Vụ cháy Trung Kính: 2 vợ chồng thoát chết gang tấc nhờ kỹ năng cơ bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghẹt thở vì khói luôn là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị bỏng và chết cháy. Khi có hỏa hoạn, con người có rất ít thời gian để phản ứng, suy nghĩ. Do đó, quan trọng là phải bình tĩnh để xử lý các tình huống xảy ra. Kỹ năng thoát nạn giữ một vai trò quyết định tới hiệu quả cứu người.

Vụ cháy ở Trung Kính rạng sáng ngày 24/5 đã khiến 14 người tử vong và nhiều người bị thương. Trong số những người bị thương, một cặp vợ chồng sống sót nhờ áp dụng kiến thức học được và đúc rút kinh nghiệm từ các vụ hoả hoạn trước đó.

Hai vợ chồng thoát chết nhờ kỹ năng cơ bản

Tại Bệnh viện Giao thông Vận tải (Hà Nội), một cặp vợ chồng nằm tại khoa cấp cứu với triệu chứng hô hấp đơn thuần. Cả hai đã ổn định sau khi được cho thở oxy, truyền dịch và thở khí dung.

Anh H. (35 tuổi), cho biết vụ cháy xảy ra khi gia đình đang ngủ. Sau khi nghe thấy tiếng nổ lớn và tri hô của người dân trong khu trọ, anh tỉnh giấc.

Ban đầu, anh H. vội mở cửa để thoát thân, nhưng từ hành lang cửa, anh thấy khói bốc lên dữ dội từ tầng một.

Anh H. cho biết, lửa tràn ra các khu phòng trọ, bén vào cửa sổ nhà nóng khủng khiếp. Anh cố gắng bình tĩnh để trấn an vợ, giúp cô ấy không hoảng loạn.

Ngọn lửa quá lớn, anh H. cho rằng nếu thoát ngoài lúc đó thì cả hai sẽ chết. Sau một lúc đắn đo, anh dắt vợ quay lại phòng, kiếm vải và quần áo thấm nước, quấn thành nhiều lớp để che miệng, mũi và ở trong nhà chờ cứu hộ.

Sau khoảng một tiếng, đội cứu hộ tiếp cận hiện trường. Anh H. và vợ được đưa đi cấp cứu. Vợ anh cũng bị thương nhẹ trong vụ hoả hoạn.

Anh H. cho hay, các kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi có hoả hoạn được anh học cách đây vài năm.

Nạn nhân bị bao vây trong đám cháy

Anh Phan Quốc Việt, đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel cho biết, đội của anh đã nhanh chóng đến hiện trường vụ cháy để hỗ trợ đưa các nạn nhân ra ngoài.

Vào lúc 1 giờ 10 phút, cũng là thời điểm mà đội cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra vụ việc, ngọn lửa đã bao trùm lên căn nhà ba tầng. Điều này cản trở đáng kể đến nhiệm vụ chữa cháy và cứu hộ.

Từ hiện trường thực tế, các nạn nhân gần như bị bao vây hoàn toàn, không có bất kỳ lối thoát nào. Ngôi nhà trọ được xây theo dạng nhà ống ba tầng, mỗi tầng có khoảng 4 phòng trọ. Bên trong ngôi nhà, có rất nhiều vật dụng dễ cháy chồng chất lên nhau, cầu thang rất hẹp, theo đội trưởng đội cứu hộ.

Anh Việt cho rằng hiện trường vụ cháy ở Trung Kính và vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ đều có điểm giống nhau là không có lối thoát cho nạn nhân, khiến nhiều người mắc kẹt và tử vong.

Trong sân của khu nhà trọ có khoảng 20 – 30 chiếc xe máy, xe đạp điện. Những chiếc xe này bén lửa và bùng lên dữ dội.

Đám cháy lan mạnh theo trục dọc từ tầng 1 lên tầng 2 rồi đến tầng 3. Thời điểm này, nhiều khói, khí độc bao trùm toàn bộ tum mái, cầu thang bộ và hành lang các tầng nhà khiến các nạn nhân không thể xuống tầng 1 hoặc lên tầng thượng được.

Đội cứu hộ phải đi qua khu để xe mới vào được nhà trọ, ngọn lửa bén vào các xe đã bịt lối thoát nạn. Khi dập tắt được lửa, những chiếc xe này chỉ còn trơ khung sắt.

Đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel cho biết, các nạn nhân gặp nạn trong vụ cháy có diễn biến tâm lý vô cùng sợ hãi khi phải chịu sức nóng, khói từ lửa.

Làm gì khi mắc kẹt trong đám cháy?

Với hơn 20 kinh nghiệm làm việc tại Hiệp hội Cứu hộ Sydney (Australia) trước khi thành lập tổ chức Survival skills Việt Nam, chuyên gia Tony Coffey chia sẻ 5 bước quan trọng để sống sót nếu mắc kẹt trong một đám cháy.

Bình tĩnh dập lửa nhưng đừng tốn nhiều thời gian

Nếu ngọn lửa nhỏ, cần ngắt cầu dao để ngăn đám cháy bùng phát. Sau đó, dùng bình chữa cháy dập lửa.

Mặc dù vậy, người dân không nên tốn quá nhiều thời gian vào việc dập lửa (bằng bình chữa cháy), vì cả căn phòng có thể bị nhấn chìm hoàn toàn trong lửa chỉ trong hai phút.

Ông Tony cho biết, nếu không thể dập tắt đám cháy sau khoảng 1 - 1,5 phút thì cần tìm cách thoát thân.

Xác định lối thoát hiểm gần nhất

Các lối thoát thường là lối ra cửa chính, cửa sổ, ban công và lối lên trên sân thượng hoặc mái nhà để thoát sang nhà liền kề.

Lối thoát ở chung cư là thang bộ. Khi cháy, hệ thống thoát hiểm sẽ được kích hoạt, hãy di chuyển theo đèn báo hoặc loa. Trong trường hợp không có chỉ dẫn, hãy nhanh chóng định hình vị trí thang thoát hiểm gần nhất và di chuyển đến đó.

Lối thoát nạn an toàn là lối ra không bị khói, bụi, sản phẩm cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy đe doạ tới tính mạng. Các lối thoát nạn phải dễ nhận thấy và đường dẫn tới lối đi phải được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu hướng dẫn.

Tuy nhiên, lối thoát hiểm ở nhiều chung cư thường được chèn sẵn cửa để tiện di chuyển, điều này cho phép khói độc tràn vào, gây nguy hiểm cho việc thoát nạn.

Nếu nhà có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, cần có ô cửa để thoát sang nhà bên cạnh. Nếu không có sẵn, hãy chuẩn bị sẵn búa hoặc rìu để bẻ gãy thanh sắt khi cần thiết.

Không phải lửa, mà là khói

Khói là nguyên nhân chính làm nhiều người chết nhất. Khói rất độc, có thể gây bất tỉnh rất nhanh, trong khi rất lâu sau đó ngọn lửa mới cháy đến. Do đó, khi di chuyển cần cúi khom hoặc bò sát mặt sàn vì khói độc sẽ ở trên cao.

Ông Tony nói, nếu đủ thời gian, hãy dùng khăn, áo, khẩu trang nhúng ướt để che mũi miệng, ngăn độc. Nhưng ngay cả khi đã che bằng khăn ướt thì vẫn phải thoát ra ngoài bằng cách khom người, bò.

Nếu quần áo bị bén lửa, đừng chạy, nằm xuống, che mặt rồi lăn qua lăn lại để dập lửa rồi tiếp tục bò ra ngoài.

Trước khi mở cửa, phải kiểm tra

Khi mở cửa cần đặt tay lên cửa, kiểm tra nhiệt độ. Khi mở hãy tránh mặt, tránh người sang một bên phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không mở và tìm lối khác.

Nếu mắc kẹt?

Đưa cả nhà vào một phòng, đóng kín cửa hướng có khói lửa rồi dùng băng dính dán khe hở.

Cùng lúc đó, thấm ướt khăn, giẻ, thậm chí là quần áo để bịt khe cửa, tưới nước vào cửa, hoặc cả nền nhà.

Di chuyển ra ban công không có khói. Dùng đèn pin, đồ sáng màu phát tín hiệu kêu cứu.

Tuyệt đối không nên nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ, nhà tắm.

Hãy nằm sát sàn trong tư thế chờ đợi giải cứu. Trang bị nhiều khăn ướt bên cạnh và gọi điện thoại cho người bên ngoài nhờ hỗ trợ.

4 không

Khi cháy nhà, không cố tìm vật có giá trị hoặc nguyên nhân cháy; không dùng thang máy; không dùng nước để cố dập đám cháy do điện hoặc dầu gây ra; không quay lại khu vực có đám cháy sau khi thoát thành công.

Hoả hoạn thường xảy ra ban đêm, để mọi việc diễn ra thuận lợi, người dân nên thử nhắm mắt và thực hành trước. Mọi kế hoạch cần làm khi có hoả hoạn cần đảm bảo mọi thành viên trong gia đình đều nắm rõ.

Hơn nữa, ông Tony cho rằng kế hoạch thoát hiểm cũng cần khả thi và lối thoát hiểm có thể sử dụng được, không nên nhốt gia đình mình trong một ngôi nhà không có lối thoát. Tất cả các lối thoát phải có thể mở được, đặc biệt từ bên trong để có thể thoát ra ngoài", chuyên gia nói.

Vào thời điểm quyết định, hãy gọi cho sở cứu hỏa và làm theo những gì họ yêu cầu.

Nhật Duy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vụ cháy Trung Kính: 2 vợ chồng thoát chết gang tấc nhờ kỹ năng cơ bản