Mỹ: Kinh tế quý 3 tăng trưởng 4,9%, nhưng nỗi lo suy thoái vẫn còn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi xét đến nhiều dự báo tiêu cực trong năm qua, số liệu GDP mới nhất của Mỹ có thể khiến các nhà quan sát phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn giữ cái nhìn ảm đạm về tương lai kinh tế Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý III (sau khi điều chỉnh theo lạm phát), vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế là 4,3%, theo ước tính đầu tiên từ Cục Phân tích Kinh tế. Con số này tăng so với mức tăng trưởng quý II là 2,1%.

Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2014 nếu không tính tới những năm xảy ra đại dịch Covid. Nó cũng cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng GDP tốt hơn mong đợi được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng thực, tăng 4% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Người tiêu dùng đóng góp 2,69% vào con số GDP cuối cùng.

Chi tiêu của chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương cũng thúc đẩy chỉ số GDP tăng mạnh. Chi tiêu liên bang tăng 6,2%, chi tiêu quốc phòng tăng 8%, chi tiêu tiểu bang và địa phương tăng 3,7%. Nhìn chung, chi tiêu của chính phủ từ cả ba cấp chính quyền đã đóng góp gần 1% vào tốc độ tăng trưởng.

Dữ liệu còn cho thấy rằng sự tăng tốc của GDP thực phản ánh mức tăng trong đầu tư hàng tồn kho tư nhân, sự tăng vọt trong xuất khẩu và sự gia tăng đầu tư cố định vào khu nhà ở.

Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng lên 2,9%, tăng từ mức 2,5%. PCE lõi, loại bỏ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, giảm xuống mức 2,4%, điều tốt hơn mong đợi. Con số này giảm so với PCE lõi của quý trước là 3,7%.

Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng tăng nhưng thu nhập cá nhân thực sau thuế vẫn giảm 1% trong quý III, thấp hơn so với mức tăng 3,5% trong quý trước. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng giảm từ 5,2% xuống 3,8%. Cả hai số liệu đều chỉ ra rằng người tiêu dùng có thể đã tiếp tục khai thác các công cụ tín dụng và khoản tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch của họ để chi trả cho việc tiêu dùng.

Đi kèm với tổng sản phẩm quốc nội ngày 26/10 là hai báo cáo của Cục điều tra dân số: đơn hàng lâu bền và cán cân thương mại.

Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền đã tăng 4,7% trong tháng 9.

Thâm hụt thương mại đã tăng lên 85,78 tỷ USD vào tháng trước, theo ước tính trước của Cục điều tra dân số.

Lợi suất trái phiếu kho bạc chủ yếu giảm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn giảm gần 3 điểm cơ bản xuống khoảng 4,925%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 2,5 điểm cơ bản xuống dưới 5,1% và trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm hơn 2 điểm cơ bản xuống dưới 5,07%.

Chỉ số Đô la Mỹ, thước đo của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng 0,2% và nhích lên mức 107,00.

Mỹ: Kinh tế quý III tăng trưởng 4,9%, nhưng nỗi lo suy thoái vẫn còn đó
Người dân đi bộ bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 5/9/2023 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Kết quả tốt đến ngạc nhiên

Khi xét đến nhiều dự báo tiêu cực trong năm qua, số liệu GDP mới nhất có thể khiến các nhà quan sát phải ngạc nhiên.

Kết quả tốt hơn mong đợi của nền kinh tế toàn cầu đã khiến Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, chỉ trích các ngân hàng trung ương vì “sai lầm hoàn toàn 100%” trong 18 tháng qua, đồng thời kêu gọi “sự khiêm tốn trong dự báo tài chính”.

Ông Dimon nói: “Việc các ngân hàng trung ương và chính phủ có thể xử lý tất cả những vấn đề này tạo ra một loại cảm giác về quyền lực vô hạn - Tôi rất thận trọng”, ông Dimon nói và thừa nhận rằng ông cũng tin vào những dự đoán tiêu cực.

Mùa xuân vừa qua, ông Dimon đã cảnh báo về một “cơn bão” sẽ giáng xuống nền kinh tế toàn cầu. Những nhận xét này đã khuếch đại nỗi lo suy thoái kinh tế vốn đã ảnh hưởng đến đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và các dự báo khác từ các ngân hàng và nhà kinh tế hàng đầu.

Goldman Sachs gần đây đã cắt giảm khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ xuống còn 15% trong bối cảnh sự lạc quan về kinh tế ngày càng tăng, thấp hơn nhiều so với cuộc khảo sát hàng quý của The Wall Street Journal đối với các nhà kinh tế, vốn đưa ra xác suất trung bình là 50%.

Suy thoái kinh tế được định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm. Nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kỹ thuật vào nửa đầu năm 2022 nhưng sau đó đã phục hồi với tốc độ tăng trưởng ổn định hàng quý.

Theo Khảo sát thị trường vốn cổ phần hai năm một lần của Goldman Sachs, các nhà đầu tư có quan điểm khác nhau. 46% cho rằng triển vọng suy thoái trong năm nay và quý đầu tiên của năm 2024 là không chắc chắn. Đồng thời, 41% số người được hỏi đang lên kế hoạch cho hạ cánh mềm, một giai đoạn tăng trưởng kinh tế Goldilocks (ở mức vừa phải, không quá nóng hay quá lạnh), thị trường lao động mạnh mẽ và việc lạm phát biến mất.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã từ bỏ dự báo suy thoái vào mùa hè vừa qua sau khi các nhà kinh tế dự đoán sẽ có một đợt suy thoái vào cuối năm do hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng 3. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần khẳng định rằng nền kinh tế cần đạt được mức tăng trưởng thấp dưới xu hướng để loại bỏ mối đe dọa lạm phát.

Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng lờ đi vô số những trở ngại trong bối cảnh kinh tế.

Chờ đợi một cuộc suy thoái

Hướng tới quý IV và năm 2024, một nhóm các nhà kinh tế và những ông lớn ở Phố Wall tiếp tục duy trì cái nhìn ảm đạm.

Bởi vì chính sách tiền tệ hoạt động có độ trễ và cần có thời gian để tạo ra tác động trong nền kinh tế, ông Ben Kirby, đồng giám đốc đầu tư tại Thornburg Investment Management, cho biết lãi suất cao hơn sẽ “tiếp tục làm mọi thứ chậm lại”.

​​Ông Kirby viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Phải mất một thời gian để chính sách tiền tệ thắt chặt hơn tạo ra tác động lên nền kinh tế”. “Nếu bạn nhìn vào khả năng mua nhà, nó đang ở mức thấp nhất trong 40 năm, một điều khá đặc biệt. Ngày nay thật khó để mua một căn nhà vì giá cả đã tăng cao và chi phí lãi vay cũng tăng lên rất nhiều. Chi phí hàng tháng để mua một chiếc ô tô mới tăng lên tới 30 đến 40%, do đó số lượng ô tô được bán đang chậm lại đáng kể. Đó chỉ là một ví dụ về cách lãi suất cao hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn để tác động đến nền kinh tế, nhưng cuối cùng, chúng sẽ tiếp tục làm mọi thứ chậm lại”.

Mỹ: Kinh tế quý III tăng trưởng 4,9%, nhưng nỗi lo suy thoái vẫn còn đó
(Ảnh: Andy Dean Photography/Shutterstock)

Ông Jeff Klingelhofer, đồng giám đốc đầu tư tại Thornburg, tiếp tục “rao giảng sự thận trọng”.

Ông nói: “Bước vào năm nay, chúng tôi chắc chắn đã mong đợi một môi trường kinh tế chậm hơn nhiều và tốc độ tăng trưởng thấp hơn”. “Các tín hiệu nhấp nháy màu đỏ như đường cong lợi suất đã đảo ngược mạnh như thế nào trong năm qua hoặc PMI duy trì dưới mức 50 trong 10 tháng nay đều không dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại như chúng tôi đã dự đoán, vì vậy tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục nhìn về tương lai".

Ông Bill Gross, cựu CIO của Pacific Investment Management và người được gọi là Vua trái phiếu, đã viết trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra vào cuối năm 2023.

Ông nói: “Thảm hoạ của các ngân hàng khu vực và sự gia tăng gần đây về số lượng ô tô quá hạn thanh toán lên mức cao lịch sử trong dài hạn cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại đáng kể”.

Ông tuyên bố: “Suy thoái trong quý IV”.

Ngoài ra, nhiều chỉ báo suy thoái hàng đầu vẫn đang nhấp nháy màu đỏ.

Đường cong lợi suất 2 và 10 năm đã bị đảo ngược trong 16 tháng, với mức chênh lệch âm 13 điểm cơ bản. Chênh lệch lãi suất ưu đãi kỳ hạn 3 tháng và 10 năm ưa thích của Fed là âm 64 điểm cơ bản.

Chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của Conference Board, một tín hiệu suy thoái khác, đã giảm 0,7% trong tháng 9. Chỉ số này đã giảm 3,4% trong 6 tháng từ tháng 3 tới tháng 9.

Bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cấp cao về các chỉ số chu kỳ kinh doanh tại The Conference Board, cho biết: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng sáu tháng của LEI có phần bớt tiêu cực hơn và tín hiệu suy thoái không vang lên nhưng nó vẫn báo hiệu nguy cơ suy yếu kinh tế phía trước”. “Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đã cho thấy sự vững chắc đáng kể bất chấp áp lực từ lãi suất tăng và lạm phát cao. Tuy nhiên, Conference Board dự báo xu hướng này sẽ không duy trì lâu hơn nữa và một cuộc suy thoái nhẹ có thể xảy ra trong nửa đầu năm 2024”.

Có thể còn quá sớm để đánh giá, nhưng những dự báo ban đầu cho quý IV không báo hiệu một cuộc suy thoái. New York Fed Staff Nowcast dự báo mức tăng trưởng là 2,27%.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Kinh tế quý 3 tăng trưởng 4,9%, nhưng nỗi lo suy thoái vẫn còn