Vật lộn với lệnh trừng phạt của Mỹ, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc thay 2 Chủ tịch trong 2 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả hoạt động yếu kém, triển vọng sản xuất chip 7nm mù mịt, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc vừa bổ nhiệm Chủ tịch mới lần thứ 2 trong 2 năm.

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), đã công bố bổ nhiệm Chủ tịch mới vào ngày 17/07.

Phó chủ tịch Liu Xunfeng thay thế cựu chủ tịch Gao Yonggang, người mà công ty cho biết đã từ chức do “điều chỉnh công việc”. SMIC đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào thêm trong tuyên bố của mình với Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Ông Gao được bổ nhiệm làm quyền chủ tịch vào tháng 09/2021 khi Chủ tịch tiền nhiệm Zhou Zixue từ chức vì lý do sức khỏe.

Đây là lần thứ hai SMIC bổ nhiệm mới vị trí lãnh đạo cấp cao chỉ trong hai năm. Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc bổ nhiệm có liên quan đến việc Bắc Kinh buộc phải đối phó với áp lực gia tăng từ các lệnh trừng phạt chip của Mỹ.

Vị Chủ tịch mới, ông Liu, 58 tuổi, có nền tảng về hóa học và từng làm việc cho các công ty năng lượng do chính phủ tài trợ như Shanghai Petrochemical, Shanghai Huayi (Group), v.v.

Ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh trừng phạt của Mỹ

SMIC đã mất một số nhân vật lãnh đạo hàng đầu kể từ năm 2020, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế quyền tiếp cận của họ đối với các thiết bị tiên tiến để sản xuất chip tiên tiến.

Từ năm 2021 đến năm 2022, công ty trải qua sự từ chức của ông Zhou cũng như của chuyên gia kỳ cựu trong ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan và cựu giám đốc điều hành TSMC, ông Chiang Shang-yi. Ngoài ra, ba thành viên của ban kỹ thuật đã rời đi, cũng như cựu giám đốc điều hành và người sáng lập Arm, ông William Tudor Brown.

Sau sự bổ nhiệm mới tại SMIC, một cư dân mạng đã phản hồi rằng việc từ chức của hai nhân vật lãnh đạo hàng đầu trong hai năm chỉ có thể có một ý nghĩa: “Nhà sản xuất chip tốt nhất của Trung Quốc không thể sản xuất chip 7nm như điều bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc muốn bạn tin tưởng”.

Năm ngoái, một báo cáo của TechInsights đã kết luận rằng Trung Quốc có thể đã tạo thành công chip 7nm vào đầu năm 2021.

Tuy nhiên, SMIC dường như vẫn không thể sản xuất chip 7nm thực sự một cách cạnh tranh nếu không có máy in khắc siêu cực tím (EUV) hiện đại do công ty ASML của Hà Lan sản xuất.

Vào năm 2022, để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích đối ngoại của mình, Mỹ tiếp tục đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc có được chip máy tính tiên tiến, phát triển và bảo trì siêu máy tính cũng như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Kết quả hoạt động yếu kém của SMIC cũng phản ánh tác động của các biện pháp trừng phạt.

Vào ngày 17/07, cổ phiếu của SMIC đóng cửa ở mức 48,77 CNY (nhân dân tệ)/cổ phiếu. Tổng giá trị thị trường của công ty ở mức 386,55 tỷ CNY, chưa bằng 60% giá trị thị trường hơn 650 tỷ CNY vào ngày IPO vào năm 2020.

Báo cáo tháng 5 của SMIC cho thấy doanh thu quý 1 của công ty là khoảng 10,209 tỷ CNY, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là khoảng 1,591 tỷ CNY, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Thiệt hại được cho là do sự suy giảm trong việc tận dụng công suất.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vật lộn với lệnh trừng phạt của Mỹ, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc thay 2 Chủ tịch trong 2 năm