Người trong cuộc phơi bày cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc đang phải gánh chịu nhiều áp lực dưới các cuộc đàn áp của Bắc Kinh. Chiêu bài chống tội phạm dường như giúp Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu tới các doanh nhân và tịch thu khối tài sản đáng kể mà họ đã tích lũy.

Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường đàn áp các doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây, các quan chức đã biện minh cho hành động này bằng cách coi đây là một nỗ lực nhằm chống lại hoạt động tội phạm trong khu vực tư nhân, theo hai cựu doanh nhân, những người tuyên bố đã bị chính quyền nhắm tới vì tài sản của họ.

Họ nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng nhiều doanh nhân tư nhân đã mất đi tài sản, từ hàng chục triệu đến hàng tỷ USD. Các thành viên gia đình, đối tác kinh doanh và nhân viên của họ cũng bị liên lụy và bị giam giữ trong cuộc đàn áp.

‘Kẻ chạy trốn thông báo đỏ'

Từng là chủ sở hữu của một nhà máy sản xuất đồ nội thất, một số mỏ và tiệm cầm đồ, ông Chen Ting chứng kiến tất cả công việc kinh doanh của mình phải đóng cửa vào tháng 5/2020. Gần 20 người trong gia đình và nhân viên của ông đã bị bắt và bị kết án từ 1 năm đến 19 năm.

Cảnh sát đã lục soát nhà và cơ sở kinh doanh của ông ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Chỉ qua một đêm, khối tài sản trị giá hàng tỷ USD của ông đã bị phong tỏa và tịch thu mà không có cơ sở pháp lý.

Ông Chen nói với The Epoch Times: “Bất động sản và công ty của tôi đã bị bán đấu giá, tài sản bị lấy đi và luật sư ngay lập tức bị trục xuất khỏi hiện trường, không còn chỗ để thương lượng”.

Ông Chen không có mặt ở đó để đối phó với chính quyền vì lúc đó ông đang đến Hong Kong, nhưng chính quyền được cho là đã đưa ra “thông báo đỏ” của Interpol đối với ông.

Luật pháp Trung Quốc quy định rằng “thông báo đỏ” cho phép cơ quan chức năng tịch thu tài sản “bất hợp pháp” của một “kẻ chạy trốn thông báo đỏ”.

Theo ông Chen, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cáo buộc các thành viên trong gia đình và nhân viên của ông tham gia vào tội phạm có tổ chức, coi họ là một phần của thế giới ngầm nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Ông nói, sau các vụ bắt giữ, chính quyền đã công khai kêu gọi trình báo và cung cấp thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra.

Ông Chen cho biết cái gọi là chiến dịch chống tội phạm của ĐCSTQ đã đặt ra hạn mức về số vụ án và tài sản cần bị xử lý cho mỗi tỉnh.

Ví dụ, ở tỉnh Sơn Đông, các quan chức địa phương đã ca ngợi thành tựu của chiến dịch trong vòng chưa đầy một tháng: hơn 13.000 người đã bị bắt và tài sản trị giá hơn 263 triệu USD đã bị tịch thu, theo báo cáo của China Daily năm 2018.

Người trong cuộc phơi bày cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh
Tờ tiền 100 CNY của Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/9/2016. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

560 triệu USD bị tịch thu, ba thế hệ lao đao

Ông Sun Jinliang, một doanh nhân khác đến từ Giang Tây hiện đang cư trú tại Canada, dường như cũng đã bị nhắm mục tiêu bởi chính quyền Trung Quốc.

Ông Sun tin rằng ông có thể đã xúc phạm một quan chức địa phương, và sự giàu có của ông có thể đã thúc đẩy chính quyền “tạo ra" các lời buộc tội nhắm tới ông và tịch thu tài sản của ông.

Ông Sun cho biết ĐCSTQ đã tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại ông một cách bất hợp pháp. Giống như ông Chen, ông Sun đã không bị bắt vì lúc đó ông đang đi thăm Hong Kong. Thay vào đó, chính quyền đã bắt giữ các thành viên trong gia đình và nhân viên của ông, sau đó kêu gọi cung cấp bằng chứng phạm tội thông qua các thông báo trực tuyến.

Ông nói với The Epoch Times rằng khi chính quyền không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào, họ đã dùng đến biện pháp ép buộc các thành viên trong gia đình và nhân viên của ông phải thú tội bằng cách tra tấn.

Thông báo trực tuyến từ Cục Công an Giang Tây kêu gọi công chúng cung cấp bằng chứng liên quan đến “tội ác” bị cáo buộc của ông Sun và anh/em trai của ông vẫn còn có thể truy cập được trên mạng.

Ông tuyên bố rằng tài sản trị giá khoảng 560 triệu USD đã bị tịch thu, ảnh hưởng đến ba thế hệ trong gia đình ông.

Theo ông Sun, mẹ ông bị suy sụp tinh thần sau cuộc đột kích vào nhà và sau đó qua đời. Hai người bạn của ông không thể chịu đựng được áp lực trong quá trình thẩm vấn và cả hai được cho là đã tự sát vào đêm trước khi được thả.

Nhà chức trách cáo buộc ông Sun và người anh em của ông, ông Sun Bocheng, đứng đầu một tổ chức tội phạm. Năm 2021, ĐCSTQ đưa ra thông báo đỏ của Interpol đối với anh/em trai ông, dẫn đến việc người này bị bắt khi đến Croatia và bị giam 11 tháng. Tòa án Croatia yêu cầu Bộ Công an Trung Quốc cung cấp bằng chứng chứng minh các cáo buộc trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, sau 60 ngày chờ đợi, không có bằng chứng nào được đưa ra. Do đó, ông Sun Bocheng được trả tự do vô điều kiện vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, vụ việc đã ảnh hưởng đến tinh thần của ông và ông đột ngột qua đời vào năm 2023, ngay sau sinh nhật lần thứ 50 của mình.

Vào tháng 4/2021, chính quyền Giang Tây đã ca ngợi thành tích của họ trong chiến dịch kéo dài 3 năm từ 2018 đến 2020, khẳng định tỉnh này đứng thứ 3 toàn quốc. Họ tuyên bố đã triệt phá 1.218 nhóm tội phạm, nhiều bằng tổng số của thập kỷ trước và thu giữ tài sản với tổng trị giá gần 4 tỷ USD.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin về thành tích của chiến dịch toàn quốc được khởi xướng vào tháng 1/2018, tuyên bố rằng 12.485 nhóm tội phạm đã bị tiêu diệt tính đến tháng 1/2020.

Đài truyền hình nhà nước CCTV, trong một chương trình truyền hình năm 2021, cũng ca ngợi thành công của chính quyền trong việc “nhổ bật rễ nền tảng kinh tế của các tập đoàn tội phạm” bằng cách tịch thu tài sản trị giá 83,75 tỷ USD.

Tuy nhiên, chiến dịch kéo dài ba năm chưa bao giờ dừng lại; nó đã trở thành một hoạt động thường lệ. Bộ Công an báo cáo đã triệt phá 4.048 nhóm tội phạm và giải quyết 58.000 vụ án liên quan tính đến cuối năm 2023.

Ông Sun chỉ ra rằng các cáo buộc như hối lộ và gây quỹ bất hợp pháp chỉ được coi là “nhỏ nhặt” đối với các chủ doanh nghiệp. Lời buộc tội đáng sợ nhất đối với họ là liên quan đến tội phạm có tổ chức, điều này sẽ cho phép ĐCSTQ tịch thu và sung công tất cả tài sản cá nhân và doanh nghiệp.

Tấm vé một chiều dẫn đến ngồi tù

Khi được hỏi về việc ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các doanh nhân tư nhân, ông Sun đã ví các hành động này giống như các chiến thuật được các nhà độc tài sử dụng. “Nó giống với bản chất của những tên cướp”, ông nhận xét.

Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ chưa từng có cho khu vực tư nhân vào năm ngoái, công bố kế hoạch 31 điểm toàn diện. Sau đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đã cân nhắc về luật bảo vệ nền kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, ông Sun tỏ ra hoài nghi, cảnh báo không nên tin tưởng vào ĐCSTQ.

Ông Sun nói: “Tôi đã không tỉnh táo cho đến khi nắm đấm sắt đánh vào người”. “Trước năm 2020, tôi không tin mình sẽ có kết cục như thế này hay ĐCSTQ sẽ tịch thu tài sản của tôi… Tôi luôn nhắc nhở ba đứa con của mình rằng hãy ghi nhớ cuộc bức hại mà cha chúng đã phải chịu đựng”.

Ông cảnh báo: “Việc theo đuổi hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc ngày nay đồng nghĩa với tấm vé một chiều dẫn đến việc phải ngồi tù”.

Để vạch trần chiến dịch bức hại của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân, ông Sun và các doanh nhân Trung Quốc sống lưu vong khác đã đồng sáng lập một hiệp hội liên minh bảo vệ quyền lợi của các doanh nhân Trung Quốc tại Richmond, British Columbia, Canada, vào ngày 2/3. Một trang web, cerpas.org, chuyên ghi lại bằng chứng về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân, cũng đã xuất hiện.

“Chúng tôi muốn làm điều gì đó cho người dân Trung Quốc… Tôi có cảm giác ĐCSTQ sẽ không tồn tại được lâu; chúng tôi muốn làm điều gì đó trong khi vẫn còn có thể”, ông Sun nói, ám chỉ hy vọng của họ trong việc đưa những kẻ vi phạm nhân quyền ra tòa án quốc tế.

Người trong cuộc phơi bày cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh
Hành khách từ chuyến bay CZ319 của China Southern Airlines đến Sân bay Quốc tế Perth ở Perth, Úc, vào ngày 02/02/2020. (Ảnh: Paul Kane / Getty Images)

Người giàu nhất Trung Quốc bị nhắm mục tiêu

Tâm trạng của giới doanh nhân tại Trung Quốc đang rất bất an. Gần đây, một vụ việc liên quan tới người giàu nhất Trung Quốc, ông Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan) đã thu hút được sự chú ý, càng làm nổi bật tình cảnh bấp bênh của giới doanh nghiệp tư nhân tại đất nước này.

Cụ thể, giữa một làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao, ông Chung và công ty nước đóng chai của ông, Nông phu Sơn tuyền (Nongfu Spring), đã bị chỉ trích, phải đối mặt với cáo buộc thiếu lòng yêu nước. Cuộc tấn công dữ dội của đám đông cực đoan trên Internet đã ảnh hưởng đáng kể đến giá trị cổ phiếu của công ty và đe dọa doanh thu trong tương lai.

Người trong cuộc phơi bày cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh
Nước khoáng Nông phu Sơn Tuyền được nhìn thấy tại một siêu thị ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 2/2/2023. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing qua Getty Images)

Nhà sản xuất truyền hình độc lập Li Jun cho biết trong chương trình “Pinnacle View” rằng khi quần chúng tham gia vào cuộc đàn áp người giàu nhất, điều này giống với việc Cách mạng Văn hóa thực sự đã quay trở lại.

“Trước đây chúng ta thường nói rằng Trung Quốc dường như đang tiến tới một cuộc Cách mạng Văn hóa khác, ngày càng trở nên giống Cách mạng Văn hóa. Trường hợp của Nông phu Sơn tuyền cho chúng ta biết rằng nó không chỉ gợi nhớ đến Cách mạng Văn hóa, mà thực tế là một sự tái hiện. Các biểu hiện cơ sở của Cách mạng Văn hóa là sự điên rồ và phi lý tính, với những cáo buộc chính trị vô căn cứ nhắm vào mục tiêu, dẫn đến sự đàn áp không ngừng cho đến khi bạn rơi vào tình thế khốn cùng hoặc thậm chí bị giết”, ông nói.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc buộc tội Nông phu Sơn tuyền về việc các chai của họ có màu trắng với nắp màu đỏ và trắng, giống như lá cờ Nhật Bản khi nhìn từ trên cao xuống, do đó có hàm ý chiều theo Nhật Bản.

Ông Li nói: “Nếu lời buộc tội như vậy có giá trị, tại sao họ không nhắm tới Mao đài (Maotai - loại rượu phổ biến nhất ở Trung Quốc), loại rượu cũng sử dụng nắp đỏ và chai trắng, nếu điều đó được coi là 'chiều lòng Nhật Bản trong nhiều năm'. Ngoài ra, người ta còn cho rằng vì con trai của ông Chung Thiểm Thiểm sống ở Hoa Kỳ nên việc mua đồ uống của họ tương đương với việc ủng hộ Mỹ chống lại Trung Quốc. Những tuyên bố này thiếu bất kỳ cơ sở hay logic nào, tuy nhiên khoản thiệt hại trên thị trường chứng khoán của Nông phu Sơn tuyền lên tới 30 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 4,17 tỷ USD), với doanh số bán hàng giảm mạnh 90% chỉ trong một ngày - một thảm họa đối với bất kỳ công ty nào. Phần tồi tệ nhất là tiền lệ nó đặt ra. Nếu điều này tiếp tục, công ty nào khác có thể trở thành mục tiêu trong tương lai?”

Tranh cãi bắt đầu với những cáo buộc cho rằng ông Chung không tôn trọng người sáng lập Wahaha (một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Nông phu), ông Tông Khánh Hậu, trong đó có cáo buộc ông Chung có thủ đoạn mờ ám. Ông Chung sau đó đã viết một bài báo nói rõ sự tôn trọng của ông đối với ông Tông, điều về cơ bản đã giải quyết được vấn đề.

Người trong cuộc phơi bày cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh
Ông Chung Thiểm Thiểm, chủ tịch nước khoáng Nông phu Sơn Tuyền và một công ty dược phẩm riêng biệt, đang ra hiệu trong bài phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/5/2013. (Ảnh: STR/CNS/AFP qua Getty Images)

Ông Li tiếp tục: “Tuy nhiên, tình hình ngày càng khác thường và leo thang khó lường, dẫn đến suy đoán về sự tham dự đằng sau hậu trường của Wahaha”.

Hai công ty cạnh tranh về cơ bản khác nhau ở chỗ Nông phu Sơn tuyền là một công ty tư nhân thuần túy, trong khi chủ tịch của Wahaha, ông Tông, sở hữu khoảng 20-30% cổ phần của công ty, trong đó chính phủ nắm lượng cổ phần đa số.

“Thật đáng nghi ngờ rằng một công ty bình thường lại có thể có được ảnh hưởng đáng kể như vậy, bao gồm cả việc kiểm duyệt trực tuyến. Mức độ hỗn loạn này chắc chắn cho thấy sự tham gia của các tổ chức hoặc nhân vật chính thức [quan trọng] ở hậu trường”, ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và biên tập viên cấp cao của The Epoch Times, cho biết.

Ông cũng lưu ý rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến các ngành công nghiệp như công nghệ, giáo dục và trò chơi gặp vấn đề, và giờ đây lĩnh vực nước đóng chai đang trở thành mục tiêu.

Giàu có là nguyên nhân thực sự

Ông Hu Liren, một cựu doanh nhân đến từ Thượng Hải hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết trên “Pinnacle View” rằng vụ việc của Nông phu cho thấy rằng giờ đây bạn càng giàu có ở Trung Quốc thì bạn càng có nhiều khả năng trở thành mục tiêu.

"Ông Chung, sở hữu khoảng 80% công ty của mình, có tài sản trị giá hơn 100 tỷ USD cách đây vài năm, dựa trên dữ liệu tôi tìm thấy trên mạng. Sự việc hiện tại không chỉ liên quan đến các xu hướng trực tuyến. Nghĩ mà xem, ngay cả ông Jack Ma, người chưa từng phản bội ai, cũng bị đàn áp. Ông ấy thực tế đã trở thành kẻ lưu vong vì điều này”.

Người trong cuộc phơi bày cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh
Tỷ phú Trung Quốc và người sáng lập Alibaba Jack Ma tham dự một diễn đàn ở Hong Kong vào ngày 02/02/2015. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Hu chỉ ra rằng sự việc bắt đầu tại kỳ họp Lưỡng hội khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc ra sức củng cố niềm tin của doanh nghiệp tư nhân.

“Họ nhiều lần khẳng định rằng ‘Chúng ta cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục hoạt động ổn định, phát triển lớn hơn và mạnh mẽ hơn’. Đó là thời điểm ông Chung trở thành mục tiêu. Chuyện này chắc chắn không phải ngẫu nhiên, và thiết kế sản phẩm cũng không phải nguyên nhân thực sự. Nguyên nhân chủ yếu là ông Chung Thiểm Thiểm quá giàu, đây mới là nguyên nhân thực sự. Tôi tin rằng nhiều cá nhân giàu có khác cũng là mục tiêu của những kẻ ghen tị với họ và rắc rối có thể nảy sinh bất cứ lúc nào”, ông Hu nói.

Bà Quách Quân (Guo Jun), chủ tịch The Epoch Times phiên bản Hong Kong, cũng chia sẻ quan điểm của mình trên “Pinnacle View”, nói rằng việc phân tích sự kiện này liên quan đến hai cấp độ: chính sách chính thức và trả thù cá nhân hoặc đấu đá chính trị.

“ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng chiếm đoạt từ các doanh nhân tư nhân, với hệ tư tưởng của nó cho rằng doanh nghiệp nhà nước là trụ cột và doanh nghiệp tư nhân chỉ là phụ trợ. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp vốn tư nhân bị tịch thu dưới nhiều lý do bề mặt khác nhau. Mô hình Hợp tác Công-Tư (PPP) được giới thiệu vào năm 2014, phục vụ quan hệ đối tác chính phủ-tư nhân, đã không trở nên phổ biến do lợi nhuận thấp và rủi ro cao khi hợp tác với ĐCSTQ, làm nổi bật vị thế bấp bênh của vốn tư nhân ở Trung Quốc”, bà nói.

Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân có câu nói: loại bỏ chúng tôi là lý tưởng của ĐCSTQ, ủng hộ chúng tôi chỉ là một sự thỏa hiệp thực dụng mà họ buộc phải thực hiện.

Theo bà Quách, sự cố của ông Chung có vẻ kỳ lạ, cho thấy ông có thể đã làm phật ý ai đó. Nước đóng chai mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, thậm chí cao hơn cả ngành dầu mỏ, điều có thể đã thu hút sự chú ý không mong muốn.

“Có thể có một số người muốn nắm giữ cổ phần của công ty, hoặc một số người để mắt đến dòng tiền khổng lồ của Nông phu, muốn thực hiện một số hoạt động trên thị trường vốn thông qua công ty này, nhưng đề xuất của họ đã bị ông Chung từ chối”, bà nói.

Bà Quách nhớ lại trước đây từng xảy ra nhiều vụ việc như vậy, chẳng hạn như trường hợp xảy ra với vốn tư nhân đầu tư vào các mỏ than ở miền bắc Trung Quốc. Với sự phát triển kinh tế nhanh chóng vào thời điểm đó và giá than tăng cao, các nhà đầu tư tư nhân đã kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực kinh doanh khai thác mỏ. Điều này khiến chính quyền địa phương ghen tị và họ đã hành động, lấy các lý do như ô nhiễm và an toàn để xua đuổi vốn tư nhân, khiến nhiều người mất đi tài sản.

Bà Quách nói: “Vì danh tiếng của các chủ mỏ than ở Trung Quốc quá kém nên hoàn cảnh không may của họ không gây được nhiều sự cảm thông từ công chúng, nhưng cộng đồng đầu tư tư nhân rất cảnh giác với điều này”. “Hành động của ông Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh là một ví dụ điển hình. Sau khi nhậm chức, ông ấy đã rà soát các doanh nghiệp trước đây và dưới chiêu bài trấn áp các tổ chức mafia, ông ấy đã bắt giữ hàng trăm người và tịch thu tài sản trị giá hơn 200 tỷ CNY (khoảng 27,8 tỷ USD)”.

Bà Quách nói: “Lần này, ai đó đứng sau hậu trường không chỉ có thể thao túng Văn phòng Thông tin Internet mà còn huy động cả nước thực hiện các hành động quy mô lớn, cả trực tuyến và ngoại tuyến. Mức độ phối hợp hành động này cho thấy có sự tham gia của các thực thể quyền lực, có thể cho thấy những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ trong ĐCSTQ”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Người trong cuộc phơi bày cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh