Sri Lanka theo đuổi hợp tác ba bên với Ấn Độ và Nhật Bản nhằm phục hồi kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sri Lanka đang theo đuổi hợp tác ba bên với Ấn Độ và Nhật Bản, và mối quan hệ với Ấn Độ được cho là sẽ giúp Sri Lanka có được sự phục hồi kinh tế bền vững. Trong khi đó, sự đối đầu của Trung Quốc và Ấn Độ dường như đang làm phức tạp thêm tình hình của Sri Lanka.

Sri Lanka đang tìm kiếm hợp tác ba bên với Ấn Độ và Nhật Bản trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, dầu khí, viễn thông và cảng nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của đất nước, Cao ủy Sri Lanka tại Ấn Độ cho biết hôm thứ 2 (17/10).

“Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã thảo luận về hợp tác ba bên với Ấn Độ và Nhật Bản trong chuyến thăm của ông tới Tokyo”, Cao ủy Milinda Moragoda cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Times of India.

Ông đang đề cập đến chuyến thăm của ông Wickremesinghe tới Tokyo vào ngày 28/09, cùng khoảng thời gian ông tham dự lễ tang của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và thảo luận về cơ cấu lại nợ với Thủ tướng Fumio Kishida.

Sri Lanka cũng đang đàm phán với Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất về hợp tác ba bên với Ấn Độ. Ông Moragoda tin rằng mối quan hệ với Ấn Độ có thể giúp Sri Lanka đạt được sự phục hồi kinh tế bền vững.

“Phục hồi bền vững là quan trọng và chúng tôi muốn xem xét những cách chúng tôi có thể kết hợp với nền kinh tế Ấn Độ. Nếu chúng tôi kết hợp với nền kinh tế Ấn Độ sớm hơn, chúng tôi hẳn đã phát triển rất, rất nhanh”, ông nói.

Sri Lanka có 10 tỷ USD nợ song phương vào tháng 8, trong đó 44% là nợ Trung Quốc, theo Bộ tài chính Sri Lanka. Nhật Bản nắm giữ 32% nợ của Sri Lanka, trong khi Ấn Độ nắm giữ 10%.

Những lo ngại về an ninh khu vực

Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ dường như làm phức tạp thêm các vấn đề đối với Sri Lanka. Quốc gia này đã cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm vào năm 2017 để chuyển khoản vay Trung Quốc thành vốn chủ sở hữu. Ấn Độ đã lo ngại rằng cảng này sẽ được sử dụng như một căn cứ quân sự.

Sri Lanka theo đuổi hợp tác ba bên với Ấn Độ và Nhật Bản nhằm phục hồi kinh tế
Các công nhân vẫy cờ của Trung Quốc và Sri Lanka khi tàu nghiên cứu và khảo sát của Trung Quốc, Yuan Wang 5 cập cảng Hambantota vào ngày 16/08/2022. Tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã vào cảng Hambantota phía nam của Sri Lanka vào 16/08 bất chấp những lo ngại từ Ấn Độ và Mỹ. (Ảnh: ISHARA S. KODIKARA / AFP qua Getty Images)

Đầu tháng 8, Sri Lanka đã cho phép một tàu nghiên cứu của Trung Quốc - được truyền thông Ấn Độ mô tả là “tàu do thám” - cập cảng Hambantota để tiếp tế bất chấp sự phản đối về an ninh của Ấn Độ.

Ông Moragoda nói rằng Sri Lanka và Ấn Độ đã thảo luận về các cơ chế để đảm bảo rằng cảng này sẽ không bị nước ngoài sử dụng theo bất kỳ cách nào gây phương hại đến lợi ích của Ấn Độ, điều này phù hợp với thỏa thuận song phương của họ.

“Những lo ngại về an ninh của chúng tôi là hoàn toàn phù hợp với nhau. Nguyên tắc cơ bản là chúng tôi tin rằng một mối đe dọa an ninh đối với Ấn Độ cũng là một mối đe dọa an ninh đối với chúng tôi, và chúng tôi cho rằng Ấn Độ cũng nghĩ như vậy”, ông nói thêm.

Ông Moragoda phủ nhận rằng sự đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ của Sri Lanka với các chủ nợ, vốn là cần thiết để Sri Lanka nhận được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

“Tôi không nghĩ rằng nó [sự đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc] đã ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán nhưng thực tế là chính trị trong khu vực của chúng tôi đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm. Không nghi ngờ gì rằng địa chính trị có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của những gì chúng tôi làm”, ông nói.

Ông Wickremesinghe hôm Chủ nhật (16/10) cho biết Sri Lanka đã bắt đầu các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Quốc gia này đã đạt được thỏa thuận cấp nhân viên của IMF đối với quỹ cứu trợ 2,9 tỷ USD vào đầu tháng 9, trong đó yêu cầu sự đảm bảo tài chính từ các chủ nợ lớn.

Bảo Nguyên

Theo Aldgra Fredly - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sri Lanka theo đuổi hợp tác ba bên với Ấn Độ và Nhật Bản nhằm phục hồi kinh tế