Thiết bị cấy ghép trong cơ thể điều trị chứng Ngưng thở khi ngủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người bệnh, khi cấy thiết bị điều trị chứng ngưng thở khi ngủ trực tiếp vào trong cơ thể thông qua phẫu thuật, sẽ không cần dùng tới máy trợ thở hay mặt nạ oxy nữa. Tuy nhiên, các thiết bị này không hoạt động hoàn hảo cho tất cả mọi người.

Một kích thích thần kinh nhỏ có thể ngăn lưỡi không chèn vào đường thở, giảm nhẹ chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cho một nhóm bệnh nhân, những người đã sử dụng Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) nhưng không đạt hiệu quả.

Đây chính là cơ chế sử dụng công nghệ trợ thở được FDA Hoa Kỳ phê duyệt từ năm 2014, được biết đến dưới cái tên Inspire. Đó là một máy tạo xung điện cấy ghép vào thành ngực, vị trí bên dưới xương đòn. Máy có kèm theo một thiết bị điều khiển từ xa để bật - tắt trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Một số người đã mô tả nó như máy tạo nhịp cho chứng ngưng thở khi ngủ. Theo số liệu của một bài báo đăng trên International Journal of Environmental Research and Public Health, chứng bệnh này làm ảnh hưởng tới 26% người trưởng thành trong độ tuổi từ 30 tới 70.

Một điện cực sẽ kích thích dây thần kinh dưới lưỡi, là dây thần kinh điều khiển hoạt động của lưỡi, khiến nó nằm đúng vị trí khi ngủ. Inspire tự hào rằng thiết bị này có tác dụng với 79% các trường hợp khó thở và đạt được sự hài lòng của 91% người sử dụng.

Tiến sĩ Steven Park, một tác giả và cựu bác sĩ phẫu thuật, nói với The Epoch Times: “Đó là lựa chọn cuối cùng và rất tốt — cho những người đã thử qua những cách khác. Nhưng tôi sẽ không đặt tất cả hy vọng và ước mơ của bạn vào công nghệ này.”

Đây là phương pháp có tính xâm lấn cao hơn so với CPAP, vốn chỉ sử dụng ống dẫn mềm và mặt nạ để duy trì liên tục một áp suất dương cố định trong đường thở, giữ cho đường thở luôn được thông. Nhưng so với một số phương pháp phẫu thuật làm thay đổi đường thở và xoang, thì nó lại ít xâm lấn hơn.

Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một chứng rối loạn hô hấp dạng ngưng thở—trong đó hô hấp bị dừng lại—phần lớn không được chẩn đoán và điều trị. Theo Tạp chí International Environmental Research and Public Health, chứng ngưng thở được định lượng bằng chỉ số ngưng thở - giảm thở (AHI), đo số lần ngưng thở trên mỗi giờ đồng hồ. Chỉ số AHI ở mức 5, với những cơn ngưng thở kéo dài 10 giây hoặc lâu hơn, có thể gây ra giấc ngủ ngắt quãng và giảm lượng oxy trong máu.

Lý tưởng nhất là chỉ tiến hành phẫu thuật khi đã thất bại với tất cả các phương pháp trị liệu khác - khi các bác sĩ bị quá tải công việc còn bệnh nhân thì đang tuyệt vọng tìm kiếm một giấc ngủ ngon. Park, tác giả cuốn sách bán chạy trên Amazon “Giấc ngủ bị gián đoạn”, tiết lộ thực trạng là các bác sĩ phẫu thuật thì khuyên thực hiện phẫu thuật, bác sĩ nội khoa chuyên về giấc ngủ khuyên dùng CPAP, còn nha sĩ lại khuyên dùng các dụng cụ đặt trong khoang miệng.

Những chuyên khoa sâu, thiếu liên kết đó có thể phá hỏng kế hoạch điều trị của bệnh nhân, những người đang bị mất ngủ, đang tuyệt vọng, có xu hướng quyết định vội vã, chấp nhận những liệu pháp chưa chín muồi. Park nói: “Suy cho cùng, thật khó đổ trách nhiệm lên bệnh nhân vì họ có thể bị ngợp trước tất cả những lựa chọn này”.

Vậy mà, các bác sĩ thường không cho bệnh nhân thử các phương pháp ít tốn kém trước. Không phải tất cả các bác sĩ đều nỗ lực giải quyết các vấn đề phát sinh với CPAP cũng như chịu khó theo sát những bệnh nhân mang trên mình một thiết bị Inspire hoạt động không được bình thường. Đây là một chuyên ngành phức tạp với rất nhiều áp lực bên ngoài đè nặng lên bác sĩ và bệnh nhân.

Park, người vừa là bác sĩ về giấc ngủ vừa là bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng trước khi giải nghệ, giải thích: “Nếu bạn làm theo cuốn sách của tôi, trước tiên bạn phải thử mọi lựa chọn phi phẫu thuật trước khi xem xét chấp nhận phẫu thuật, nhưng rõ ràng là rất nhiều người bỏ qua các bước đó, nó tùy thuộc vào TÂM và mức độ kỹ lưỡng của bác sĩ của họ. Các bác sĩ phẫu thuật thường chỉ muốn thực hiện phẫu thuật.”

Hình minh họa vị trí cấy thiết bị trên ngực. (Inspire Medical Systems)

Về việc sử dụng thiết bị Inspire

Dưới những điều kiện thích hợp, Inspire có hiệu quả điều trị, ông Park nói, và cho biết thêm rằng bệnh nhân sẽ được chuẩn bị tốt hơn để chấp nhận thủ thuật nếu kỳ vọng của họ có tính thực tế và họ có được những buổi trao đổi trung thực với bác sĩ của mình.

Theo tiêu chuẩn của Inspire, bệnh nhân phải:

  • Được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn từ trung bình đến nặng, với chỉ số AHI từ 15 trở lên.
  • Đã sử dụng CPAP không đạt được hiệu quả ổn định.
  • Không bị quá béo phì .
  • Phải được kiểm tra đường thở xem có thích hợp với thủ thuật không.
  • Trên 18 tuổi.

Trên thực tế, mặc dù có rất nhiều lời chứng thực thuyết phục, nhưng chỉ cần tìm kiếm nhanh trên internet cũng sẽ cho thấy những bệnh nhân không hài lòng và hối hận vì đã cấy thiết bị này với nhiều lý do.

Jason Sazama, chủ sở hữu của AXG Sleep Diagnostics, có một kênh YouTube tên là “TheLankyLefty27” chuyên cung cấp các giải pháp thiết thực cho chứng ngưng thở khi ngủ. Ông cũng thảo luận về thiết bị Inspire và yêu cầu người xem kênh chia sẻ những câu chuyện của họ. Cho đến nay, ông nói rằng chỉ toàn nghe được những chuyện kinh dị. Hai lời chỉ trích chính là Inspire chỉ tác động giới hạn ở lưỡi và chỉ làm giảm — chứ không loại bỏ — các đợt ngưng thở.

Dữ liệu được cung cấp trong đơn đăng ký với FDA của Inspire báo cáo chỉ số AHI (pdf) đã giảm được 68%. Một nghiên cứu năm 2018, tiến hành trên 508 người, công bố trên European Respiratory Journal (pdf) cho thấy mức trung bình của AHI đã giảm từ 34 xuống 7.

Park cho biết, những kết quả này là có ý nghĩa thống kê nhưng không hoàn hảo, nó minh họa cho sự phức tạp của chứng ngưng thở khi ngủ, thường phải được giải quyết bằng việc kết hợp nhiều liệu pháp.

Năm 2012, ông đã tham gia vào nghiên cứu một thiết bị tương tự cho đối thủ cạnh tranh của Inspire; công ty đó nay đã đóng cửa. Ông cũng tranh luận rằng mặc dù cơ chế hoạt động của thiết bị chỉ nhằm vào sự tắc nghẽn do lưỡi gây ra, nhưng khi lưỡi co lại, vòm miệng cũng mở rộng đáng kể. Bằng cách đó, về mặt lý thuyết, thiết bị cấy ghép có thể giải quyết được nhiều nguyên nhân tắc nghẽn.

Tuy nhiên, có điều phức tạp là nó trở nên kém hiệu quả hơn ở những bệnh nhân thừa cân. Trên thực tế, nghiên cứu năm 2018 cho thấy rằng cứ tăng 1 điểm chỉ số BMI, tỷ lệ thành công của phẫu thuật sẽ giảm 9%. Việc các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cấy ghép thiết bị cho những bệnh nhân không phù hợp cũng sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ không hài lòng.

Hiệu quả và rủi ro của thiết bị Inspire

Inspire hoạt động ra sao cũng còn phụ thuộc vào việc cài đặt. Vị trí phẫu thuật phải lành trước khi bác sĩ khởi động thiết bị rồi cài đặt chế độ điều trị cho từng bệnh nhân.

Thông thường khi có vấn đề, người bệnh phải chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, giải quyết. Trong một số trường hợp, có thể cần tiến hành nội soi hoặc phẫu thuật lần thứ hai để cài đặt lại cấu hình hoặc sửa chữa các sự cố cơ học khác.

Trong đơn đăng ký FDA của mình, Inspire đã lưu ý các tác dụng phụ như khó chịu do kích thích điện, rát lưỡi, khô miệng, các vấn đề về chức năng của thiết bị hoặc điều khiển từ xa, cảm giác đau liên quan thiết bị cấy trong thành ngực.

Bệnh nhân có 1% khả năng bị nhiễm trùng và 11% khả năng mắc các triệu chứng cấp tính như ho, nghẹt thở, nhức đầu và chứng khó nuốt. 75% các sự cố liên quan đến thiết bị sẽ không còn sau 18 tháng theo dõi. Tuy nhiên, bất chấp những biến chứng, tỷ lệ tuân thủ của bệnh nhân vẫn ở mức 85%.

Bệnh nhân nên được biết những vấn đề thực tế liên quan đến thiết bị khi cấy vào cơ thể, như pin phải được thay thế 7 đến 10 năm một lần; các dây điện cực có thể bị đứt hoặc di chuyển vị trí bên trong cơ thể hoặc thậm chí có thể lưu lại vĩnh viễn trong cơ thể ngay cả khi thiết bị đã được tháo ra.

Tất cả những điều trên đều không có sức thuyết phục đối với Sazama, người thừa nhận mình thiên vị CPAP, nhưng cũng nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận nếu bị chứng minh là sai. Sazama nhận tài trợ từ các nhà sản xuất CPAP. Mặc dù phàn nàn công khai về sản phẩm, nhưng ông tin rằng đây vẫn là liệu pháp hiệu quả nhất, không mang theo nguy cơ gây hại cho bệnh nhân.

“Xét về phương pháp điều trị, tôi coi nó (CPAP) như là phương pháp mà tôi sẽ sử dụng cho chính mình hoặc cho cha, mẹ tôi. Với Inspire, câu trả lời chắc chắn là ‘Không’”, ông nói. “Đó là thứ chỉ tập trung vào gốc lưỡi. Đó là phẫu thuật. Bạn có sẹo, có một bộ phận cấy ghép. Ai biết được điều gì có thể xảy ra với bộ phận đó sau này.”

Các vấn đề của CPAP

Không thể phủ nhận rằng lợi thế của Inspire chính là số lượng lớn bệnh nhân dường như không thu được hiệu quả khi sử dụng CPAP. CPAP trước đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng chỉ có tỷ lệ hiệu quả là 34%, đó là theo dữ liệu của hai thập kỷ được trình bày trong một đánh giá năm 2016 đăng trên Tạp chí Journal of Otolaryngology–Head & Neck. Bài báo cũng báo cáo rằng can thiệp hành vi không cải thiện được mức độ tuân thủ.

Sazama không hề nản lòng. Ông quyết tâm giúp người dùng CPAP khắc phục các vấn đề thường gặp khiến họ thu được hiệu quả. Ông tư vấn cho họ, đưa ra lời khuyên trực tuyến miễn phí, và nhấn mạnh rằng hầu hết các vấn đề đều có thể được giải quyết. Máy có thể bị đặt sai áp suất, ống mềm có thể bị rò rỉ và mặt nạ không vừa vặn.

Ngoài ra, máy móc có thể có vấn đề. Sazama cho biết các báo cáo chỉ số AHI (do máy ghi lại) thấp một cách giả tạo không phải là chuyện hiếm. Bệnh nhân có thể chia sẻ với bác sĩ rằng họ cảm thấy khủng khiếp như thế nào sau khi ngủ, nhưng nếu báo cáo cho thấy chỉ số đó ở mức thấp, mối lo ngại của họ có thể sẽ bị gạt đi. “Như thế thật kinh khủng”, ông nói. “Dữ liệu mà những chiếc máy đó ghi lại chứa đầy những kết quả dương tính giả và âm tính giả.”

Một vấn đề khác là Medicare hoàn trả chi phí cho việc đào tạo sử dụng CPAP thấp đến mức gây tốn kém cho các nhà cung cấp dịch vụ. Kết quả là nhiều phòng khám đã ngừng tổ chức các lớp đào tạo. Các khoản bồi hoàn bảo hiểm hiếm khi đủ để trang trải chi phí.

Các giải pháp khác

Mặc dù đó có thể không phải là điều bệnh nhân muốn nghe nhưng nhiều nguyên nhân gốc rễ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ có thể được giải quyết một cách tự nhiên. Vẫn còn có nhiều biện pháp can thiệp truyền thống hơn dành cho những ai muốn phòng ngừa các vấn đề về giấc ngủ.

Park cho biết yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra chứng ngưng thở là béo phì, vốn cũng làm người ta dễ mắc một số bệnh, chẳng hạn như COVID-19, đột quỵ, tiểu đường và bệnh tim mạch. Ông nói, chỉ cần áp dụng những thói quen sống tốt hơn cũng có thể cải thiện giấc ngủ. Điều đó bao gồm ăn nhiều hơn các thực phẩm thô, chưa qua chế biến, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày, ngăn ngừa căng thẳng, hạn chế xem TV trước khi đi ngủ và ngừng ăn vặt sau bữa tối.

Park nói: “Bạn không cần phải tập luyện điên cuồng để giảm cân. Họ đã chứng minh rằng tập thể dục không giúp giảm cân nhiều. Chính những gì bạn ăn là quan trọng nhất. Trước tiên hãy xem xét mọi thứ trong cuộc sống của bạn nếu bạn muốn điều trị chứng ngưng thở khi ngủ một cách hiệu quả”.

Hai phương pháp khác đã được chứng minh là hữu ích đối với chứng ngưng thở khi ngủ là châm cứu, giúp giảm đáng kể AHI và liệu pháp chức năng cơ (myofunctional therapy - MFT). MFT đã được chứng minh là có hiệu quả cải thiện trương lực cơ giúp đường hô hấp trên không bị xẹp trong khi ngủ. Cả hai đều chưa được chú ý đúng mức và có khả năng sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.

“Tôi đề cập đến những lựa chọn này với mọi người. Nó sẵn có ở đó. Nó được xuất bản trong các tài liệu chính thống, nhưng các bác sĩ thường không áp dụng nó cho bệnh nhân của họ”, Park nói.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Amy Denney là phóng viên sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về thông tin các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã giành được một số giải thưởng về điều tra và thông tin sức khỏe. Các mảng đề tài của Amy bao gồm hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và chăm sóc sức khỏe tích hợp.



BÀI CHỌN LỌC

Thiết bị cấy ghép trong cơ thể điều trị chứng Ngưng thở khi ngủ