Tuyến giáp tổn hại có thể gây đần độn, lồi mắt hoặc vô sinh… đặc biệt liên quan đến một thói quen phổ biến ở người trẻ tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có biết, tác hại của việc thức khuya thường xuyên sẽ làm hao tổn sức khoẻ của tuyến giáp? Tuyến giáp tổn thương sẽ gây rối loạn nội tiết, từ đó dẫn đến rất nhiều vấn đề nghiêm trọng: nhịp tim thất thường, cảm xúc thay đổi, suy hô hấp, lồi mắt, đần độn hay thậm chí là khả năng sinh sản…

Tuyến giáp nằm trước cổ, bên trên thanh quản và bên dưới khí quản. Nó trông giống như một con bướm, nhưng cũng giống như hai "chiếc khiên". Mặc dù tuyến giáp của một người trưởng thành chỉ nặng 20-30g, nhưng nó là tuyến nội tiết lớn nhất, kiểm soát hoạt động bình thường của các cơ quan và mô khác nhau.

Tuyến giáp luôn tiết ra một "vũ khí" quan trọng - hormone tuyến giáp, là “cỗ máy tăng tốc” cho quá trình trao đổi chất của tế bào. Hormone tuyến giáp làm tăng hiệu quả của các cơ quan trong cơ thể, nhưng tiền đề là nó phải liên kết với thụ thể. Trong cơ thể người, hầu hết các cơ quan như tim, đường tiêu hóa, não bộ đều “cõng” thêm các thụ thể để “thu hút” hormone tuyến giáp đến “hỗ trợ” hoạt động.

Guan Song, bác sĩ trưởng khoa Nội tiết tại Bệnh viện Đông Phương thuộc Đại học Y học Cổ truyền Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, việc thức khuya mỗi ngày đang làm hao tổn “tuổi thọ” của tuyến giáp. Do thức khuya dễ dẫn đến rối loạn nội tiết, có thể khiến chức năng miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, về lâu dài sẽ gây ra các bệnh về tuyến giáp.

Tuyến giáp không tốt sẽ dẫn đến 8 thay đổi trong cơ thể, nồng độ hormone tuyến giáp bất thường, hầu như tất cả các cơ quan trong cơ thể đều sẽ bị ảnh hưởng.

Những thay đổi bất thường trong cơ thể khi tuyến giáp xuất hiện vấn đề

1. Nhịp tim thất thường

Khi mức độ hormone tuyến giáp cao, dây thần kinh giao cảm cơ tim bị kích thích và làm tăng nhịp tim. Nhịp tim nhanh hơn cũng đẩy nhanh quá trình lưu thông máu, mức độ trao đổi chất của toàn bộ cơ thể cũng phải tăng theo, khiến các cơ quan quá tải. Để đảm bảo đủ oxy và dinh dưỡng cho từng cơ quan, tim phải làm việc cật lực hơn so với bình thường.

Suy giáp thì ngược lại, nhịp tim chậm lại và làm giảm tốc độ lưu thông máu, dẫn đến huyết áp thấp và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

2. Cực đoan thần kinh cảm xúc

Ở trạng thái cường giáp, máu và oxy được cung cấp đầy đủ cho não bộ, thần kinh giao cảm hưng phấn quá mức, biểu hiện là nóng nảy, mất ngủ, hiếu động.

Ngược lại, ở trạng thái suy giáp, quá trình trao đổi chất của tế bào não bị chậm lại, thần kinh giao cảm không hưng phấn, biểu hiện chán nản, biếng nhác và ít nói, uể oải...

3. Suy giáp nặng có thể gây suy hô hấp

Hormone tuyến giáp thúc đẩy quá trình khuếch tán oxy trong phế nang. Suy giáp nặng thường dẫn đến suy hô hấp.

Ngoài ra, suy giáp thường đi kèm với phù niêm toàn thân, đặc biệt là ở đường hô hấp trên, nơi thân lưỡi phì đại và gốc lưỡi giãn ra và tụt xuống, gây tắc nghẽn đường thở và cản trở quá trình hô hấp bình thường.

4. Tiêu hóa hoặc tiêu chảy hoặc đầy hơi

Sự vận động của đường tiêu hóa và sự bài tiết của tuyến tiêu hóa có thể được các hormone tuyến giáp “huy động”. Do đó, bệnh nhân cường giáp thường có cảm giác thèm ăn mạnh, nhu động ruột nhanh, phân hủy và hấp thu nhanh, thường bị tiêu chảy.

Đối với bệnh nhân suy giáp, họ có biểu hiện chán ăn, nhu động ruột chậm, chướng bụng, táo bón.

5. Trứng và tinh trùng bị thương

Đối với nữ giới, cường giáp thường kèm theo thiểu kinh hoặc kinh nguyệt kéo dài; còn suy giáp là rối loạn kinh nguyệt, suy hoàng thể, thiểu sản nang trứng, ảnh hưởng đến quá trình thụ thai, thậm chí có thai còn có thể sinh non, sảy thai.

Đối với nam giới, rối loạn tiết hormone tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp androgen và làm giảm khả năng vận động của tinh trùng.

6. Cường giáp ức chế các tế bào miễn dịch

Cường giáp do các bệnh tự miễn, hệ thống máu dễ bị ảnh hưởng.

Tăng hormone tuyến giáp trong máu, sẽ ức chế trực tiếp tủy xương, ảnh hưởng đến việc sản xuất bạch cầu hoặc bạch cầu trung tính. Nó được biểu hiện bằng sự giảm số lượng và suy giảm khả năng miễn dịch, và nó thường thuyên giảm khi tình trạng cường giáp được cải thiện.

Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, một khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh, họ có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng máu, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng.

7. Mắt lồi do cường giáp

Bệnh về mắt do tuyến giáp thường xảy ra ở bệnh nhân cường giáp làm suy giảm chức năng thị giác. Điều này có thể là do sự biểu hiện của kháng nguyên liên quan đến tuyến giáp trong mô liên kết hốc mắt và cơ ngoài nhãn cầu, dẫn đến sự tăng sinh của nguyên bào sợi sau nhãn cầu và làm dày mô, dẫn đến lồi mắt.

8. Suy giáp dẫn đến đần độn

Hormone tuyến giáp rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là sự phát triển của dây thần kinh và xương. Nếu suy giáp xảy ra trong thời thơ ấu, sự phát triển của não và xương sẽ tụt hậu nghiêm trọng so với những người cùng trang lứa, làm dáng vóc thấp bé và chậm phát triển trí tuệ, tức là chứng đần độn.

Những biện pháp để bảo vệ tuyến giáp

“Thủ phạm” gây rối loạn chức năng tuyến giáp không chỉ nằm ở bản thân tuyến giáp, phòng bệnh khó, nhưng cốt lõi là bảo vệ hệ miễn dịch.

1. Tránh làm việc quá sức

Cảm xúc tiêu cực, làm việc quá sức, căng thẳng tinh thần cao độ có thể gây rối loạn chức năng miễn dịch bằng cách làm rối loạn hệ thần kinh và nội tiết, phá hủy khả năng “tương thích” với các kháng nguyên của bản thân, khiến tuyến giáp bị hệ miễn dịch tấn công. Nên chú ý cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc, học cách điều chỉnh tâm trạng.

2. Ăn đủ muối i-ốt

Trừ phi có yêu cầu đặc biệt, người bình thường nên ăn muối i-ốt là hàng ngày, lượng muối mỗi người một ngày không quá 5g.

3. Thường xuyên kiểm tra chức năng tuyến giáp

Sau 35 tuổi, nhất là phụ nữ, tốt nhất nên đi kiểm tra chức năng tuyến giáp và siêu âm màu tuyến giáp 5 năm một lần; phụ nữ có thai phải làm xét nghiệm chức năng tuyến giáp; trước khi mang thai nên sàng lọc hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và các chỉ tiêu liên quan khác.

4. Luôn soi mình trong gương

Đối mặt với gương, hơi ngửa đầu ra sau để lộ cổ; kiểm tra xem hai bên cổ có đối xứng và sưng không; thứ hai, nuốt nước bọt và xác định vị trí của tuyến giáp di chuyển lên xuống theo động tác nuốt; tiếp đó, sờ thử vào tuyến giáp để xem liệu có chỗ phồng, cục u mềm hoặc nốt cứng hay không. Nếu bạn tìm thấy bất kỳ một vấn đề nào, hãy đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, cố gắng tránh kim loại nặng, bức xạ ion hóa, thuốc trừ sâu và các môi trường khác trong cuộc sống; tránh lạm dụng estrogen, cảnh giác với mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe có chứa estrogen; tích cực tập thể dục để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.

(*) Ảnh chủ đề: NIH Image Gallery flickr - CC BY-NC 2.0

Theo Shi Fang - Aboluowang
Nhật Duy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tuyến giáp tổn hại có thể gây đần độn, lồi mắt hoặc vô sinh… đặc biệt liên quan đến một thói quen phổ biến ở người trẻ tuổi