Những điều cần biết về bệnh não mô cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Não mô cầu có hai dạng điển hình gồm viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng dễ lây qua đường hô hấp và bùng phát thành dịch.

Neisseria meningitidis, thường được gọi là não mô cầu, do Albrecht và Ghon mô tả lần đầu tiên vào năm 1901. Năm 1903, chính hai tác giả này đặt tên cho vi khuẩn là Micrococcus meningitidis.

Năm 1929 Murray đề nghị chuyển chúng sang giống Neisseria. Từ đó cho đến nay, vi khuẩn có tên chính thức là Neisseria meningitidis. Não mô cầu thuộc giống Neisseria, họ Neisseriaceae.

Vi khuẩn não não mô cầu

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, trên toàn thế giới sẽ có khoảng 5 – 10% người có mang vi khuẩn não mô cầu.

Tuy nhiên, đa số vi khuẩn ở trạng thái không hoạt động, tức sẽ không gây bệnh, không có triệu chứng lâm sàng. Nếu hoạt động, vi khuẩn sẽ gây triệu chứng và bệnh, chúng trở nên rất nguy hiểm.

Vi khuẩn não mô cầu được phân thành 12 nhóm huyết thanh gây bệnh, thường gặp 6 nhóm A, B, C, Y, X và W-135.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc viêm màng não mô cầu khoảng 2,3 / 100.000 dân, xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất toàn quốc, theo thống kê được Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế trích dẫn năm 2016.

Bệnh não mô cầu có thể để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt (chiếm từ 10 – 20%), tỷ lệ tử vong từ 8 – 15%.

Ngay cả khi đã trị khỏi, người bệnh vẫn có khả năng chịu các di chứng như tàn tật, điếc, liệt, tổn thương thận, ảnh hưởng não, thiểu năng trí tuệ…

Triệu chứng viêm màng não do não mô cầu

Triệu chứng điển hình của viêm màng não mô cầu thường hay bị nhầm lẫn với cảm lạnh và viêm đường hô hấp.

Nhìn chung, người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ… ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phát hiện sớm.

Vào mùa hè, ca bệnh xuất hiện rải rác và lẫn trong hội chứng viêm màng não mủ.

Bệnh lây qua đường hô hấp bởi các giọt bắn có chứa vi khuẩn khi nói chuyện, ho, hắt hơi…. Sau khi xâm nhập vào mũi họng, vi khuẩn nhân lên nhanh chóng gây viêm mũi họng.

Ai dễ mắc bệnh?

Thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn não mô cầu, trở thành người lành mang trùng hoặc phát bệnh. Tuy nhiên, nhiều người chưa chú trọng phòng bệnh.

Ca bệnh điển hình là nam thanh niên 22 tuổi ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Ngày 3/5, anh phát bệnh với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt (không rõ nhiệt độ), rét run. Đến ngày 5/5, bệnh nhân bị co giật toàn thân, phải cấp cứu và đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam được cấp cứu tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, sốt cao 38,5 độ C có gai rét. Đau đầu nhiều, đau mỏi toàn thân. Buồn nôn và nôn nhiều, ăn vào lại nôn.

Sau thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không buồn nôn; tai trái ù và giảm thính lực nặng, còn đau nặng đầu…

Trong trường hợp nghiêm trọng, vi trùng có thể lan vào máu, đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Những trường hợp cấp tính có thể tử vong nhanh chóng.

Khả năng nhiễm bệnh sẽ tăng lên khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm. Thanh thiếu niên, sinh viên sống ở môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà trọ đông người, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Ở trẻ em, biểu hiện viêm màng não gồm sốt, nôn, đau đầu, sợ ánh sáng. Điển hình còn có ban xuất huyết hoại tử hình sao ở trên da. Nếu tình trạng nặng hơn, trẻ có thể bị nhiễm trùng máu, suy tim, suy đa tạng và tử vong.

Phòng ngừa và điều trị

Nếu sốt nhẹ dưới 38 độ C, cần mặc quần áo thoải mái, bù dịch, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nếu sốt trên 38,5 độ C, sử dụng thuốc hạ sốt chứa paracetamol.

Nếu sốt cao trên 39 độ C và không đáp ứng thuốc hạ sốt, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Vì bệnh có thể gây thành dịch, nên cần thực hiện các biện pháp sau để phòng tránh:

  • Nhà chức trách nên có trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh viêm màng não mô cầu cho người dân, nhất là nơi có bệnh lưu hành.
  • Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Luôn giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn.
  • Trẻ đi học trong lớp có người bị viêm não mô cầu cũng cần chú ý quan sát biểu hiện ở trẻ.
  • Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc với người bệnh, cần đeo khẩu trang.
  • Hạn chế hội họp, tụ tập đông người, hạn chế sự đi lại giữa nơi có dịch với nơi khác.
  • Khi trong gia đình có người nhiễm vi khuẩn não mô cầu cần cách ly ngay với người khỏe mạnh và tốt nhất nên nhờ đến sự hỗ trợ từ cơ quan y tế.
  • Ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe, góp phần ngăn ngừa vi khuẩn não mô cầu lan rộng trong cộng đồng.

Nhật Duy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Những điều cần biết về bệnh não mô cầu