt động vào buổi sáng cho đến những gì chúng ta viết cho bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của mình bằng ChatGPT vào buổi chiều.

Các tấm bán dẫn silicon mới nhất, với các bóng bán dẫn nhỏ như vi-rút, phục vụ các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh nhất, thứ sẽ quyết định thành công trên các chiến trường kinh tế và quân sự thế kỷ 21. AI có thể khiến loài người tuyệt chủng nếu nó thoát khỏi sự kiểm soát của con người và tự xác định mục tiêu của mình hoặc nằm dưới sự kiểm soát của một cá nhân có ác ý như tin tặc.

Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào việc ai kiểm soát AI và ai kiểm soát những con chip mạnh nhất mang lại sức mạnh điện toán không thể thiếu cho AI cũng như các công nghệ hàng đầu khác trong lĩnh vực kinh tế và quân sự.

Do đó, các nhà sản xuất chip máy tính, những người có thể lỡ tay khiến các công nghệ then chốt rơi vào tay các quốc gia thù địch - đáng chú ý nhất là Trung Quốc - đang nhận được sự quan tâm ngày càng gia tăng từ các nhà chức trách ở Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, nơi các con chip hàng đầu được thiết kế và sản xuất.

Tăng cường kiểm soát chip

Chính quyền Biden đang xem xét các biện pháp kiểm soát chip mới và các hạn chế đầu tư ra nước ngoài sau các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 10 của Bộ Thương mại Mỹ - một động thái mà The New York Times gọi là “hành động gây chiến”. Vào mùa thu năm 2022, cơ quan này đã nối tiếp các biện pháp kiểm soát áp đặt lên Huawei của chính quyền Trump bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt nhất chưa từng có đối với công nghệ chip, cùng với sự phối hợp của Đài Loan, Nhật Bản và Hà Lan.

Trung Quốc nhập khẩu nhiều chip máy tính tính theo giá trị hơn dầu mỏ và lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nhật Bản đã châm ngòi cho cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941. Vì vậy, phép ẩn dụ về chiến tranh không hoàn toàn là vô nghĩa. Bắc Kinh đang sử dụng các biện pháp mạnh trong nỗ lực khẳng định quyền bá chủ toàn cầu của mình, và các nền dân chủ buộc phải đáp trả cũng bằng các biện pháp mạnh tay. Liên minh của Bắc Kinh với Moscow, và các cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine, đang làm tăng thêm cảm giác báo động toàn cầu. Từ tháng 11 đến tháng 12, xuất khẩu mạch tích hợp của Trung Quốc sang Nga đã tăng khoảng 350%.

Do đó, kế hoạch tăng cường kiểm soát chip đối với Trung Quốc của Washington có ý nghĩa an ninh quốc gia quan trọng đối với cả châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, các công ty chip lớn nhất của Mỹ, những đối tượng đã được hưởng lợi từ khoảng 63 tỷ USD Mỹ trong các khoản trợ cấp và giảm thuế của Đạo luật Tạo ra các Khuyến khích Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn (CHIPS), lại phản đối các hạn chế này. Khách hàng lớn nhất của họ là ở Trung Quốc. Đây vốn là “công xưởng của thế giới”, nơi sản xuất hầu hết các sản phẩm điện tử, chưa kể nó còn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển tới các chế độ nguy hiểm nhất thế giới.

Vào ngày 17/07, các giám đốc điều hành của Intel, Qualcomm và Nvidia đã vận động hành lang các quan chức chính quyền Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa - Florida) đã phản đối nỗ lực này. “Những người đứng đầu Intel, Nvidia và Qualcomm đang đặt lợi nhuận lên trên an ninh quốc gia", ông nói trong một tuyên bố ngày 19/07. “Những CEO này đang vận động hành lang chống lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được thiết kế để ngăn Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp cận công nghệ AI”.

Ông Rubio lưu ý rằng vốn và chip của Mỹ đang gia tăng sức mạnh cho chế độ Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc có được các chip AI tiên tiến". “Tôi kêu gọi Chính quyền Biden và các đồng nghiệp trong quốc hội của tôi giữ vững lập trường và không nhượng bộ trước cuộc vận động hành lang vào phút cuối của các CEO này”.

Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do Hạ nghị sĩ Mike Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin) và Raja Krishnamoorthi (Dân chủ - Illinois) đồng chủ tịch, đã triệu tập Qualcomm và các nhà đầu tư vào các công ty công nghệ của Trung Quốc để xem xét tính khả thi của việc hạn chế đầu tư vốn mạo hiểm vào các công nghệ nhạy cảm như AI, điện toán lượng tử và sản xuất chip. Ủy ban tuyên bố rằng, các công ty công nghệ ở Trung Quốc góp phần vào các hành vi vi phạm nhân quyền và hiện đại hóa quân đội của chế độ này, đe dọa đến an ninh quốc gia và sự thống trị về công nghệ của Mỹ. Không những thế, các nhà đầu tư chịu một số trách nhiệm cho những hậu quả tiêu cực này.

Thời khắc nguy hiểm nhất

Tình trạng thất thoát công nghệ đang diễn ra, khi 30.000 chuyên gia tại các công ty công nghệ lớn nhất châu Âu trong hai thập kỷ qua đã chuyển đến Trung Quốc. Đây được coi là một sự “chảy máu chất xám” được thúc đẩy bởi tham vọng viễn thông và bán dẫn của Bắc Kinh.

“Các quan chức Mỹ đã cảnh báo trong nhiều năm rằng Trung Quốc khuyến khích hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ bằng một hệ thống lớn bao gồm trợ cấp tiền mặt, giảm thuế và các đặc quyền khác, được thiết kế để thuyết phục công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài mang về kiến thức chuyên môn và bí mật thương mại”, theo Bloomberg.

Mỹ và các đồng minh đã bị ĐCSTQ làm khó trong thời điểm đặc biệt. Đây đang trở thành thời khắc nguy hiểm nhất của Mỹ, giữa cuộc đấu tranh cho các giá trị tự do và dân chủ, thứ là cơ sở hình thành nước Mỹ. Bây giờ, họ phải bù đắp cho thời gian đã mất.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến chip Mỹ - Trung 'nóng càng thêm nóng'