Trung Quốc công bố dữ liệu tiêu dùng Tết Nguyên Đán - Chuyên gia nhận định Đại khủng hoảng đang đến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc mới đây đã công bố dữ liệu tiêu dùng của dịp lễ Tết Nguyên Đán. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi rằng thị trường tiêu dùng trong nước đang “nóng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đã chỉ trích tuyên bố trên. Họ chỉ ra rằng nền kinh tế vốn đang xuống dốc của Trung Quốc đang ở trong tình trạng giống với cuộc Đại khủng hoảng (1929–1939) ở Mỹ.

Mới đây, Trung tâm Dữ liệu thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy, Trung Quốc có 474 triệu chuyến du lịch nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán từ ngày 9/2 đến ngày 17/2 và khách du lịch nội địa đã chi tổng cộng 632,68 tỷ nhân dân tệ (khoảng 87,9 tỷ USD) cho đi lại. Doanh số bán hàng của các công ty bán lẻ và cung cấp dịch vụ ăn uống lớn trên cả nước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dựa vào dữ liệu tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ về du lịch, ăn uống, bán lẻ, vận tải và phim ảnh, v.v., các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc ca ngợi rằng nền kinh tế nước này đã có một “khởi đầu tốt” với Tết Nguyên Đán.

Năm 2023, sau khi bị phong tỏa trong 3 năm, kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch “zero-COVID”. Tất cả các lĩnh vực kinh tế đều tụt dốc, điển hình là xuất khẩu sụt giảm, tăng trưởng nhu cầu nội địa ở mức trì trệ, sản xuất và bán hàng giảm mạnh, sự sụp đổ của ngành bất động sản và sự chậm lại của hầu hết các ngành dịch vụ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụp đổ vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay, với các chỉ số đạt mức thấp nhất trong nhiều năm, hàng nghìn cổ phiếu chạm đáy.

Một nhà bình luận tài chính Trung Quốc được biết đến với cái tên “Da Liu Shuoshuo” - có 3,84 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Trung Quốc - đã đăng một video trực tuyến nói rằng, dù tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán đã bật lên, nhưng nó lại phơi bày những đặc điểm của một sự thịnh vượng giả tạo.

“Đằng sau hàng trăm tỷ [nhân dân tệ] tiêu dùng là sự thu hẹp của hàng nghìn tỷ tiêu dùng. Đó là một 'nền kinh tế son môi'”, nhà bình luận nói.

Thuật ngữ “nền kinh tế son môi” hay “hiệu ứng son môi” được dùng để chỉ hiện tượng trong thời kỳ kinh tế xuống dốc, những người tiêu dùng có ngân sách hạn hẹp có xu hướng mua những món đồ xa xỉ ở mức giá mà họ có thể trả được. Nó còn được gọi là “xu hướng ưa chuộng sản phẩm giá rẻ”.

‘Đại khủng hoảng đang đến’

Vào đầu tháng này, phiên bản tiếng Trung của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã xuất bản một bài viết của nhà khoa học chính trị Thượng Hải Jiang Feng (bút danh) với nhan đề “Đại khủng hoảng đang đến: Thời khắc lịch sử của ‘Thượng Hải hóa’”.

Bài báo nhấn mạnh rằng không khí đêm giao thừa rất kỳ lạ. Ông Jiang viết: “Người dân Trung Quốc đang bất lực nhìn cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu”.

Bài báo chỉ ra rằng năm vừa rồi, nhiều doanh nghiệp và nhà máy đã đóng cửa sớm trước kỳ nghỉ lễ hơn so với những năm trước. Theo ông Jiang, mọi ngành công nghiệp đều đang khủng hoảng, và việc “các ông chủ bỏ trốn [không báo trước, không trả lương hoặc nợ]” gần như đã trở thành điều “bình thường mới”.

Trung Quốc công bố dữ liệu tiêu dùng Tết Nguyên Đán - Chuyên gia nhận định Đại khủng hoảng đang đến
Một người phụ nữ đi ngang qua các cửa hàng ở trung tâm mua sắm, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/7/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội, nhiều người Trung Quốc đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng kinh tế lao dốc mà họ đã và đang chứng kiến trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chẳng hạn như việc đóng cửa các cửa hàng và cơ sở kinh doanh, giá bất động sản giảm mạnh, lao động thất nghiệp, và thua lỗ lớn trong giao dịch chứng khoán.

Sau Tết Nguyên Đán, khi trở lại làm việc, nhiều người trên khắp đất nước đăng lên mạng xã hội Trung Quốc rằng các công ty hoặc nhà máy họ làm việc đã đóng cửa vĩnh viễn sau kỳ nghỉ.

Bài báo của VOA chỉ ra rằng, mô hình kinh tế của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ là một nền kinh tế tuần hoàn nội bộ hoạt động trái với các nguyên tắc của thị trường tự do và bị các thế lực chính trị thống trị. Điều này dẫn đến sự xói mòn của cả nền kinh tế Trung Quốc và bối cảnh chính trị của nước này. Bài báo cho rằng hiện tượng này - được đặc trưng bởi những lời hứa hão của các quan chức Trung Quốc - là nguyên nhân sâu xa của một cuộc “Đại khủng hoảng”, và cuộc “Đại khủng hoảng” này là không thể tránh khỏi.

Trung Quốc công bố dữ liệu tiêu dùng Tết Nguyên Đán - Chuyên gia nhận định Đại khủng hoảng đang đến
Một nhà đầu tư nhìn vào màn hình đang hiển thị các diễn biến của thị trường chứng khoán, tại một công ty chứng khoán ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, ngày 8/2/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Người dân mất niềm tin vào tương lai - Lỗi ở ông Tập

Một người Trung Quốc có ảnh hưởng (influencer) trong lĩnh vực tài chính có tên “Magic Blue” mới đây đã viết trong một bài đăng rằng, vấn đề lớn nhất mà người dân Trung Quốc phải đối mặt hiện nay là sự dư thừa vốn ở 3 ngành chính, do cuộc khủng hoảng niềm tin gây ra.

“Đầu tiên là sự dư thừa vốn công nghiệp. Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc dư thừa năng lực sản xuất ở mức đáng kể. Tỷ lệ hoạt động chung của nhiều ngành công nghiệp chỉ vào khoảng dưới 50% hoặc thậm chí là 20%. Nhu cầu không đủ, người dân không có tiền, và sản phẩm sản xuất ra không thể bán được, dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất”, người này cho biết.

“Thứ hai là tình trạng dư thừa vốn tài chính. Nhiều ngân hàng có nhiều tiền gửi vào hơn là các khoản cho vay ra. Doanh nghiệp không đầu tư và người tiêu dùng không mua hàng. Số tiền này không chảy vào nền kinh tế thực mà nằm nhàn rỗi trong hệ thống tài chính. Nếu ngân hàng không thể cho vay mà vẫn phải trả lãi cho người dân thì đây là tình trạng dư thừa vốn tài chính”, Magic Blue nói tiếp.

“Thứ ba là sự dư thừa vốn thương mại. Hiện nay, các con phố tràn ngập các trung tâm mua sắm, hiệu thuốc, khách sạn, và quán trà sữa. Năm 2012 có 420.000 nhà thuốc, đến cuối năm 2022 có 620.000 nhà thuốc; có 4-5 hiệu thuốc trên một con phố”.

Cộng đồng quốc tế cũng nhận thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang khốn đốn với nhiều vấn đề mà giống với các nguyên nhân cơ bản gây ra cuộc Đại khủng hoảng ở Hoa Kỳ, đặc biệt là sự sụt giảm trong hoạt động cho vay ngân hàng và cuộc khủng hoảng niềm tin.

Ông Milton Ezrati - chuyên gia tài chính và cộng tác viên của báo The Epoch Times - viết trong một bài xã luận gần đây trên The Epoch Times rằng: “Ngay cả khi thị trường chứng khoán [Trung Quốc] không sụp đổ, thì hiện tượng mất niềm tin – sự thận trọng trong vay mượn và chi tiêu – là giống với những vấn đề mà Hoa Kỳ đã phải đối mặt trong cuộc Đại khủng hoảng”. “Ở Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm ra những cách khác” để hủy hoại niềm tin, ông viết.

Theo ông Ezrati, đóng góp đầu tiên của ông Tập cho tình trạng lộn xộn ở Trung Quốc hiện nay là một quyết định vào năm 2019–2020; ông Tập đã đột ngột rút lại sự hỗ trợ lâu nay của Bắc Kinh dành cho việc phát triển bất động sản nhà ở. Quyết định đó đã gây ra sự sụp đổ trong lĩnh vực từng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời làm giảm giá trị tài sản - tạo ra những tác động tàn khốc đối với tài sản của các hộ gia đình.

Sai lầm thứ hai của ông Tập là đưa ra một phản ứng mờ nhạt trước sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Từ những vụ sụp đổ đầu tiên của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2021 cho đến chỉ vài tháng trước, Bắc Kinh đã giả vờ rằng vấn đề đó không yêu cầu chính quyền làm gì cả. Do vậy, các vấn đề của lĩnh vực bất động sản và các vấn đề về tài sản của hộ gia đình đã lan rộng khắp hệ thống tài chính Trung Quốc, tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế và làm xói mòn niềm tin.

Chính sách zero-COVID là đóng góp thứ ba của ông Tập vào những tai ương của Trung Quốc. Chính sách đó khiến nền kinh tế Trung Quốc bị đóng cửa và cách ly lâu hơn ít nhất 18 tháng so với phần còn lại của thế giới. Mục tiêu của ông Tập là một mục tiêu bất khả thi: Tiêu diệt virus. Để theo đuổi giấc mơ đó, ông đã kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc, tạo ra cảm giác trong người dân rằng họ không còn có thể trông cậy vào một nguồn thu nhập đều đặn nữa, đồng thời khiến các doanh nghiệp cảm thấy rằng các kế hoạch mở rộng kinh doanh là vô nghĩa.

Nếu điều đó vẫn chưa đủ, ông Tập còn đưa ra những lời lẽ chỉ trích các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong thời gian này, nhấn mạnh rằng các nhà quản lý và chủ sở hữu doanh nghiệp cần từ bỏ việc theo đuổi lợi nhuận để tuân theo đường lối và sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hơn tất cả mọi tác động, kiểu nói chuyện này khiến các chủ doanh nghiệp Trung Quốc trở nên cảnh giác về tương lai và không sẵn lòng tuyển dụng nhân sự mới, đầu tư, hay mở rộng kinh doanh.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc công bố dữ liệu tiêu dùng Tết Nguyên Đán - Chuyên gia nhận định Đại khủng hoảng đang đến