Viêm nhiễm: Vũ khí đặc biệt để cơ thể bảo vệ bạn, nhưng nó cũng có thể rình rập ‘phản chủ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Viêm là một hiện tượng mà hầu như ai cũng từng trải qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất và những nguy cơ tiềm ẩn của nó.

Viêm thực chất là phản ứng "phòng thủ" của cơ thể khi bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài như chấn thương, nhiễm trùng... Nói cách khác, đây là một cơ chế bảo vệ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại.

Một học giả tại Đại học Birmingham ở Anh, người tập trung nghiên cứu về chứng viêm mãn tính từng nói: “Nếu không bị viêm, con người sẽ không thể sống được”.

Viêm là cách cơ thể đang cố gắng bảo vệ sức khoẻ của bạn

Khi bị cảm, cơ thể bạn sẽ sốt, đau họng, nhức mỏi; bị muỗi đốt, da sẽ sưng đỏ, ngứa; tập thể dục bị ngã, bong gân hoặc trật khớp sẽ sưng tấy, nóng rát, đau khi chạm vào... Tất cả những biểu hiện này đều là do viêm.

Đối với cơ thể, bản thân viêm không hề có hại, mà là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch khi hoạt động.

Hãy tưởng tượng cơ thể như một bức tường thành kiên cố. Khi bị tấn công từ bên ngoài, một số viên gạch có thể bị nứt vỡ hoặc thậm chí bị đạn pháo găm vào.

Lúc này, hệ miễn dịch sẽ đóng vai trò như đội quân sửa chữa, nhanh chóng vá lại các vết nứt, xây thêm nhiều lớp tường mới để khiến bức tường trở nên vững chắc hơn. Quá trình này diễn ra với các biểu hiện như sưng, đỏ, nóng, đau, được gọi chung là "viêm cấp tính".

Viêm: Siêu năng lực của cơ thể

Nhiều yếu tố như virus, tổn thương hoặc rối loạn tự miễn có thể gây ra tình trạng viêm cấp tính hoặc mãn tính ở cơ thể.

Cảm cúm, sốt, viêm móng chân... là những ví dụ về viêm cấp tính do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập. Khi hệ miễn dịch hoạt động bình thường, cơ thể sẽ nhanh chóng hồi phục.

Viêm còn có thể được xem như một tín hiệu báo động, cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động hiệu quả. Viêm là một trong những "siêu năng lực" của cơ thể, giúp cô lập tổn thương, loại bỏ tác nhân gây bệnh, phục hồi tổn thương và đẩy nhanh quá trình lành bệnh.

Viêm mãn tính: Nguy cơ tiềm ẩn

Viêm cấp tính ví như một "trận hỏa hoạn". Nếu không tìm ra nguyên nhân và dập tắt kịp thời, cơ thể sẽ chìm trong "lửa" trong thời gian dài, khiến hệ miễn dịch mất cân bằng và dẫn đến viêm mãn tính.

Ví dụ, các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp... là do tình trạng viêm mãn tính xảy ra liên tục trong cơ thể, khiến hệ miễn dịch sản xuất lượng lớn kháng thể, tấn công các mô và tế bào của chính cơ thể, tình trạng này không khác nào “đạn pháo bắn không phân biệt địch ta".

Viêm: Tốt hay xấu phụ thuộc vào loại

Bản thân viêm không có tốt hay xấu. Viêm nhẹ là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang tích cực sửa chữa, nhưng viêm mãn tính có thể báo hiệu những vấn đề tiềm ẩn.

Viêm là một khái niệm rộng với nhiều loại khác nhau. Ngoài hệ miễn dịch, các tế bào ở mọi bộ phận trong cơ thể cũng tham gia vào quá trình viêm.

- Phân loại theo cơ quan liên quan

Thêm từ "viêm" vào sau tên cơ quan bị bệnh thường cho biết vị trí viêm trong cơ thể, ví dụ như viêm phổi, viêm gan, viêm dạ dày ruột.

Trong lâm sàng, người ta cũng sẽ đề cập cụ thể đến vị trí bị ảnh hưởng hoặc tác nhân gây bệnh, ví dụ như viêm cơ tim do virus, viêm phổi do nấm, viêm gan không do rượu.

- Sắp xếp theo thời lượng

Viêm cấp tính: Khởi phát nhanh, diễn ra trong thời gian ngắn (dưới 6 tuần), thường do nhiễm trùng hoặc chấn thương. Ví dụ: cảm lạnh, cúm, bong gân.

Viêm mãn tính: Kéo dài hơn 6 tuần, có thể do nhiều yếu tố như tự miễn dịch, nhiễm trùng dai dẳng, hoặc lối sống không lành mạnh. Ví dụ: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn.

Viêm cấp tính và viêm thông thường là tạm thời và có thể hồi phục. Chúng giúp bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, viêm mãn tính tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Viêm mãn tính có thể kích thích cơ thể trong thời gian dài, làm rối loạn hệ miễn dịch, dẫn đến tổn thương mô, vấn đề tim mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính…

- Phân loại theo nguyên nhân chấn thương

  • Viêm nhiễm trùng: Do vi khuẩn, virus, nấm... xâm nhập vào cơ thể. Ví dụ: viêm phổi, viêm gan, lao phổi.
  • Viêm không do nhiễm trùng: Không do tác nhân sinh học gây ra, bao gồm:
    • Viêm tự miễn: Hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Ví dụ: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp.
    • Viêm dị ứng: Do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch với các chất vô hại. Ví dụ: dị ứng phấn hoa, dị ứng thức ăn.
    • Viêm do tác nhân vật lý: Do chấn thương, bỏng, nhiệt độ cao hoặc thấp... Ví dụ: bong gân, bỏng da, sưng khớp do vận động quá mức.
    • Viêm do tác nhân hóa học: Do tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp... Ví dụ: viêm da tiếp xúc, ngộ độc hóa chất.

Ba việc nên làm để chống viêm nhiễm

Chống viêm thực chất là một lối sống bền vững và lành mạnh. Có hai loại yếu tố gây viêm chính: nội sinh và ngoại sinh, loại trước có cơ chế phức tạp và khó thay đổi, nhưng loại sau có thể ngăn ngừa và điều chỉnh.

Thường xuyên thực hiện 3 việc dưới đây có thể giúp cơ thể chống lại chứng viêm nhiễm một cách hiệu quả.

  1. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi hệ miễn dịch. Cố gắng ngủ trước 23 giờ đêm, ngủ đủ 7-8 tiếng và ngủ trưa khoảng 30 phút.

Tránh ăn hoặc tập thể dục mạnh trong 3-4 tiếng trước khi ngủ. Không sử dụng điện thoại hoặc xem tivi trong 1 tiếng trước khi ngủ để não bộ có thời gian phục hồi sau khi tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình.

  1. Bữa ăn hợp lý

Ăn nhiều thực phẩm giàu thành phần chống viêm, chẳng hạn như diêm mạch, gạo lứt, tam giác mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác; cá và động vật có vỏ giàu axit béo không bão hòa đa; bông cải xanh, súp lơ trắng, cải bắp dại, cải rổ và các loại rau họ cải khác, và trái mọng chẳng hạn như dâu tây, quả việt quất, quả mâm xôi...

Hạn chế thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu và nhiều chất béo, đồng thời giảm ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, nội tạng động vật và ngũ cốc tinh chế.

  1. Tập thể dục

Nghiên cứu cho thấy những người ít vận động, ngồi nhiều và có tỷ lệ mỡ cơ thể cao thường có mức độ viêm nhiễm cao hơn trong cơ thể, dẫn đến rối loạn hệ miễn dịch.

Nên đứng dậy vận động 5 phút sau mỗi 1 tiếng ngồi, tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập cardio như chạy bộ, đi bộ, đạp xe... để giảm mức độ viêm nhiễm.

Lạm dụng kháng sinh và thuốc chống viêm có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc và gây ra nhiều tác dụng phụ. Chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và đảm bảo nguyên nhân gây viêm là do vi khuẩn.

Viêm do vi khuẩn chỉ chiếm một phần nhỏ trong các loại viêm, phần lớn do virus, nấm và phản ứng miễn dịch gây ra. Việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này không hiệu quả.

Khi gặp tình trạng viêm nhẹ hoặc cấp tính, bạn đừng quá lo lắng, đây thường là phản ứng bảo vệ có thể đảo ngược, chỉ cần kiểm soát thân nhiệt, giảm triệu chứng tại chỗ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu tình trạng viêm kéo dài hơn 1 đến 2 tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đến bệnh viện để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Theo Wang He - Aboluowang
Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Viêm nhiễm: Vũ khí đặc biệt để cơ thể bảo vệ bạn, nhưng nó cũng có thể rình rập ‘phản chủ’