Bước ngoặt đầy kịch tính trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với lịch sử của công nghệ và đổi mới, việc Bắc Kinh tìm ra cách đối phó các lệnh cấm chip do Mỹ dẫn dắt chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, sự kiện đó dường như đã xảy ra nhanh hơn và nhiều kịch tính hơn so với điều mà người ta mong đợi khi các lệnh hạn chế của Mỹ có hiệu lực vào năm ngoái.

Trung Quốc dường như đã mở ra một mặt trận khác trong cuộc chiến chip với Mỹ. Bất chấp lệnh cấm của Washington trong việc bán chip bán dẫn và thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc, Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) có trụ sở tại Thượng Hải giờ đây dường như đã sở hữu quyền tiếp cận nội địa với các chip tiên tiến, điều có thể khiến các lệnh cấm của Mỹ trở nên vô nghĩa.

Với lịch sử của công nghệ và đổi mới, việc Bắc Kinh tìm ra cách đối phó các lệnh cấm do Mỹ dẫn dắt chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, sự kiện đó dường như đã xảy ra nhanh hơn và nhiều kịch tính hơn so với điều mà người ta mong đợi khi các lệnh hạn chế của Mỹ có hiệu lực vào năm ngoái. Giờ đây, đã đến lúc Washington thực hiện động thái tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ ăn miếng trả miếng Trung - Mỹ.

Nỗ lực của chính quyền Biden nhằm ngăn chặn tham vọng công nghệ của Trung Quốc chủ yếu được xây dựng dựa trên Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022. Nó phân bổ trợ cấp cho các nhà sản xuất chip để xây dựng hoạt động vận hành tại Mỹ, đồng thời ban hành lệnh cấm bán chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc. Thành công lớn nhất của nó đến ngay sau khi đạo luật được thông qua khi Toà Bạch Ốc thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan hưởng ứng các quy định của Mỹ. Đặc biệt quan trọng là thỏa thuận của công ty ASML Holding có trụ sở tại Hà Lan về việc ngừng bán sang Trung Quốc các máy in thạch bản cực tím tiên tiến nhất để sản xuất chất bán dẫn. Vào thời điểm đạt được thỏa thuận, lãnh đạo ASML khẳng định lệnh cấm sẽ chỉ khuyến khích người Trung Quốc phát triển các thiết bị tương tự cho mình và tất cả chỉ là vấn đề thời gian trước khi ngày đó đến.

Giờ đây, thậm chí còn sớm hơn dự đoán của ban lãnh đạo ASML, Trung Quốc dường như đã làm được điều đó. Theo tờ Securities Daily có trụ sở tại Bắc Kinh, Tập đoàn Thiết bị Điện tử Vi mô có trụ sở tại Thượng Hải đã phát triển một máy in thạch bản có khả năng sản xuất các bóng bán dẫn tương đương với các bóng bán dẫn được sản xuất bởi thiết bị ASML, vốn là linh kiện cần thiết cho điện thoại thông minh, máy tính và vũ khí tiên tiến.

Vấn đề ở đây vẫn luôn là về kích cỡ. Một cỗ máy có thể tạo ra các bóng bán dẫn càng nhỏ thì nó càng có thể lắp vừa vào một con chip. Người ta cho rằng Trung Quốc không thể chế tạo được bóng bán dẫn nhỏ hơn 7 nm, thang đo dùng để đo kích thước của chúng. Bây giờ, có vẻ như người Trung Quốc đã phá vỡ rào cản đó và hiện đang tiến gần đến các bóng bán dẫn thậm chí còn nhỏ hơn 5 nm.

Hai câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Các máy móc mới của Trung Quốc có thể so sánh ra sao với các thiết bị hiện có ở Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan? Người Trung Quốc có thể tận dụng bước đột phá này nhanh đến mức nào để đẩy nhanh quá trình phát triển chip tiên tiến? Nếu công nghệ mới của Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế và trì hoãn, thì ta sẽ phải chờ đợi để quan sát sự khác biệt mà nó tạo ra đối với cuộc chiến chip Mỹ - Trung. Còn nếu các câu trả lời cho 2 câu hỏi trên là tích cực thì Trung Quốc rõ ràng đã thắng vòng đấu này, và việc cạnh tranh với Mỹ sẽ chuyển sang một chương khác.

Bài học quan trọng

Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh trước lệnh cấm của Washington sẽ mang lại ít nhất một bài học quan trọng cho các chiến lược gia về kinh tế và ngoại giao. Bất kỳ lệnh cấm nào, chẳng hạn như thứ Washington dàn xếp vào năm 2022, hiếm khi có tác dụng lâu dài, đặc biệt là khi, như trong trường hợp của Đạo luật Khoa học và CHIPS, chúng nhằm mục đích ngăn chặn sự lan rộng của công nghệ. Giới quản lý ASML dường như đã tiên đoán một cách chính xác với lời cảnh báo về những gì Trung Quốc sẽ làm. Nhìn rộng hơn, có một bài học thứ hai. Nó liên quan đến chính sách công nghiệp đằng sau Đạo luật Khoa học và CHIPS cũng như quan điểm kinh tế của ông Biden về vấn đề đó. Bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy được tương lai nên bất kỳ động thái có phạm vi tác động lớn nào - của chính phủ hoặc một công ty - thường sẽ không đạt mục đích.

Hãy xem xét lệnh cấm bán chip và thiết bị sản xuất chip của Washington cho Trung Quốc. Các chi tiết cụ thể trong luật nhất thiết phải dựa trên các tình huống tồn tại vào thời điểm nó được thông qua, ai sở hữu công nghệ nào và công nghệ nào đang phát triển. Nhưng mọi thứ luôn phát triển trong kinh tế, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ. Trong trường hợp này, Trung Quốc dường như đã bắt kịp phương Tây, khiến các lệnh cấm trở nên vô nghĩa.

Các mục tiêu của Mỹ có thể dễ dàng bị đổ vỡ nếu một loại đột phá công nghệ khác có thể làm cho tất cả các con chip và thiết bị hiện có trở nên lỗi thời. Chẳng hạn vào những năm 1980, nỗ lực thống trị ngành sản xuất chip của Nhật Bản đã không thành công khi Intel đưa ra bộ vi xử lý. Thay vì cố gắng kiểm soát khả năng tiếp cận những gì hiện có, Washington lẽ ra nên làm tốt hơn để giúp các công ty không gặp phải cản trở trong việc phát triển thế hệ công nghệ tiếp theo.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bước ngoặt đầy kịch tính trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung?