Phương pháp cổ xưa giúp tự chữa lành bệnh bướu cổ mà không cần phẫu thuật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phương pháp điều trị bệnh lý tuyến giáp trong y học cổ truyền là điều chỉnh hệ thống miễn dịch, không cần phẫu thuật và ít khả năng tái phát.

Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết quan trọng chịu trách nhiệm cho chức năng trao đổi chất. Phương pháp điều trị của y học phương Tây đối với các bệnh lý tuyến giáp như bướu cổ thường là phẫu thuật cắt bỏ — một thủ thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ một cơ quan trong cơ thể.

Bác sĩ Yuen Oi-lin, một bác sĩ y học cổ truyền đăng ký hành nghề tại Hồng Kông, đã giải thích rằng phương pháp điều trị bệnh lý tuyến giáp trong y học cổ truyền sẽ bắt đầu bằng việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch và tăng cường khả năng tự phục hồi của cơ thể mà không cần phẫu thuật và ít khả năng tái phát.

Tuyến giáp là một cơ quan có hình cánh bướm nằm ở nền cổ, phía dưới yết hầu. Là một phần của hệ nội tiết, tuyến giáp tiết ra các hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất của mọi cơ quan trong cơ thể, trong đó bao gồm các hệ tim mạch, tiêu hóa và thần kinh, xương, da và buồng trứng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả cảm xúc của con người.

Tình trạng “cường giáp” xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Những người mắc bệnh cường giáp sẽ có biểu hiện nhịp tim nhanh, khó chịu, chu kỳ kinh nguyệt ít hoặc chậm, lo lắng, rụng tóc và sụt cân và có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.

“Nhược giáp” là khi tuyến giáp hoạt động kém, đặc trưng bởi các triệu chứng mệt mỏi, dễ cảm thấy lạnh, khó tập trung, da và tóc khô, kinh nguyệt nhiều, đau khớp và cơ, trầm cảm và có thể gây chậm nhịp tim.

Bướu cổ là một bệnh lý tuyến giáp tương đối phổ biến với biểu hiện tuyến giáp trở to ra. Theo dữ liệu từ Bệnh viện Johns Hopkins, khoảng 5% người Mỹ mắc căn bệnh này. Có nhiều nguyên nhân gây phì đại tuyến giáp như tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động, sự tồn tại của các nốt sần hoặc tình trạng viêm tuyến giáp. Tuyến giáp phì đại thường không phát triển thành ung thư nhưng có thể gây ra các triệu chứng như khó nuốt, ho và khó thở.

Chẩn đoán và điều trị các bệnh tuyến giáp. (Shutterstock)

Y học cổ truyền sẽ điều hòa cơ thể để làm biến mất khối u và lượng dịch tích tụ

Đối với những bệnh nhân có bướu giáp đơn (không độc), y học hiện đại sẽ khuyến cáo nên theo dõi trong một thời gian và không cần điều trị. Nếu tuyến giáp bị phì đại nặng và ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, nuốt thì nên cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp bằng phẫu thuật. Nếu có kèm cường giáp hoặc suy giáp sẽ điều chỉnh chức năng tuyến giáp bằng thuốc.

Bác sĩ Yuen từng điều trị cho một bệnh nhân u giáp lành tính. Bệnh nhân đã được lên kế hoạch phẫu thuật tại một bệnh viện công của Mỹ sáu tháng trước đó. Sau hai đến ba tháng điều trị bằng thuốc y học cổ truyền và châm cứu, khối u của bệnh nhân đã giảm đáng kể. Khi tái khám với bác sĩ gia đình, bác sĩ nói rằng khả năng hồi phục của bệnh nhân này rất tốt đồng thời khuyến khích tiếp tục điều trị bằng y học cổ truyền, hủy bỏ cuộc phẫu thuật. Vài năm sau, triệu chứng bướu cổ của bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu tái phát.

Bác sĩ Yuen cũng điều trị cho một bệnh nhân nữ 60 tuổi bị suy giáp. Bệnh nhân đã được lên lịch phẫu thuật tại một bệnh viện công trong hai năm sau. Lo lắng thời gian chờ đợi lâu sẽ khiến tình trạng nặng hơn, bệnh nhân muốn đến bệnh viện tư để phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Con trai bệnh nhân này là một trong những bệnh nhân của Yuen, đã khuyến khích bà thử điều trị bằng y học cổ truyền. Sau hai đến ba đợt châm cứu và 20-30 đợt điều trị bằng phương pháp ngải cứu (phương pháp điều trị bằng cách đốt ngải cứu khô ở những điểm cụ thể trên cơ thể) kết hợp với thuốc y học cổ truyền và ăn kiêng, kết quả siêu âm cho thấy bướu cổ của bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn.

Bác sĩ Yuen giải thích rằng tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc quá kém kèm theo hệ miễn dịch yếu có thể gây tình trạng tích tụ dịch và kế hoạch điều trị sẽ được xác định tùy theo thể trạng của bệnh nhân. Cơ thể của nữ bệnh nhân 60 tuổi này thiếu khí, nghĩa là năng lượng của cơ thể không đủ để bài tiết lượng nước thừa. Thông qua các thuốc y học cổ truyền và châm cứu để tiếp thêm sinh lực cho khí và thận, đồng thời loại bỏ nước, quá trình điều trị sẽ điều chỉnh năng lượng trong cơ thể về trạng thái cân bằng để chữa bệnh.

Bác sĩ Yuen cho biết: “Nguyên tắc của châm cứu và ngải cứu là kích thích các huyệt đạo để tăng tốc độ trao đổi chất, tăng cường hệ miễn dịch và giúp khối u hoặc chất dịch trong tuyến giáp có thể tự hấp thụ”.

Bác sĩ Yuen đề nghị rằng những bệnh nhân mắc bệnh bướu cổ có thể sử dụng phương pháp điều trị y học cổ truyền trước khi phẫu thuật và nếu may mắn có thể tránh được phương pháp này. Vị bác này cho rằng nếu chỉ cắt bỏ tuyến giáp phì đại mà không chữa lành các vấn đề cơ bản gây ra tình trạng phì đại tuyến giáp thì bệnh sẽ vẫn tồn tại.

Nghiên cứu: Điều trị bằng y học cổ truyền hiệu quả trong 90% trường hợp bướu cổ

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy dùng thuốc y học cổ truyền có thể giúp cải thiện bệnh bướu cổ. Khoảng 34 bệnh nhân bị bướu giáp lan tỏa đa nhân có biểu hiện ứ khí khi chẩn đoán bằng y học cổ truyền—có nghĩa năng lượng trong cơ thể của những bệnh nhân này không lưu thông tốt. Sau khi uống thuốc sắc có chứa hoàng kỳ và mẫu đơn trắng trong sáu tháng, tuyến giáp của 80% bệnh nhân nhỏ lại và tình trạng bệnh của 90% bệnh nhân được cải thiện.

Ngoài bướu giáp đơn, một nghiên cứu của Đại học Baptist Hồng Kông cũng cho thấy gần 90% bệnh nhân được cải thiện sau khi được điều trị bằng thuốc y học cổ truyền trong bệnh lý cường giáp và 13% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Lời khuyên cho chế độ ăn uống hàng ngày và phương pháp tự xoa bóp

Ngoài thuốc và châm cứu, chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày của người bệnh cũng rất quan trọng. Bác sĩ Yuen chỉ ra rằng bệnh nhân cường giáp nên tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu iốt như rong biển, cá và động vật có vỏ, trứng, gan bò, v.v. trong quá trình điều trị.

Bệnh nhân cường giáp dễ bị thiếu kali nên họ cần ăn các thực phẩm giàu kali như đào, chuối, bí mùa đông, đậu, v.v. Nên tránh các thực phẩm chiên, cà phê, trà đặc, ớt cay, v.v. bởi vì những loại thức ăn này sẽ làm tăng thêm quá trình trao đổi chất.

Bác sĩ Yuen đề nghị bệnh nhân nên tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ thư giãn hoặc Thái Cực Quyền, để thúc đẩy quá trình cân bằng năng lượng trong cơ thể.

Bác sĩ Yuen cũng giới thiệu một phương pháp tự chăm sóc sức khỏe được trong y học cổ truyền là “gõ vào đường kinh đởm”. “Kinh đởm” là kênh năng lượng của túi mật, chạy dọc ở đường giữa của đùi ngoài ở cả hai bên đến mặt sau của mắt cá chân ngoài. Thường xuyên “gõ” hoặc đấm dọc theo đường kinh đởm có thể ngăn ngừa bệnh tật, điều hòa quá trình trao đổi chất và giải tỏa cảm xúc.

Đường kinh đởm. Ảnh: Tạp chí Đông Y

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Cô May Cheng là một người làm truyền thông cấp cao, từng là người dẫn chương trình phát thanh cho chương trình D100 Hong Kong "Trapeze". Sinh ra trong một gia đình làm nghề Trung Y, cô đã say mê Trung Y từ khi còn nhỏ và phát triển niềm đam mê lớn với nghề. Cô đã học các khóa học liên quan đến Trung Y và hiện là người dẫn chương trình “100 bác sĩ, 100 phương pháp điều trị".



BÀI CHỌN LỌC

Phương pháp cổ xưa giúp tự chữa lành bệnh bướu cổ mà không cần phẫu thuật