Bình luận: Ảo ảnh GDP che đậy thực tế kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tăng trưởng kinh tế chất lượng thấp đang che đậy cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra. Đó là một ảo ảnh cho phép người Mỹ giả vờ rằng mọi thứ đều ổn, ngay tại thời điểm rõ ràng là không phải vậy.

Bài bình luận

Một năm trước, sự đồng thuận phổ biến giữa các nhà phân tích kinh tế và thị trường là Mỹ sẽ bước vào suy thoái vào một thời điểm nào đó trong năm 2023 do lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng. Cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 3 dường như xác nhận rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.

Và sau đó, đột nhiên, không có gì xảy ra. Nền kinh tế Mỹ không những không bị suy thoái mà tốc độ tăng trưởng còn tăng tốc, với tổng sản phẩm quốc nội thực (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) tăng gấp đôi từ mức chỉ hơn 2% trong 2 quý đầu năm 2023 lên 5,2% trong quý thứ III.

Trong lúc đó, người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và lao động cảm thấy bị cô lập trước bất kỳ lợi ích nào đến từ sự tăng trưởng kinh tế được báo cáo này. Theo cuộc thăm dò của Financial Times vào tháng 11/2023, phần lớn (55%) người Mỹ cảm thấy tồi tệ hơn về mặt tài chính. Góc nhìn ở một mức độ nào đó bị ảnh hưởng bởi yếu tố đảng phái. Khoảng 82% đảng viên đảng Cộng hòa nói rằng họ cảm thấy tình hình tài chính của họ tồi tệ hơn, trong khi chỉ có 31% đảng viên đảng Dân chủ thừa nhận họ cảm thấy tồi tệ hơn. Tuy nhiên, gần một nửa (46%) đảng viên đảng Dân chủ nói rằng họ thấy “không có sự thay đổi” đối với tình trạng tài chính của mình dưới cái gọi là Bidenomics [Kinh tế học Biden], chỉ còn lại 1/4 đảng viên đảng Dân chủ tin rằng các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden đã giúp mọi việc tốt hơn đối với họ.

Bỏ qua những khác biệt về chính trị, tại sao nhiều người Mỹ lại cảm thấy tồi tệ hơn trong một nền kinh tế đang phát triển?

Câu trả lời là ví tiền của người Mỹ đang bị thu hẹp nhanh chóng - sức mua của họ đang giảm sút - do lạm phát. Mặc dù đúng là lạm phát được biểu thị bằng Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống mức 3,2% trong tháng 10, giảm từ mức 3,7% trong tháng 8 và tháng 9, nhưng giá ở một số hạng mục quan trọng, đặc biệt là nhà ở và giao thông vận tải, vẫn tiếp tục tăng ở mức tỷ lệ cao một con số (lần lượt là 6,7 và 9,2%) trong tháng 10. Cơ bản hơn, người Mỹ hiện đã phải chịu đựng lạm phát giá cả trong ba năm. Giá có thể đã bắt đầu tăng chậm hơn, nhưng trừ một số trường hợp ngoại lệ, giá vẫn chưa giảm - và chắc chắn chưa giảm xuống mức năm 2020 hoặc các mức trước đó.

Kể từ năm 2020, người Mỹ đã mất gần 20% sức mua. Nói cách khác, thứ từng có giá 1 USD thì bây giờ có giá 1,21 USD. Giá các mặt hàng quan trọng như năng lượng vẫn cao hơn 70% so với ba năm trước. Quả thực, hai thập niên lạm phát “vừa phải” – do cơ sở tiền tệ tăng gấp ba – đã khiến người Mỹ mất đi 45% giá trị đồng USD kể từ đầu thế kỷ này. Với tình trạng chảy máu chậm nhưng đều đặn này, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết người Mỹ đang cảm thấy “thiếu máu" về mặt tài chính.

Bình luận: Ảo ảnh GDP che đậy thực tế kinh tế Mỹ
Một tấm biển hiển thị giá xăng tại trạm xăng Mobil ở Los Angeles, California, Mỹ, vào ngày 5/10/2023. (Ảnh: PATRICK T. FALLON/AFP qua Getty Images)

Một lý do khác có thể khiến hầu hết người Mỹ không tin rằng họ khá giả hơn nằm ở nguồn tạo ra tăng trưởng GDP. Bỏ qua những lời hoa mỹ hùng biện, Kinh tế học Biden chủ yếu là kích thích tài chính — tức là tăng chi tiêu của chính phủ cho các chương trình như Đạo luật Giảm lạm phát, Dự luật Cơ sở hạ tầng (thứ ít liên quan đến cơ sở hạ tầng thực tế) và Đạo luật CHIPS. Hỗ trợ cho mức tăng trưởng GDP 5% là mức tăng chi tiêu của chính phủ liên bang 7,0% và mức tăng chi tiêu quốc phòng 8,2% trong quý thứ III. Chi tiêu tiêu dùng tụt lại ở mức 3,6%.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng của chính phủ Mỹ cho Ukraine và Trung Đông cũng như chi tiêu đặc quyền khổng lồ trong nước có thể góp phần vào tăng trưởng GDP nhưng nó đi cùng một cái giá phải trả. Vào năm 2023, tổn thất bao gồm khoản thâm hụt 1,7 nghìn tỷ USD, được tài trợ bằng khoản nợ mới có lãi suất gần 5%. Với tổng nợ quốc gia lên tới gần 34 nghìn tỷ USD và chi phí nghĩa vụ nợ hàng năm (tức là các khoản thanh toán lãi) hiện ở mức 1 nghìn tỷ USD, nước Mỹ đang chuẩn bị phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của thị trường. Những người mua nợ của Mỹ ngày càng lo lắng về lợi nhuận thực (sau lạm phát) của họ, trong khi nhu cầu về nợ mới của Mỹ đang mở rộng. Khoảng cách cung/cầu này sẽ yêu cầu mức lãi suất danh nghĩa cao hơn và kéo dài hơn ở mức khoảng 5%. Điều này đến lượt nó sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng chi phí lãi vay của chính phủ liên bang Mỹ và tốc độ phát hành thêm hàng nghìn tỷ USD nợ để trả nợ trong những tháng tới.

Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế chất lượng thấp đang che đậy cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra. Đó là một ảo ảnh cho phép người Mỹ giả vờ rằng mọi thứ đều ổn, ngay tại thời điểm rõ ràng là không phải vậy. Ý tưởng rằng nước Mỹ có thể thoát khỏi rắc rối và nợ nần trong khi vẫn tiếp tục thâm hụt hàng nghìn tỷ USD là một điều viển vông. Cần có liều thuốc mạnh hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Michael Wilkerson là một nhà đầu tư, cố vấn chiến lược và là người sáng lập ra Stormwall Advisors và trang web Stormwall.com. Cuốn sách mới nhất của ông là "Tại sao nước Mỹ lại quan trọng: Trường hợp cho một chủ nghĩa ngoại lệ mới" (2022).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Ảo ảnh GDP che đậy thực tế kinh tế Mỹ