Biến động kinh tế ảnh hưởng ra sao tới người giàu Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Danh sách người giàu Hurun cho thấy rằng mặc dù một số người được hưởng lợi từ một số biến động nhất định, nhưng những tai ương kinh tế của Trung Quốc - và đặc biệt là sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản - đã giáng một đòn mạnh vào nhiều người trong danh sách người giàu Trung Quốc.

Theo thống kê Hurun, nền kinh tế suy yếu, bất ổn trong lĩnh vực bất động sản và bối cảnh thay đổi trong ngành thương mại điện tử đang tác động đến việc làm giàu ở Trung Quốc

Theo Danh sách người giàu Trung Quốc Hurun 2023 công bố hôm thứ 3 (24/10), với 1.241 người sở hữu hơn 5 tỷ CNY (nhân dân tệ) (tương đương 690 triệu USD), giảm 5%, hay 64 người so với 1 năm trước, giảm 15%, hoặc 224 người so với mức đỉnh 2 năm trước đó.

Tổng lượng tài sản giảm 4% xuống còn 3,2 nghìn tỷ USD, nhưng có 522 cá nhân chứng kiến sự giàu có của họ tăng lên, trong đó 115 người là những gương mặt mới. Tuy nhiên, đối với 898 người, mức độ giàu có vẫn không thay đổi hoặc bị giảm đi, trong đó 179 người đã bị loại khỏi danh sách so với năm ngoái.

‘Vua nước đóng chai’ Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), 69 tuổi, đứng đầu Danh sách người giàu Hurun Trung Quốc năm thứ ba liên tiếp với tài sản 62 tỷ USD. Bất chấp những khó khăn kinh tế, tài sản của ông Chung gần như không thay đổi.

Số lượng người giàu trong Danh sách người giàu Hurun Trung Quốc cũng lần thứ 2 giảm hai năm liên tiếp kể từ khi thống kê bắt đầu được ghi nhận vào 25 năm trước, lần trước đó là vào năm 2018 và 2019.

Khi các nhà phát triển bất động sản đang ngập trong nợ nần tiếp tục mất giá, gần 500 cá nhân bị loại khỏi danh sách trong hai năm qua. Ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) của nhà phát triển bất động sản Wanda Group, người từng đứng đầu danh sách Hurun, đã chứng kiến tài sản của mình giảm 7,3 tỷ USD.

Một người từng đứng đầu danh sách khác, ông Hứa Gia Ấn của Evergrande, vẫn có tên trong danh sách, nhưng điều đó chủ yếu là do cổ tức mà công ty đã trả trong những năm trước, mặc dù Evergrande đã phá sản và ông Hứa đã bị chính quyền bắt giữ vào tháng 9.

Theo các bài báo, một số giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của Tập đoàn Evergrande Trung Quốc và các công ty con của nó đã vướng vào một cuộc điều tra của chính phủ về sự sụp đổ của công ty, cũng như một "vụ bê bối" trong đó các ngân hàng bất ngờ thu giữ 13,4 tỷ CNY (2 tỷ USD) trong tiền gửi của công ty con vào cuối năm 2021.

Biến động kinh tế ảnh hưởng ra sao tới người giàu Trung Quốc?
(Ảnh: T. Schneider/Shutterstock)

Cuộc điều tra cho thấy một số công ty con của Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Evergrande đã sử dụng khoản tiền gửi làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng của các công ty bên thứ ba trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8/2021, khiến Evergrande mất đi khoản tiền gửi và 2 tỷ USD thanh khoản. Cuối cùng, nó đã bị đẩy vào tình trạng phá sản.

Khủng hoảng bất động sản là nguyên nhân cho 15% tổng số người bị loại khỏi danh sách, trong khi sự suy thoái của các ngành công nghiệp chiếm 14%.

Các ngành công nghiệp khác bị ảnh hưởng trong năm nay bao gồm năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và pin, cũng như dược phẩm khi các cuộc cải cách chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc ngày càng sâu rộng.

Biến động trong lĩnh vực thương mại điện tử

Tuy nhiên, nền kinh tế chậm lại và các hạn chế nghiêm ngặt về COVID trong năm 2022 ở Trung Quốc đã giúp một số người gia tăng sự giàu có khi nhiều người mua sắm chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử giảm giá như Temu và Pinduoduo.

Chẳng hạn, ông Colin Huang, người sáng lập PDD Holding, đã chứng kiến tài sản của mình tăng thêm 13,8 tỷ USD (59%), điều này phản ánh lĩnh vực thương mại điện tử đang thay đổi như thế nào ở Trung Quốc, nơi niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp sau ba năm sống dưới các hạn chế do COVID, và ở các quốc gia khác, nơi các trang mua sắm như Temu và Shein phát triển mạnh.

Temu là nền tảng chợ trực tuyến thuộc sở hữu của PDD Holdings. Công ty PDD Holdings cũng điều hành Pinduoduo, một trang thương mại trực tuyến lớn ở Trung Quốc cung cấp các sản phẩm giảm giá đáng kể thường được cung cấp trực tiếp từ Trung Quốc cho người tiêu dùng.

Biến động kinh tế ảnh hưởng ra sao tới người giàu Trung Quốc?
Một điện thoại di động hiển thị ứng dụng của nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu ở Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 28/10/2022. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing qua Getty Images)

Mặt khác, Temu là một nền tảng nơi các thương nhân ở Trung Quốc bán sản phẩm và vận chuyển thẳng đến khách hàng mà không cần qua trung gian ở quốc gia đích, do đó giảm chi phí cho người mua.

Mô hình kinh doanh của Pinduoduo nâng cao lợi ích của khách hàng bằng cách sẵn sàng giảm tỷ suất lợi nhuận khi giao hàng và từ phía người bán.

Việc ông Huang ngày càng giàu lên rất đáng chú ý vì vào tháng 4/2019, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đưa Pinduoduo, công ty được mô tả là lớn thứ ba về số lượng người dùng, vào danh sách đen các nền tảng thương mại không ngăn chặn được việc bán hàng giả.

USTR viết trong báo cáo của mình: “Nhiều người mua hàng quan tâm đến giá cả của [trang web] được cho là đã biết về sự gia tăng của các sản phẩm giả trên Pinduoduo.com, nhưng vẫn bị thu hút bởi hàng hóa giá rẻ trên nền tảng này”.

Theo USTR, phần lớn các sản phẩm được cung cấp trên Pinduoduo là sản phẩm “sơn trại" (shanzhai), một thuật ngữ dùng để mô tả các sản phẩm nhái với tên cố tình viết sai chính tả của các thương hiệu lớn. USTR cáo buộc một số sản phẩm trên nền tảng của họ bắt chước sản phẩm của Coca-Cola, Apple và Samsung Electronics.

Tuy nhiên, theo cổng thông tin Trung Quốc Sina, Pinduoduo lập luận rằng mô hình của nó giống với công ty Wish.com của Mỹ và người tiêu dùng của nó là nông dân nghèo Trung Quốc.

Ông hoàng thương mại điện tử Trung Quốc Jack Ma, người sáng lập của Alibaba, công ty hiện đang trong quá trình tái cơ cấu và đang nỗ lực chống lại sự cạnh tranh từ những đối thủ như PDD, đã tụt một bậc từ năm 2022 xuống vị trí thứ 10 và số lượng cổ đông của Alibaba trong danh sách Hurun cũng giảm từ 18 năm ngoái xuống còn 12 trong năm nay.

Ant, Alibaba và Jack Ma đã bị cơ quan quản lý rà soát trong hai năm qua. Ant, công ty vận hành nền tảng thanh toán di động Alipay nổi tiếng, đã buộc phải hủy đợt IPO kép kỷ lục ở Hong Kong và Thượng Hải vào cuối năm 2020. Sau đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo Ant tổ chức lại các phương thức kinh doanh của mình trước khi Bắc Kinh chấn chỉnh các quy định pháp lý chi phối toàn bộ lĩnh vực fintech.

Biến động kinh tế ảnh hưởng ra sao tới người giàu Trung Quốc?
Tỷ phú Trung Quốc và người sáng lập Alibaba Jack Ma tham dự một diễn đàn ở Hong Kong vào ngày 02/02/2015. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

USTR cũng đưa trang Taobao.com của Tập đoàn Alibaba, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, vào danh sách.

Theo danh sách của Hurun, ông Richard Liu, người sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, cũng chứng kiến tài sản của ông và vợ là bà Zhang Zetian giảm mạnh 6,2 tỷ USD kể từ năm ngoái, xuống còn 8,26 tỷ USD.

Cổ phiếu của JD.com đã chạm mức thấp mới vào đầu tháng này khi các ngân hàng hạ thấp kỳ vọng về họ, với lý do chi tiêu tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến.

Bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề

Danh sách Hurun cho biết: “Bất động sản là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm thứ hai liên tiếp, khi các nhà phát triển có gánh nặng nợ nần cao tiếp tục chứng kiến ​​khó khăn thanh khoản”.

​​Thật vậy, ngoài việc ảnh hưởng tới các ông trùm bất động sản như ông Hứa và ông Vương, sự khó khăn của thị trường bất động sản đang ảnh hưởng đến sự giàu có của các nhà phát triển được xếp hạng cũng như khiến chất lượng tín dụng của họ suy yếu, và [chúng] sẽ tiếp tục suy yếu ít nhất trong 12–18 tháng tới, theo ghi chú khách hàng của Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody vào thứ 3 (24/10).

“Chất lượng tín dụng của nhiều nhà phát triển đã suy yếu trong một đến hai năm qua và triển vọng phục hồi không rõ ràng đối với doanh số bán theo hợp đồng sẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn đối với họ trong việc khôi phục hồ sơ tài chính tương xứng với mức xếp hạng của họ trong 12–18 tháng tới”, theo ghi chú của Moody được The Epoch Times truy cập.

Nó nói thêm rằng các nhà phát triển tư nhân sẽ tiếp tục chịu áp lực vì nguồn tài chính hạn chế và khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế.

Vào tháng 9/2023, Moody's đã điều chỉnh triển vọng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc từ ổn định sang tiêu cực, trong bối cảnh lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế chậm, triển vọng thị trường bất động sản yếu cũng như khi xét đến khả năng hoàn thành và bàn giao dự án của các nhà phát triển.

Tổ chức xếp hạng tín dụng cho biết tác động đối với nhu cầu nhà ở từ các chính sách hỗ trợ gần đây sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và dự báo doanh số bán theo hợp đồng trên toàn quốc sẽ giảm trong vòng 6 đến 12 tháng tới.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Biến động kinh tế ảnh hưởng ra sao tới người giàu Trung Quốc?